vendredi 8 avril 2022

Zelensky : « Chiến thắng là cứu được càng nhiều sinh mạng càng tốt »


Đăng ngày:

 

Tuy đã sắp đến kỳ bầu cử tổng thống Pháp vòng 1, nhưng tình hình chiến tranh ở Ukraina và các hệ lụy vẫn là chủ đề thời sự hàng đầu của các tuần báo. 

The Economist đăng bài phỏng vấn tổng thống Ukraina, Volodymyr Zelensky. Từ một tòa nhà chính phủ được bảo vệ bằng những bao cát và bẫy xe tăng, ông giải thích vì sao Ukraina phải chiến thắng. Tuần báo Anh nhận định, Zelensky nói về Churchill, nhưng ông không phải là Churchill. Ông mặc màu áo trận nhưng dành kế hoạch tác chiến cho các tướng lãnh Ukraina. Thảm kịch bao trùm xuống đất nước ông to lớn thực sự đến nỗi không có chọn lựa nào khác là chiến đấu. Zelensky nói rằng Ukraina cần vũ khí, nói lên quan điểm của ông về chiến thắng...nhưng trước hết là sự vô nhân đạo của cấp chỉ huy Nga.

Nga coi mạng người như rác


« Quân xâm lược thậm chí không quan tâm đến các nạn nhân của chính
 họ, đó là điều tôi không hiểu được ». Khoảng 15.000 lính Nga đã tử trận, họ như những thanh củi bị Vladimir Putin quăng vào lò, xác lính Nga bị bỏ lại trên các đường phố mà không được chôn cất. Tại nhiều thành phố, các chiến binh Ukraina cho biết mùi tử khí bốc lên không thể thở nổi, họ phải chôn giúp. Ông so sánh bộ máy chiến tranh của Putin với những chiến sĩ và người tình nguyện đang bảo vệ các thành phố Ukraina. « Những chiến sĩ ở Mariupol có thể ra đi từ lâu, sau hơn 30 ngày bị không kích và vây hãm, nhưng họ vẫn trụ lại đó ». Không phải vì Zelensky ra lệnh như vậy, mà họ nói rằng « phải chôn cất những người đã ngã xuống và cứu những người bị thương ».

Tuy cùng nói tiếng Nga, nhưng trong thế giới của Putin, mạng người xem chừng rẻ rúng và lịch sử thuộc về những kẻ nắm quyền, không có chỗ cho sự thương hại và cho Ukraina. Đối với Putin, sức mạnh có nghĩa là bạo lực, thế nên quân Nga luôn có cùng phương cách trên những vùng đất chiếm đóng. Zelensky tố cáo : « Họ bắt cóc các thị trưởng của chúng tôi, và sát hại một số ». Ông nhấn mạnh đến lòng can đảm của những người dân bình thường như ở thành phố bị chiếm đóng Kherson, dù tay không vẫn xuống đường chận xe tăng. Chính họ quyết định phản kháng, chứ không ai chỉ huy. Zelensky nói : « Tôi ở bên cạnh những người như thế cho đến cùng ».

Ông nhấn mạnh : « Chúng tôi tin vào chiến thắng. Chắc chắn chúng tôi sẽ thắng vì đó là nhà cửa, đất đai của chúng tôi, nền độc lập của chúng tôi ». Nhưng chiến thắng không chỉ tùy thuộc vào tinh thần chiến đấu của người Ukraina, mà cả sự ủng hộ của phương Tây. Ukraina cần xe tăng, xe bọc thép, chiến đấu cơ, và cần ngay bây giờ, chứ không phải nhiều tuần nữa. « Như vậy chúng tôi có thể giải phóng được các thành phố bị chiếm, mang thực phẩm lại cho người dân ở đó, và tự vệ được ». Trong khi Nga có hàng ngàn xe quân sự, có những nơi xe tăng đông đến nỗi bị kẹt đường.


« Chiến thắng, là cứu được càng nhiều sinh mạng càng tốt »

Ông cho rằng trừng phạt của phương Tây vẫn còn những lỗ hổng, chẳng hạn ngân hàng lớn nhất của Nga là Sberbank vẫn chưa bị loại khỏi hệ thống thanh toán vì là nơi châu Âu trả tiền khí đốt. « Chúng tôi được biết rằng quyết định còn tùy theo việc Nga có tấn công hóa học vào Ukraina hay không. Nhưng chúng tôi không phải là chuột thí nghiệm ».

