dimanche 1 septembre 2019

Vũ Kim Hạnh - Bản lĩnh

Tôi ghi sổ tay hôm qua: Đó là bản lĩnh, khi ghi nhận câu chuyện Viettel từ chối sử dụng công nghệ của Huawei cho các mạng 5G.

Có vẻ thông tin này ít được công dân mạng chú ý nhưng theo tôi, điều này thể hiện bản lĩnh của Viettel (thử nhớ lại lời tuyên bố thừa tự tin của Huawei mấy tháng trước, họ tin Việt Nam sẽ sử dụng công nghệ của họ).

Lãnh đạo Viettel giải thích họ không sử dụng Huawei cho các mạng 5G là một quyết định mang tính kỹ thuật, chứ không liên quan gì tới các lý do về mặt địa chính trị. Nhưng ông Dũng cũng nói thêm: “Đã có bằng chứng cho thấy Huawei không an toàn cho an ninh của mạng lưới quốc gia. Do đó chúng tôi cần phải thận trọng hơn”.

Tuấn Khanh - I have a dream



Hơn 50 năm trước, vào những ngày này, nước Mỹ và thế giới sục sôi vì bài diễn văn của Martin Luther King với tiêu đề "Tôi có một giấc mơ".

Bài diễn văn được đọc trước hơn 200.000 con người, đại diện cho một xã hội người da đen đang khát khao quyền bình đẳng và tình thương, đại diện cho một xã hội đang chực chờ bùng nổ thành cơn giận dữ và một cuộc đại hỗn loạn. Nhưng bằng sự bao dung và vĩ đại, Martin Luther King đã biến mọi thứ thành bàn tay chìa ra, hóa giải sự thấp hèn, định kiến và ca ngợi tự do, biến mọi thứ thành khát vọng của một quốc gia.

Bài diễn văn có đoạn "Hôm nay, chúng ta tập hợp ở nơi đây để đòi một món nợ... chúng ta từ chối tin rằng ngân hàng công lý đã phá sản. Chúng ta từ chối tin rằng không đủ ngân quỹ bên trong những kho tàng cơ hội của đất nước. Vì vậy chúng ta đã tới để rút khoản nợ này – khoản nợ sẽ trao cho chúng ta sự giàu có của tự do và sự an toàn của công lý, như chúng ta mong đợi..."

Nguyễn Ngọc Chu - Một hiệp định tự hại mình



Đoàn xe đưa bọn tội phạm tổ chức đánh bạc về Trung Quốc.

Nếu quả thật, giữa Việt Nam và Trung Quốc có một Hiệp định dẫn độ, rằng công dân Trung Quốc sang Việt Nam phạm tội thì Việt Nam không xét xử mà trao trả cho Trung Quốc xét xử, và ngược lại, thì đó là một hiệp định mang tính tự hại cho phía Việt Nam.

NGUYÊN TẮC BẤT BIẾN: PHẠM TỘI Ở NƯỚC NÀO XÉT XỬ THEO LUẬT PHÁP NƯỚC ĐÓ 

1. Không phải bây giờ, mà từ ngàn xưa, phạm tội ở nước nào thì phải xử theo luật pháp nước đó. Lấy một thí dụ ở thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên.

Thời Xuân Thu (771-476 TCN) có người nước Tề sang nước Sở phạm tội. Nhân Tể tướng nước Tề là Án Anh (578-501 TCN) đi sứ nước Sở, vua Sở muốn làm nhục Án Anh nên mang tội phạm người Tề ra xử. 

samedi 31 août 2019

Nguyễn Thị Bích Ngà - « Dân tộc này không xứng đáng được cứu rỗi » !


Cuộc tập hơp với chủ đề "Đứng cùng Hồng Kông, Quyền lực thuộc về nhân dân" tại Chater Garden, Hồng Kông, 16/08/2019.

