lundi 9 avril 2012

« BẮC TRIỀU TIÊN, 9 NĂM ĐỂ THOÁT KHỎI ĐỊA NGỤC » - Chương 2 : Tôi từng là học sinh ngoan


Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc mình sẽ biến mất khỏi cõi đời này nhanh chóng như thế. Vào mùa đông năm 1997 đó, tuổi thơ đã hoàn toàn lìa bỏ tôi, mà tôi không nhận ra. Trong nhiều năm trời, tôi đã là một cô bé khá hạnh phúc. Tôi không thiếu thốn gì cho đến năm lên chín.
***
Eundeok, thành phố quê hương tôi nằm ở vùng cao phía đông bắc của đất nước đầy núi non, cách dòng sông Đồ Môn chưa đầy 15 km. Dòng sông này là đường biên ngăn cách với Trung Quốc và Nga. Ở phía bên kia, chạy xe chừng một giờ là đến biển. 

Vào mùa đông, trời lạnh như cắt thịt, tuyết đọng suốt nhiều tuần lễ dưới bầu trời xanh mênh mông. Đôi khi để đến trường, tôi phải vượt qua tấm khăn trải bàn trắng muốt ngập lên đến ngực ấy. Ngược lại, trời luôn nóng và ẩm vào dịp sinh nhật tôi lúc giữa mùa hè. Đó cũng là ngày kỷ niệm được giải phóng khỏi quân Nhật chiếm đóng năm 1945, một ngày lễ lớn. 

Cho dù có nhiều nhà máy bao quanh, nhưng thành phố quê tôi không lớn lắm : chỉ cần một tiếng đồng hồ là đã đi được một vòng thành phố. Ở đằng xa, có thể nhận ra được vài bóng cây trên dãy núi ở xa nhất, nhưng những ngọn đồi gần đó gần như đều là đồi trọc, vì cây rừng đã bị đốn để làm củi sưởi. 

Trước khi đến được những tòa nhà đầu tiên, người ta đi qua nhiều vùng mỏ đã trở nên nổi tiếng, từ khi các nhà lãnh đạo ở Bình Nhưỡng bị thất sủng được gởi đến đây để trừng phạt. Quân đội có nhiều doanh trại, cơ sở gần đó, cũng như mọi nơi trên khắp cả nước, vì chúng tôi thường xuyên lo sợ bị Mỹ và đồng minh là Hàn Quốc xâm lăng. 

Những lần leo lên núi để tìm nấm, tôi nhận ra những nòng súng đại bác được ngụy trang ít nhiều, và đằng xa là trại lính mà chúng tôi cố tránh đi qua vì lính tráng ở đây vốn nhiều tai tiếng. Họ thường dùng quyền hành của mình để trộm đạo của dân nghèo. Chẳng hạn khi một toán lính đi qua mặt một người đàn ông đang hút thuốc, họ có thể đòi người này cho họ cả gói thuốc. Còn nếu từ chối thì hãy coi chừng !

Một dòng sông chảy ngang qua trung tâm thành phố Eundeok, có một chiếc cầu lớn bắc qua sông. Đôi khi tôi cũng tắm ở đó. Nhà tôi ở cách con sông chỉ có mười phút đi bộ. Những tòa chung cư lớn nhất thành phố được xây bằng xi-măng màu xám, với những balcon sơn trắng hay hồng, cao tối đa năm tầng. Ở đây quảng cáo không hề hiện diện. Những bức tường hoặc để trần, hoặc đầy những câu khẩu hiệu vinh danh lãnh tụ Kim Jong Il của chúng tôi. Tòa nhà tôi ở chỉ có ba tầng, những bức tường đều bị nứt nẻ. Những người hàng xóm bảo, chung cư này trước sau gì cũng sập.

***
Dù vậy, vào đầu thập niên 90 tôi cảm thấy khá hạnh phúc. Không có gì vui bằng gặp lại ba tôi sau giờ học. Đôi khi ba dẫn tôi đi xem phim,  nếu ba có được mấy tấm vé nhờ mối quan hệ ở chỗ làm. 

