1. Về tình hình chiến sự trên các mặt trận ngày hôm kia và hôm qua căn cứ trên báo cáo của Viện nghiên cứu Chiến tranh ISW, thì từ 03/07 quân Nga được đưa vào trạng thái nghỉ.
Chính xác là họ viết quân Nga không có hoạt động gì từ ngày 03/07. Tuy nhiên theo các thông tin của bản tin chiến sự Bộ Tổng tham mưu Ukraine, thì quân Nga vẫn có những hoạt động tấn công. Ví dụ hôm qua, họ tiến hành một cuộc tấn công theo hướng Verkhnokamyanske (đạt một phần nào thành công, xem bản đồ). Và trên hướng Bakhmut thì vẫn cố gắng tấn công Vesela Dolyna, một khu dân cư ở phía nam Bakhmut chỉ cách có mấy cây số.
Đây là các lực lượng không phải bọn tham gia chiếm hai thành phố Serevodonetsk và Lysychansk, nhất là bọn cố tấn công vào Vesela Dolyna. Có thể nhận thấy rằng đây là những hướng tấn công họ đã thực hiện từ trước và cũng đã tổ chức làm nhiều lần. Đến bây giờ chắc hẳn các hệ thống công sự phòng ngự của Ukraine, quân Nga họ đã đánh nát ra rồi.
Trên các hướng Kharkiv và mặt trận miền nam chúng ta đều thấy các bản tin chính thức ghi nhận thông tin quân Nga phải bắn vào các vị trí của Ukraine để “ngăn các đợt tấn công.” Vậy là không còn nghi ngờ gì nữa, quân Ukraine vẫn tiếp tục tấn công vào các vị trí quân Nga đang phải phòng thủ.
Bình loạn: Đến đây chúng ta lại tiếp tục thấy rõ hơn về ý hôm trước tui báo cáo các bác: tại sao với Nga là chủ động chiến thuật, còn với Ukraine là chủ động chiến lược. Hiện nay với tình thế quân Nga, muốn tấn công thì tấn công, muốn phòng ngự thì dừng lại… Nhưng dừng là dừng thế nào, khi mà cứ hễ dừng thì bị đánh lấn và dự trữ thì cứ cạn kiệt dần.
Cách duy nhất của họ là phải dùng pháo binh để ngăn chặn cái sự đánh lấn của quân Ukraine. Do vậy những ngày vừa qua song song với tình hình giảm hoạt động đáng kể của lục quân hai bên trên mặt trận The Battle of Donbas (chúng ta cũng có thể đoán được rằng quân Ukraine bảo vệ mặt trận này cũng rất mệt mỏi, cần phải được rút về cho nghỉ); Nga thì bắn để chặn quân Ukraine phản kích vào các vị trí đã chiếm được, còn Ukraine thì bắn vào hậu cần đạn dược của Nga.
Hôm qua một kho đạn ở Shakhtarsk, cách thành phố Donetsk khoảng mười mấy kilômét về phía đông, bị pháo kích và nổ suốt cho đến ngày hôm nay.
Ngày xưa mấy bác bình loạn bóng đá nhà ta hay bình loạn về giải vô địch quốc gia Liên Xô có đội Sác-chi-o Đô-nét, chắc nó đóng đô ở cái thị trấn “những người thợ mỏ” (Шахтёр) này.
Đọc các thông tin chiến sự thì thấy rất rõ là ở Donbas quân Ukraine cũng không có hoạt động mặt đất nào, ngoài sự kiện hôm 05/07 Quân Ukraine tổ chức phản kích chiếm lại làng Solodke (tiếng Nga Сладкое) ở phía Nam thành phố Donetsk (cách 45 km).
Thông tin thêm: Trận đánh này của quân Ukraine đã làm thiệt hại nặng lực lượng trung đoàn 11 của quân đội "nước Cộng hòa nhân dân Donetsk", và họ đã phải rút phần còn lại về. Tui vẫn nghĩ rằng đây chỉ là một trận phản kích có tính cục bộ chứ quân Ukraine sẽ không tổ chức phản công ồ ạt.