Tôi đã từng nghe, đọc được câu trên từ khá nhiều người bạn của tôi. Họ buông ra lời chán nản và sau đó bỏ cuộc. Tôi rất đồng cảm với họ bởi tôi đã chứng kiến, đồng hành với họ trong khá nhiều việc. Và tôi biết họ đã vất vả, cố gắng đến thế nào mà kết quả nhận lại bằng không, đôi khi còn bị sỉ nhục rất ê chề. Họ, những người bạn đấu tranh, hoạt động xã hội dân sự của tôi, rơi rụng dần.

Dân tộc này không xứng đáng được cứu rỗi. Khi phát ngôn câu đó, họ không đứng ở vai trò là Chúa trời hay tự xếp mình cao hơn người khác. Họ chỉ đơn giản cảm thấy tuyệt vọng, bất lực trong việc thay đổi nhận thức đám đông. Lời than đắng đót ấy vô hình chung đẩy trách nhiệm về phía đám đông. Cũng đúng. Bởi, tôi biết rõ, những người bạn tôi đã rất cố gắng thực hành trách nhiệm của mình, nhưng đám đông không có phản hồi. Khi ta đập mãi một cục đá mà cục đá cứ trơ trơ, thì sẽ đến lúc ta nghĩ cục đá này không thể sử dụng.

Đám đông người Việt hiện nay là một đám đông kỳ dị. Bảo vô cảm cũng không đúng, vì rõ ràng họ sẵn sàng phấn khích, xuống đường vì một trận bóng. Cũng bàn luận về chính trị xã hội nơi quán nước, vỉa hè cho đến mạng xã hội, cũng bình luận sự kiện, thậm chí rất ham mê, thì sao lại bảo họ vô cảm được? Có cảm xúc, có quan tâm đó chứ. Nhưng, họ quan tâm theo cách của họ. Và cách của họ khác với cách của chúng ta, thế thôi.

Ngô Nhân Dụng - Fox và Trump




Nhà bình luận Neil Cavuto nói: “Thưa tổng thống, trước hết chúng tôi không làm việc cho ông. Chính tôi không làm việc cho ông. Công việc của tôi là loan tin về ông, chỉ có thế thôi, không ủng hộ mà cũng không chống đối.” (Hình: Andrew Burton/Getty Images)
(Người Việt 30/08/2019) Từ ba năm nay Tổng Thống Donald Trump là một kho vàng cho giới truyền thông Mỹ. Phải coi ông là một “tập truyện dài” đăng trường kỳ lôi cuốn độc giả các nhật báo hay khán giả các đài ti vi, giống như đời xưa mỗi ngày người ta tìm đọc “Châu Về Hiệp Phố” của Phú Đức hay “Tiếu Ngạo Giang Hồ” của Kim Dung. Không có ông thì báo, đài sẽ “mất khách,” các xí nghiệp sẽ không đem tiền đến đăng quảng cáo.

Bây giờ ở Mỹ, ngoài những câu “tuýt” mỗi ngày của ông Trump ra thì báo chí không có một truyện dài nào hấp dẫn như “Người Vợ Hai Lần Cưới” của An Khê, đăng trên báo Tiếng Chuông, An Khê giúp báo Tiếng Chuông bán được thêm hàng ngàn số một ngày. Sau soạn giả Thái Thụy Phong đem truyện dựng thành tuồng “Hai Chuyến Xe Hoa” cho đoàn Thanh Minh, Thanh Nga diễn suốt 19 đêm tại rạp Hưng Đạo. Diễn lần thứ nhì, tuồng kéo dài cả tháng!

Ký giả lão thành Nguyễn Ang Ca kể chuyện Nguyễn Kiên Giang rủ nhiều đồng nghiệp bỏ Tiếng Chuông đầu quân cho một tờ báo mới. Là một bạn cũ của An Khê, cùng dân Rạch Giá, Nguyễn Kiên Giang mời An Khê đem truyện dài “Người Yêu Không Thể Cưới” trên Tiếng Chuông qua đăng trên báo mới. Vì tình nghĩa với chủ báo Tiếng Chuông nên An Khê không nỡ lòng làm việc thất đức. Theo lời khuyên của Nguyễn Ang Ca và Bình Nguyên Lộc, anh viết một truyện khác cho tờ báo mới, đặt tựa là “Người Đàn Bà Hai Tim.”

