mercredi 21 novembre 2012

Đảng cánh hữu Pháp UMP bị chia rẽ trầm trọng

Bài đăng : Thứ tư 21 Tháng Mười Một 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 21 Tháng Mười Một 2012 
Sự kiện nước Pháp bị mất điểm tín nhiệm AAA quý báu là đề tài được các báo Pháp chú ý nhất hôm nay. Bên cạnh đó là sự chia rẽ trầm trọng của cánh hữu, sau chiến thắng khít khao của ông Jean-François Copé trước ông François Fillon, giành chức chủ tịch đảng UMP.

Về việc cơ quan thẩm định tài chính thứ hai là Moody’s hạ điểm tín nhiệm của Pháp từ AAA còn AA1, hầu như các báo đều cho rằng, nếu chính phủ của ông François Hollande không đưa ra kế hoạch tăng tính cạnh tranh mới đây, thì sẽ còn tệ hại hơn. Tựa của Le Monde trên trang nhất : « 3A : Nước Pháp lại bị mất tín nhiệm ». Nhật báo kinh tế Les Echos nhận định : « Cải cách : Nước Pháp bị theo dõi chặt chẽ ».

Tờ báo cánh hữu Le Figaro cho rằng « Việc mất AAA buộc ông Hollande phải cải cách ». Hướng về tương lai, nhật báo công giáo La Croix phân tích: « Các chìa khóa cho sự quay lại của điểm tín nhiệm AAA ». Tờ báo cộng sản L’Humanité nhìn sang một châu Âu đang phải thắt lưng buộc bụng, với tựa đề : «Châu Âu : Mặt trận của những chiếc bụng rỗng». 

Copé thắng, nhưng đảng UMP thì rạn vỡ

Trang nhất nhật báo cánh tả Libération chạy tựa « UMP, sự rạn vỡ đạo đức », trên cái nền lá cờ Pháp và dòng chữ UMP bị đứt làm đôi, với nhận xét : « Thất bại, ông François Fillon đã có lời lẽ rất cứng rắn về quan điểm chính trị của Jean-François Copé, tân chủ tịch của một đảng mà giờ đây dễ đổ vỡ và hữu khuynh ». 

Ở trang trong, bài phân tích của Libération nhận định « UMP : Những khó khăn lớn nhất còn ở phía trước ». Chiến thắng của ông Copé và thành công của nhóm « Cánh hữu mạnh » cho thấy sự rạn vỡ hiển nhiên trong một đảng mà nay không còn chút gì của một liên minh cánh trung với cánh hữu theo khuynh hướng De Gaulle, do những người sáng lập đã hình dung ra.

Cựu Thủ tướng François Fillon đã đưa ra lời chẩn đoán đáng báo động về tình trạng của đảng UMP. Ông nói : « Sự rạn nứt này vừa về chính trị vừa về đạo đức ». Theo Libération, thì việc cánh hữu bị chia cắt làm đôi đã được công khai nhìn nhận.

Bị thua với vỏn vẹn 98 phiếu, ông Fillon quyết định không kiện tụng vì theo ông, thủ tục quá lâu và các cơ quan phân xử đều dưới sự kiểm soát của tân chủ tịch. Tuy vậy những người ủng hộ ông vẫn gởi một lá thư dài 5 trang cho Cocoe, cơ quan chịu trách nhiệm về kết quả kiểm phiếu, trong đó nêu ra những chi tiết cụ thể về những trường hợp « bất hợp lệ » ghi nhận được ở các phòng phiếu tại 15 vùng.

Báo Le Monde trong bài viết « UMP tan thành mảnh vụn sau chiến thắng của ông Copé », cho rằng ông Jean-François Copé đã thắng, nhưng đảng của ông thì bị xâu xé. Chưa bao giờ, từ khi thành lập năm 2002 đến nay, đảng UMP lại yếu đi như thế, bị chia tách thành hai khuynh hướng chính trị khác biệt. Đối với tân chủ tịch đảng Copé, thì một bên là « đối lập tích cực » và bên kia là « cánh hữu nhu nhược ». Còn đối với cựu Thủ tướng Fillon, đó là sự chọn lựa giữa một đối lập chừng mực và hữu khuynh đầy rủi ro.

