Đăng ngày:
Bầu cử tổng thống Mỹ, những nỗi lo âu khi mùa khai trường diễn ra
trong bối cảnh dịch bệnh ở Pháp, kỷ niệm năm năm Đức mở cửa tiếp nhận
làn sóng người nhập cư đại quy mô, và cũng đúng năm năm sau vụ khủng bố
Charlie Hebdo, phiên tòa được mở ra. Đó là những chủ đề chính được báo
chí Pháp đề cập hôm nay 31/08/2020.
Xung đột Mỹ-Trung gia tăng tại Biển Đông
Liên quan đến châu Á, Les Echos ghi nhận « Hỏa tiễn đạn đạo, phi cơ dọ thám : Leo thang nguy hiểm giữa Bắc Kinh và Washington tại Biển Đông ».
Trong
số những chủ đề bất đồng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, Biển Đông bỗng trở
nên nguy hiểm với các cuộc tập trận của Bắc Kinh. Nhất là hôm thứ Tư
26/08, Trung Quốc cho bắn bốn hỏa tiễn đạn đạo tầm trung vào khoảng giữa
Hải Nam và Hoàng Sa. Theo phía Mỹ, đó là hỏa tiễn chống hạm Đông Phong
DF-21D và nhiều hỏa tiễn DF-26B - được mệnh danh là « Guam Express » vì
có khả năng bắn tới căn cứ Guam của Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương.
Chuyên
gia Mathieu Duchâtel nhận định, rõ ràng đây là nhằm chứng tỏ với
Mỹ Trung Quốc có thể đánh đắm một hàng không mẫu hạm hoặc khu trục hạm
lớn. Tuy nhiên vẫn chưa biết được chỉ số khả tín về định hướng cũng như
khả năng điều chỉnh đường bay ở giai đoạn rơi xuống để tấn công một mục
tiêu di động.
Các hỏa tiễn này được bắn đi gần nơi Hải quân Mỹ tập trận những tuần lễ trước đây, sau khi Bắc Kinh hôm thứ Ba 25/08 tố cáo Mỹ « khiêu khích »
khi gởi phi cơ do thám U2 đến không phận được Trung Quốc tuyên bố là
vùng nhận diện phòng không, trong lúc quân đội Trung Quốc tập trận bắn
đạn thật. Thứ Năm 27/08, thêm một sự cố nữa khi Bắc Kinh muốn xua đuổi
một khu trục hạm Mỹ khỏi vùng biển Hoàng Sa.
Cũng theo ông
Duchâtel, việc Washington nhấn mạnh đến phán quyết trọng tài năm 2016 là
một bước ngoặt, mở ra hướng cho Việt Nam kiện lên tòa quốc tế, hoặc
giúp Malaysia, Philippines có thái độ cứng rắn hơn trước Bắc Kinh.
Bên
cạnh áp lực quân sự là áp lực về kinh tế, với việc Washington cho vào
danh sách đen 24 công ty Trung Quốc tham gia quân sự hóa các đảo nhân
tạo trên Biển Đông. Trong đó có nhiều chi nhánh của China Communications
Construction Company, vốn là nhân tố hàng đầu của « Nhất đới, nhất lộ ». Tuy đã có những doanh nghiệp Trung Quốc bị trừng phạt vì vai trò ở Tân
Cương, nhưng đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ áp đặt trừng phạt kinh tế liên
quan đến các hành vi bành trướng trên Biển Đông.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tranh thủ được cảm tình của tổng thống Mỹ Donald Trump. |
Nhật Bản : Thủ tướng Shinzo Abe ra đi trong tiếc nuối
Cũng
tại châu Á, Les Echos quan tâm đến việc kế nhiệm thủ tướng Nhật Bản
Shinzo Abe. Đứng đầu nước Nhật trong thời gian dài kỷ lục, ông Abe đã
tái lập ổn định chính trị, tăng cường vị thế của Nhật Bản trên trường
quốc tế, tuy nhiên chưa có những cải cách mạnh mẽ về kinh tế xã hội.
Chưa đầy một tuần lễ sau khi mừng 2.799 ngày ở chức vụ thủ tướng, thứ Sáu tuần rồi ông Shinzo Abe loan báo : « Tôi không thể là thủ tướng nếu không thể có những quyết định tốt nhất cho nhân dân », với lời xin lỗi về sự ra đi đột ngột trước khi nhiệm kỳ kết thúc.