Trọng tâm của hoạt động phía Ukraine trong giai đoạn này là pháo kích các mục tiêu quan trọng thì bác nào cũng biết vì nhiều bác nói rồi. Cơ mà có một câu hỏi như thế này: liệu quân Nga có xoay sở để chống cự lại xu thế này không? Rõ ràng là đến nay các mil-blogger Nga cũng đang chửi bới om sòm về việc quân Nga không thèm đếm xỉa gì đến những yêu cầu sơ đẳng nhất về giữ bí mật và nghi binh. Thậm chí họ còn không thèm phân tán kho tàng ra nhiều địa điểm khác nhau, mà tìm được cái nhà to to nào là chất đầy ự vào trong đó.
Thằng cha Igor Strelkov còn phàn nàn: không cung cấp bất cứ cái gì cả, ví dụ các phương tiện để ngụy trang kho tàng gì cả. Tui thì nghĩ bụng, bố khỉ, đến giấy chùi đít cho binh lính mà quân đội Nga còn đang phải hô hào quyên góp từ các cháu thiếu niên nhi đồng ở tận Viễn Đông, thì lưới ngụy trang lấy đâu ra. Đề xuất Nga nên làm các nhà kho bơm hơi để tiêu hao bớt đạn thông minh của Ukraine đi.
2. Mặc dù các bản tin của Bộ Tổng tham mưu Ukraine như chúng ta nói chuyện, là rất dè dặt nhưng gần đây, họ thông báo đều đặn về thành công của lực lượng pháo binh Ukraine trong đó có cả pháo phản lực.
HIMARS đó.
Song song với những chuyện này là sự xuất hiện của các tin tức từ phía Nga nào là bắt được CAESAR, nào là bắn cháy được M142 hay 270 gì gì đó. Cũng có bác bảo là chúng nó có tầm bắn xa, tại sao lại bố trí ở gần mặt trận để quân Nga phản pháo chết tươi?
Cơ mà mặt trận Ukraine không thẳng như kẻ bằng thước mà nó cong queo, có nhiều chỗ loang lổ da báo nên việc bắn và thằng này cách 60 km nhưng thằng khác nó chỉ cách ta 30 km ở bên cạnh mạng sườn là hoàn toàn có thể. Cơ mà cái của đó quý như vàng, bắn xong cái phải té gấp chứ ai lại đứng đó lồ lộ cho ông bắn.
Lại có chuyện các ông Tây Phi Pro-Putox tung tin một giàn HIMARS hay CAESAR gì đó bị quân Ukraine túng tiền đem bán cho Nga… nghiên cứu. Nói xin lỗi, Nga của các ông giỏi bỏ mẹ, họ còn lạ gì cái thứ này. Khẩu pháo chỉ là khẩu pháo thôi, kể cả computer hóa hệ thống điều khiển và chỉ thị mục tiêu thì nó cũng chỉ là một cái máy tính rất dễ bị khóa lại và vô hiệu hóa… Quan trọng là cái thứ đạn thông minh kia, và cả hệ thống của nó từ ở trung tâm chỉ huy ở tận đẩu tận đâu ấy chứ. Tất cả Nga làm được từ lâu rồi, họ cũng chẳng ngọng ngô gì. Chẳng qua là trong thời gian vừa rồi họ không thèm phát triển vì chủ quan dựa trên kho đạn dược to vật vưỡng, bây giờ bắn ào ạt mới phát hiện ra không đủ xe tải để chở.
Hiện tại, theo thông tin tình báo vỉa hè thì Nga còn tên lửa, nhưng là những thứ không pass được qua khâu kiểm tra chất lượng trước đây và họ sẽ phải đem ra dùng nốt, trong phương án “dồn ghép” (ad-hoc). Tuy nhiên vấn đề lớn nhất là điều khiển tên lửa đến mục tiêu thì Nga không làm chủ được nên các xoay sở chỉ trên mức độ giật gấu vá vai. Nếu tiếp tục sử dụng những loại tên lửa này thì chắc chắn là chúng cũng sẽ tiếp tục… quay về với bệ phóng. Đúng là “trở về đất mẹ.”
3. Nói tiếp chuyện Putox muốn thông qua được luật kinh tế thời chiến.
Hành động này đúng là “rét quá thì đóng cửa đốt nhà để sưởi ấm” đây. Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai trừ những thấp cổ bé họng như anh em nhà Kim Chi hay Đại Lỗ là bị các thế lực khổng lồ dí đểu cho mấy cuộc nội chiến, thì những anh to đầu chẳng anh nào dại nhảy vào chiến tranh với nghĩa là để cho nó diễn ra trên đất nước của mình hoặc sát nách mình.
