mercredi 1 juin 2022

Phúc Lai - Nhận xét về thông tin hóng được sau ngày thứ 96 của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine (30/05/2022)

 

1. Cuộc phản công ở Kherson:

• Ngày hôm qua mặc dù có nhiều nguồn đưa tin về việc quân Ukraine phản công trên mặt trận Kherson, nhưng tui vẫn buộc phải thận trọng. Đến tối hôm qua tui đã xác minh bằng cách hỏi một nguồn tin cực kỳ tin cậy người Ukraine thì câu trả lời như thế này: “Only on TV. That deep of penetration in Bridgehead is 9 km.”

Bình loạn: Sau một hồi tra tấn thì tui khai thác được thêm, đây chỉ là một cuộc tấn công hạn chế nhân vụ không – pháo kích thành công mà thôi. Bản tin Bộ Tổng tham mưu Ukraine hôm qua cũng cho biết để khôi phục tình hình, quân Nga đã cử đến khu vực này những đơn vị từ vài sư đoàn khác nhau.

Cầu này là cầu nào? Cầu bắc qua sông Inhulets, một phụ lưu của sông Dnipro. Ở cạnh nó có một điểm dân cư cùng tên. Theo ISW thì họ cũng nói đây là một cuộc tấn công hạn chế của quân Ukraine, và như chúng ta đã biết thì họ đã tiến được đến 9 km, sau đó thì quân Nga phản kích lại.

Cuộc phản kích của quân Nga có vẻ đạt được kết quả, nhưng cuối cùng thì đầu cầu phía đông vẫn nằm trong tay quân Ukraine và như vậy coi như quân Nga đã mất cái cầu.

Tui cho rằng đó cũng là lý do mà hôm qua hôm nay các bác theo dõi số liệu thống kê thiệt hại của quân Nga không tăng nhiều nữa, thậm chí “trong 24 giờ qua quân Nga thiệt hại có 150 nhân mạng” và thấy sốt ruột.

Cơ mà việc chiếm được cái cầu này cũng là một thuận lợi cho quân Ukraine nếu muốn phát triển chiến quả dồn quân Nga về phía Kherson hoặc hất họ xuống sông Dnipro. Để làm rõ thêm, chúng ta sẽ tham khảo thêm tin này:

“Trong cuộc tấn công thành công của Lực lượng vũ trang Ukraine, kẻ thù đã bị tổn thất và rút khỏi khu định cư Mykolaivka thuộc khu vực Kherson, dẫn đến tâm trạng hoảng sợ trong quân nhân của các sư đoàn khác của Lực lượng vũ trang Liên bang Nga” – Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang của Ukraine cho biết khoảng nửa đêm hôm qua theo giờ Hà Nội.

Bình loạn: Như vậy căn cứ trên bản tin chính thức của Bộ Tổng tham mưu Ukraine thì quân Nga mặc dù đã tăng cường lực lượng để đòi lại Mykolaivka nhưng do tinh thần chiến đấu thấp, nên không thành công.

Mykolaivka nằm sát bờ sông Kozak, cũng là một phụ lưu của sông Dnipro, nó cách Kherson 28 km theo đường chim bay. Nếu đo thêm một phép nữa, thì nó cách Armiansk là cửa ngõ của Crimea 50 km. Như vậy nếu cứ lôi vào đây vài cỗ pháo tự hành tầm xa, vấn đề hậu cần của toàn bộ cụm quân Nga ở mặt trận phía Nam vùng Kherson – Melitopol nằm trong tầm xạ kích của chúng. (Xin xem bản đồ)

2. The Battle of Donbas

“Các nỗ lực chính (của quân Nga) tập trung vào việc thiết lập quyền kiểm soát đối với thành phố Severodonetsk…”

Bình loạn: Nếu ai đó giải thích là quân đội Ukraine đang đánh nhau ở trong thành phố để các đơn vị khác rút lui thì tui cũng không hề nghi ngờ đâu. Có một người bạn Facebook của tui comment một câu tui thích lắm: “Severodonetsk đâu có ý nghĩa chiến lược gì đối với cả hai bên?”

