Kim Kwang Hyok và Ko Jong Nam |
(Le Figaro 20/11/2012)
Xã hội tư bản ở
phía Nam vĩ tuyến 38 là một xã hội « thối nát, bất công và tham nhũng ». Những giọt lệ tức tưởi chảy dài trên
đôi má trắng như sứ của Ko Jong Nam, khi cô thốt ra những lời này trước những
chiếc máy thu hình của đài truyền hình nhà nước Bắc Triều Tiên. Bên cạnh cô,
đứa bé nằm trong chiếc xe nôi ngự trị trên bục như một tang chứng, trong khi
chồng cô, mặc bộ com-lê màu sẫm, gào lên bày tỏ sự phẫn nộ trước chủ nghĩa tư
bản.
Cặp vợ chồng trẻ này là loại vũ khí tuyên truyền mới bằng
xương bằng thịt của nhà độc tài Kim Jong Un. Tân lãnh tụ kiên quyết muốn chấm
dứt dòng người đào thoát ra khỏi nước, đe dọa đế quốc chuyên chế của mình.
Cũng giống như hàng ngàn người Bắc Triều Tiên khác, họ đã
lén lút đi trốn cái đói nghèo ở đất nước, để tìm cơ hội tại một Hàn Quốc thịnh
vượng, bằng cách băng qua đất Trung Quốc. Đến Hàn Quốc lần lượt vào năm 2008 và
2009, hai người đã đem lòng yêu nhau nơi miền đất hứa và kết hôn, sinh ra một
bé trai.
Nhưng giấc mơ bỗng chốc biến thành ác mộng. Bị cho là đã bị
các gián điệp Hàn Quốc « lừa
gạt » và « có nguy cơ bị
sát hại », cặp vợ chồng trẻ bỗng nhiên xuất hiện tại Bình Nhưỡng trong
tháng này.
Một nông dân BTT ở vùng giáp ranh TQ |
Kiểm thảo kiểu Stalin
Chuyến quay lại phiền phức trên được đánh dấu bằng một cuộc
họp báo theo kiểu các cuộc kiểm thảo thời Stalin, đã làm cho Seoul sững sờ. Về
mặt chính thức, đây là trường hợp thứ ba kể từ khi người thừa kế của Kim Jong
Il lên ngôi vào tháng Chạp năm ngoái.
Bắc Triều Tiên khẳng định những người quay về miền Bắc là
hoàn toàn tự nguyện, nhưng trên thực tế, theo một tổ chức phi chính phủ ở
Seoul, đó là kết quả của các vụ làm áp lực và săng-ta do cơ quan tình báo của
chế độ Bình Nhưỡng tổ chức. Seo Jae Pyeong, tổng thư ký của Committee for the
Democratization of North Korea khẳng định : « Chỉ có điên mới quay trở lại với móng vuốt của độc tài !
Thực ra Ko Jong Nam và chồng bị rơi vào một cái bẫy của chế độ giăng ra ».
Một người thân của hai vợ chồng tiết lộ với Le Figaro, hồi tháng Bảy, người mẹ trẻ
đã bị các nhân viên tình báo Bắc Triều Tiên bắt giữ tại Trung Quốc, khi cô sang
thăm đứa con đầu lòng. Dưới sự đe dọa của các gián điệp đã thâm nhập vào mạng
lưới đưa người ra nước ngoài, có sự hỗ trợ của tình báo Trung Quốc, cô vợ trẻ
qua điện thoại đã thuyết phục anh chồng cùng sang, lấy cớ là cô bị bệnh lao.
Đầu tháng Tám, chiếc bẫy đã khép lại với Kim Kwang Hyok, 28
tuổi. Anh đã tự nộp mình cho lũ sói khi đến Trung Quốc để giúp vợ. Bình Nhưỡng
tóm lấy con mồi, và việc dàn cảnh bắt đầu : hai vợ chồng được đưa trở về
miền Bắc ngày 12/9, trở thành chiến lợi phẩm để tuyên truyền.
Trước khi bị chuyển đi, chàng thanh niên chỉ kịp gọi điện
thoại báo cho người mẹ đang ở Daegu, Hàn Quốc. Từ đó, bà mẹ trở nên câm lặng,
vì sợ làm trầm trọng thêm tình trạng của con trai. Lee Young Sok, phụ trách
Hana Center ở Daegu, đã từng giúp đỡ cặp vợ chồng hội nhập vào xã hội Hàn Quốc
khẳng định : « Chuyến đi vội vã
của họ làm cho chúng tôi bị sốc. Không thể nào có chuyện họ tự ý ra đi ».
Ca sĩ Pak Jong Suk |
Thẳng tay truy bức
Nhờ cú đòn bậc thầy này, chế độ muốn làm thối chí những
người muốn ra đi, mà số lượng đã tăng cao từ một thập kỷ qua, đe dọa sự thống
trị chuyên chế. Seo giải thích : « Số
lượng các gia đình có một thành viên tị nạn ở phương Nam cứ tăng lên, họ nhận
được tiền và cả thông tin, làm cho Kim Jong Un lo sợ ».
Từ khi lên nắm quyền, lãnh tụ trẻ tuổi đã thành công trong
việc truy quét không thương tiếc những người trốn chạy, bằng cách đóng chặt
biên giới và cài người vào các mạng lưới tổ chức vượt biên. Năm 2012, số người
tị nạn đến được Seoul đã giảm mất phân nửa.
Việc buộc những người đào thoát phải quay lại nằm trong
chiến lược tiếp tục cô lập dân chúng với thế giới bên ngoài, che giấu thất bại
kinh tế. Hồi tháng Sáu, guồng máy tuyên truyền cũng đã trưng ra một chiến lợi
phẩm khác : Pak Jong Suk, một ca sĩ ngôi sao, tái xuất hiện ở Bình Nhưỡng
để hát những bài ca ngợi họ nhà Kim, sau khi đã làm lại cuộc đời ở Hàn Quốc.
Phía sau sự quay ngoắt này là một sự thật cay đắng. Người mẹ
66 tuổi đã bị làm săng-ta trên tương lai của con trai, nghệ sĩ vĩ cầm ở Bình
Nhưỡng. Theo Seo, thì « Bà ấy đã
nhận được những lá thư cầu khẩn hãy hy sinh cho con bằng cách về nước ».
Bị mặc cảm có tội dằn vặt, bà Pak đã bỏ lại vĩnh viễn căn hộ
tiện nghi ở Seoul để trở về « vương quốc của chủ thuyết Juché ». Từ
đó đến nay, bà liên tục tham gia các hội nghị để mô tả cho các cán bộ của chế
độ « sự khốn cùng » của
cuộc sống dưới chủ nghĩa tư bản.
Mời đọc thêm: Bắc Triều Tiên, 9 năm để thoát khỏi địa ngục
Tháng Chạp năm 1997: Cái chết ở tuổi mười một
Chương 1: Viết, như một chứng nhân
Chương 2: Tôi từng là học sinh ngoan
Chương 3: Ở vương quốc họ Kim
Mời đọc thêm: Bắc Triều Tiên, 9 năm để thoát khỏi địa ngục
Tháng Chạp năm 1997: Cái chết ở tuổi mười một
Chương 1: Viết, như một chứng nhân
Chương 2: Tôi từng là học sinh ngoan
Chương 3: Ở vương quốc họ Kim
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.