Hoàng Ngọc Thanh - Nhiều người như anh giáo ấy !



Hôm nay nhiều thời gian, lan man một chút. Chả là mấy ngày nay, mạng xã hội đang râm ran chửi một anh giáo, cái anh giáo có phát ngôn “Các thanh niên Hong Kong đang tự phá hủy nồi cơm của chính mình, dưới sự kích động từ bên ngoài”.

Cá nhân tôi thì tôi thấy thương hại, tội nghiệp hơn là trách móc, chửi bới anh giáo ấy. Tôi tin anh ấy không phải là một dư luận viên, trình của anh ta chưa đủ để định hướng dư luận. Tôi cũng tin anh ta đang viết đúng, đúng những gì trong đầu anh ta đang nghĩ.

Thanh niên thế hệ đầu 8 như tôi, ở khu vực nông thôn phía bắc vĩ tuyến 17, thuở bé mấy người được một bữa no. Cái đói khổ cùng cực, nó khiến cho nhiều thế hệ người Việt chỉ có một mơ ước, mơ ước duy nhất là “Ăn no - Mặc ấm”. Bởi vậy trong con mắt của anh giáo ấy, hay con mắt của đại đa số dân Việt chúng ta thì người
Hong Kong đang sống ở một thiên đường. GDP bình quân đầu người của dân Hong Kong năm 2018 đứng ở vị trí 16 thế giới, khoảng 48.517 USD, còn Việt Nam chúng ta đứng ở vị trí 131 thế giới, khoảng 2.551 USD, họ có thu nhập bình quân đầu người cao gấp 19 lần chúng ta.

vendredi 30 août 2019

Nguyễn Đình Cống - Hãy dẹp bớt kiêu ngạo cộng sản


Gần đây tôi được một nhóm trí thức cử làm đại diện nhằm trao đổi với các cơ quan có thẩm quyền của Đảng CSVN để bàn việc tổ chức đối thoại. Nhóm này gồm trên mười trí thức hoạt động cho công cuộc dân chủ hóa đất nước, được các anh Chu Hảo, Phạm Xuân Đại và tôi vận động đồng tình.
Tôi đã viết văn bản  ĐỀ NGHI ĐỐI THOẠI, gửi  ông Võ Văn Thưởng, trưởng Ban Tuyên giáo ĐCSVN vào ngày 20 tháng 7- 2019. Văn bản được gửi bảo đảm qua Bưu điện và mang đến tận văn phòng. Cả hai nơi đều có biên nhận. Sau vài ngày tôi gửi tiếp cho ông Nguyễn Xuân Thắng, chủ tich Hội đồng lý luận.  Cả hai văn bản có yêu cầu được trả lời (trước ngày 20 tháng 8 với ông Thưởng, trước ngày 27/8 với ông Thắng).
Thế nhưng cho đến ngày 30 tháng 8, tôi không nhận được một thông tin gì từ phía các ông. Họ không trả lời, dù một câu qua điện thoại, rằng đã nhận được đề nghị. Tại sao vậy? Quá bận chăng. Có lẽ chỉ có thể giải thích bằng thái độ kiêu ngạo cộng sản. Kiêu ngạo này là của cá nhân hay là một chủ trương của Bộ Chính trị mà các ông phải chấp hành. Dù sao thì đây cũng là biểu hiện thiếu tôn trọng, thiếu lịch sự, thiếu văn hóa.

Anh, Pháp, Đức ra tuyên bố chung về Biển Đông, Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải


Hoạt động của tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi) tại bãi Tư Chính của Việt Nam từ ngày 26 đến 30/08/2019. Ảnh của GS Ryan Martinson.
Sau khi Liên hiệp Châu Âu lên tiếng, ngày 29/08/2019 ba nước Anh, Pháp, Đức đã ra tuyên bố chung về Biển Đông, bày tỏ lo ngại là tình hình hiện nay có thể dẫn đến bất ổn trong khu vực. Cùng ngày, bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố kiên quyết ủng hộ tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông.