Ở đây câu đó chỉ đúng một nửa, với Nga nó chẳng có ý nghĩa gì thậm chí còn chiếm được một thành phố ở trong tầm pháo, như chúng ta đã bình loạn là: chiếm Severodonetsk mà không chiếm Lysychansk thì giải quyết được vấn đề gì? Nhưng với quân đội Ukraine, giữ được nó thêm ngày nào, cũng có nghĩa là giảm tải được cho các hướng khác ngày đó vì càng ngày phía Nga càng cho thấy họ không đủ lực để pháo kích tràn lan trên tất cả các hướng.

Severodonetsk giữ được thêm một ngày, là thêm một số đạn dược cho pháo lớn đưa đến mặt trận, là một ngày binh lính thêm huấn luyện thành thục. Giá trị của nó ở chỗ đó. 

• Trên hướng Bakhmut, kẻ thù đã tiến hành các hoạt động chiến đấu và tấn công trong các khu vực định cư của Zolote, Komyshuvakha, Nirkove, Berestove, Pokrovske và Dolomitne. Tuy không thành công, nhưng chúng vẫn tiếp tục tấn công.

Bình loạn: Các bác không cần xem bản đồ đâu, tất cả các địa danh trên đều có khoảng cách so với Popasna khoảng hơn chục cây số, riêng Komyshuvakha có 8,7 (tám phảy bảy) cây số đường chim bay.

Quân Nga ở riêng cái hướng Popasna này trước ngày 19/04 đã tập trung 7 BTG, có thể được hỗ trợ thêm một số đơn vị. Nếu như họ tổ chức tấn công hàng loạt điểm như thế, mà đối diện với họ có những đơn vị Ukraine như: Lữ đoàn cơ giới 24, Lữ đoàn cơ giới 30 mang tên Hoàng tử Konstanty Ostrogski, Lữ đoàn cơ giới 56 và có sự hỗ trợ từ phía sau là Lữ đoàn xe tăng số 17… thì việc quân Nga tấn công không có kết quả cũng là dễ hiểu.

Theo tui thấy thì không phải không có kết quả, mà thực sự là sa lầy, chôn chân tại chỗ, riêng cái cánh Popasna này.

• Tin bổ sung: cũng trên chính hướng này, quân Nga đã phải dừng lại ở một số mũi tấn công vì các khí tài cổ lỗ sĩ được bổ sung cũng đã thiệt hại nặng.

Bình loạn: Anh em dư luận viên Pro-Putox đã khẳng định rồi: T-62 chỉ còn có 30 chiếc đưa ra để tiêu hao Javelin thôi chứ cái của khỉ đó bây giờ nhờ các bác Tề Lỗ sang khiêng về còn mất thêm tiền. Hôm qua hay hôm kia nhỉ, có thêm tin Nga đưa T-72B ra trận. Loại xe tăng này chế tạo năm 1979, đến bây giờ mới có ngoài 40 tuổi, còn sung mãn chán. Tui là tui rất lo với kế hoạch tiêu hao Javelin thâm độc này của quân Nga. Tất cả nằm trong tính toán của Putox hết.

• Các đơn vị phòng không Ukraine bắn rơi một tên lửa hành trình Kh-59MK.

Bình loạn: Đây là tên lửa không đối đất tầm trung có thể được phóng từ các loại máy bay của Nga như MiG-35, Su-30MK, Su-34, Su-35, Su-24M. Lần trước người ta ghi nhận một quả loại này nhưng là biến thể nội địa được dùng để bắn trúng một silo đựng ngũ cốc của Ukraine ở vùng Mykolaiiv (ngày 06/04). Việc sử dụng biến thể nâng tầm chuyên dành cho xuất khẩu này chắc chắn sẽ lại làm dấy nên những câu hỏi “Tại sao Nga dùng nhiều loại tên lửa để bắn vào Ukraine thế?”

Bản thân loại Kh-59MK dù là không đối đất nhưng mục đích của nó được thiết kế ưu tiên cho chống hạm.

3. Về tình hình trong hàng ngũ quân đội Nga.

• Hôm nay lần đầu tiên tui đọc trên ISW họ viết về việc quân đội Nga thiếu trầm trọng sĩ quan sơ cấp.

Bình loạn: Điều này nếu tui không nhầm, đã viết từ đầu tháng Ba và ít nhất là 3 lần trong 3 status khác nhau.

