vendredi 17 décembre 2021

Đe dọa trừng phạt, châu Âu hy vọng giúp Ukraina không bị Nga xâm lăng


Đăng ngày:

« Phòng bệnh hơn chữa bệnh », Liên hiệp Châu Âu (EU) liên tục đưa ra những lời cảnh cáo : trong hội nghị có mặt các đối tác gồm năm nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ chiều hôm qua, và hội nghị thượng đỉnh hôm nay. Các thông điệp của EU hoàn toàn đồng điệu với G7 cuối tuần rồi. Tân thủ tướng Đức Olaf Scholz nhắc lại lời của người tiền nhiệm Angela Merkel « mọi vi phạm toàn vẹn lãnh thổ đều phải trả giá, một cái giá đắt ». Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Ursula von der Leyen, đe dọa « các biện pháp chưa từng thấy với hậu quả nặng nề cho Nga ».

Đối thoại hay không đối thoại với Matxcơva ?


Sau khi đã có biện pháp đối với công ty lính đánh thuê Wagner vào đầu tuần, EU đang chuẩn bị trừng phạt Matxcơva, chừng như có phối hợp với Hoa Kỳ, Canada, Anh. Cũng như vụ sáp nhập Crimée năm 2014, phương Tây muốn phản ứng nhanh chóng trong trường hợp Nga nhất định xâm lăng Ukraina. Đường ống dẫn khí Nord Stream 2 có nằm trong dự định trả đũa ? Joe Biden đã đề nghị, Ba Lan và các nước Baltic rất muốn, Đức còn mơ hồ.

Châu Âu chưa rõ Vladimir Putin muốn giở trò gì. Ông ta có thực sự muốn tấn công, hay chỉ muốn khiêu khích khiến Ukraina sập bẫy, hoặc gây áp lực để buộc phương Tây phải thương lượng về những chủ đề Nga mong muốn ? Các nước châu Âu vẫn còn chia rẽ về cách đối phó. Một bên là những nước cho rằng cần ra tay trừng phạt trước khi xảy ra xung đột, đối thoại với Matxcơva chỉ vô ích ; bên kia gồm Đức, Pháp, Ý, Hy Lạp muốn duy trì các kênh liên lạc. Nhưng ít nhất lần này châu Âu đồng thuận được về tình trạng nghiêm trọng ở biên giới Ukraina.

Hôm qua Matxcơva đã trao cho Washington danh sách những đòi hỏi của Putin, như đã trao đổi trước đó với Biden. Tổng thống Nga muốn được bảo đảm rằng Ukraina và Gruzia sẽ không bao giờ trở thành thành viên NATO, và NATO không tiến thêm về phương Đông. Thủ tướng Estonia, Kaja Kallas, cảnh báo « Putin cố trình bày như một giải pháp cho vấn đề mà chính ông ta đã tạo ra, chúng ta không nên rơi vào bẫy ».


Thời điểm thuận lợi để Nga tấn công

Tất nhiên là Tập Cận Bình đứng về phía Putin. Hội nghị đối tác phương Đông diễn ra trong bối cảnh căng thẳng này. Ukraina, Moldavia, Gruzia – cả ba đều có một phần đất bị Nga chiếm đóng – thấy viễn cảnh được gia nhập EU xa dần. Một nhà ngoại giao châu Âu cho biết mục tiêu của EU không phải là kết nạp mà là gắn bó với các nước này : EU viện trợ 17 tỉ euro để giúp tiến hành cải cách.

Washington và Paris đều coi việc Nga huy động quân đến biên giới Ukraina lần này đáng lo hơn hồi mùa xuân. Vì sao ? Theo một nguồn tin ngoại giao, để can thiệp quân sự cần có ba yếu tố : tập trung các thiết bị hạng nặng, kế hoạch xâm lăng và quyết định chính trị của tổng thống Nga. Từ nhiều tuần qua, chính quyền, báo chí và think tank thân cận với điện Kremlin không ngớt rắn giọng, thậm chí bóp méo lịch sử bằng cách lu loa « khởi đầu nạn diệt chủng » đối với người gốc Nga ở Ukraina, như một cách chuẩn bị dư luận.

