vendredi 20 avril 2012

Bắc Triều Tiên : Lời chứng của một người sống sót từ trại cải tạo

Shin Dong Hyuk
Bài đăng : Thứ năm 19 Tháng Tư 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 19 Tháng Tư 2012 
Nhật báo Le Monde hôm nay 19/04/2012 trong mục điểm sách đã giới thiệu tác phẩm « Người sống sót của trại 14 » của nhà báo Mỹ Blaine Harden, kể lại những gì mà người tù trẻ tuổi Shin Dong Hyuk đã chứng kiến trong trại cải tạo Bắc Triều Tiên. Người thanh niên này sinh ra và lớn lên trong một trại cải tạo, đã phải chịu đựng từ tra tấn cho đến việc chứng kiến cuộc hành hình mẹ và anh ruột. Anh trốn thoát được vào năm 2005, lúc đó Shin Dong Hyuk 23 tuổi.

Thân phận nô lệ của nhân chứng hiếm hoi

Năm nay 30 tuổi, Shin Dong Hyuk cùng thế hệ với tân lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un – thế hệ thứ ba của họ Kim nối nghiệp trị vì đất nước khép kín này. Nhưng sự giống nhau dừng lại ở đó. Bắc Triều Tiên tuy về mặt chính thức là một xã hội không giai cấp, nhưng thật ra dòng máu quyết định tất cả.

Kim Jong Un khi sinh ra đã là một hoàng tử cộng sản, được nuông chiều sau các bức tường cung điện. Du học tại Thụy Sĩ, sau đó về nước học tại trường đại học mang tên chính ông nội mình dành riêng cho giai cấp ưu tú – nhờ vào huyết thống, Kim Jong Un đứng trên mọi luật lệ. Năm 2010, được phong làm đại tướng bốn sao dù hoàn toàn không có kinh nghiệm quân sự, và một năm sau đó lên thay cha lãnh đạo đất nước, Kim Jong Un được báo chí chính thức Bắc Triều Tiên ca tụng là « lãnh tụ được Thiên tử gởi đến ».

Cùng một lứa tuổi, Shin Dong Hyuk sinh ra với thân phận nô lệ, tên khai sinh là Shin In Geun, chỉ được học đủ để đọc chữ và biết đếm. Cha mẹ anh đều là tù nhân của trại cải tạo số 14 nằm tại miền Trung đất nước – một thành phố thực thụ với 50.000 tù nhân, các trang trại, nhà máy và hầm mỏ. Đây là trại tù dành cho các kẻ thù chính trị của chế độ. Mọi cuộc tụ họp quá hai người đều bị cấm, trừ khi có các vụ xử tử thì tất cả mọi người đều phải tham dự. Đến năm 14 tuổi, Shin Dong Hyuk đã phải chứng kiến rất nhiều vụ tử hình, trong đó có mẹ ruột và anh trai. Phải mất một thời gian rất lâu sau anh mới nhận ra mình đã vô tình tố cáo họ, vì quản giáo luôn răn dạy phải dọ thám người khác.

Các quản giáo của Shin vừa là thầy dạy học, vừa là những người đã tạo tác ra anh, vì chính quản giáo đã chọn lựa ra cha và mẹ anh để ghép đôi với nhau - một phương cách để thưởng cho những người tù chấp hành tốt. Cậu bé phải học thuộc lòng mười điều quy định của trại, trong đó điều đầu tiên là : « Tất cả những người mưu toan trốn trại sẽ bị bắn hạ ngay tại chỗ ».


Tử hình và tra tấn

Kỷ niệm đầu đời của Shin Dong Hyuk là một vụ tử hình mà anh chứng kiến năm mới lên bốn tuổi. Để tránh việc tử tù mắng chửi Nhà nước, người ta nhét đầy đá sỏi vào miệng và bịt mắt. Mười năm sau đó, Shin trở lại nơi chốn cũ, mắt bị bịt lại bằng một chiếc khăn, tay bị còng, và cha anh cũng thế. Hai cha con vừa trải qua tám tháng bị giam cầm trong một nhà tù dưới lòng đất, họ phải ký giấy cam đoan không tiết lộ cho bất cứ ai, rồi mới được thả ra.

Trong nhà tù bí mật này, các quản giáo đã tra tấn hai cha con để cố ép cho họ khai ra về vụ mẹ và anh của Shin âm mưu trốn trại. Sau khi lột quần áo, những kẻ tra tấn đã trói tay chân cha con Shin, treo ngược bằng một cái móc phía trên một lò lửa. Shin ngất đi khi da thịt bắt đầu bị đốt cháy.