Lần thứ nhất, là do nghe tin một người bạn là sĩ quan Nga kể (mà bây giờ không rõ anh ta đã biến đâu mất trên cõi mạng) là rất thiếu sĩ quan chỉ huy cấp trung đội, đại đội.

Lần thứ hai, bản tin Bộ Tổng tham mưu Ukraine ít nhất 2 lần đưa tin Nga cho ra trường sớm các học viên sĩ quan, nhất là mấy trường ở Viễn Đông.

Lần thứ ba, nhân đọc về chế độ đào tạo Team-leader của quân đội Hoa Kỳ tui thấy mặc dù tốc độ đào tạo nếu xét về thời gian ngồi trên ghế nhà trường quân sự của hai quân đội là như nhau, nhưng cách tiếp cận của quân đội Mỹ là từ các quân nhân đang phục vụ và được đào tạo lên dần và chương trình cũng có phần ngắn gọn do tập trung hơn. Trong khi đó chế độ đào tạo của Nga vẫn phần lớn theo kiểu xô-viết dựa trên các học viên thi đầu vào từ các học sinh tốt nghiệp phổ thông, ít kinh nghiệm hơn.

Dù là quân đội nào thì đều phải xác định vai trò cực kỳ quan trọng của vấn đề các sĩ quan chỉ huy sơ cấp, như tui viết là cấp trung đội vì đó là tầng lớp sĩ quan đầu tiên được đào tạo chính quy về chiến thuật chiến tranh và bước đầu các vấn đề về chiến dịch. Sau một thời gian thực chiến khi chứng minh được có đủ khả năng, như ở Nga sẽ được cử đi Học viện của Bộ tổng tham mưu để học các kiến thức về chiến dịch và chiến lược.

Chế độ của Nga làm cho đội ngũ này vốn đã mất nhiều thời gian để đào tạo – khoảng cách về kiến thức làm tiểu đội trưởng không thể được đôn lên trung đội trưởng mà không qua đào tạo – trong khi kiểu Mỹ thì dễ khắc phục hơn, cán bộ chỉ huy Nga lại ít kinh nghiệm nên tổn thất nhiều. Về lâu về dài chắc chắn họ sẽ phải khắc phục, nhưng trước mắt trong cuộc chiến tranh ở Ukraine lần này thì đây cũng sẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại của họ.

Trong một diễn biến khác, hôm qua trên một kênh truyền thông phát mấy đoạn thoại của lính Nga khi gọi về nhà và được phỏng vấn qua điện thoại. Chúng nói tình trạng vô cùng hoảng sợ, chửi tục kinh khủng. Cho biết đồng đội từ tháng Ba đến nay thương vong gần hết, rằng tụi CH Lugansk và Donetsk cũng chả ưa gì lính Nga. Quân Nga và Donbas nghi kỵ lừa lọc lợi dụng nhau. Thiển nghĩ thông tin này không cần phải bình luận gì nhiều, có phải không ạ?

Còn chính mấy anh ISW này hôm qua đưa bình luận quân Nga đã phải “dồn người” từ nhiều BTG lại vào nhau. Chuyện này chúng ta cũng đã bình loạn rồi nhỉ, hôm 03/05 tui viết:

“Căn cứ trên số lượng lớn phiên hiệu các đơn vị có trong khu vực tụ tập vào thành đơn vị lớn hơn làm cho phía Ukraine nhận xét, ở Donbas đã hình thành phổ biến các đơn vị “dồn ghép.” Tay Phan Quang hôm còn làm Tham mưu trưởng cứ oang oác cái mồm là “Tôi tin Nga ở Donbas còn lực lượng,” – vậy mà đã phải hình thành các đơn vị “dồn ghép” (ad-hoc) và không cho thấy xuất hiện thêm đơn vị mới – à có hôm qua hướng Mykolaiv, lữ đoàn Mykolaiv tiêu diệt những nhóm quân Nga mới tới từ Ufa nhưng được nhận xét là khá lộ cộ.

Tui thì vẫn tin vào nhận xét của các chuyên gia quân sự liên quan đến điểm yếu chết người của các BTG: xét từ góc độ này Nga đã thực sự cạn kiệt lực lượng. Trước đây tui đã viết về việc nếu Nga muốn phục hồi xe chiến đấu thì chủ yếu phải “dồn đồ” chứ chắc gì đã dư dả phụ tùng mà chữa. Đến bây giờ không chỉ dồn đồ, mà còn dồn cả người.”