Được hỏi, theo ông, chiến thắng sẽ như thế nào ? Volodymyr Zelensky ngừng một chút, rồi đưa ra câu trả lời - mà theo The Economist, không thể hình dung được nơi Vladimir Putin. « Chiến thắng, là cứu được càng nhiều mạng sống càng tốt, bởi vì nếu không thì chẳng còn ý nghĩa gì ». 

Không ai biết được Vladimir Putin đang ở đâu khi quân đội ông ta tấn công vào Ukraina. Nhưng Zelensky thì đang ở nhà với vợ con, họ đã đánh thức ông dậy vào sáng sớm 24/02, khi nghe những tiếng nổ lớn, và vài phút sau ông nhận được tin đang bị tấn công bằng rốc-kết. Người Mỹ sau đó đề nghị giúp ông di tản, nhưng Zelensky từ chối. Ông không chuẩn bị đóng vai người hùng, không lên gân, mà chỉ đơn giản là phải hành động như thế.

The Economist cho rằng sức mạnh của Zelensky nằm ở tinh thần cởi mở, khả năng lắng nghe. Vasily Grossman, tiểu thuyết gia và và phóng viên chiến trường thời xô-viết, sinh ra ở miền bắc Ukraina, đã viết : « Nếu tính nhân văn trong con người không bị hủy hoại, cái ác sẽ không bao giờ chiến thắng ».


Cuộc chiến trên mạng ác liệt nhất trong lịch sử

The Economist lưu ý : cuộc xâm lăng Ukraina không phải là cuộc chiến đầu tiên trên mạng xã hội, nhưng là cuộc chiến dữ dội nhất từ trước đến nay. 

Có lẽ chúng ta đã từng xem các video của Ukraina. Tổng thống Volodymyr Zelensky trước tòa nhà chính phủ, cầm điện thoại tự quay cảnh ông và nhiều viên chức cao cấp phía sau, khẳng định « Tất cả chúng tôi đều đang ở đây », chỉ vài ngày sau khi Vladimir Putin cho đoàn xe tăng vượt qua biên giới. Hoặc một quân nhân Ukraina quay cảnh các đồng đội trên cánh đồng ngập tuyết đang bắn đi những hỏa tiễn chống tăng. Một phụ nữ Ukraina đến gần một nhóm lính Nga, nói họ bỏ những hạt hướng dương vào túi để sau này những cây hoa có thể mọc lên trên xác họ. Hay tiếng hô của những người lính trên đảo Rắn khi được yêu cầu đầu hàng « Tàu Nga, hãy cút đi ! ». Mỗi video đăng trên mạng nhận được hàng triệu lượt xem và « like », trở thành một loại biên niên sử chiến tranh, cùng với những tấm ảnh nông dân Ukraina dùng máy cày kéo xe tăng Nga bỏ rơi. 

Trước đây đã có cuộc chiến truyền thông giữa Israel và phe Hamas trên Twitter. Lính Nga khi tiến vào Donbass năm 2014-2015 đã từng bị phát hiện vì ảnh đăng trên mạng xã hội, những video về chiến tranh Syria và Thượng Karabakh được lưu hành...Nhưng Ukraina đã trở thành ví dụ tiêu biểu về cách thức mà mạng xã hội thuật lại chiến tranh và có thể thay đổi tình thế cuộc chiến.


Toàn dân Ukraina làm truyền thông trên internet, Nga lo phát truyền đơn

Có đến 75% người dân Ukraina sử dụng internet, đường truyền ổn định tại tất cả các thành phố trừ những nơi bị vây hãm thô bạo. Khi Matxcơva bắt đầu xâm chiếm Crimée năm 2014, c chỉ mới có 4% người Ukraina dùng 3G, nay có đến 80% kết nối mạng. Bổ sung cho báo chí và truyền hình, những video và ảnh chụp của người dân cho thấy tính chất dữ dội, u ám hơn và cá nhân hơn về cuộc chiến. Đặc biệt những video của tổng thống Zelensky, cựu ngôi sao truyền hình mang lại sự gần gũi, cảm thông. 