Ba tôi làm công nhân xưởng sản xuất vũ khí « 20 tháng Giêng » - tên này được đặt để kỷ niệm ngày Chủ tịch Kim Il Sung, người sáng lập chế độ, đến thăm. Tại Bắc Triều Tiên, đa số các cơ sở nhà nước đều mang cái tên ghi dấu ngày được một nhà lãnh tụ đến thăm viếng. Một thói quen kỳ lạ bộc lộ tệ tôn sùng cá nhân, vẫn được các lãnh đạo duy trì, nhưng sau này tôi mới hiểu được.

Mỗi lần như thế, ba hẹn tôi trước rạp xi-nê vào cuối buổi học ban chiều. Tôi đến đó một mình, như người lớn vậy. Nhưng có một tấm vé trong túi chưa đủ : khó nhất là tìm cho được một chỗ ngồi, vì người ta chen lấn nhau để vào phòng chiếu phim. Thế là ba nhấc bổng tôi lên, để tôi ngồi trên vai ông, rồi chen vào đám đông. Những giây phút đó làm tôi thích mê ! Chúng tôi xem các bộ phim phiêu lưu, có những người hùng chiến đấu với bọn Nhật đô hộ. Viền quanh màn ảnh là những hàng chữ to tướng kêu gọi : « Tất cả đoàn kết lại phía sau tướng quân Kim Jong Il ! ».

Cũng có khi ba đưa tôi đến hàng bán mì lạnh, món đặc sản của thủ đô Bình Nhưỡng. Chúng tôi mang theo một cái xô, ba tôi hãnh diện chìa ra cho bà bán hàng bốn tấm phiếu thực phẩm của nhà nước, rồi cha con tôi về nhà thưởng thức món ăn. Tôi chưa bao giờ được ăn thức gì ngon như thế ! Cho dù không đủ để ăn cho đã thèm…

Ba mẹ tôi không hề tưởng tượng được có ngày sẽ bị chết đói, vì cả hai đều xuất thân từ những gia đình « lý lịch tốt ». Có nghĩa là những người có người thân giữ các chức vụ kha khá trong quân đội, hoặc trong đảng Lao động đang điều hành đất nước. Bằng cớ là thời trẻ, ba mẹ tôi đều sống ở Bình Nhưỡng – chỉ giai cấp ưu đãi mới được cư ngụ ở thủ đô. 

Ông ngoại tôi là sĩ quan quân đội, đã từng nuôi những dự định lớn lao cho con gái. Ông mơ mẹ tôi sẽ được đi học tại trường đại học Kim Il Sung danh giá, ngôi trường tốt nhất đất nước, chính Kim Jong Il cũng từng học tập tại đó. Để đảm bảo việc con gái có được điểm cao trong kỳ thi tuyển, thậm chí ông đã tranh thủ các giảng viên bằng cách tân trang lại sân chơi của trường. Khổ thay, mẹ tôi có tính cách như con trai, không thích học lên. Bà muốn trở thành tài xế ! Và hôm đi thi, bà đi trễ…Tham vọng của ông tôi đành sụp đổ. 

Kể từ đó, mẹ tôi tỏ ra có cá tính hết sức mạnh mẽ, nhờ đó mà đã cứu được tôi sau này. Chính bà là người ra lệnh trong nhà. Bà không cao lớn, nhưng là một phụ nữ thông minh và kiên định. Khi bị bệnh, gương mặt bà vẫn tươi tắn, không tỏ dấu hiệu gì khác thường cả. Tôi cũng giống mẹ, khi còn nhỏ điều đó làm tôi bực bội vì mỗi lần bị ốm nhẹ, chẳng ai tin tôi cả và vẫn bắt tôi đi học. Có lẽ sức mạnh này đã giúp tôi sống sót, trong khi biết bao người khác đã ngã gục.