Việc Nga vẫn tiếp tục phải dùng các đơn vị “dồn ghép” (ad-hoc) trên chiến trường đủ thấy ngày họ kiệt quệ lực lượng chắc cũng không còn xa nữa.

4. Một câu chuyện Lend-Lease “Hợp đồng thuê mượn.”

Có một câu chuyện ký ức chiến tranh được kể lại, đã xuất bản ở Việt Nam trong cuốn “Ký ức chiến tranh” do dịch giả Lý Thế Dân dịch về Lend-Lease. Đi kèm với những chiếc xe tải Studebaker có hai cái blu-dông da màu nâu cho lái xe và phụ xe, ngoài ra còn có hòm đồ nghề rất xịn… Phát hiện ra “mỏ” blu-dông quá ngon này, mà tất cả các sĩ quan Hồng quân từ cấp úy đến cấp tá ai cũng trở nên thèm muốn, đặc biệt là các phi công thì thích lắm. Vì thế, áo da không đến lượt lính lái xe, mà khi ô tô về đến cảng thì đã có lũ lượt sĩ quan đứng chờ sẵn để “cướp trên giàn mướp” rồi. Đó cũng là lý do tại sao có cái hình ảnh kỳ quái sĩ quan Hồng quân mặc ở trong cái va-rơi quân phục dài thò ra ngoài cái blu-dông da (có đai ở dưới gấu áo).

Điều đáng nói chưa phải ở đó, mà là đây. Khi hết chiến tranh, đại diện của công ty Studebaker đã đứng chờ sẵn ở… bờ sông Elbe nước Đức để nhận từng cái ô tô trả lại, không những thế họ đòi nằng nặc những cái áo da và cả thùng dụng cụ kèm theo ô tô. Điều này đã gây khổ sở cho những người lính lái xe Liên Xô đem trả xe, vì người Mỹ không chịu ký nhận khi thiếu áo da và thậm chí chỉ một chiếc cờ-lê.

Những câu chuyện tương tự như thế có hàng trăm, hàng nghìn với đủ các loại khí tài, kể cả súng tiểu liên, trung liên, đại liên… có những loại liên thanh và pháo chuyển sang được lắp lên máy bay Liên Xô rồi bị đòi về, nhưng Liên Xô không chịu trả. Đương nhiên gặp chầy bửa thì sau rồi họ cũng chịu. Tuy nhiên, sổ sách vẫn là sổ sách. Đọc trong tài liệu có những lời kể của sĩ quan Hồng quân chịu trách nhiệm than phiền về việc người Mỹ làm kỹ quá, kiểm kê từng viên đạn trước đó đã giao cho Liên Xô để mang về, thiếu đâu bắt ký vào đó, mà điều kiện chiến tranh thì làm sao mà xác minh được, người nhận hàng có khi hi sinh từ 80 đời.

Kể câu chuyện này vì hôm trước Tư lệnh Phan Quang cũng phàn nàn: có ông vào nhà comment là bao nhiêu tiền Lend-Lease Mỹ đưa cho Ukraine trả lương bộ đội bị tham nhũng hết. Ông đó mà đọc các báo cáo của sĩ quan Hồng quân về sự giám sát từng pe-ni của người Mỹ với những gì họ giao cho Nga, thì cứng họng. Và câu chuyện cũng sẽ dẫn chúng ta đến mục tiếp theo đây. 

5. Về câu phát biểu của tổng thống Hoa Kỳ “sẽ không gửi tên lửa phóng loạt…”

Artem Vitko viết lúc 20:45 tối qua theo giờ Hà Nội như thế này: “США не відправлятимуть Україні ракетні системи, здатні завдавати ударів по території Росії, – Байден.”

“The United States will not send Ukraine missile systems capable of striking the territory of Russia – Biden.”

Tui có hỏi nguồn tin người Ukraine rất tin cậy của tui thì bác ấy chỉ nói thế này: “In this statement missed two words “deep inside” after “territory”.” Vậy ý nghĩa của câu chuyện như thế nào tùy các bác nhận xét. Tuy nhiên, trên mạng cũng có rất nhiều bác nhận xét rất chí lý trong việc chỉ giao cái gì mà không giao HIMARS gì đó, tui không thạo chuyện này nên xin phép không bàn sâu.