Trên toàn quốc, các chuyên gia quan hệ công chúng, nhà thiết kế, nhà hoạt động trên mạng...đã tập hợp lại chỉ vài giờ sau cuộc tấn công của Putin, mỗi người là một chiến sĩ thông tin. Liubov Tsybulska, cố vấn chính phủ đã giúp điều phối nhiều ê-kíp khác nhau. Một nhóm thu thập những nội dung dành cho người Nga, nhóm khác sản xuất các clip cổ vũ lòng ái quốc cho người Ukraina. Một nhóm tập trung vào TikTok, những nhóm khác lưu trữ dữ liệu từ mạng xã hội, hy vọng có thể đưa Nga ra tòa về tội ác chiến tranh...Tất cả đều giúp chinh phục tình cảm của phương Tây. 

Trước chiến tranh chỉ 55% người Mỹ coi Ukraina là « bạn bè » hay « đồng minh »; nhưng hai tuần sau những trận bom của Putin, tỉ lệ này lên đến 80%, cao hơn cả Pháp, Nhật. Ngược lại, phía Nga dù nổi tiếng về bóp méo thông tin, vẫn dùng kiểu cách thời Đệ nhị Thế chiến. Quân Nga phân phát truyền đơn kêu gọi « các đồng chí » ủng hộchiếm các đài phát thanh địa phương và cho phát đi những bài diễn văn của ông Putin.


Ukraina nhất định phải hy sinh cho lợi ích của Nga ?

Courrier International băn khoăn « Ukraina : Làm thế nào chấm dứt chiến tranh ». Trong hồ sơ có bài trả lời báo The Observer của nhà chính trị học Ukraina, Maria Zolkina, khẳng định « Ukraina không nên nhường một centimet đất nào cho Matxcơva », vì người dân không bao giờ chấp nhận.

Các nhà phân tích phương Tây đưa ra nhiều kịch bản : một cuộc đối đầu lâu dài dần biến thành xung đột cấp thấp, một thảm họa nguyên tử, dùng đến vũ khí hóa học hay sinh học để giành thắng lợi, một thỏa hiệp chính trị của Ukraina...Kịch bản duy nhất không được nêu ra là việc tái lập toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraina, cứ như là Kiev nhất định phải hy sinh cho lợi ích của Nga.

Đối với Ukraina, không thể chấp nhận các tối hậu thư của Matxcơva, hay công nhận những « nước cộng hòa » Louhansk, Donetsk và việc sáp nhập Crimée, hoặc « phi quân sự hóa » Ukraina. Kiev biết rằng những nhượng bộ này không có nghĩa là Nga sẽ rút quân, mà ngược lại, vẫn sẽ bị tấn công. Vấn đề là việc bảo đảm an ninh cho Ukraina dưới dạng một hiệp ước, nếu Ukraina không vào NATO trong tương lai gần. Mọi thỏa thuận cần phải kèm theo điều kiện bảo đảm về quân sự trong trường hợp lại bị xâm lăng, kể cả triển khai quân, nhưng các đối tác phương Tây có thể cho rằng việc này quá rủi ro.


Người dân Ukraina tiếp tục nhập ngũ, biểu tình chống Nga

Nếu chỉ ngưng bắn, Nga có thể lợi dụng để củng cố, trang bị thêm cho các đơn vị đồng thời đòi hỏi phương Tây giảm viện trợ quân sự cho Ukraina. Các đối tác của Kiev xem chừng rất muốn có thỏa hiệp chính trị, nói cách khác, Ukraina phải từ bỏ một số quyền lợi, thậm chí nhường đất cho Nga. Nhưng lòng yêu nước của người dân Ukraina cao đến nỗi họ khó thể chấp nhận một giải pháp như vậy.

Hơn nữa, mọi lời kêu gọi « giải giáp », « phi quân sự hóa » cũng không thể hình dung tại một đất nước mà quân đội đang giành chiến thắng. Không thể làm biến mất dòng người xếp hàng trước các trung tâm tuyển quân. Tại Kiev, lực lượng phòng vệ lãnh thổ có khoảng 100.000 người được vũ trang, và tại các thành phố bị chiếm đóng, hàng ngàn người xuống đường mỗi ngày để phản đối Nga. Không thể nào dập tắt tinh thần kháng chiến ấy.