Pháp, Đức, Anh « kêu gọi các quốc gia ven Biển Đông có những bước đi và biện pháp làm dịu căng thẳng, góp phần duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và an toàn trong khu vực ». Trong đó bao gồm cả quyền của các quốc gia ven biển trong vùng biển của mình và quyền tự do hàng hải, hàng không trên khu vực Biển Đông.

Với tư cách là thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), Pháp, Đức và Anh « nhấn mạnh mối quan tâm đối với việc áp dụng một cách phổ quát Công ước ». Điều này tạo cơ sở cho việc hợp tác trên bình diện quốc gia, khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực hàng hải. Pháp, Đức, Anh nhắc lại phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế La Haye được đưa ra theo UNCLOS vào ngày 12/07/2016, theo đó « đường lưỡi bò » do Trung Quốc tự vẽ là không có cơ sở pháp lý.

Một nhà báo bị Bắc Kinh trục xuất vì bài viết về em họ Tập Cận Bình

Tề Minh (Ming Chai), em họ Tập Cận Bình. Ảnh của The Age.

Một nhà báo của Wall Street Journal làm việc tại Trung Quốc bị trục xuất vì bài viết về em họ của ông Tập Cận Bình, tin này được Bắc Kinh và tờ báo Mỹ xác nhận hôm nay 30/08/2019.

Vương Xuân Hàn (Chun Han Wong), công dân Singapore, là phóng viên thường trú tại Bắc Kinh từ năm 2014. Hồi tháng Bảy, ông cùng với đồng nghiệp Philip Wen viết bài về cuộc điều tra của chính quyền Úc nhắm vào Tề Minh (Ming Chai), em họ của chủ tịch Trung Quốc. Cha Tề Minh là Tề Nhuệ Tân (Qi Ruixin), em ruột của bà Tề Tâm (Qi Xin), mẹ của Tập Cận Bình.

Wall Street Journal khẳng định, ông Tề Minh nằm trong tầm ngắm của tình báo Úc, trong khuôn khổ một cuộc điều tra về tội phạm có tổ chức, rửa tiền và buôn người, có liên quan đến Trung Quốc.

Amazon : Brazil tạm cấm đốt rừng làm rẫy trong vòng 2 tháng

Cháy rừng gần Altamira, Brazil ngày 27/08/2019.

Trước áp lực quốc tế, hôm 29/08/2019 tổng thống Brazil, ông Jair Bolsonaro đã ký nghị định cấm đốt rừng làm rẫy trên toàn quốc trong vòng 60 ngày, nhằm làm giảm bớt những vụ cháy liên tục xảy ra tại khu vực Amazon.

Nghị định buộc phải ngưng đốt rừng làm rẫy trong hai tháng tới trên toàn quốc, nhưng cho phép một vài ngoại lệ. Chẳng hạn trong khu bảo tồn dành cho thổ dân, cư dân có thể tiếp tục dùng biện pháp cổ truyền này để trồng rau quả.

Thật ra luật lâm nghiệp cho phép đốt rừng để trồng trọt ở một số thời kỳ trong năm, dưới sự kiểm soát của chính quyền. Vấn đề là nhiều nông dân ở vùng Amazon vẫn đốt rừng tuy không được phép, và cũng không hề bị trừng phạt.

Quốc tế kêu gọi chống nạn bắt người đưa đi mất tích

Các gia đình Colombia có người thân bị bắt cóc hoặc mất tích trong Ngày quốc tế các nạn nhân bị mất tích ngoài ý muốn. Ảnh chụp ngày 30/08/2018.

Nhân Ngày quốc tế các nạn nhân bị mất tích ngoài ý muốn 30/08/2019, đã có những lời kêu gọi trên thế giới nhằm chống lại các vụ bắt người đưa đi mất tích, cho dù thủ phạm là các Nhà nước, nhóm chính trị hay mafia. 