Trong trường hợp phải làm, thì họ sẽ buộc phải để nó diễn ra với kiểu “xung đột hạn chế” chứ không được để cho nó biến thành cuộc chiến tranh tổng lực. Đó là trường hợp của Trung Quốc khi tiến hành cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam năm 1979. Nếu cuộc chiến đó kéo dài và biến thành một thứ gì đó tương tự như thứ hiện nay Nga đang làm ở Ukraine, thì sẽ là thảm họa với Trung Quốc khi họ vừa mới chỉ đổi mới được 3 – 4 năm, kinh tế mới mở cửa chưa hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó Nga Sô thì dám lao vào cuộc chiến ở Afghanistan với một nền kinh tế hầu hết phụ thuộc khai thác, chỉ cần một cú ép giá dầu mỏ kéo dài từ một năm trở lên là đủ liêng biêng… Nhưng còn một lý do nghiêm trọng nữa là A-phú-hãn ở sát nách Nga Sô, để nước này loạn cũng không được mà can thiệp thì cũng chết.
Từ đó chúng ta nhận ra điểm mạnh và cũng là điểm yếu của Nga: đất nước lục địa to rộng, quá mệt mỏi để bảo vệ. Lãnh thổ cương vực càng rộng lớn, càng phải đẩy xa đường biên giới ra ngoài để có “vùng đệm” đề phòng trường hợp có chiến tranh. Lý thuyết đó đã quá lỗi thời, bằng chứng là Stalin đã từng cố gắng chiếm phân nửa nước Ba Lan mà họ giải thích là để có vùng đệm trong trường hợp Đức tấn công.
Thực chất của các câu chuyện kiểu đó là địa chiến lược và vùng ảnh hưởng, ví dụ như gần đây nhất Putox tự so sánh mình với Piotr đại đế trong chuỗi các đệ nhất võ công của ông ta. Sau thất bại trong trận chiến đánh thành Narva 1700 là chuỗi các chiến thắng của quân Nga từ 1702 đến 1710. Nước Nga đuổi được Thụy Điển ra khỏi toàn bộ vùng Baltic, mở được đường thông ra biển và xây dựng được thành phố Sankt Petersburg. Trận Poltava là đỉnh cao của chuỗi võ công này.
Có thể nói Liên Xô sụp đổ đã làm cho nước Nga lại quay lại “mất đường ra biển” ít nhất với hai hướng: Baltic và biển Đen. Trên hướng Viễn Đông, Nga phải đối mặt với một nước Nhật hùng cường về kinh tế và đặc biệt về công nghệ, một kẻ thù lâu đời và trong tương lai cũng là tiềm năng: Trung Quốc nay đã hóa rồng và ngoài khơi xa là hải quân Hoa Kỳ.
Có thể nói là đến trước năm 2014, nước Nga chưa bao giờ bị thu hẹp về quyền lực địa chiến lược đến vậy, và đây là năm đỉnh cao của Putox khi lão ta quyết đoán chiếm Crimea về cho mình sau những sự kiện Maidan ở Kyiv.
Đánh giá trước sự kiện này, một ông không rõ kiếm đâu được danh hiệu Dáo xư, “bá cả” Anton NCT của nhóm “Niên Sô Liệm hoài không chôn” nói: bán đảo Crimea thời Liên Xô được định giá 70 tỉ đô-la nên là một mục tiêu quan trọng. Đến đây thì tui thực sự hoảng với chất lượng “dáo xư” của Việt Nam – đánh giá giá trị địa chiến lược bằng cách “quy ra thóc” và số liệu thì từ những năm 1980.
Nếu xét về tầm quan trọng địa chiến lược của Crimea thì phải xét như thế này: bán đảo đó chính là đường ra biển của Nga ở tây nam. Sự ổn định của khu vực đảm bảo sự ổn định trong bán hàng của Nga với các đường ống dẫn dầu và khí đốt ở phía Nam đất nước. Còn xét về “đường ra biển” thì vấn đề còn nằm trong một câu chuyện tổng thể lớn hơn: quan hệ Nga – Phương Tây và NATO, thông qua một số các con bài là (1) Ukraine và (2) Thổ Nhĩ Kỳ.
