lundi 26 novembre 2012

Truy quét người Bắc Triều Tiên muốn vượt biên tại biên giới Trung-Triều

Một lính gác BTT từ bên kia sông Áp Lục, ranh giới giữa Sinuiju và Đan Đông.

(Le Figaro 22/12/2012) Nỗi sợ hãi ngự trị trên dòng sông Đồ Môn. Từ khi lên nắm quyền, lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong Un đã đặt ra mục tiêu chặn đứng dòng người Bắc Triều Tiên tị nạn, lén lút băng qua con sông biên giới để đi tìm một tương lai tốt đẹp hơn tại Trung Quốc – đường trung chuyển duy nhất để đến được Hàn Quốc.

Bình Nhưỡng và Bắc Kinh cùng phối hợp tiến hành công cuộc truy lùng chưa từng có từ trước đến nay, để phá vỡ các đường dây của những tổ chức phi chính phủ và những trung gian tổ chức vượt biên giúp người Bắc Triều Tiên đào thoát. Tại những tỉnh biên giới Trung Quốc, các mạng lưới bí mật thường do các nhà truyền giáo Hàn Quốc hỗ trợ, đã phải chịu thiệt hại nặng nề từ đầu năm, buộc họ phải giảm thiểu tối đa các hoạt động.


Sự ra tay cứng rắn này đã mang lại kết quả, vì số người đào thoát được đến Hàn Quốc đã giảm xuống 43% trong 5 tháng đầu năm nay.

« Tình hình đang trở nên hiểm nghèo. Mục tiêu của người Trung Quốc là tiêu diệt lần lượt từng tổ chức một » - một nhà hoạt động Cơ Đốc giáo giấu tên giải thích. Người này đã phải sơ tán cấp tốc sáu thành viên trong đường dây sang Hàn Quốc hồi tháng trước, để tránh một cú tung lưới của công an, và từ đó đến nay đã phải sống ẩn mình tại Hàn Quốc. Ông cho biết thêm : « Trung Quốc được của các nhân viên tình báo Bắc Triều Tiên trà trộn trong số những người tị nạn tiếp tay ».

Tại Đan Đông, nơi có hàng đàn an ninh chìm Bắc Triều Tiên, chủ đề trên là cấm kỵ, và các mạng lưới đưa người vượt biên ngại tiếp xúc với những người phương Tây vì sợ bị phát hiện. Hồi tháng Hai, công an Trung Quốc đã bắt giữ khoảng ba chục « người nhập cư » và gởi trở lại Bắc Triều Tiên, tại đó họ bị nhốt vào các trại cải tạo, mặc cho Washington và Seoul phản đối.

Song song với nỗ lực của phía Trung Quốc, Kim Jong Un đã tăng cường kiểm tra biên giới bằng cách ra lệnh trừng phạt « cả ba thế hệ » gia đình những người toan đào thoát. Cheong Seong Chang, thuộc Sejong Institut giải thích : « Đó là một hồ sơ ưu tiên của Kim Jong Un, ông ta cho thay thế lính biên phòng hàng tháng để tránh việc nhận hối lộ ».

Kể từ nay, vượt qua biên giới là một hành động vô cùng nguy hiểm, và giá cả do những người tổ chức vượt biên hiếm hoi đưa ra tăng vọt. Siyeon, tị nạn tại Seoul từ năm 2007 và đang định đưa cha mẹ vẫn còn sống ở bên kia bờ sông Đồ Môn cùng sang, ngậm ngùi cho biết : « Giá đã tăng lên gấp mười lần ! ».

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.