Hai ngày với mức phạt mới, toàn quốc thu được 67 tỉ đồng. Con số này đánh tan ý kiến cho rằng "mức cao thế người ta sẽ không nộp phạt mà bỏ xe luôn." Tiền trong dân còn nhiều lắm.
Xuất hiện mấy ảnh (chắc là thật) vài người ngồi chụp ảnh ở vỉa hè, ảnh này troll là cái chắc. Ấy thế mà nó được dùng để ca ngợi, à ca thán về một nghề mới: bounty hunting, tức là săn tiền thưởng. Đã có bài về sự lung lạc đạo đức nếu nghề này trở thành trào lưu...
Ngẫm kỹ hơn chút. Lão Lênin nói câu hay phết: "Tính nghiêm minh của pháp luật không phải ở chỗ hình phạt nặng hay nhẹ, mà ở chỗ không tội phạm nào là không bị phát hiện, không tội phạm nào là không bị trừng trị."
Vì thế một xã hội phải tăng nặng hình phạt (hay trong giao thông là tăng mức phạt vi phạm hành chính) là một xã hội có dân trí thấp, điều này đúng 100 %. Không riêng gì Việt Nam mà lịch sử có nhiều nước đã phải thực hiện rồi, nghe đâu Singapore hồi mới lập quốc cũng phải áp dụng biện pháp đó.
Tất nhiên mỗi quốc gia có một mục đích khác nhau, nhưng mục đích cao nhất vẫn là lập lại kỷ cương pháp luật, vì các hành vi vi phạm không bị xử lý quá lâu sẽ gây nhờn luật. Còn nếu tăng mức phạt để thu tiền thì câu chuyện lại khác, nó sẽ làm sai lệch bản chất của nhiệm vụ của pháp luật.
Nói vậy thôi, ngay từ khi chính sách này chưa có hiệu lực, tôi đã nói chuyện ở trong gia đình: Nó có tác dụng. Nồi nào, thì vung ấy. Phần lớn người ta sẽ sợ cái "rủi ro rơi vào mình" - tâm lý này rất thú vị đáng để nghiên cứu. Xã hội có nhận thức, dân trí cao, cá nhân sẽ có ý thức chấp hành pháp luật, coi đó là tiêu chuẩn đương nhiên có của người văn minh. Xã hội có dân trí thấp, thì cá nhân lại coi việc vi phạm là đương nhiên, vì ai cũng như vậy và nếu có bị công an tóm cổ, lại là "rủi ro." Ngộ nghĩnh ở chỗ đó.
Trong điều kiện Việt Nam ở tình trạng "vỡ trận quy hoạch giao thông", lượng xe cá nhân tăng khủng khiếp, như Hà Nội là số ô tô cá nhân đặc biệt nhiều, việc áp dụng ý kiến của lão Lênin trên đây, không khả thi. Vì thế tăng mức phạt là biện pháp tuy hơi thụt lùi một chút (suýt nữa tôi viết là man rợ) nhưng là cần thiết.
Lại nói chuyện, với mức phạt như vậy và đặt vào câu chuyện người ta nói ra nói vào: nhà nước hết tiền nên phải tăng thu, đúng không? Nghĩ thế thì đơn giản quá, thô thiển quá. Giống như câu chuyện tăng thuế suất, nó sẽ làm giảm ngay tổng thu... Và giảm thuế suất sẽ kích thích kinh doanh, tổng số thuế thu được sẽ tăng lên. Vì vậy về tổng thể, sau một thời gian đủ lâu áp dụng chính sách, về tổng thể số tiền thu được từ phạt vi phạm giao thông sẽ giảm đi.
Sang góc độ cá nhân. Người ta đang sáng tác những câu chuyện... đâm vào đít nhau. Vớ vẩn. Hai ba ngày qua tôi chưa thấy đâm vào đít nhau, trong khi đó trước đây vẫn.... đâm vào đít nhau như bình thường. Như tôi chẳng hạn, đã áp dụng nguyên tắc "4 giây không đi qua nút giao" từ lâu, không phải bây giờ mới làm, và chủ động điều chỉnh tốc độ. Bây giờ với chính sách mới tôi cảm thấy an toàn hơn, vì người đằng sau cũng sẽ giảm tốc độ như mình.
Việc bounty hunting tức săn tiền thưởng, là một chuyện ngộ nghĩnh nữa. Vốn dĩ nếu có chính sách trả hoa hồng cho người cung cấp thông tin, thì mục đích của nó nhắm tới những người tình cờ ở trong sự kiện, và bộ máy nhà nước thì không phủ hết, không ghi lại được. Nếu có trường hợp một hành vi mà có mấy chục video gửi đến thì làm sao? Thì chia ra chứ sao. Đây nhé, 20 củ, hoa hồng 5 % là 1 củ, chia cho 20 người gửi video mỗi người được 50 nghìn đồng, coi như mua được bao thuốc lá.
Nếu dân chúng tăm tắp không vi phạm, thì kể cả chỉ có một thợ săn ở một ngã tư, may ra một ngày kiếm được vài củ, mà rất khó. Nghe chừng nghề này không dễ ăn. Chưa nói đến tranh giành các nút giao dạng bẫy, dễ vi phạm... thì không đến lượt, lại chẳng quánh nhau sứt đầu mẻ trán. Mà có khi "sân trước sân sau" cũng xí hết những chỗ thơm đó rồi. Chờ đấy mà có chuyện "thanh niên ngày kiếm 50 củ."
Ấy nhưng không phải là không có quay phim đâu nhé. Ngay tối 02/01 vừa rồi tôi dừng đèn đỏ ở Cầu Giấy thấy vẫn cố vượt. Trong số khoảng 40, 50 người vẫn có 4, 5 người như thèm thuồng khó chịu cái gì, lại từ từ nhô dần lên rồi ào cái phóng qua. Từ khi có chuyện hoa hồng với tiền phạt, cái tự trọng của mình nó lại ngăn không cho mình rút điện thoại ra quay, ngại người ta nghĩ: Trông thế kia mà thèm tiền thưởng.
Cái đáng sợ là thói côn đồ khi bị quay phim, nhảy xuống đánh người ta: Ai cho quay phim bố mày, để kiếm tiền thưởng hả?
Chúc bà con Chủ nhật vui vẻ !
PHÚC LAI 05.01.2025 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.