Chúng ta cùng hình dung là Thổ Nhĩ Kỳ dù có thể cũng muốn làm một tay chơi thật đấy, nhưng trong con mắt của Putox thì đối thủ ngang cơ phải là Mỹ hoặc NATO, hoặc cộng đồng các quốc gia phương Tây, còn Thổ thì chỉ là anh lính xung kích. Ngược lại do chia sẻ một số quyền lợi, lại luôn cảm thấy là vẫn hơn phân được trong lĩnh vực… bán vũ khí, nên thâm tâm Putox coi thường Edorgan.
Cũng từ đó, chúng ta sẽ không thấy xung đột ở mức độ rộng lớn giữa hai ông kẹ này, vì ông nào cũng giữ những tâm tư riêng của mình. Thổ chỉ có thể bắn máy bay của Nga khi rình rình vớ được cơ hội trời cho nó cắt qua đất của mình có mấy chục giây đồng hồ, nhưng lại hợp tác với Ukraine để phát triển UAV và trước đó còn quấy cả câu chuyện Armenia – Azerbaijan. Cho nên thực tế sau những gì đang diễn ra trên đất nước Ukraine hiện nay chúng ta lại thấy Nga và Thổ là hai đối thủ hết sức vừa tầm với nhau, và có lẽ Thổ trội hơn một ít.
Putox thực hiện kế hoạch với Ukraine mà bây giờ chúng ta đã biết là lão cho người chuẩn bị từ lâu rồi, dựa trên những tính toán khi phương Tây lục đục và NATO thì suy yếu, chết lâm sàng. Nổ phát súng vào Ukraine, chiếm toàn bộ đường ra biển Đen cũng sẽ làm rung chuyển toàn bộ khối minh ước và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, trở nên lép vế hơn nữa trước Nga. Sau Ukraine đương nhiên vẫn sẽ là ba nước Baltic, còn Moldova thì không tính.
Bán đảo Crimea bị Nga chiếm là một hậu quả tai hại, nhất là với cây cầu Kerch giúp cho cánh quân của Nga ở đây tiến chiếm miền nam Ukraine một cách dễ dàng.
Quá dễ để ca ngợi những chiến tích của Putox, đặc biệt và kể cả từ góc độ địa chính trị khi chiếm được bán đảo Crimea thì họ khống chế cả khu vực biển Đen. Tất cả mọi điều đều đúng, và cả cái kế hoạch đang thực hiện rất đúng là tạo ra và thúc đẩy phong trào ly khai ở Donbas, bơm quân “không số” vào hỗ trợ và tiếp tục duy trì bất ổn cho nước láng giềng… mãi cho đến khi Putox cảm thấy tất cả đều đã chín muồi.
Đến đây mới thấy trong câu chuyện địa chiến lược, cố chiếm đất sẽ là con dao hai lưỡi. Chiếm được Crimea ngon như ăn ớt, thì phải hạ cho “nó” (chính quyền Kyiv) gục hẳn bằng chiến dịch quân sự đặc biệt. Ai ngờ 200.000 quân của mình thì cũng phải đối đầu với 200.000 quân của họ, và họ không hề có ý định đầu hàng dù ngày 24/02 lính của Putox ra lệnh cho “quân đội Ukraine hạ vũ khí đầu hàng” – thật là càn rỡ.
Từ năm 2014 mỗi năm phải “nuôi” Crimea tốn 40 tỉ đô-la, trong khi không có khách du lịch nào của phương Tây đến các thành phố của nó để nghỉ dưỡng cả. Bây giờ thì ngoài Crimea, quân Nga chiếm được đến đâu, sẽ phải căng sức ra giữ đến đó.
Một câu chuyện khác tưởng chừng không liên quan, là không phải một lần Putox đăng đàn lên án “một vài nước nào đó có âm mưu và dã tâm thống trị thế giới và duy trì thế giới đơn cực” và các chỉ trích tập trung vào Hoa Kỳ. Lão ta cũng không giấu nổi tham vọng là nước Nga của lão sẽ thách thức vị trí đó của nước Mỹ. Kinh thế.
Tuần trước, gia đình tui vừa đi xem phim “Thế giới khủng long” tập cuối. Khoảng 2 tuần trước nữa, xem phim “Top Gun”… toàn bịa cả nhưng nó hấp dẫn và móc túi được khối người. Hôm qua thằng con đi trung tâm thương mại và ngó vào cửa hàng có biển Levi’s to đùng và bảo quần áo đẹp… còn dân Nga thì cuồng lên vì McDonald và iPhone. Tui không sùng bái gì nước Mỹ, nhưng tui nhận ra được cách mà họ đang thống trị thế giới hiện nay là từ các giá trị của họ, những giá trị không tính đếm được, và hoàn toàn không phải là bằng súng đạn.
