dimanche 8 mai 2022

Phúc Lai - Nhận xét về thông tin hóng được sau ngày thứ 72 của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine (06/05/2022)

 

1. Đến sáng nay theo giờ Hà Nội, tình hình chiến sự có một số điểm đáng chú ý:

• Trên hướng Kharkiv quân Ukraine tiến theo một vòng cung mở rộng theo ngoại vi thành phố hướng chiều cong về phía biên giới quốc gia. Về phía đông nam được biết họ đã áp sát thị tứ Vil’cha (cách biên giới quốc gia với Nga 12 km theo đường cái, theo đường chim bay gần hơn, cỡ 8 km.)

• Trên hướng Izyum, phản công của Ukraine chắc chắn vẫn diễn ra trong ngày thứ Sáu hôm qua. Cũng có tin là hai đơn vị nổi tiếng của Nga chúng ta vẫn đề cập nhiều lần trong các lần thảo luận: Sư đoàn xe tăng cận vệ số 4 và Sư đoàn dù cận vệ 106 do bị thiệt hại nặng mất sức chiến đấu đã phải được cho rút về vùng Belgorod của Nga để phục hồi.

Bình loạn: Chắc hẳn các bác vẫn nhớ cái đơn vị Sư đoàn xe tăng cận vệ số 4 mang tên Kantemirovskaya này chúng ta đã nói về nó từ hồi cuối tháng Ba. Sau khi bị đánh thiệt hại nặng ở bắc Kyiv hay Sumi gì đó, đã phải rút về vùng Belgorod để tái trang bị, và đến ngày 12/04 nó lại được cử sang chiến đấu ở vùng Izyum. Ngày 13/04 chúng ta đã bàn luận về việc cỡ một đại đội của nó bị phục kích trên đường từ Kharkiv đến Izyum, cháy béng mất đâu chục chiếc.

Sư đoàn dù cận vệ 106 được thành lập tháng 1/1944, tham gia Chiến tranh thế giới II và đến nay là một đơn vị có truyền thống của quân đội Nga. Nó có các Tư lệnh danh dự là trung tướng Alexander Lebed (đã chết) và thượng tướng Andrey Serdyukov. Trong lực lượng chiến đấu trực tiếp của nó có thể tính: 1 tiểu đoàn trinh sát, 1 trung đoàn Dù, 1 trung đoàn phòng không, 1 trung đoàn pháo binh, 1 trung đoàn tên lửa phòng không, 1 đại đội xe tăng, 1 tiểu đoàn công binh, 1 tiểu đoàn thông tin liên lạc, đại đội tác chiến điện tử, 1 tiểu đoàn hậu cần…

Trên hướng Izyum vào giai đoạn đầu của “phase 2” hay The Battle of Donbas Nga đã dồn vào hướng này 20 sau đó bổ sung thêm, thành ra cỡ 22 BTG và ước tính khoảng 250 xe tăng. Như vậy ở đây tập trung một cụm quân rất mạnh của Nga, người ta cho biết Nga có thể có ở đây đến 400 hoặc 450 xe tăng, chưa tính xe bọc thép.

Vào “phase 1” của cuộc chiến hay The Battle of Kyiv, theo những thông tin chưa xác minh tui nắm được thì Sư đoàn dù cận vệ 106 đã tham gia nhiệt tình ngay từ giai đoạn đầu tiên của cuộc chiến với nhiệm vụ chiếm sân bay Hostomel, đột kích và dinh tổng thống Zelensky nhưng đã thất bại. Đến giai đoạn sau của “phase 1” lực lượng của Sư đoàn này cũng tham gia đánh giải vây cho quân Nga bị kẹt ở bắc Kyiv.

Do bị thiệt hại nặng, Sư đoàn 106 đã được rút về Belarus tái tổ chức và phục hồi và sau đó tung vào “phase 2” hay The Battle of Donbas chỉ sau cỡ 20 ngày. Cho thấy sự vội vã cũng như bí bách của Bộ chỉ huy Nga, vì lực lượng dù không phải dễ dàng mà được bổ sung quân số một các đơn giản như thế, và việc sử dụng lực lượng này thường cho những nhiệm vụ đặc biệt như ở “phase 1.”