Anh không khai gì cả. Anh không có gì để khai báo. Shin chưa bao giờ có ý định ra khỏi trại, không hề âm mưu với mẹ và anh trốn trại. Shin tin vào những gì các quản giáo đã nhồi vào đầu từ lúc mới sinh : anh không bao giờ có thể trốn khỏi trại cải tạo, và phải tố cáo tất cả những ai đề cập đến việc này. Shin không tưởng tượng ra nổi một cuộc sống bên ngoài trại, ngay cả trong mơ. Và thực tế anh còn không biết cả sự hiện hữu của Hàn Quốc, Trung Quốc hay Hoa Kỳ.

Hôm ấy khi một quản giáo mở khăn bịt mắt, nhìn thấy đám đông, chiếc cọc và giá treo cổ, Shin cứ ngỡ phút cuối của mình đã điểm. Nhưng người ta không nhét đá sỏi vào miệng, mà lại mở còng tay và để anh ngồi trên hàng đầu. Như vậy cha con anh sẽ là khán giả.

Một người phụ nữ và một thanh niên được điệu ra pháp trường. Đó là mẹ và anh trai của Shin. Một quản giáo quàng sợi dây thừng qua cổ mẹ anh, bà cố quay nhìn con trai út, nhưng Shin nhìn sang nơi khác. Khi bà mẹ không còn giãy giụa nữa, ba phát súng bắn vào người anh của Shin. Nhìn thấy họ bị hành hình, Shin gần như thở phào nhẹ nhõm vì không phải mình bị án tử. Tình yêu, lòng thương hại, tình cảm gia đình hầu như không hiện diện trong trại. Mẹ Shin nhiều lần đánh đập anh, cha anh không hay biết – ông chỉ được phép ngủ với vợ năm lần trong một năm.

Chín năm sau khi mẹ và anh bị xử tử, Shin trườn ra khỏi hàng rào kẽm gai có mắc điện, chạy trốn trên tuyết. Đó là ngày 2 tháng Giêng năm 2005. Trước đó, chưa hề có người tù nào trốn được khỏi trại, và Shin là người duy nhất. Năm đó anh 23 tuổi, không hề quen biết bất kỳ ai bên ngoài. Sau một tháng trời đi bộ, anh lần sang được Trung Quốc. Hai năm sau đó Shin sang Hàn Quốc, và bốn năm sau, anh sống ở California, trở thành đại sứ của một phong trào nhân quyền Mỹ - LINK, tức Liberty In North Korea (Tự do tại Bắc Triều Tiên).

Shin đổi tên thành Shin Dong Hyuk từ khi sang đến Hàn Quốc, hy vọng sẽ bắt đầu một cuộc đời tự do. Anh có khuôn mặt khá đẹp, nhưng người nhỏ thó và gầy ốm vì bị suy dinh dưỡng lúc còn nhỏ. Đôi cánh tay bị biến dạng vì phải làm việc nặng trong thời kỳ tăng trưởng, thận và mông mang dấu tích của vụ tra tấn, mắt cá còn thẹo khi bị treo ngược. Ngón tay giữa bị mất một đốt : người ta đã chặt đi để trừng phạt do anh lỡ đánh rơi chiếc máy may của xưởng may trong trại khi bê lên cầu thang. Cẳng chân anh bị cào nát và bị phỏng khi chui qua hàng rào điện của trại.

Trại cải tạo Bắc Triều Tiên : Một thực tế hiển nhiên

Các trại cải tạo Bắc Triều Tiên có quá trình hiện diện lâu đời - gấp đôi so với các goulak của Liên Xô cũ, và gấp 12 lần so với các trại tập trung quốc xã. Các ảnh chụp độ nét cao từ vệ tinh mà mọi người đều có thể tham khảo trên Google Earth cho thấy nhiều vùng đất mênh mông trải dài trên các sườn núi khô cằn, được rào chắn.

Chính quyền Hàn Quốc ước lượng có khoảng 154.000 người đang bị giam cầm tại đây, còn chính phủ Mỹ và các tổ chức bảo vệ nhân quyền cho rằng con số này lên đến 200.000 người. Sau khi nghiên cứu toàn bộ ảnh vệ tinh trong một thập kỷ qua, Amnesty International nhận thấy trong năm 2011, có những công trình đã được xây dựng thêm. Tổ chức này lo ngại là số lượng tù cải tạo đã tăng lên, có thể nhằm siết chặt kiểm soát trong giai đoạn chuyển giao quyền lực cho Kim Jong Un.