Tại Colombia, nhóm « Những người tìm kiếm » gồm các bà mẹ mang biểu ngữ tại các địa điểm giao thông công cộng, cùng với ảnh của những người con đã biến mất không tin tức. Họ phân phát các tài liệu liên quan đến 83.000 trường hợp mất tích trong cuộc nội chiến kéo dài hơn nửa thế kỷ.

Ở Mêhicô, có 40.000 người được cho là bị bắt đi mất tích, và hiện nay vẫn còn 26.000 xác người vô thừa nhận. 

Tin vắn 30.08.2019


Một trại cải tạo ở Tân Cương.

(AFP) – WB thẩm tra việc Trung Quốc dùng tiền vay để mua dụng cụ đàn áp người Duy Ngô Nhĩ

Ngân hàng Thế giới (WB) hôm 29/08/2019 cho biết sẽ xem xét một lần nữa món tín dụng 50 triệu đô la cho Trung Quốc vay nhằm đào tạo nghề cho người Duy Ngô Nhĩ, nhưng hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy số tiền này bị dùng vào việc khác. 

Trước đó một hôm, tạp chí Foreign Policy khằng định một trường học đã nhận được 30.000 đô la từ nguồn vay WB để mua « dây kẽm gai, súng phóng lựu đạn cay và áo giáp chống đạn ».

Nguyễn Quang Duy - Thoát Trung mà thoát cái gì?


Ý kiến về cách tổ chức đấu tranh cách mạng

Thứ Sáu tuần rồi 23/08/2019, một người bạn của tôi là từ Hoa Kỳ sang thăm có kêu gọi tôi ủng hộ phong trào thoát Trung, do tổ chức anh đang vận động.

Tổ chức của anh là một tổ chức đấu tranh cách mạng, theo chủ thuyết nhân bản, thành lập tại Hoa Kỳ vào năm 1992. Xin nêu rõ điều này để tránh hiểu lầm với các tổ chức khác, vì những điều tôi góp ý là nhìn chung cho các tổ chức đấu tranh cách mạng. Cảm thấy cuộc trò chuyện khá thú vị, tôi xin viết lại, cũng vừa để ghi nhớ vừa để chia sẻ cùng bạn đọc.

Nhân bản kiểu cách mạng

Chữ nhân bản có hai nghĩa và khá thú vị hai nghĩa lại có phần đối nghịch. Nghĩa thứ nhất là sinh sản hay sao chép. Thí dụ con giống cha không thể giống ông hàng xóm hay nhân bản tế bào gốc con trừu thì thành con trừu dolly, không thể thành con bò hay con heo.

jeudi 29 août 2019

Ngô Nhân Dụng - Tổng Thống Trump luôn luôn tạo bất ngờ

Tổng Thống Trump cho biết ông đạt được một thắng lợi khi thương thuyết với Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe rằng Nhật sẽ mua thịt heo của Mỹ! Trong khi đó, chính phủ Nhật nói rằng họ chỉ ký thỏa ước mới, nếu chính phủ Mỹ ngưng không đe dọa sẽ đánh thuế xe hơi mua từ nước Nhật. Trong hình, Thủ Tướng Nhật Abe (trái) và Tổng Thống Trump tại G7 ở Biarritz, Pháp, hôm 25 Tháng Tám, 2019. (Hình: Nicholas Kamm/AFP/Getty Images)

(Người Việt 27/08/2019) Tổng Thống Donald Trump là người rất thông minh. Ông suy nghĩ rất nhanh và thường phải nói ngay ý tưởng của mình, không để cho nó nguội. Vì vậy, nhiều khi ông không nói hết những điều cần nói. Và sau đó, có người phải nói thêm, giải thích cho rõ hơn, hoặc sửa đổi vài chi tiết cho người ta hiểu ngược lại.

Đọc bản tin AP về các hoạt động của ông trong một ngày Thứ Hai, 26 Tháng Tám, 2019, thấy ông nói nhiều câu bất ngờ như vậy.

Buổi sáng, ông nói trong một cuộc họp báo, ở Biarritz, Pháp Quốc, nơi ông mới họp với sáu nhà lãnh đạo các nước khác trong nhóm G7 rằng: “Đệ nhất phu nhân đã biết” Kim Jong Un và đồng ý rằng ông này là “người với một quốc gia có triển vọng lớn lao.”

