dimanche 18 novembre 2012

Đông Nam Á thận trọng trước lời lên án « diệt chủng » ở Miến Điện

Bài đăng : Chủ nhật 18 Tháng Mười Một 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 18 Tháng Mười Một 2012 
Các quốc gia Đông Nam Á hôm nay 18/11/2012 tỏ ra thận trọng trước lời tố cáo « diệt chủng » đối với người thiểu số du cư Rohingya ở Miến Điện, do tổ chức các quốc gia Hồi giáo đưa ra hôm qua.

Bạo động giữa người Rakhine theo đạo Phật và người Rohingya theo đạo Hồi tại bang Rakhine, đã làm cho ít nhất 180 người chết từ tháng 6/2011 và trên 110.000 người phải di tản, hầu hết là người Hồi giáo.

Hôm qua, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OCI) đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc « cứu vãn » người Rohingya khỏi nạn « diệt chủng ». Tuy nhiên ông Surin Pitsuwan, Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong đó Miến Điện là thành viên, không muốn sử dụng từ ngữ này.


Ông Surin nói với AFP trước khi khai mạc hội nghị thượng đỉnh các nước trong khu vực ở Phnom Penh : « Tôi sẽ đề cập đến xu hướng bạo động sắc tộc đáng lo ngại, có thể làm mất ổn định khu vực. Tôi nghĩ rằng tuyên bố của OCI phản ánh sự phẫn nộ (…) của 57 nước Hồi giáo».

Indonesia, thành viên của cả ASEAN và OCI cũng tỏ ra thận trọng. Ngoại trưởng Marty Natalegawa nhận định, « diệt chủng » là một từ rất đặc biệt. Indonesia không quan tâm đến từ ngữ, nhưng quan ngại về tình trạng bạo động và mong muốn tình hình sẽ nhanh chóng được giải quyết.

Những người ủng hộ của cả hai phe đều lên án nhau là diệt chủng, nhưng các tổ chức nhân quyền không muốn sử dụng bừa bãi từ này.

Theo Benjamin Zawacki, thuộc Tổ chức quốc tế về quyền phát triển (IDLO), đa số người Rohingya sống ở các địa điểm hẻo lánh, « không thể nói chắc 100% là không có nạn diệt chủng, nhưng điều này cũng khó thể xảy ra. Bạo động có thể nhằm đuổi người Rohingya đi nơi khác, chứ không phải để hủy diệt họ ». Ông Surin Pitsuwan thì kêu gọi các nước ASEAN tham gia về mặt nhân đạo để làm giảm nhẹ áp lực và nỗi đau đối với người Rohingya.

Khoảng 800.000 người Rohingya sống tại bang Rakhine không được tập đoàn quân sự trước đây cho nhập tịch, và bị đa số người Miến Điện coi là người nhập cư bất hợp pháp từ nước láng giềng Bangladesh. Liên Hiệp Quốc xem họ là một trong những tộc người thiểu số bị áp bức nhất trên thế giới.

Về vấn đề quốc tịch, ông Surin không muốn can thiệp vào chính sách nội bộ của người Miến Điện, theo như chủ trương của ASEAN. Ông bày tỏ : « Tôi hiểu sự nhạy cảm và phức tạp của vấn đề. Khó thể tưởng tượng làm thế nào đưa 800.000 người định cư ở một nước thứ ba, trong khi việc này có thể giải quyết thông qua một tiến trình nội bộ theo luật pháp ».

tags: ASEAN - Châu Á - Miến Điện - Theo dòng thời sự

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.