Từ
nhiều ngày qua báo chí Nhật đã chú ý đến sự vắng mặt của ông Abe trong
những sự kiện lớn, và theo dõi những lần chiếc công xa màu đen của ông
ra vào một bệnh viện Tokyo. Từ tuổi thiếu niên, Shinzo Abe đã phải chịu
đựng chứng viêm đại tràng, và ông vừa bắt đầu một đợt chữa trị mới. Abe
vẫn là thủ tướng cho đến khi người kế nhiệm được chỉ định trong tháng
này, thông qua cuộc bầu cử nội bộ của đảng LPD.
Hôm Chủ nhật,
chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga cho biết sẽ tham gia cuộc đua.
Nhiều nhân vật khác như cựu ngoại trưởng Fumio Kishida, bộ trưởng quốc
phòng Taro Kono cũng được nêu tên. Vấn đề là sự khác biệt về phong cách
chứ không phải đường hướng : trong tám năm qua, không ai muốn soán ngôi
ông Shinzo Abe. Đảng LPD hài lòng với sự ổn định ở thượng tầng, tăng
trưởng kinh tế, đặc biệt là khả năng « khuyến dụ » được ông
Donald Trump – cho đến nay vẫn chưa hề trừng phạt thương mại Nhật Bản.
Shinzo Abe cũng tô điểm được vầng hào quang của Nhật, nhất là tại châu
Á.
Tuy nhiên những vấn đề muôn thuở của nước Nhật vẫn tồn tại : nợ
công, lão hóa dân số. Shinzo Abe tiếc nuối nhất là phải ra đi trong khi
chưa thực hiện được lời hứa tu chính bản Hiến Pháp hòa bình của Nhật.
Trước sự đe dọa quân sự của Trung Quốc, ông Abe đã thành công trong việc
tổ chức lại một phần lực lượng quốc phòng, nhưng chưa thuyết phục được
dư luận chấp nhận tổ chức trưng cầu dân ý, giúp Nhật Bản có được một
quân đội thực sự.
Nhà hoạt động Hồng Kông lưu vong La Quán Thông phát biểu với báo chí bên ngoài Bộ Ngoại giao Ý, khi Vương Nghị đến thăm ngày 25/08/2020. |
Trung Quốc cố thuyết phục châu Âu không đứng về phía Mỹ
Về
quan hệ giữa Trung Quốc và Liên hiệp Châu Âu (EU), nhật báo kinh tế cho
biết một thỏa thuận đầu tư có thể được ký kết trước cuối năm nay.
Trong
vòng công du năm nước châu Âu sẽ kết thúc vào ngày mai, ngoại trưởng
Trung Quốc Vương Nghị đã bày tỏ mong muốn như trên. Cuộc họp thượng đỉnh
Liên hiệp Châu Âu – Trung Quốc đã bị hủy bỏ vì dịch Covid, nên chuyến
đi của Vương Nghị cũng nhằm chuẩn bị cho cuộc họp qua video giữa các nhà
lãnh đạo EU và Tập Cận Bình ngày 14/09.
Trung Quốc hy vọng hâm
nóng lại quan hệ, trong khi hình ảnh của Bắc Kinh đang rất tệ hại vì đại
dịch corona, việc đàn áp Hồng Kông và người Duy Ngô Nhĩ ; đặc biệt
những lời lẽ xấc xược của một số nhà ngoại giao như đại sứ Lô Sa Dã (Lu
Shaye) ở Paris. Sắp tới Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), người đứng đầu
thực sự ngành ngoại giao Trung Quốc sẽ thăm Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào
Nha.
Chuyên gia Antoine Bondaz nhận định đó là nhằm « khuyến dụ các nước Nam Âu, đồng thời cố giữ các nước khác duy trì thái độ trung lập ». Theo nhà phân tích Lucrezia Poggetti, « Sở dĩ Trung Quốc nhấn mạnh đến đa phương là để ngầm chỉ trích Hoa Kỳ và kêu gọi châu Âu tiếp tục độc lập với Mỹ ». Mục tiêu chung là thuyết phục châu Âu không đứng về phía Mỹ để chống Trung Quốc, và không cấm Hoa Vi (Huawei).