Việc Nga phải rút cả hai đơn vị trên ra khỏi cuộc chiến không có mục đích gì khác là để tránh cho chúng khỏi nguy cơ bị xóa sổ. Mất hai đơn vị này, cụm quân Nga ở Izyum chỉ còn 2/3 số lượng xe tăng trên lý thuyết, chưa biết trong quá trình đánh chác thời gian qua có bị đốt bớt nhiều không. Về nhân lực thì tui không đánh giá là vấn đề đáng sợ, vì chiến trường này cần bộ binh thường chứ không phải bộ binh nhẹ như quân dù. Dù sao thì đây cũng là một tổn thất kinh khủng cho Nga.

• Hiện nay theo các thông tin tình báo vỉa hè, do bị thiệt hại nặng và khó khăn trong tiếp liệu hậu cần nên 22 BTG của quân Nga trong vùng Izyum, đã phải dừng lại và tổ chức phòng ngự tại chỗ bằng cách đào hầm hào.

Bình loạn: Y như hồi The Battle of Kyiv, chúng ta đã nói chuyện với nhau: tấn công tối kỵ… từ từ, chứ không như cái anh cựu đại tá Lee Shimuo cứ lảm nhảm giải thích: Nga cố tình đánh lâu, rồi là do Ukraine lấy dân làm lá chắn… Tầm này lấy đâu ra dân nữa mà lá với chắn, đúng cái anh hâm. Câu chuyện bị vây và xe tải lại nổi lên. Đội quân thứ 2 thế giới tốc chiến, tốc thắng lại có ngày đào hầm hào để cố thủ trên đất địch. Bao nhiêu lâu nữa thì không cần bị đánh vẫn chạy?

2. Cũng trên hướng Kharkiv, theo bản tin Bộ tổng tham mưu Ukraine thì:

• “Trong khu vực định cư của Tsirkuny và Tishki hiện vẫn do Nga chiếm giữ, quân Nga đã cho nổ ba cây cầu trên đường ô tô để làm chậm cuộc phản công của Lực lượng vũ trang Ukraine.”

Bình loạn: Cơ mà theo các nhà bình luận trên mạng thì người ta lại cho rằng khi quân Nga vẫn còn đang ở đó mà còn chưa rút hết, thì việc nổ cầu cũng có thể do pháo của quân Ukraine bắn từ Rubizne, nơi mà quân Ukraine đã chiếm được 2 ngày trước đây.

Tui thì thấy đó là những bình luận ở ngoài thôi, Bộ tổng tham mưu thông tin quân Nga cho nổ cầu để chống truy kích là hợp lý.  


3. Mặt trận đông nam – nam.

• Trên hướng Donbas. Nga rút bớt 2 BTG từ Mariupol sang hỗ trợ cho Donetsk.

Bình loạn: Ngày nào tui cũng lên Telegram theo dõi tình hình thị xã Lyman qua kênh của điểm dân cư này. Từ những ngày đầu tiên của “phase 2” họ thông báo chuyến tầu hỏa tản cư khỏi đó, cả giá vé… đến nay cũng đã hơn 2 tuần. Ngày nào họ cũng đăng tin khá đau lòng là có ai đó bị chết do Nga pháo kích. Nhưng cũng chính tin đau lòng này cho thấy, thị trấn vẫn đứng vững.

• Trong thành phố Mariupol, bất chấp nhà máy Azovstal Nga vẫn phải bắn phá đều đều, ở ngoài họ đang phải gấp rút tổ chức “cuộc sống mới” bằng việc thay biển chỉ đường, và cả kế hoạch cưỡng bức dân thường phải mặc quân phục Ukraine để đi diễu hành.

• Đối với Kherson, lão thượng nghị sĩ Nga Andrey Turchak tuyên bố “Nga sẽ hiện diện ở đây vĩnh viễn.”