Còn theo nhật báo cánh hữu Le Figaro, thì ông Copé đang đối mặt với thử thách đoàn kết. Vừa được bầu lên, ông đã phát ra những tín hiệu « tập hợp » những người không cùng phe phái, để tránh việc những ủng hộ viên ông Fillon bỏ UMP chạy sang cánh trung hay cực hữu. Tương tự, nhật báo công giáo La Croix cho rằng ông Copé phải rất nỗ lực để đoàn kết lại một đảng đã bị chia cắt làm đôi.

Libération nhận định, cánh tả không thể vui mừng trước sự chia rẽ trên của cánh hữu. Đó là vì sự chuyển hướng sang phía cực đoan hơn, cùng với nguy cơ tan rã của UMP sẽ dẫn đến các cuộc chạm trán mạnh mẽ, không phải trên các chủ đề kinh tế quan trọng, mà về các điệp khúc như vấn đề nhập cư hay an ninh. Nếu không muốn phe cực hữu thủ lợi, thì cánh hữu cần phải tránh được thứ « thuốc độc » này.

Mỹ - Trung trên đường đua lôi kéo châu Á vào khối tự do mậu dịch

« Châu Á đưa ra kế hoạch thị trường chung lớn nhất thế giới », đó là tựa đề bài viết trên phụ trang kinh tế của nhật báo Le Figaro. Tờ báo nhấn mạnh, nếu thành công thì thị trường này sẽ tập hợp 16 nước, với trên 3 tỉ người và tổng sản phẩm nội địa trên 20.000 tỉ đô la.

Chương trình « đối tác kinh tế hội nhập khu vực » này hướng đến một khu vực tự do mậu dịch giữa 10 nước ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand. Song song đó, ngay từ đầu năm tới, Nhật -Trung - Hàn sẽ khởi đầu thương lượng hiệp định tự do thương mại riêng giữa ba nước, có trị giá trao đổi gần 515 tỉ đô la, nhanh chóng hơn là một hiệp định toàn khu vực. Theo một viên chức ngoại giao Trung Quốc, thì sự kiện trên sẽ thúc đẩy tiến tới mở rộng ra khu vực.

Nhưng theo Le Figaro, thì việc này không dễ dàng đối với châu Á, vì các nước trong khu vực có quy mô và trình độ phát triển khác hẳn nhau. Ngân hàng Phát triển Á châu đã cảnh báo, thay vì dựa trên xuất khẩu, cần phải « đa dạng hóa các nguồn phát triển », và quay sang « nền kinh tế xanh và kinh tế tri thức ».

Bên cạnh đó là các căng thẳng chính trị đang tăng lên giữa Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc xung quanh các hòn đảo tranh chấp. Đa số đảo không có người ở, nhưng đáy biển có thể có các mỏ dầu khí quan trọng.

Đối với Trung Quốc, việc đề ra các hiệp định tự do mậu dịch này cũng là một chiến thắng. Đó là vì Bắc Kinh sẽ là người cầm chịch cho việc mở rộng biên giới kinh tế châu Á, với hy vọng áp đặt được việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong khu vực, thử nghiệm để trở thành ngoại tệ chuyển đổi được trong tương lai.

Le Figaro nhận định, như thế bỗng chốc Trung Quốc bước được một bước dài trước đối thủ Hoa Kỳ, hiện đang gặp khó khăn khi muốn cản bớt ảnh hưởng của Bắc Kinh. Bản thân Tổng thống Barack Obama đang hiện diện tại Phnom Penh, cũng cố xúc tiến một thỏa thuận cạnh tranh là « Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương », trong đó ngoài Mỹ còn có Úc, Malaysia, Singapore, Chili, New Zealand. Ông hy vọng Thái Lan sẽ gia nhập nhân hội nghị thượng đỉnh ASEAN và Đông Á.

Thông báo kết thúc hội nghị của ASEAN có đề cập đến việc thương lượng theo hướng « hội nhập kinh tế khu vực », nhưng chỉ có thế. Canada, Mehico và Nhật Bản được Washington khuyến khích gia nhập nhưng còn chưa vội trả lời. Và lần này, theo Le Figaro, thì Nhật Bản đã chọn lựa hợp tác với Trung Quốc.

Trung Quốc lợi dụng luật chống độc quyền để ngáng chân Nhật ?

Cũng liên quan đến châu Á, nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến việc « Bắc Kinh bị nghi ngờ là đã chơi xấu các tập đoàn Nhật ». Tờ báo cho biết, việc kế hoạch mua lại, sáp nhập các đơn vị khác của các công ty Nhật đã bị Trung Quốc trì hoãn thủ tục, và các công ty Đài Loan đang lo ngại sẽ là mục tiêu sắp tới.