***
Tại Eundeok, mẹ tôi là người nuôi sống gia đình, nhờ việc làm tại bệnh viện của khu mỏ. Bà mang về những thức ăn thừa từ căng-tin, khiến chúng tôi tránh được cái đói trong suốt nhiều năm trời. Bà thường phàn nàn là ba tôi thiếu thực tế, cho rằng ông vừa ngây thơ, vừa không đủ cứng rắn. Trong tấm ảnh cưới, ba trông khá đẹp trai, nhưng tôi nhớ rằng ở ngoài thì ông gầy hơn. Một hôm, mẹ bảo ba đi hái trộm bắp trên đồng để có cái ăn. Ông trở về với hai bàn tay trắng và…không có áo khoác : ông đã để lại chiếc áo khi bị người nông dân bắt quả tang và dọa sẽ tố cáo. Mẹ tôi giận điên lên ! 

Tại Triều Tiên, người đàn ông phải mạnh mẽ nếu muốn được vợ tôn trọng. Cuộc hôn nhân của ba mẹ tôi do bà ngoại sắp xếp, vào cái thời mà mẹ rời Bình Nhưỡng để đến sống ở Chongjin, thành phố cảng lớn ở vùng duyên hải phương đông. 

Ba tôi không có khiếu kinh doanh, nhưng nuôi dưỡng một niềm đam mê, đó là viết lách. Tại nhà máy, ông luôn xung phong viết báo cáo, kẻ khẩu hiệu hay viết những bài tuyên truyền. Vượt lên tất cả những thứ đó, ba tôi còn là một người có tấm lòng cực tốt, và với một bé gái như tôi, thế là quá đủ.

Tôi cũng có thể trông cậy vào chị Keumsun của tôi, nhờ chị bảo vệ trong trường hợp gặp khó khăn. Nếu bọn con trai chọc phá tôi, chị liền truy đuổi và không ngần ngại lao vào đánh nhau. Chị Keumsum và tôi không giống nhau, nhưng cũng có lần người ta tưởng chúng tôi là hai chị em sinh đôi. Chị lớn hơn tôi hai tuổi nhưng lại nhỏ con hơn, nước da sẫm màu, mắt to, khác hẳn với tôi. Ngược lại chúng tôi có cái mũi giống nhau, và một tình thân gia đình khó tả. Nhất là chị hết sức cá tính ! Chị rất tự tin, biết cách lý luận và thuyết phục người khác là mình có lý. Tại Eundeok, bạn hữu của cha mẹ tôi gọi chị là « cô bé người lớn », vì cái vẻ nghiêm nghị của chị.

***
Tôi thích đi học, và là học sinh ngoan. Sáng nào cũng vậy, trời hãy còn tối khi mẹ đánh thức chúng tôi dậy. Tôi rửa mặt bằng nước lạnh, thường là lạnh buốt vào mùa đông. Rồi trong khi mẹ chuẩn bị bữa sáng, tôi ủi cẩn thận bộ đồng phục học sinh. Chiếc váy màu xanh đậm, chiếc áo trắng, và thêm một chiếc khăn quàng đỏ xinh xắn của Đội Thiếu niên. Tôi còn nhỏ, chưa được quyền mang chiếc huy hiệu có hình Kim Il Sung mà tất cả người Bắc Triều Tiên đều đeo thường xuyên trên ngực áo, từ khi được kết nạp Đoàn ở tuổi thanh niên.

Trong ánh sáng chập choạng của buổi bình minh, tôi đến với các bạn học tại quảng trường lớn ở trung tâm thành phố. Đúng bảy giờ, chúng tôi khởi hành đi đến trường, xếp hàng theo từng lớp, nhịp nhàng vừa đi vừa hát các bài ca ngợi lãnh đạo. « Cho dù còn bé, nhưng tinh thần chúng tôi rất cao ! Chúng tôi luôn sẵn sàng phục vụ tướng quân Kim Jong Il ! ». Một trong các bài hát ưa thích của tôi là bài Vạn dặm để học tập. Bài này kể lại chuyến đi qua các làng mạc và núi non Trung Quốc của chàng thanh niên Kim Il Sung, khi chiến đấu chống lại người Nhật.