• Còn về quân sự, Bộ tổng tham mưu Ukraine cho biết chuyện đã từng được Oleksii Arestovich thông báo là Nga tấn công từ Kherson đến Kryvyi Rih, đã chính thức dừng lại và bộ phận quân Nga được phái đi làm nhiệm vụ đó đã phải tổ chức phòng ngự.


Bình loạn: Như vậy chuyện tổ chức lễ chiến thắng 09/05 ở Mariupol và Kherson là chắc chắn rồi, đúng là rơi rớt của chủ nghĩa gì không biết, chỉ thích hình thức. Đánh nhau thua bét nhè rồi như con đĩ dài đĩ rạc ung thư giai đoạn cuối mà vẫn cố tô son điểm phấn ra đứng đường. Trong một diễn biến khác, người ta nhận thấy truyền thông Nga trong suốt cái gọi là “Chiến dịch quân sự đặc biệt” đã tô vẽ thành công sự việc là “Nga không tấn công Ukraine mà là phương Tây tấn công Nga.”

Có vẻ trò tô son trát phấn này đúng là cố làm lấy được, rồi thì thế nào cũng mặc kệ. Cơ mà đến đây chắc chắn nhiều người trong số chúng ta sẽ cảm thấy không thể hiểu nổi là tâm lý của chính khách quan chức Nga ra sao – như cái anh thượng nghị sĩ trên đây. Muốn nói gì thì nói, chứ phát biểu cũng phải dựa trên thực tế chiến trường, ông làm như quân đội của ông có thể ở lại vĩnh viễn ấy, mà nói như đúng rồi. Hoặc là ông mù tịt không biết gì về thực tế, hoặc là ông đua nói nhảm với Lavrov, không có dạng thức nào khác.

Bây giờ thì với phát biểu nhảm nhí này, có khi trước đây Ukraine còn đắn đo có chiếm lại Crimea hay không, hoặc phá cái cầu Kerch hay không, thì nay họ sẽ quyết làm thật đấy!

4. Không phài tin xe tải, mà chơi hẳn xe hỏa.

• Từ hôm kia, đã nghe tin Nga dùng tên lửa hành trình bắn phá hàng loạt mục tiêu ở Tây Ukraine để ngăn chặn làn sóng viện trợ vũ khí nặng cho quân đội nước này. Chính xác là Nga đã bắn một số trạm điện ở đầu mối giao thông đường sắt. 


Bình loạn: Theo bình luận của tình báo vỉa hè, do Nga thiếu tên lửa trầm trọng, hết đến nơi nên buộc phải bắn mục tiêu cố định đã xác định được trước. Mặt khác, bản thân việc Nga không có phương tiện theo dõi được các đoàn tàu hỏa của Ukraine, và nếu dùng tên lửa để bắn đường tàu cũng ít ý nghĩa, nên họ chuyển sang bắn trạm điện.

Tiếc cho Nga là, cho đến nay Ukraine còn lưu trữ một số lượng lớn đầu tàu hỏa diesel của thời Liên Xô cũ như TU-4, TU-6, TU-7, TU-8 và chẳng hiểu do ai xui khiến, trong năm 2019 đã đặt mua 40 đầu diesel loại hiện đại nhất của GM, chúng đã đi vào hoạt động từ 2020. Vì thế, các chuyên gia quân sự đánh giá việc Nga đánh trạm điện hy vọng làm tê liệt vận chuyển đường sắt dùng đầu kéo chạy điện (elektrika) là lẩm cẩm “lấy mình suy ra nó” nhưng hóa ra không trúng.

5. Đồng rúp còn mạnh hơn trước chiến tranh, nếu xét về tỉ giá so với đô-la Mỹ. Về chiến phí của Nga hiện nay.