Tình báo Hàn Quốc ghi nhận có 6 trại cải tạo tại Bắc Triều Tiên. Trại lớn nhất có chiều dài đến 50 cây số và chiều rộng 40 cây số, với diện tích còn lớn hơn cả thành phố Los Angeles. Năm trại được bao bọc bởi càng hàng rào kẽm gai tích điện, điểm xuyết bằng các chòi canh. Hai trại 15 và 18 có các khu vực trong đó một số người tù được may mắn học những điều chỉ dạy bổ ích của Kim Jong Il và Kim Il Sung. Nếu họ học tập tốt và chứng tỏ được lòng trung thành với chế độ, thì có cơ hội được trả tự do, nhưng suốt cuộc đời họ sẽ bị an ninh nhà nước theo dõi.

Người Hồng Kông sợ mất đi bản sắc và mất tự do trước Trung Quốc 

Le Figaro hôm nay nói về việc « Hồng Kông muốn hạn chế người nhập cư Trung Quốc ». Tuyên bố trên truyền hình, tân trưởng đặc khu Hồng Kông đã loan báo sẽ cấm các sản phụ Trung Quốc lục địa sang sinh con, và hủy bỏ việc mặc nhiên cấp quyền thường trú cho những đứa trẻ sinh ra tại lãnh thổ tự trị này.

Thông tín viên của Le Figaro cho biết thật ra từ năm ngoái, chính quyền Hồng Kông đã hạn chế số lượng người Trung Quốc lục địa nhập viện ở Hồng Kông, bằng cách đặt ra hạn ngạch. Tuy nhiên các thai phụ quyết tâm sang đây vẫn có thể tránh né với việc nhờ những người trung gian đưa sang biên giới lúc sắp đến kỳ sinh nở, sau đó vào khoa cấp cứu của các bệnh viện. Hiện tượng này khiến tờ báo Hồng Kông có số lượng phát hành lớn là Apple Daily giận dữ tố cáo trong một phụ trang đính kèm: « Người Hồng Kông đã quá chán ngán, thành phố đang hấp hối ». Phụ trang này được tài trợ bằng nguồn tiền đóng góp của cư dân mạng Hồng Kông, đòi hỏi « Chấm dứt việc xâm nhập không giới hạn của người Trung Quốc đại lục ». 

Theo Gérard Henry, một nhà báo đã sinh sống tại đây từ ba chục năm qua, thì « Người Hồng Kông cũng lo sợ sẽ bị mất đi bản sắc. Từ khi Hồng Kông được trả về cho Trung Quốc, luồng người di cư từ lục địa sang ngày càng đông đảo. Một số còn giàu có hơn người bản địa rất nhiều, một điều mà trước đây khó thể nghĩ tới. Khi thấy cơn khát tiêu thụ, vung tay mua hàng của người Trung Quốc lục địa, người dân Hồng Kông lo sợ rằng họ sẽ bị nuốt mất, bị đánh đồng ».

Một cuộc thăm dò ý kiến mới đây cho biết, có đến 79% người Hồng Kông không hề nghĩ mình tương đồng với người Trung Quốc. Tỉ lệ này là một kỷ lục kể từ năm 1997.

Theo thỏa thuận năm 1984 giữa cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher với Đặng Tiểu Bình, để đổi lấy việc Hồng Kông được trao trả vào năm 1997, Bắc Kinh sẽ phải để cho vùng lãnh thổ này được « quyền tự trị rộng rãi » cho đến năm 2047. Thời hạn này đang ám ảnh bảy triệu người dân Hồng Kông, sợ rằng sẽ bị người láng giềng khổng lồ nuốt chửng, và các quyền tự do bị hủy bỏ.

Bầu cử tổng thống Pháp : Những băn khoăn

Sắp tới thời điểm diễn ra vòng một cuộc bầu cử tổng thống Pháp, đa số các báo Paris đều tập trung cho đề tài này. Le Figaro chạy tựa: « Chỉ còn ba ngày nữa, 1/4 người Pháp vẫn chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai ». Số hàng triệu người Pháp còn phân vân này làm cho việc dự đoán kết quả vòng một càng thêm bất định. Libération đăng ảnh ứng viên cực hữu với hàng tựa : « Mối đe dọa ». Theo tờ báo thì Marine Le Pen có thể tạo ra ngạc nhiên (bất lợi) trong vòng một sẽ diễn ra Chủ nhật này, với tỉ lệ phiếu bầu tương đương với cha là Jean-Marie Le Pen hồi năm 2002. Nhật báo cộng sản L’Humanité tiếp tục cổ vũ cho ứng viên phe mình với tựa trên trang nhất : « Dự án đầy tham vọng của Mặt trận cánh tả ». Theo chương trình này thì tính nhân bản được đặt lên hàng đầu, với mục tiêu xây dựng một xã hội biết sẻ chia trong tình thân hữu.

Nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến « Mối đe dọa về tín dụng vẫn lớn lao tại châu Âu ». Tờ báo nêu lên cảnh báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế về hậu quả từ việc giải tỏa nợ của các ngân hàng. Chỉ có nhật báo công giáo La Croix đề cập đến một vấn đề rất đặc thù tôn giáo, đó là « Liệu có sắp đến hồi kết thúc của cuộc khủng hoảng trường phái đối lập ? », khi một nhánh của phái này đã đáp lời Đức Giáo Hoàng về việc tái hòa nhập vào Giáo hội Công giáo, sau 24 năm ly khai.

Anh của sát thủ Mohamed rất có thể là đồng lõa

Cũng liên quan đến nước Pháp, Libération trong bài viết « Mohamed Merah, ảnh hưởng từ gia đình » đã cho biết, một tháng sau vụ tên sát nhân trẻ tuổi Merah giết hại bảy người tại Toulouse và Montauban, cuộc điều tra cho thấy Abdelkader, anh trai của tên này rõ ràng có liên can, và có ảnh hưởng rất lớn đến sự cực đoan của người em.

Theo các nguồn tin từ cảnh sát, thì có nhiều bằng chứng và kể cả trong lời khai của đương sự, cho thấy Abdelkader, 29 tuổi, rất có thể là đồng phạm trong các vụ sát nhân trên. Ngay từ vụ trộm cắp chiếc xe mô-tô được dùng làm phương tiện gây án, chủ nhân của chiếc xe này đã nhận dạng được Abdelkader chính là kẻ trộm. Cũng chính Abdelkader là người đã đi mua nón bảo hộ và áo blouson cho người chạy mô-tô để Mohamed sử dụng. Còn đối với nạn nhân đầu tiên bị gài bẫy để sát hại, qua cuộc gọi để hẹn gặp từ một dịch vụ điện thoại công cộng, chủ nhân của cửa hàng này khẳng định chưa bao giờ gặp Mohamed, mà Abdelkader đã vào gọi.

Người anh của sát thủ cũng nhiều lần khai với các điều tra viên, là biết rõ chuyến đi của Mohamed sang Pakistan và Afghanistan, cũng như việc tên này thành công trong việc đóng vai một người Hồi giáo không nhiệt thành, nói chung là vô hại, để vào được Irak.

Khi khám xét nhà Abdelkader, các nhà điều tra phát hiện các USB, iPod chứa các tài liệu về thánh chiến, tuy đã bị xóa nhưng cảnh sát phục hồi lại, với các hướng dẫn rất chi tiết về cách thức qua mặt cơ quan tình báo. Tủ sách có nhiều cuốn về vũ khí « vì những ai không thích vũ khí là bọn pê-đê », cũng như nghiên cứu phương thức hoạt động của cảnh sát, DVD về sự kiện 11/9, rất nhiều điện thoại, thẻ sim khác nhau, và nhất là các vật liệu để chế tạo bom.

tags: Bắc Triều Tiên - Châu Á - Nhân quyền - Văn học - Điểm báo 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120419-bac-trieu-tien-loi-chung-cua-mot-nguoi-song-sot-tu-trai-cai-tao

4 commentaires:

  1. tiến sĩ giấy20 avril 2012 à 15:39

    Đã nghe hai lần. Rất cám ơn ai đó đã biên soạn và đọc bài này.

    RépondreSupprimer
  2. Ai đó cám ơn tiến sĩ nhiều nha :)

    RépondreSupprimer
  3. Bài viết hay, lột tả được cuộc sống hiện nay ở cái xứ sở kỳ lạ nhất thế giới "Bắc Triều tiên"

    TH

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. Cám ơn bạn Haisg. Thụy My khi đọc xong cuốn sách này vẫn chưa thể tin nổi, cho đến khi gặp chính nhân vật và tác giả ở Paris đó.

      Supprimer

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.