Yếu tố cuối cùng còn chưa rõ, là liệu Vladimir Putin đã quyết định tấn công Ukraina hay chưa. Thời điểm hiện nay đang thuận lợi cho ông ta. Việc rút quân khỏi Afghanistan cho thấy Mỹ muốn tập trung đối phó với Trung Quốc, Angela Merkel đã rời ghế, cuộc bầu cử tổng thống ở Pháp có thể khiến Emmanuel Macron nhẹ tay hơn trước các vấn đề quốc tế. Kremlin thường ra tay vào tháng Tám, khi người phương Tây đi nghỉ hè, hoặc vào dịp lễ hội cuối năm. Dù có ra lệnh tấn công Ukraina lần nữa hay không, Vladimir Putin đã ghi điểm : ông ta khẳng định được là phương Tây không sẵn sàng chiến đấu cho Ukraina.


Thường dân Ukraina tập đối mặt với chiến tranh

Trong khi đó, người Ukraina phải lo tự cứu lấy mình. Phóng sự của Le Figaro « Ở Kharkov, người Ukraina động viên trước sự đe dọa của Nga » tả lại cảnh thường dân sống ở vùng biên giới tập sử dụng vũ khí. Tại Donbass, tình nguyện viên và quân dự bị Ukraina mỗi tuần đều tập huấn quân sự : bom nổ, những tràng súng chìm trong cụm khói dày đặc…Trong số 500 người tham gia tại ngoại ô Kharkov, gồm đàn ông, phụ nữ mặc treilli hay trang phục thể thao cuối tuần, có không ít người đưọc thôi thúc trước tình hình căng thẳng ở biên giới.

Người huấn luyện – một trong số 400.000 cựu chiến binh Ukraina – cho biết, học bắn chỉ mất vài giờ, nhưng học cách sống sót phức tạp hơn nhiều. Với 100.000 quân Nga ồ ạt tập trung ở biên giới (theo tình báo Ukraina), con số này theo tình báo Mỹ là 170.000, Kiev đã dự báo một kịch bản thảm họa : quân Nga không kích lẫn pháo kích, tiếp theo là nhảy dù và đổ bộ từ phía đông, Belarus và Hắc Hải. « Đó sẽ là một cuộc thảm sát », bộ trưởng Quốc phòng Ukraina Oleksiy Reznikov cảnh báo trên CNN.

Thông điệp này vang vọng trên những cánh đồng sình lầy của Viện Quân sự Kharkov, những người tham gia chuyển từ trại này sang trại khác. Làm thế nào di chuyển ngay trong trận đánh, đào vội một hố cá nhân trước nguy cơ một xe tăng chạy qua đầu, làm cách nào tránh mìn, vô hiệu hóa đối thủ trên xe, sơ tán người bị thương…cư dân cần có tối đa kiến thức để sống sót. Ở quảng trường Tự Do trước tòa thị chính, một quả rốc-kết cắm xuống đất nhắc nhở vụ xâm chiếm Crimée, với dòng chữ « Nhục nhã cho nước Nga phát-xít ».


NATO khó xử trong xung đột Nga-Ukraina

Les Echos nhận xét « NATO bị kẹt trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina ». Vladimir Putin kêu gọi thương lượng « lập tức » với NATO và Hoa Kỳ, nhằm loại bỏ khả năng tổ chức Minh ước Bắc Đại Tây Dương mở rộng sang Đông Âu. Yêu sách này không có gì mới, nhưng lần này tổng thống Nga đòi hỏi được « bảo đảm về mặt luật pháp ».

Ukraina đã muốn gia nhập NATO từ 2008, nhưng mặc dù Crimée bị Nga xâm chiếm năm 2014, nhiều nước thành viên không muốn làm nặng nề thêm cuộc xung đột ở Donbass. Trên thực tế, từ đó đến nay tương quan lực lượng giữa Ukraina và Nga đã thay đổi nhiều, quân đội Ukraina đã được hiện đại hóa, đặc biệt là có được các hỏa tiễn Javelin từ Hoa Kỳ, và sự hỗ trợ về thiết bị quân sự của Ba Lan, các nước vùng Baltic. Những nước khác tỏ ra thận trọng khiến Ukraina phải quay sang mua một số drone của Thổ Nhĩ Kỳ. Người diễn viên hài Zelensky trở thành tổng thống, nay buộc lòng phải đóng vai thủ lãnh chiến tranh.