Tui không có kiến thức mấy về tài chính, nên phải tham khảo ông bạn “Havớt tài chính” học đâu tận Hoa Kỳ về. Hắn bảo:

• Muốn giữ được tỉ giá như thế là phải có dòng đô-la chảy vào. Như Nga có thể vẫn bán được dầu, nhưng có một yếu tố phải xét là do bị ngắt SWIFT nên việc bán dầu khí thì vẫn là có, nhưng việc lấy được tiền có thể bị hạn chế một phần nào đó. Chúng ta không biết được chính xác, nhưng là có nhưng không thể được như trước chiến tranh mà có con số “mạnh hơn cả trước chiến tranh” được.

• Còn có một nguồn nữa chắc chắn có để tạo ra luồng đô-la Mỹ chạy vào, đó là bán vàng trên kênh chợ đen. Đương nhiên là phải bán rất rẻ so với giá thị trường chính thức và nhận về đô-la, và cũng là đô-la lậu, nhưng không thành vấn đề vì họ sẵn sàng dùng đô-la đó để mua rúp vào để bình ổn tỉ giá. Nhưng thực tế họ không làm như thế, việc nâng lãi suất lên 20% là đủ để người dân không cố mua đô-la bằng rúp, đồng thời mấy năm trước họ đã tiến hành những biện pháp mạnh để “chống đô-la hóa nền kinh tế” thì bây giờ có điều kiện để áp dụng những biện pháp mạnh tay hơn.

• Như vậy theo ông bạn của tui, thì Nga sẽ bị chảy máu vàng để bù lại thâm hụt do bán dầu khí không được như trước chiến tranh. Nếu chiến tranh kéo dài thì việc bán vàng ồ ạt sẽ làm cho giá chính thức xuống, kéo theo giá chợ đen cũng xuống.

Bình loạn: Hôm qua nghe tin không biết chính xác không, hiện nay chi phí chiến tranh của Nga đã lên đến 1 tỉ đô-la / ngày chưa tính thiệt hại cho kinh tế vì cấm vận. Anh bạn thì bảo, thực tế thì không đến vì họ bắn bằng tên lửa tồn kho – điều này đúng, nhưng lý thuyết lại yêu cầu là bắn đến đâu, sản xuất bù đến đó nếu không muốn bị ảnh hưởng đến chiến lược phòng thủ đất nước. Do vậy nếu bây giờ đem tồn kho ra bắn, có nghĩa là đẩy đất nước đến bờ vực của sự diệt vong. Như hôm trước chúng ta đã nói với nhau, mọi hành động và phát ngôn của lãnh đạo Nga hiện nay đã đặt quan hệ của nước này với phương Tây – NATO như ở trên thùng thuốc súng.

Còn bây giờ chúng ta nói thêm: cứ như người ta có kế hoạch cho ông bắn hết cả đi và sẽ cấm vận kéo dài các lĩnh vực công nghệ cao, coi như ông toi đời về sản xuất vũ khí. Sau chiến tranh may ra chỉ còn sản xuất được cung tên giáo mác thời trung cổ. Làm cho nước Nga mất sức mạnh không còn gây sự được với hàng xóm là như thế đấy.

6. Đoán mò đê.

• Cách đây vài giờ, nghĩa là sáng 07/05 có một quả tên lửa đã được phóng từ sân bay Zyabrovka (vùng Gomel, Belarus) tới Nga, theo điều tra của kênh TG “Belarusian Gayun” cho biết. Cùng lúc đó, cư dân ở biên giới Zlynka (vùng Bryansk, Nga, cách Zyabrovka 40 km) ghi nhận một vụ nổ bao trùm thành phố và sau đó có đám khói hình thành. Về bản chất của đám mây khói này, có thể nói rằng nó có thể vừa là sự tự hủy của một tên lửa trong không trung, vừa là dấu vết từ thực tế là nó đã bị bắn hạ.


Bình loạn: Người ta đặt câu hỏi phải chăng đó là hành động của “Quân đoàn tự do Nga” (“Легион свободы России”) hay do gì đó khác? – “Quân đoàn tự do Nga” được thành lập 3/2022 từ một đại đội 100 người gồm những người lính Nga phản chiến chống lại chế độ Putox. Nhưng cũng có câu hỏi khác rằng liệu đó có phải là kết quả của một hành động phá hoại bên trong lòng nước Belarus?