Tuy
nhiên tại Ý chuyến đi của ông Vương Nghị đã bị nhà hoạt động Hồng Kông
La Quán Thông (Nathan Law) gây phiền phức, tại Hà Lan và Pháp các dân
biểu nêu ra vấn đề Hồng Kông và Duy Ngô Nhĩ, còn tại Thụy Điển ông được
chất vấn về việc tặng giải Nobel cho người dân Hồng Kông.
Đội quân tin tặc bí mật của Bắc Triều Tiên
Vẫn
về châu Á, Le Monde có bài điều tra công phu mang tựa đề « Bắc Triều
Tiên : Đội quân tin tặc bí mật ». Các vụ tấn công tin học là vũ khí
chính trị và kinh tế của Bình Nhưỡng, gây ra nhiều thiệt hại đáng kể.
Cho
dù bị cô lập và kinh tế èo uột, nhưng Bình Nhưỡng chứng tỏ vẫn quấy phá
được nếu quyết tâm. Một chuyên gia Pháp nhận định, các tin tặc Bắc
Triều Tiên tuy không phải là xuất sắc, nhưng lại kỷ luật và kiên nhẫn
nhất. Từ 2009, họ đã vô hiệu hóa được các trang web của Phủ tổng thống,
bộ Quốc Phòng, Quốc Hội, hai ngân hàng lớn và một nền tảng quan trọng
nhất của Hàn Quốc chỉ bằng phương pháp cổ điển « từ chối dịch vụ ».
Dù
phương tiện hạn chế, nhưng tin tặc Bắc Triều Tiên lợi dụng những sai
sót của con người : trong một bộ, một ngân hàng, một nhân viên nhấp
chuột vào một đường liên kết chứa mã độc, và tin tặc chỉ chờ có thể. Vụ
tấn công lịch sử sáng thứ Sáu 05/02/2016 đã xảy ra như vậy, tại ngân
hàng trung ương Bangladesh. Phó giám đốc nhận thấy hệ thống SWIFT bị
trục trặc, nhưng không liên lạc được với New York vì cuối tuần, còn
Philippines thì không ai trả lời vì là ngày Tết.
Hậu quả là 81
triệu đô la bị bốc hơi. Nhờ một sự tình cờ mà 951 triệu đô la còn lại
không bị cướp mất : từ « Jupiter », tên đường của ngân hàng ở Manila đã
kích hoạt hệ thống kiểm soát tự động của Quỹ dự trữ liên bang Mỹ, vì
cũng là tên một công ty bình phong của một đại gia Hy Lạp vi phạm cấm
vận với Iran !
Theo Hàn Quốc, năm 2017 có 1.700 tin tặc cao cấp
làm việc cho Bắc Triều Tiên, chia thành bảy nhóm do quân đội và đảng Lao
Động kiểm soát. Để che dấu vết, một số được đưa ra nước ngoài hoạt
động, chủ yếu tại Trung Quốc hoặc ở Ba Lan, Nga. Họ được nhà nước biệt
đãi, có người khi trở về Bình Nhưỡng đã nhận được một căn hộ lớn. Tháng
Ba năm nay, ủy ban theo dõi trừng phạt của Liên Hiệp Quốc ước lượng tin
tặc Bắc Triều Tiên đã cướp được 2 tỉ đô la qua những cuộc tấn công vào
các định chế tài chính và sàn giao dịch tiền ảo.
Cựu tổng thống François Hollande : Người dân Pháp có quyền biết sự thật về khủng bố
Thời
sự nước Pháp nổi bật là phiên tòa xử các vụ khủng bố tháng Giêng năm
2015, sẽ được mở ra từ ngày 02/09 tại Paris. Trong bài trả lời phỏng vấn
báo La Croix, cựu tổng thống François Hollande bày tỏ những gì ông chờ
đợi nơi phiên tòa, và nêu ra vai trò của nguyên thủ trong ba ngày những
kẻ thánh chiến tấn công vào Charlie Hebdo, Montrouge và Hyper Cacher.
Các
hung thủ chính đã chết, nhưng lần này những bị cáo phải trả lời trước
pháp luật là những kẻ đã cung cấp vũ khí, đồng lõa với tội ác, và người
dân Pháp có quyền được biết tất cả xung quanh các vụ khủng bố dã man.