Cá nhân tui thì thấy việc này có một số suy nghĩ, xin trình bày ở đây:

Hoa Kỳ không chuyển những hệ thống phóng loạt có tầm bắn xa đến 300 hay 500 km cho Ukraine vì lý do có thể bắn vào lãnh thổ Nga, có điểm có lý và có điểm phi lý.

Phi lý ở chỗ, bản thân biên giới Ukraine đã có những điểm lồi đưa lại khả năng bố trí pháo binh bắn luôn được cả vào thành phố Nga như Belgorod chẳng hạn, vì thế với các vũ khí hiện nay nếu muốn làm thì phía Ukraine đã làm rồi. Có lý là ở chỗ: hệ thống phóng loạt nó là thứ gây kinh hoàng hơn pháo binh bình thường rất nhiều, đồng thời nếu bắn vào khu dân cư thì là thảm họa nhân đạo. Do vậy nếu cái thứ khủng khiếp này mà được sử dụng để bắn vào thành phố mang tính trả thù cho những hành động quá tàn ác quân Nga đã gây ra, thì cũng không phải là việc nên làm.

Việc Ukraine nhận được đủ các thứ vũ khí, mà trước đây người ta còn đắn đo giữa “phòng thủ và tấn công” – đến mấy cái tiêm kích MiG-29 cũ mèm mà còn xoay sở chán không đưa được; sau đó thì là kính thưa các loại pháo 155 mm và kìn kìn đạn cho nó. Nhìn lại “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” có ai tưởng tượng ra ngày hôm nay? Vậy cũng có phải các bác đang sốt ruột “không biết bao giờ Ukraine sẽ phản công” không nào? – Chúng ta sốt ruột một thì những nhà viện trợ người ta sốt ruột mười. Làm sao biết được vũ khí giao vào tay ai, được sử dụng như thế nào, có đem ra dùng thật hay không hay tự dưng dở hơi lên bàn soạn với đối thủ “thôi tôi với ông hòa cả làng đê!”

Chúng ta cũng cần nắm được việc bàn lùi cắt đất, chỉ có mấy anh vẫn còn đang run, còn thì hai anh mạnh dạn nhất thì không có chuyện đó – mà đưa vũ khí là để ít nhất đuổi người Nga khỏi lãnh thổ. Vì thế chắc chắn sẽ không có chuyện kỳ kèo xin vũ khí bằng được rồi lại đầu hàng, cắt đất cho người ta được đâu.

Anh bảo là chưa huấn luyện xong, thì huấn luyện cho xong đi rồi đưa tiếp, bây giờ đưa tiếp lấy căn cứ đâu để cho rằng anh sẽ làm chủ được cái mới sắp đưa. Anh bảo là nội bộ anh có nhiều gián điệp Nga, vậy thì giải quyết cho nó dứt điểm đi, còn bọn đó thì đưa vũ khí mới hiện đại nguy hiểm làm sao được.

Phải tui tui cũng cân nhắc, chứ không phải thích là đưa được đâu. Một khẩu trung liên có số có má, được viện trợ cho ai đó còn phải trả lời chất vấn của Hạ nghị sĩ chết thôi nữa là cả giàn MLRS.

Ấy thế mà trên mạng đã có những bác lên giọng chửi tổng thống Hoa Kỳ, gọi ông cụ là “đần.” Công nhận cái giống người Việt mình “nghĩ ló chán.” Tui cũng biết bác cuồng ông Donald Trump thật đấy, nhưng chắc chắn tui không biết ông Trump nếu làm tổng thống trong hoàn cảnh này ông ấy sẽ làm gì, nhưng những gì ông Joe Biden làm cũng đã là rất nhiều cho đất nước và nhân dân Ukraine rồi.

Thực tế thì, kể cả không có cái giàn hỏa tiễn đó, đã nói chiến đấu vì đất nước thì vẫn cứ phải chiến đấu chứ chẳng nhẽ lại không? Vậy tại sao chỉ vì có hay không có nó, mà chúng ta, những người ủng hộ Ukraine đã vội mất tinh thần?

PHÚC LAI 31.05.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.