Vladimir Putin không sẵn sàng thối lui, nhưng lại không thắng được trên thực địa. Thế nên Nga sẽ gia tăng khủng bố thường dân, sẽ có những thành phố bị xóa tên trên bản đồ, việc sử dụng các loại vũ khí cấm ngày càng có cơ xảy ra. Đối với Ukraina, mục tiêu là Nga phải rút quân, nhưng chừng như khó thể đạt được bằng con đường ngoại giao, mà chỉ có thể bằng quân sự, nên Ukraina rất cần được sự hỗ trợ của phương Tây : thêm nhiều vũ khí, gia tăng trừng phạt, ngưng mua dầu khí của Nga.


Điện Kremlin và đội quân trong bóng tối

L'Obs dành trọn hồ sơ cho « Gián điệp, cuộc chiến bí mật của Putin », và « những kẻ ngốc hữu dụng » tại Pháp. Ông chủ điện Kremlin, cựu sĩ quan KGB từ lâu đã huy động đội ngũ tình báo để gây bất ổn trong nội bộ phương Tây, với mục tiêu tái lập đế quốc Nga, mà việc xâm lăng Ukraina là hành động mới nhất. 

Đội quân trong bóng tối của Kremlin càng gia tăng hoạt động sau khi sáp nhập thành công Crimée năm 2014. Các cơ quan tình báo Nga gồm FSB, GRU (tình báo quân đội) và SVR (phản gián) liên tục tuyển mộ, cho đến nỗi phải nhiều lần mở rộng trụ sở. Theo ảnh vệ tinh, trụ sở SVR tại Yasenevo ở ngoại ô Matxcơva đã phình ra gấp bốn lần chỉ trong vài năm. Matxcơva gởi hàng trăm nhân viên đến châu Âu và Hoa Kỳ. Riêng tại Pháp - nước được đặc biệt nhắm đến vì vừa là đồng minh của Mỹ, thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và là nhà xuất khẩu vũ khí lớn, lại sở hữu bom nguyên tử - số điệp viên Nga lên đến hơn 300 ! 

Tại Bruxelles có ít nhất 200, phân nửa núp dưới vỏ bọc ngoại giao. Trụ sở NATO là nơi có cả một ổ gián điệp Nga, các nhân viên phương Tây tại đây là mục tiêu chính được lôi kéo bằng nhiều cách : tiền bạc, lý tưởng, phụ nữ, tranh thủ những bất mãn, kiêu ngạo...Matxcơva tìm hiểu những ưu tiên của Liên minh, những điểm yếu của các loại vũ khí, chi tiết về các nhân vật quan trọng, những bất đồng...bao nhiêu là bí mật để một ngày nào đó buộc phương Tây phải quy phục. 

Tuần báo cũng đả kích « những kẻ ngốc » đóng vai cái loa tuyên truyền cho Kremlin. Nhiều trí thức, chính khách Pháp bị Putin mê hoặc. Từ François Fillon đến Eric Zemmour, Marine Le Pen đều đã đến Matxcơva hoặc được những tay chân của Kremlin ở Paris ve vãn. Những người khác như Jean-Luc Mélenchon thì do chống Mỹ, chống NATO. Một tháng sau khi Putin đưa quân xâm lược Ukraina, không ai còn có thể chối bỏ những tội ác ở Mariupol, Kherson...; những tuyên bố trước đây của họ đã trở thành gậy ông đập lưng ông. Người ta có thể yêu mến nước Nga, đọc Tolstoï, Dostoïevski, nghe nhạc Tchaïkovski nhưng không thể ngây ngất trước một nhân vật máu lạnh như Putin.


Chiến tranh lương thực và di dân, vũ khí khác của Putin

Trên lãnh vực kinh tế, trang nhất của Le Point chạy tựa « Cuộc chiến tranh lương thực » trước nguy cơ « Ukraina, vựa lúa mì thế giới bị hủy hoại ». Ukraina và Nga chiếm đến một phần ba xuất khẩu lúa mì toàn cầu, riêng tại Ukraina, có đến phân nửa số lúa mì được sản xuất tại miền đông, nơi đang bị Nga tập trung tấn công. Châu Âu, châu Phi và vùng Cận Đông đều lo âu về nguồn cung lúa mì, thậm chí nguy cơ nổi dậy vì nạn đói ở những nước nghèo. Le Figaro cuối tuần nêu ví dụ Ai Cập nhập khẩu đến 70% nhu cầu lúa mì từ Ukraina, Sénégal nhập 57%. 