Les Echos nêu ra trường hợp hai tập đoàn công nghiệp nặng của Nhật là JFE Holdings và IHI Corp. từ đầu năm 2012 đã loan báo việc sáp nhập hoạt động đóng tàu để có thể cạnh tranh với Hàn Quốc. Nhưng nay việc sáp nhập đã bị hoãn lại đến lần thứ ba để chờ sự đồng ý của…cơ quan về cạnh tranh của Trung Quốc.

Rất nhiều tập đoàn Nhật không thể hoàn tất được việc mua lại, sáp nhập vì Bắc Kinh chưa chịu ra quyết định. Tập đoàn Marubeni luôn chờ đợi được giải trình với Bộ Thương mại Trung Quốc về dự án mua lại công ty trung gian ngũ cốc Gavillon của Mỹ. Tương tự, dự án của tập đoàn quảng cáo Nhật Dentsu mua lại công ty Anh Aegis, tuy đã được 7/8 cơ quan nhà nước về cạnh tranh thông qua, nhất là Mỹ, Nga, Anh, nhưng chỉ có mình Trung Quốc là kéo dài việc « nghiên cứu ».

Tờ báo đặt câu hỏi, liệu có phải Bắc Kinh sử dụng loại vũ khí về thủ tục này vì không hài lòng trước việc Nhật quốc hữu hóa các đảo ở Senkaku/Điếu Ngư ?

Từ khi đạo luật chống độc quyền bắt đầu có hiệu lực vào năm 2008, chính quyền Bắc Kinh thường xuyên viện đến để xem xét tác động trên thị trường nội địa của việc các tập đoàn đa quốc gia sáp nhập với nhau, bẩt kể quốc tịch nào. Một chuyên gia nhận định : « Tiến trình không minh bạch này thường từ động cơ chính trị ».Theo luật sư Franz Hepp de Sevelinges thuộc văn phòng luật Gide ở Bắc Kinh, thì « những hồ sơ bị kéo dài quá lâu sẽ khiến các công ty muốn mua bỏ cuộc ». 

Một chuyên gia cho biết : « Nhiều tập đoàn Đài Loan đóng tại Trung Quốc đang lo ngại sẽ là nạn nhân sắp tới ». Les Echos cho rằng, vào lúc mà đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc đang giảm xuống, sự thu hút của Bắc Kinh sẽ bị việc chính trị hóa các hồ sơ trên đây làm ảnh hưởng.

Toa-lét vẫn còn xa xỉ đối với hai tỉ rưỡi người

Trên lãnh vực xã hội, Le Monde có bài báo mang tựa đề « Toa-lét vẫn còn là thứ xa xỉ đối với hai tỉ rưỡi người trên thế giới ». Cho dù đây là ưu tiên của Liên Hiệp Quốc, nhưng vẫn không đủ khả năng tài chính để giúp các nước nghèo có được một hệ thống toa-lét hợp vệ sinh.

Le Monde cho biết, ngày càng có nhiều các tổ chức phi chính phủ tham gia Ngày thế giới về nhà vệ sinh, 19 tháng 11 hàng năm. Hiện nay có đến hai tỉ rưỡi người không có toa-lét hợp vệ sinh, phải sử dụng loại hố đào sơ sài. Một tỉ mốt người khác không có chọn lựa nào ngoài những cánh đồng, bên bờ sông, trong rừng, ngoài bãi trống hay dùng các túi ni-lông ; theo như điều tra chung của Unicef và Tổ chức Y tế Thế giới (OMS).

Hậu quả là biết bao thời gian để làm việc và học hành bị mất đi, và bên cạnh đó là nhiều vấn đề từ an toàn, môi trường cho đến sức khỏe. Dịch tả, thương hàn…và nhiều loại bệnh khác trực tiếp liên quan đến, trong đó dịch tiêu chảy sát hại 2,2 triệu người mỗi năm, chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi sống tại các nước nghèo.

Theo OMS, cần đầu tư 148 tỉ euro mỗi năm từ nay đến 2015 để đạt được các mục tiêu của thiên niên kỷ. Nhưng hiện nay chỉ mới có 6,1 tỉ euro được các cơ quan phát triển chi ra cho lãnh vực này.

tags: Pháp - Điểm báo
http://www.viet.rfi.fr/phap/20121121-dang-canh-huu-phap-ump-bi-chia-re-tram-trong 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.