Chính sách « ngoại giao con tin » của Trung Quốc

Nhà văn Úc gốc Hoa Dương Hằng Quân (Yang Hengjun) chúc mừng năm mới trên Twitter của ông. Ảnh chụp lại từ một video trên mạng xã hội.

Le Monde số đề ngày hôm nay 29/08/2019ghi nhận « Việc Trung Quốc bắt giữ một nhà văn Úc gây căng thẳng với Canberra ». Nhà trí thức đấu tranh cho dân chủ Dương Hằng Quân (Yang Hengjun) bị bắt hồi đầu năm khi đến Quảng Châu, và đến bây giờ thì mới bị cáo buộc tội « làm gián điệp ».

Có nghĩa là đến bảy tháng sau, lý do bắt nhà văn Úc gốc Hoa mới được đưa ra. Ngoại trưởng Úc Marise Payne lớn tiếng phản đối : « Nếu Dương Hằng Quân bị bắt vì lý do chính trị, thì phải trả tự do cho ông ấy. Tôi sẽ tiếp tục biện hộ cho ông Dương cho đến khi có được lời giải thích thỏa đáng về việc bắt giữ, ông phải được đối xử nhân đạo và được cho về nhà ». Bà Payne đã chất vấn chính quyền Trung Quốc năm lần, khẳng định cáo buộc gián điệp là « vô căn cứ », trong khi tội danh này có khung hình phạt từ ba năm tù cho đến tử hình.

Càng bất đồng với phương Tây, càng dễ bắt người

Có bằng tiến sĩ của một trường đại học công nghệ ở Sydney, nhập tịch Úc năm 2002, Dương Hằng Quân là tác giả của nhiều cuốn sách trong đó các một số tiểu thuyết tình báo. Ông đã nhiều lần chỉ trích chế độ cộng sản Bắc Kinh, nhất là trên mạng xã hội. Sống tại New York với tư cách nhà nghiên cứu của trường đại học Columbia, ông bị bắt khi sang Trung Quốc, bị giam ở một nơi bí mật, gia đình và luật sư không được thăm viếng. 

Biển Đông : Chiến hạm Mỹ lại thách thức Trung Quốc ở Trường Sa

Khu trục hạm USS Wayne E.Meyer của Mỹ trên Thái Bình Dương.

Một chiến hạm Mỹ ngày 28/08/2019 đi vào bên trong vùng 12 hải lý của Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn ở Trường Sa, trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh đang xung đột gay gắt về thương mại.

Trung tá Reann Mommsen, phát ngôn viên Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ nói với hãng tin Reuters, khu trục hạm USS Wayne E.Meyer đã đi vào bên trong khu vực 12 hải lý của Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) thuộc cụm Nam Yết, và Đá Vành Khăn (Mischief Reefs) thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa.

Bà Mommsen cho biết hoạt động này nhằm « thách thức các yêu sách quá đáng trên biển, và bảo vệ tuyến đường hàng hải theo luật lệ quốc tế ». 

mercredi 28 août 2019

Carl Thayer: Bắt giữ Hải Dương Địa Chất 8 thông qua Interpol ?


Giáo sư Carl Thayer, trường đại học New South Wales, Úc trong bài viết mang tựa đề « Việt Nam, Biển Đông và cộng đồng quốc tế trong đó có Úc », đăng tải hồi cuối tháng 8/2019, đề nghị Việt Nam nên tham khảo các chuyên gia pháp lý quốc tế, về tiến trình bắt giữ chiếc Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8), thông qua cơ quan cảnh sát quốc tế Interpol.

Ông khuyến cáo cảnh sát biển Việt Nam cần phải tiếp tục duy trì sự hiện diện ở bãi Tư Chính để bảo vệ chủ quyền. Song song đó, Việt Nam cần tiếp tục phản đối về mặt ngoại giao ở mọi cấp độ : đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội, bộ Ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh, các lãnh đạo cao cấp của đảng và chính quyền, quân đội Trung Quốc.

