* Tôi có anh bạn vong niên, học trường Tây thuở nhỏ và vẫn giữ nguyên phong thái lịch sự, hơi kiểu cách cho đến bây giờ. Nhưng ấn tượng nhất với tôi là cách anh hành xử - không mảy may bị tác động từ bên ngoài.
Cái thời xa xưa khi tôi còn ở tỉnh, cùng tham gia gửi các bài viết trên các báo - cái thời chưa có internet, vẫn gửi thư, bài... qua bưu điện.
Bạn biết đó, các nhân viên bưu điện hơn 30 năm trước, mặt lúc nào cũng quạu đeo. Nhưng anh không quan tâm đến thái độ lẫn cách hành xử của họ. Anh vẫn luôn nhã nhặn cảm ơn họ sau khi gửi thư đi, dù họ có rề rà ra sao, thậm chí họ không thèm nhìn lại khi nghe anh cảm ơn.
Một lần, gặp ánh nhìn như hỏi của tôi, anh từ tốn nói: “Hành vi xuất phát từ chính cốt cách chúng ta, không phải từ đối tượng”.
* Tôi thường đi loanh quanh phố phường Sài Gòn, mua này mua nọ cho vui. Khi đổ xăng tôi luôn kèm lời cám ơn nhân viên phục vụ. Thường người đầu tiên nghe lời cám ơn sẽ nhìn tôi hơi... lạ lùng nhưng vài lần sau họ vui vẻ thấy rõ, các tiệm bán đồ lặt vặt cũng vậy. Và tôi thường được... vợ khen là mua đồ rẻ!
Người bán hàng gốc Bắc ở Sài Gòn theo quan sát của tôi, họ cũng vui vẻ cám ơn như người Nam.
Các bạn trẻ mà tôi tiếp xúc đều có từ cám ơn, xin lỗi. Nhiều bạn đã biết cầm theo rác khi sinh hoạt để đem về bỏ thùng rác nhà, không xả rác bừa bãi nơi ngồi.
Tôi nghĩ chính chúng ta cần giữ nếp văn hóa này, dạy con cháu làm theo. Nó rất có lợi cho chính xã hội và chính chúng ta, nó khởi nguồn về một hành xử văn minh, một xã hội dân chủ. Khi tôi đến cơ quan công quyền với phong thái lịch sự, cám ơn xin lỗi rõ ràng, thì rõ ràng nhân viên văn phòng họ phục vụ tốt hơn.
NGUYỄNĐÌNH BỔN 08.12.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.