(Le Monde18/04/2012) Chúng ta đã biết đến chính sách
ngoại giao pháo hạm mà phương Tây đã sử dụng tại châu Á thời xưa, và nay thì
đến phiên các đặc sứ trong chiếc áo cà sa. Năm nhà sư đã rời (đất liền) Việt
Nam để đến quần đảo Trường Sa tại Biển Đông. Một phương cách trong số những
phương cách khác của Hà Nội – nhưng lần này thông qua tín ngưỡng - nhằm khẳng
định chủ quyền hợp pháp tại quần đảo gồm hàng trăm đảo nhỏ, hiện đang là một điểm
nóng về quân sự và ngoại giao.
Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên toàn bộ khu vực này của
Thái Bình Dương, và chiếm giữ bảy trong số các đảo của quần đảo Trường Sa. Còn
Việt Nam thì đóng chốt trên khoảng hai chục đảo, và đã khẳng định chủ quyền ở
Trường Sa từ khi chấm dứt chế độ đô hộ của thực dân Pháp. Năm 1988, Trung Quốc
đã không ngần ngại tấn công vào một hòn đảo đang do quân đội Việt Nam kiểm
soát, sát hại 64 chiến sĩ.
Quần đảo này và vùng biển bao quanh cũng được Malaysia, Đài
Loan, Brunei và Philippines đòi hỏi chủ quyền. Tất cả đều dòm ngó đến khoảng
không gian 500 km2 trên đây, trong đó diện tích đất không vượt quá 5 km2, nhưng
có thể giàu nguồn lợi dầu khí. Ngoài hai kẻ cựu thù Trung – Việt, tất cả những
nước này, trừ vương quốc Brunei nhỏ bé, đều có sự hiện diện quân sự ở các cấp
độ khác nhau tại đảo này hay đảo khác ở Trường Sa.
« Chúng tôi nghĩ
rằng sẽ lưu lại Trường Sa trong khoảng sáu tháng ». Đại đức Thích Giác Nghĩa, trên
chuyến tàu đưa các nhà sư ra đảo, đã cho AFP biết như trên. Mục tiêu của ông là
« nâng cao mức sống tinh thần »
của cư dân trên quần đảo. Số dân này chỉ có một nhúm nhỏ : đa số là bộ
đội, và một số ngư dân, nông dân đang cố bám trụ tại một mảnh đất thuộc loại
khắc nghiệt nhất.
Sức mạnh đang lên về kinh tế và quân sự của Trung Quốc đã
gây ra căng thẳng ngày càng cao tại vùng nhiệt đới xa xôi này. Việt Nam và
Philippines thường xuyên tố cáo « sự
khiêu khích » luôn được Trung Quốc tái diễn, tại khu vực mà người
khổng lồ này muốn xâm lấn…Và các tranh chấp xung quanh Trường Sa chỉ khiến cho
Mỹ càng muốn quay lại với Đông Á.
Hôm thứ Ba 17/4, chính quyền Philippines đã công bố bản
thông cáo công kích lại Bắc Kinh, phản đối việc « quấy nhiễu của các tàu và máy bay Trung Quốc », mà một
chiếc tàu khảo cổ của Manila đang hoạt động cách bờ tây đảo Luzon 230 km đã
phải chịu đựng. Theo thông cáo trên, các sự cố này nằm trong bối cảnh « sự xâm nhập liên tục và các hoạt động
bất hợp pháp do Trung Quốc tiến hành trong vùng lãnh hải của chúng tôi ».
Ngày 10/4, hải quân Philippines đã gởi chiếc khu trục hạm
lớn nhất đến, định bắt giữ các ngư dân Trung Quốc bất hợp pháp, nhưng lại bị
các chiến hạm mang lá cờ đỏ cản trở. Trong một bối cảnh như thế, và khi mà ngày
thứ Hai 16/4 đã bắt đầu diễn ra các cuộc tập trận Hoa Kỳ - Philipppines tại
Biển Đông, có vẻ như phía Việt Nam đã sáng suốt và căn cơ, khi muốn nâng cao
tinh thần cho đội ngũ của mình.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.