Tại sao lại đánh vào nước Pháp, và ai đã tấn công ? Theo cựu tổng thống,
đó không thể là những hành động đơn lẻ của cá nhân, và dù đó là Ai
Qaida hay tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (IS, Daech), thì đều là quân thánh
chiến.
Tổng thống không trực tiếp chỉ đạo cuộc điều tra, mà đó là
vai trò của công tố. Tuy nhiên ông Hollande được báo cáo diễn tiến từng
phút một, và phải đưa ra quyết định quan trọng về thời điểm đặc nhiệm
can thiệp. Bốn, năm phút chờ đợi kết quả thật là khủng khiếp, như trong
vụ bắt con tin ở Hyper Cacher.
Tháng Giêng năm 2015, các nhà báo,
cảnh sát và người Do Thái là mục tiêu, nhưng đến tháng 11 thì cả nước
Pháp bị tấn công ngay trên lãnh thổ của mình, bọn khủng bố được điều
khiển từ Syria và Irak. François Hollande cho rằng mối đe dọa khủng bố
Hồi giáo vẫn hiển hiện, cả trong nước lẫn ngoài nước.
Bầu cử tổng thống Mỹ : Donald Trump rút ngắn khoảng cách tại các « swing state »
Về
bầu cử Mỹ, Le Monde ghi nhận vấn đề chủng tộc đang là trung tâm, đám
đông biểu tình đa số là người da đen cổ vũ bỏ phiếu chống Donald
Trump. Les Echos nhấn mạnh, chỉ có một số tiểu bang đóng vai trò quyết
định trong cuộc bầu cử tổng thống.
Cử tri các thành phố lớn sẽ
không nhìn thấy những quảng cáo bầu cử, hai ứng cử viên Donald Trump và
Joe Biden sẽ không đến gặp họ trong những tuần lễ tới. Đó là vì phải tập
trung vào « swing state », những bang dễ « nghiêng ngả » từ
phía này sang phía khác. Thắng lợi bất ngờ của Donald Trump hồi năm 2016
là nhờ tất cả những bang này đều ngả sang Cộng Hòa, đôi khi chỉ hơn vài
ngàn phiếu.
Để chiến thắng, ông Joe Biden phải giành được ba
trong số các bang : Pennsylvania, Michigan, Wisconsin, Bắc Carolina,
Arizona, Florida. Tại hai bang đầu, ứng viên Dân Chủ được cho là sẽ
thắng lớn, và cũng có ít nhiều hy vọng ở những bang còn lại. Tuy nhiên
các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy khoảng cách đã thu hẹp rất nhiều, và
chiến lược đi thực địa của ông Trump đã mang lại kết quả.
Ngày mai
ông Trump sẽ đến Kenosha (Wisconsin), nơi một đợt biểu tình mới đã diễn
ra sau khi một người da đen bị trúng 7 phát đạn từ cảnh sát. Tổng thống
thăm lực lượng cảnh sát, các thương nhân bị thiệt hại do bạo động, bảo
đảm lập lại trật tự.
Dư luận đang thay đổi : chỉ còn 53% người Mỹ cho rằng biểu tình là « chính đáng »,
so với 62% hồi tháng Sáu, và ở Wisconsin, thậm chí còn phản đối biểu
tình. Tại một tiểu bang mà Donald Trump từng vượt được trên bà Clinton
23.000 phiếu, ông muốn chuyển cuộc tranh luận về chủng tộc sang vấn đề
an ninh. Về phía Joe Biden đã chậm chân so với Donald Trump, cũng sẽ đi
một vòng các « bang chiến địa », sợ rằng đối thủ nhờ tâm lý sợ hãi bạo loạn sẽ hớt tay trên những cử tri truyền thống.
Ẩn
số cuối cùng là việc bỏ phiếu bằng thư tín. Tại đa số « swing state »,
luật pháp cấm kiểm phiếu trước ngày bầu cử chính thức, hoặc trước khi
các phòng phiếu đóng cửa. Như vậy kết quả cuối cùng có thể được tuyên bố
nhiều ngày sau đó, và nếu số người bỏ phiếu qua đường bưu điện đông
đảo, số phiếu bất hợp lệ cũng sẽ nhiều. Rất có thể phải chờ đến hai
tháng sau mới biết được tên tổng thống sắp tới của Hoa Kỳ !
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.