Việt Nam cũng phải tiếp tục vận động các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế để tìm kiếm sự hỗ trợ trước các hành động bức hiếp của Trung Quốc. Cần nói rõ với các nước ASEAN là không thể chấp nhận một bộ quy tắc ứng xử không bảo vệ quyền lợi chính đáng của Việt Nam theo UNCLOS.

Biển Đông: Tàu khảo sát Trung Quốc tiến gần bãi Tư Chính của Việt Nam


Tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) hôm nay 28/08/2019 đến gần khu vực bãi Tư Chính, với mức độ khảo sát dày đặc hơn trước, theo quan sát của các nhà chuyên môn.

Trang Đại sự ký Biển Đông cho biết trong hai ngày qua, chiếc tàu này thay vì tiến sâu vào bờ biển Việt Nam theo kiểu zig zag, đã đổi hướng đến gần bãi Tư Chính. Có lúc Hải Dương Địa Chất 8 cùng với các tàu hải cảnh « chỉ cách vị trí giàn khoan Hakuryu 5 tại lô 06.1 (mỏ Lan Tây - Lan Đỏ) và chân đế Sao Vàng tại mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt khoảng 55 hải lý ».

Đây là hai nơi đang diễn ra các hoạt động dầu khí liên doanh Việt Nam và một số nước đối tác. Mật độ các vòng khảo sát cũng dày đặc hơn.

Miến Điện tham gia tập trận Mỹ-ASEAN dù bị trừng phạt

Tư lệnh quân đội Miến Điện Min Aung Hlaing. Ảnh chụp ngày 19/07/2018.

Hải quân Miến Điện sẽ tham gia cuộc tập trận chung trên biển giữa Hoa Kỳ và khối ASEAN, tuy nhiều tướng lãnh của nước này đang bị Mỹ trừng phạt. Một phát ngôn viên quân đội Miến Điện hôm nay 28/08/2019 thông báo như trên. 

Phát ngôn viên Zaw Min Tun của Bộ Tổng tham mưu quân đội Miến Điện cho biết : « Chúng tôi được mời tham dự với tư cách một quốc gia ASEAN. Các lệnh trừng phạt của Mỹ chỉ nhắm vào cá nhân ».

Hồi tháng Bảy, Hoa Kỳ loan báo trừng phạt tổng tư lệnh quân đội Miến Điện Min Aung Hlaing và ba tướng lãnh khác vì « thanh lọc chủng tộc » đối với người Rohingya. Cả bốn tướng lãnh trên và gia đình bị cấm nhập cảnh vào Mỹ. 

Ý: Đảng Dân Chủ chấp nhận ông Conte tiếp tục làm thủ tướng

Tổng thống Ý Sergio Mattarella (T) tiếp chủ tịch đảng Dân Chủ Nicola Zingaretti ngày 28/08/2019.

Chủ tịch đảng Dân Chủ đối lập, ông Nicola Zingaretti, hôm nay 28/08/2019 tuyên bố chấp nhận việc ông Giuseppe Conte tiếp tục giữ chức thủ tướng Ý, tháo gỡ một trở ngại quan trọng trong việc thương lượng thành lập chính phủ.

Tổng thống Ý Sergio Mattarella ra hạn cho đến hôm nay, đảng Dân Chủ cánh tả và phong trào 5 Sao (M5S) phải thỏa thuận được về thành phần nội các, sau khi chính phủ liên minh giữa M5S và Liên Đoàn (cực hữu) giải tán. Nếu đôi bên không tìm được đồng thuận, tổng thống sẽ chỉ định một chính phủ lâm thời và tổ chức bầu cử trước thời hạn.

Ông Zingaretti cho biết không còn phủ quyết đề nghị này, chấp nhận việc ông Giuseppe Conte tại vị, theo yêu cầu của M5S. Chiều nay lãnh đạo đảng Dân Chủ sẽ gặp tổng thống. Được biết tổng thống Mattarella tiếp tất cả các chính đảng để tham vấn.