Bằng chứng là ngay cả Tây Phi cũng thèm khát muốn được họ đoái hoài và “mình phải thế nào họ mới như thế chứ” dù vẫn cố gồng lên “đàng hoàng sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì” – chơi được với họ là sự ghi nhận giá trị về mọi mặt, đặc biệt là về thể chế và xã hội.
Putox như một thằng cha lép vế muốn làm bá chủ, nhưng lại không có giá trị gì ngoài việc phải ăn mày lịch sử bằng Pushkin và thêm một tí nghĩa tình chiến tranh với dân Tây Phi, thứ nghĩa tình đến nay còn nhiều tranh cãi. Lão ta muốn có địa vị bá chủ thế giới hoặc ít ra, rạch đôi sơn hà trong khi GDP đâu như tương đương tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc.
Trên chiến trường, với lực lượng như hiện nay, Nga càng chiếm đất càng phải căng sức ra giữ, mật độ quân càng mỏng thì trên bình diện quốc gia, thử xem ảnh hưởng của Putox được ở những đâu ngoài mấy chỗ vớ vẩn. Và sau những màn thể diện chán đời ở Ukraine, liệu những ảnh hưởng đó còn được bao lăm?
Chưa có lãnh đạo kiệt xuất nào lại đưa đất nước vào chiến tranh cả, nếu thấy nguy cơ sa lầy thì phải dừng lại càng sớm, càng tốt. Kích hoạt nền kinh tế sản xuất phục vụ quốc phòng và để dân chúng quay lại ăn bánh mì, đúng là chỉ có Putox mới làm như thế. Bây giờ nếu người ta ghì giá dầu xuống 50 đô-la/thùng cho 1 năm, đồng nghĩa với giá gas cũng giảm… phàm là hàng đã xuống giá là ế, đã ế thì nài nỉ nó cũng không mua vì thằng nào cũng muốn bán. Lúc đó thì Putox có mà đi bằng đầu gối.
Tất cả nầm trong tính toán của Putox cả.
Người ta bảo, người thông minh là luôn luôn tiến lên, còn người trí tuệ là người biết dừng lại đúng lúc.
4. Chẳng đoán mò nữa.
Kết quả thăm dò dư luận của Chatham House cho thấy, tỉ lệ người Belarus ủng hộ nước này tham gia chiến tranh ở Ukraine giảm 1% còn 5% so với hồi 4/2022, công bố mới nhất hôm nay 08/07.
Bình loạn: Lukashenko mà xua quân xông vào thì nội loạn là cái chắc.
Từ mấy hôm trước chúng ta đã nghe tin quân đội của hai cái nước “cộng hòa nhân dân” ly khai hiện tại đã mất đến 55% lực lượng. Với hai anh ly khai này đang danh chính ngôn thuận là hai “phe khởi nghĩa” theo luật quốc tế. Ấy thế mà lúc này đây “quân đội” của họ ngày càng đi đến chỗ tan rã, khi nào mà không còn gì nữa hoặc còn không đáng kể, là lúc “Nga chẳng có lý gì để đánh nhau.”
Hiện nay việc Nga chiếm miền nam của Ukraine chắc chắn phải có một động tác là tổ chức trưng cầu dân ý để thành lập nước cộng hòa gì đó, rồi sau đó gia nhập Liên bang Nga, nếu không thì vô nghĩa. Với khu vực này thì còn tệ hơn ở Donbas, vì còn không có chính quyền và quân đội ly khai mà chỉ có quân đội chiếm đóng, nghĩa là việc có nó là kết quả của một sự xâm lược.
Thua toàn bộ cả về lý lẽ lẫn thực tế, tất cả nằm trong tính toán của Putox hết. Với phía Ukraine, chỉ cần cứ đánh què cụt quân ly khai thêm tí nữa thì Putox chẳng còn quân bài nào trên bàn cả. Quân đội Ukraine trong các trận chiến vừa qua ở Donbas đã thu được những chiếc mũ sắt từ thời… Hồng quân Liên Xô, không rõ được cấp phát, trang bị cho quân Nga hay ly khai nữa.
Nền kinh tế thời chiến của nước Nga đấy, he he.
PHÚC LAI 08.07.2022
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.