Sau mười phút đi rập ràng theo kiểu quân nhân, chúng tôi đứng khựng lại muôn người như một trước ngôi trường, để các giáo viên kiểm tra lại đồng phục. Cuối cùng chúng tôi có thể vào lớp.

Buổi học luôn bắt đầu bằng việc đọc nhẩm, thường là một trang sách về thời tuổi trẻ của Kim Jong Il, mà chúng tôi phải noi gương. Hay là các giai thoại như câu chuyện về bà mẹ ông là Kim Jong Suk, thu nhặt các hạt ngũ cốc dưới đất, trước cái nhìn tò mò của con trai.

-         Vì sao mẹ làm như thế, mẹ có thiếu thốn gì đâu ?
-         Vì không thể lơ là trước một nguồn tài nguyên nào, con ạ.

Tôi vẫn không hiểu được ý nghĩa đằng sau giai thoại, nhưng tôi cố khắc ghi vào trí nhớ, theo yêu cầu của cô giáo.

Thường thì tôi kín đáo nhìn một vòng quanh lớp. Chúng tôi có bốn chục đứa, ngồi sau những chiếc bàn kê dọc trên sàn. Trước mặt tôi, trên bục là chiếc bàn gỗ to của cô giáo, một tấm bảng đen, và phía trên, Kim Jong Il trong bức ảnh chăm chú quan sát chúng tôi. Ở cuối lớp là một chiếc lò sưởi mà vào mùa đông chúng tôi có thể hâm nóng các gà-mên thức ăn cho bữa trưa.

Rồi cô giáo bước vào lớp. Cô chỉ định một học trò để cao giọng đọc trang sách trước mặt. Môn học về cuộc đời các lãnh tụ một trong những môn quan trọng nhất, cùng với môn toán, ngôn ngữ Triều Tiên và đạo đức cộng sản.

Trong giờ học cần phải giữ im lặng, nghịch ngợm một chút là có thể dẫn đến việc bị sỉ nhục trên lớp : trước mắt tất cả mọi người, cô giáo đánh chúng tôi với chiếc gậy to vẫn được dùng để chỉ lên bảng. Hồi đó tôi vẫn nghĩ bạn nào hư thì bị phạt đòn là bình thường. Phải nói thêm rằng, tôi luôn tránh được hình phạt này, nhờ tôi là học trò ngoan.

Tuy vậy, tôi không thể tránh được các buổi tự kiểm hàng ngày được áp đặt mỗi người dân trên đất nước này, tại nhà máy cũng như trường học. Lần lượt vào cuối ngày, chúng tôi phải thú nhận các sai trái của mình trước cả lớp. Tôi nhớ lại có một hôm, khi vất vả làm việc trong vườn rau của cô giáo, tôi đã bực tức thốt lên :
-         Hái bắp để làm cái gì chứ, trong khi mình chẳng được ăn !
-         Thái độ cá nhân chủ nghĩa này là không thể chấp nhận được, trong xã hội Bắc Triều Tiên xã hội chủ nghĩa !
Cô giáo cho gọi tôi đến, gay gắt mắng tôi như thế, sau khi một bạn học tố cáo.

Hôm sau tôi phải tự kiểm một cách thảm hại trước cả lớp, trước khi chuyển qua phản công bằng cách tố lại thái độ không tốt của đứa bạn đã bán đứng tôi. Thành thật mà nói, tôi đã trả thù với một sự thích thú có phần độc ác, vì tôi ganh tị với cô bạn này. Ba của con bé ấy làm việc trong cùng nhà máy với ba tôi, nhưng nhận được tiêu chuẩn thực phẩm cao hơn rất nhiều, do cấp bậc cao hơn.
***
Ở trường, cần phải tôn trọng tôn ti trật tự. Vào đầu năm chúng tôi « bầu » ra một lớp trưởng, và những người phụ trách cho mỗi phận sự quan trọng. Về mặt chính thức, thì đó là các cuộc bầu cử tự do, nhưng chỉ có một ứng cử viên ! Ngày nay tôi nhận ra trò giả dối đó cũng là hình ảnh của chế độ độc tài vẫn luôn ngự trị trên đất nước tôi.