Là vùng đất phì nhiêu, Ukraina xuất khẩu 80 triệu tấn ngũ cốc hàng năm, thông qua bốn cảng Mykolaïv, Tchornomorsk, Yuzhnyi và Odessa, mà cả bốn đều đang bị Nga phong tỏa. Vẫn có thể đưa sang Ba Lan bằng xe lửa nhưng khả năng chuyên chở không thể nào sánh bằng đường biển. Mùa thu hoạch tới sẽ càng gay go nếu chiến tranh kéo dài vì nông dân không thể gieo giống, máy móc thiếu phụ tùng, xăng dầu cũng thiếu. Trước mắt, tình trạng này tác động tai hại cho những nước nghèo và bất ổn, dự trữ ngũ cốc sẽ cạn sau tháng Sáu. Hàng triệu người sẽ ra đi, mà hướng đến trước nhất của di dân bất hợp pháp là châu Âu. Vladimir Putin vốn thâm độc, không từ một loại vũ khí nào với phương Tây.


Đài Loan trước cú sốc chiến tranh Ukraina

L'Express nhìn sang châu Á, nói về « Cú sốc của cuộc chiến tranh Ukraina tại Đài Loan » - đảo quốc đang sống dưới sự đe dọa của một cuộc xâm lăng từ Trung Quốc. Tờ báo mô tả tại một nhà hàng ở trung tâm Đài Bắc, những hình ảnh chiến tranh ở Ukraina liên tục được chiếu trên ti vi. Một kênh thông tin ca ngợi sự can đảm của tổng thống Volodymyr Zelensky, cuộc tranh luận bắt đầu với câu hỏi « Và chúng ta có thể làm gì nếu Trung Quốc tấn công ? ». Các chuyên gia Đài Loan theo dõi sát sao cách Ukraina kháng cự lại quân Nga.

Nhà nghiên cứu Marcin Jerzewski cho biết cuộc chiến này khiến Đài Loan ý thức được là phải tự lo lấy thân vì không chắc Hoa Kỳ sẽ cứu giúp. Trong dân chúng có đến 70% nói rằng sẵn sàng chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược, trong khi một thăm dò trước đó tỉ lệ này chỉ có 40%. Việc huấn luyện quân dự bị từ 7 ngày mỗi hai năm, tăng lên 14 ngày một năm, và thời gian quân dịch có thể được kéo dài. Bà Thái Anh Văn nêu ra trường hợp Ukraina, nói rằng đội ngũ dự bị có thể đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ Đài Loan. Chuyên gia Jerzewski khuyến cáo lập lực lượng phòng vệ tại 184 khu của Đài Loan, trong đó có cả nhân viên cứu hộ, y tế...Hiện số người đăng ký tham dự các buổi huấn luyện cấp tốc về cách tự vệ khi xảy ra chiến tranh đang tăng vọt.


Donbass, nơi khởi đầu và kết thúc cuộc chiến ?

Quay lại với tình hình chiến trường Ukraina, câu hỏi được đặt ra là liệu trước những khó khăn hiện nay, Putin có giảm bớt tham vọng về cuộc xâm lược hay không ? The Economist cho rằng nếu phương Tây lùi bước trước đe dọa dùng vũ khí hạt nhân của Vladimir Putin, hạn chế cấp vũ khí cho Ukraina, sẽ khiến Nga áp đặt một hòa bình bất ổn cho Volodymyr Zelensky, và là phần thưởng cổ vũ Putin tiếp tục làm « săng-ta » về nguyên tử.

Theo L’Obs, khi khởi đầu cuộc tấn công hôm 24/02, lãnh thổ phe ly khai chiếm khoảng 1/3 vùng Donbass, nhưng trớ trêu là thời gian qua các vị trí của quân chính phủ Ukraina tại đây lại càng được củng cố. Thế nên Putin sẽ không nới lỏng gọng kềm tại các thành phố khác, và có thể lo rằng tại Donbass, nơi tất cả được khởi đầu, cũng là vùng đất cuối cùng của một cuộc chiến tàn bạo, mà số lượng người chết sẽ quyết định ai là kẻ chiến thắng.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.