Cái hồi chỉ thị 16 ra đời và mang áp dụng ở TPHCM, tôi đã phải rời khỏi Sài Gòn lên Đà Lạt.
Thực ra, trước khi có chỉ thị 16 thì đã có chỉ thị 15, nên khi tôi lên Đà Lạt là những ngày cuối cùng áp dụng chỉ thị 15. Theo đó, cả nhà tôi phải khai báo y tế ở Madagui. Lên tới Đà Lạt thì ngay lập tức phải ra y tế phường ngoáy mũi, và cách ly tại nhà 15 ngày.
Lần này, nghị định 168 có hiệu lực mà trước đó không có nghị định 158 hay 167, nên bà con hơi bất ngờ. Tôi cũng bất ngờ. Tôi về Sài Gòn được vài bữa thì nghị định 168 có hiệu lực. Khác với hồi chỉ thị 16, tôi cùng với bà con Sài Gòn “thưởng thức” nghị định 168 vài bữa rồi mới về Đà Lạt.
Khác với hồi chỉ thị 16, khi đó tôi là công dân Sài Gòn, lên Đà Lạt được đối xử như quy định đối với dân Sài Gòn. Ấy là tôi nói quy định bắt buộc các cơ quan chức năng phải phân biệt đối xử đối với dân Sài Gòn. Trên thực tế, dân Đà Lạt khi ấy chẳng phân biệt gì. Cái anh ở ủy ban phường vô nhà tôi trao giấy quyết định cách ly, còn vô ngồi uống cà phê đàm đạo nữa.
Lần này, tôi là công dân Đà Lạt. Vậy mà người Đà Lạt nào gặp tôi cũng xót xa cho dân Sài Gòn, phải chịu đựng cảnh kẹt xe. Nhưng tôi đoán là họ chưa tưởng tượng được cảnh kẹt xe bây giờ, vì họ bảo họ biết đến kẹt xe là do dân Sài Gòn mang kẹt xe lên Đà Lạt mỗi dịp lễ, Tết… Họ cứ tưởng kẹt xe sau 168 ở TPHCM nó giống như kẹt xe mấy ngày lễ, Tết ở Đà Lạt.
Thực ra, lần này, kẹt xe khác khá xa. Kẹt mà không biết bao giờ mới ra được. Kẹt mà không ai có ý muốn nhanh chóng thoát ra. Ngay cả khi thấy đèn đang xanh mà xe trước không đi, thì người đi sau cũng không sốt ruột, không thúc giục. Hồi xưa, kẹt xe được cho là do ý thức của người tham gia giao thông, nên người ta cáu giận. Còn bây giờ, kẹt xe là do… ơn trên.
Ấy là người ta nghĩ thế. Thực ra, bên trên người ta chỉ muốn tốt cho dân, muốn dân chấp hành luật lệ giao thông, có ý thức tham gia giao thông tốt. Bây giờ, ý thức tham gia giao thông tốt, chấp hành luật lệ giao thông tốt, thì kẹt xe trầm trọng hơn. Hóa ra đó giờ giao thông ít bị kẹt hơn, là do ý thức giao thông kém, là do dân không chịu chấp hành luật lệ giao thông.
Nhiều đời lãnh đạo TPHCM đã tha thiết xin trung ương cho giảm mức đóng góp, chứ làm ra đồng nào, đóng góp 82 % cho trung ương đồng đó, thì TPHCM không còn tiền đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Ai từng lái xe đi các tỉnh nghèo như Kontum, Hà Giang, Cao bằng… đều thấy đường xá ở đó tốt hơn đường xá ở TPHCM nhiều. Người dân Sài Gòn rất thương các lãnh đạo của TPHCM, nên họ “xé rào”, bỏ qua luật lệ giao thông để cứu TPHCM không bị đông cứng như mấy ngày nay. Thế mà lại bảo ý thức tham gia giao thông của họ kém.
Thực ra, ý thức của dân Sài Gòn là rất tốt. Cả thành phố đông cứng lại, không than vãn, không phản kháng. Dân Sài Gòn ngoan ngoãn, kham nhẫn quen rồi. Đóng góp 82 %, chẳng còn lại bao nhiêu. Nhưng ai bảo xếp hàng ngoáy mũi là xếp hàng ngoáy mũi liền, Bảo đi vô trại cách ly, biết đi là chết, mà vẫn cứ đi. Bây giờ, ai bảo phạm lỗi, rồi bắt phạt là nộp liền, dù không còn tiền để đi mua xăng.
Cứ từ từ, bình tĩnh mà sống. Chứ đâu như cái anh gì ở ngã ba Lộc An, Long Thành, lấy tiền mua xăng đốt xe, đốt cả mình luôn.
VÕ XUÂN SƠN 14.01.2025
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.