Mọi việc diễn ra như thế này : một ngày trước cuộc bầu cử, cô giáo bí mật gọi tôi đến, có lẽ vì tôi là học sinh ngoan. Hôm sau vào ngày bầu bán, cô hỏi cả lớp :
-         Các em có đề cử ra ứng cử viên nào không ?
Im lặng. Tôi bèn rụt rè giơ tay lên nói : « Kim Song Ku », theo như lệnh của cô giáo đã rỉ tai tôi hôm trước.
-         Ai đồng ý ? - Cô hỏi.
Không chút ngần ngại, cả lớp liền thông qua, và như vậy anh bạn Kim Song Ku đã được bầu lên. Thực tế thì ba của cậu này là thợ mộc, và chúng tôi nghi rằng ông ấy đã cung cấp cho cô giáo những đôi đũa gỗ.

Tại Bắc Triều Tiên, không có phương cách nào để bảo đảm cho sự thành công của con em tốt hơn là việc tặng quà cho thầy cô giáo. Lại thêm vài điều nữa mà ba mẹ tôi, vốn không bao giờ đi họp phụ huynh, đã không chịu hiểu cho.

Tuy vậy có một lần việc bầu cử đã gây ngạc nhiên cho tôi. Cô giáo yêu cầu học sinh bầu ra một người phụ trách việc quét dọn lớp hàng ngày sau mỗi buổi học. Một phận sự không lấy gì làm thú vị, nhưng mang lại cho ta ít nhiều uy tín trong trường. Một nam sinh đứng dậy và đề nghị tên tôi. Tôi cảm thấy mặt mũi đỏ bừng lên.

Hồi đó tôi rất nhát tiếp xúc với bạn trai, và không nói chuyện với đám con trai bao giờ. Thành ra tôi chưa bao giờ để ý đến cậu bạn ấy, nhưng kể từ hôm đó tôi bắt đầu âm thầm ngưỡng mộ cậu. Phù hiệu của bạn ấy mang hai vạch và ba ngôi sao, nghĩa là thuộc cấp bậc rất cao. Tôi thì chỉ có hai ngôi sao mà thôi.

Các biểu tượng này quy định thứ bậc trong lớp, người cao nhất là ba sao và ba vạch. Cô giáo chọn ra để thưởng cho các học sinh ưu tú - đó là các học sinh ngoan ngoãn nhất, hoặc là thường tự nguyện làm các công việc nặng nhọc. Cô cũng hay dùng để thưởng công cho các học trò nào mà cha mẹ tỏ ra hào phóng với cô hay với nhà trường. Chẳng hạn, khi một cửa kính bị vỡ, các phụ huynh đề nghị được trả tiền sửa chữa. Và thế là cậu con được « thăng cấp ». Tại Bắc Triều Tiên là như thế. Nhưng rủi thay cho chị Keumsun và tôi, ba mẹ tôi chưa bao giờ hiểu được cái cung cách này.

Lúc đó tôi tự hỏi, không biết cậu bạn kia đề nghị tôi vì đánh giá tốt về tôi, hay đơn giản là vì cô giáo đã ra lệnh cho cậu. Đến nay điều đó vẫn là một bí mật. Tôi không biết cậu bạn bây giờ ra sao, và có lẽ tôi sẽ không bao giờ biết được…

1 commentaire:

  1. Mẹ phụ huynh10 avril 2012 à 19:33

    Sao mà giống cái sự học của tôi khi được làm học sinh dưới mái trường XHCN ở miền Băc VN nhũng năm 70 của thế kỷ trước thế nhỉ.
    Ôi!nhớ mãi một thủa nước Việt thời vĩ đại,quang vinh,mãi mãi...

    RépondreSupprimer

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.