Có nhiều ý kiến liên quan đến mức phạt vi phạm giao thông mới.
Ý kiến phản bác thì cho rằng mức phạt cao quá, cả về giá trị tuyệt đối, cả về so sánh với mức lương. Ý kiến ủng hộ thì cho rằng trước giờ phạt nhẹ nên không có hiệu quả. Trên thực tế thì mấy ngày nay, có vẻ đa số người lưu thông trên đường đều sợ mà không vi phạm thoải mái như trước giờ.
Tôi thuộc nhóm ủng hộ phải làm sao để giảm vi phạm giao thông, trong đó có giải pháp tăng mức phạt. Tuy nhiên, có một số vấn đề cần nói khi tăng mức phạt lên cao như hiện nay.
Thứ nhất là mục tiêu của việc tăng mức phạt. Tất nhiên, bất cứ ai ủng hộ việc tăng mức phạt như hiện nay đều cho rằng, tăng mức phạt để người ta không dám vi phạm. Trên thực tế thì có những việc khác, diễn ra trước đó, làm cho một số có những suy luận khác. Không biết có tình cờ không, khi người ta bỏ đếm giây đèn xanh ở nhiều nơi. Nếu phối hợp hai việc này lại, người ta có thể nghĩ rằng, đó là cái bẫy làm cho người dân dễ vi phạm hơn.
Vấn đề thứ hai, là hệ thống đèn tín hiệu, vạch kẻ, bảng giao thông đã đúng hay chưa. Có rất nhiều bảng báo giao thông không đúng qui định, về vị trí đặt bảng, về khả năng nhìn thấy nó của người tham gia giao thông. Rồi đèn tín hiệu nhiều khi nhảy loạn xạ… Lẽ ra, trước khi quyết liệt tăng giá phạt vi phạm lên mức cao nhất thế giới, thì phải bảo đảm hệ thống ngon lành, ít nhất thì ở mức trung bình của thế giới. Nhưng không, tăng là tăng ngay.
Thực ra, đây là thói quen của các cơ quan công quyền của ta. Đó là tính duy ý chí của một số cấp trên. Thích cấm xe máy là cấm, mà không cần biết cấm thì người ta đi bằng gì, khi hệ thống giao thông công cộng hết sức manh mún và bất cập. Còn nhớ ở Hà Nội có đoạn đường cấm xe taxi mà lại cho xe hơi cá nhân lưu thông.
Một vấn đề nữa là hiệu quả của việc tăng mức phạt. Mấy ngày đầu thì nó có hiệu quả. Nhưng vài ngày nữa, nó sẽ còn hiệu quả không? Khi người dân bỏ xe, các kho chứa sẽ đầy tràn, trong khi tiền phạt thì không thu được, bên công an sẽ xử lý ra sao?
Sẽ có một nhóm người nghèo, không có khả năng đóng phạt, kể cả bỏ tù hay giết họ, thì họ cũng chẳng thể nộp phạt. Rồi việc họ không thể ra đường để kiếm ăn do mất phương tiện lưu thông, sẽ kéo theo những hệ lụy xã hội khác. Nhà nước đã có phương án xử lý những hậu quả của việc tăng mức phạt lên nhóm người đó chưa? Nếu không có cách nào xử lý được họ, thì có thể duy trì trật tự giao thông được không?
Rồi bây giờ, việc khuyến khích người dân tham gia cung cấp bằng chứng vi phạm, sẽ có thể dẫn đến việc có một đội quân dùng các bằng chứng ấy để trực tiếp làm tiền từ người vi phạm, với mức thu thấp hơn, phù hợp khả năng nộp phạt hơn, lại cao hơn cái 10 % lẽ ra họ được nhận, thì sẽ ra sao? Ngay cả lực lượng cảnh sát giao thông được dạy dỗ, giáo dục tùm lum, còn thường xuyên “kiếm bánh mì”, thì điều gì bảo đảm những người dân đã dám bất chấp đạo lý, sẵn sàng vì tiền mà làm chỉ điểm, không ra tay kiếm chác?
Rồi lại tư duy chiến dịch. Một tuần nữa, một tháng nữa, khi các vấn đề nói trên bộc lộ ra. Khả năng duy trì việc theo dõi sát sao sẽ đến đâu? Còn trong trường hợp chiến dịch hiệu quả, người dân không vi phạm nữa, thì tình hình sẽ ra sao?
Cho nên, mặc dù rất ủng hộ việc sử dụng các biện pháp mạnh, trong đó có việc nâng mức phạt vi phạm giao thông lên cao, nhưng tôi vẫn cho rằng, cách làm như hiện nay là không ổn, không mang lại hiệu quả thực sự.
VÕ XUÂN SƠN 05.01.2025
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.