Tui thì cho rằng, cũng có thể đó là hành động phá hoại chứ bảo là một nhóm quân nhân vũ trang mò sang tận sân bay quân sự ở nước ngoài để cướp tên lửa mà bắn là hơi khó. Nhưng mặt khác, tui cũng lại cho rằng các hành động phá hoại ở Nga trong thời gian tới sẽ GIẢM. Tại sao vậy?


Chúng ta đã bàn về việc Nga tổng động viên có hay không, và cho rằng đó là khả năng khá thấp và cũng bàn luôn về hậu quả nếu Nga đặt đất nước vào tình trạng chiến tranh. Nhưng lại vẫn có những thông tin khác cho rằng Putox vẫn sẽ nhân lễ chiến thắng 09/05 lần này để tuyên bố tổng động viên, nhưng một phần tức là trên một số vùng của đất nước, cũng như việc đặt một phần nền kinh tế sản xuất vào tình trạng phục vụ chiến tranh.

Dù thế nào chăng nữa, thì cũng vẫn là đồng nghĩa với chưa ngưng chiến và tiếp tục đánh nhau – mà đến đánh nhau như hiện nay kinh tế Nga – tài phiệt Nga cũng đã thiệt hại sứt đầu mẻ trán nữa là tổng động viên toàn phần với một phần. Như vậy tui thì cho rằng, đã đến lúc trên thượng tầng nước Nga diễn ra cuộc mặc cả với nhau: “nếu chúng mày không để bố về nghỉ an toàn thì bố mày cứ ngồi cố thủ trong Kremli và còn bao nhiêu vốn liếng đem đánh nhau hết” (Putox) còn “Vừa rồi đốt phá mới là cảnh cáo thôi, nếu không rút quân thì còn đốt nữa, mà nếu tổng động viên động viếc vớ vẩn là cắt cổ.” Có lẽ nước Nga cũng sẽ cần một bước đệm, nghĩa là một anh nào đó dễ bảo với tài phiệt và nói chuyện được với phương Tây để xin bỏ dần trừng phạt? Medvedev được chăng?

Thông tin dạng “tổng động viên bán phần” như thế này, tui cũng không nghi ngờ rằng cũng do chính đàn em của Putox tung ra thì vừa. Còn nếu phá hoại thêm thì chính kinh tế đất nước sẽ thiệt hại nặng, chắc là tài phiệt họ cũng muốn dừng chứ.

Hôm kia sau khi tui viết status có đề cập đến The Battle of Crimea và đặt vấn đề về chuyện cư dân. Vậy chúng ta vẫn nên đặt câu hỏi : nhỡ Ukraine người ta vẫn có kế hoạch chiếm lại Crimea thì sao? Tui thì vẫn thích họ giữ lại cái cầu Kerch, nhưng chiếm Crimea lại còn đối mặt với vấn đề cư dân 2 triệu người toàn thân Nga cả. Việc phá cái cầu – có thể không phá sập hẳn mà chỉ một phần, có thể sẽ gây hoảng loạn trong cư dân Crimea và thậm chí – làm cho họ tản cư về Nga để tránh chiến sự. Tui không đề nghị gì đoạn này, cũng không đánh giá, nhưng nếu chiến tranh xảy ra mà họ tránh đi từ trước rồi, cũng là một điều không tệ.

Cái cầu Kerch còn là một biểu tượng chiến thắng của Putox gắn với việc cướp bán đảo năm 2014. Nếu đúng dịp lễ chiến thắng, ngày mai 08/05 chẳng hạn mà họ nện cái cầu thì đảm bảo như tát cho Putox rơi răng lộp bộp xuống sàn. Cũng có thể ngày mai chúng ta sẽ được chứng kiến một sự kiện khác, cũng long trời lở đất để kỷ niệm ngày lễ nhỉ, tại sao không?

PHÚC LAI 07.05.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.