Châu Âu trước nguy cơ hai thế giới công nghệ tách biệt

Châu Âu thì bị kẹt trong cuộc chiến tranh công nghệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, có thể dẫn đến việc tách biệt hoàn toàn : một thế giới với hai loại phần mềm, bộ xử lý, điện toán đám mây khác biệt, không thể kết nối với nhau.

Tháng 10/2021, Linkedln rời Hoa lục. Đây là mạng xã hội cuối cùng không bị « Vạn lý Hỏa thành » của Trung Quốc phong tỏa như Google, YouTube, Facebook, Twitter. Vài tuần sau, Joe Biden với sự ủng hộ của đảng Cộng Hòa đã ra luật cấm Huawei và ZTE mua licence các thiết bị mạng, cả hai tập đoàn này đã nằm trong danh sách đen bị cấm đầu tư.

Trong một thế giới với hai chuẩn công nghệ khác biệt, các doanh nghiệp châu Âu phân vân, làm thế nào làm việc với cả hai ? Trung Quốc hoàn toàn dùng công nghệ trong nước. Về cloud, Ali, Tencent, Huawei chiếm 80% thị trường, hệ điều hành thì NeoKylin thay thế cho Windows. Trở ngại lớn nhất là hai đạo luật về chuyển giao dữ liệu và bảo vệ tính riêng tư vừa có hiệu lực tại Hoa lục, gây nhiều rủi ro cho doanh nghiệp.


Các đại gia kim hoàn bị tố cáo mua bán hồng ngọc Miến Điện

Liên quan đến châu Á, Le Monde cho biết nhiều tên tuổi lớn trong ngành kim hoàn bị tố cáo bán những viên hồng ngọc xuất xứ từ Miến Điện, gián tiếp tài trợ cho tập đoàn quân sự cầm quyền.

Trong báo cáo của tổ chức phi chính phủ Global Witness công bố hôm qua, các nhà chế tạo nữ trang đắt tiền như Van Cleef & Arpels, Bulgari…bị cáo buộc đã bán ra những viên ngọc đỏ thẫm rất được ưa chuộng từ các mỏ hồng ngọc liên quan đến vi phạm nhân quyền. Các thợ mỏ bất hợp pháp nói với Global Witness là họ có nhiều cơ hội hơn so với trước đảo chánh, nhờ khai thác được các khu đất giàu tài nguyên. Nhưng việc đào bới bằng tay cũng nguy hiểm, gần đây có ít nhất 6 thợ mỏ tử vong vì lũ bùn tràn vào đường hầm dưới lòng đất, hay do thiếu oxy. Tổ chức này kết luận « không thể mua hồng ngọc Miến Điện mà không tài trợ cho quân đội hay góp phần vào các cuộc xung đột ».

Đóng vai người mua, các nhà điều tra của Global Witness đã gặp gỡ những nhà buôn sỉ ở Thái Lan. Họ cho biết hầu như không thể xác định được nguồn gốc cụ thể của một viên đá quý xuất xứ từ Miến Điện, do có quá nhiều trung gian. Áp lực tăng lên đối với các nhà kim hoàn lớn, nhiều thương hiệu như Cartier khẳng định không còn mua hồng ngọc Miến Điện từ cuối 2017 do bạo lực đối với người Rohingya. Tiffany là một trong những nhà kim hoàn hiếm hoi công khai cam kết không mua nữa « dù Miến Điện là nơi có những viên hồng ngọc đẹp nhất thế giới ».  


Di dân, những giấc mơ chìm đắm trên biển Manche

Châu Âu lo sợ Nga sẽ tấn công Ukraina, nghi ngại biến thể Omicron sẽ làm mùa Noel trở nên u ám, sức mua giảm sút, cải cách chế độ bảo hiệm thất nghiệp tại Pháp, khủng hoảng di dân, đó là những chủ đề được quan tâm nhiều hôm nay 16/12/2021.

Libération dành hồ sơ hôm nay cho những di dân thiệt mạng trong vụ đắm tàu hôm 24/11 khi tìm cách sang Anh, tờ báo tìm cách vẽ lại được chân dung 11/27 nạn nhân. Hôm thứ Ba, Viện Kiểm sát Paris đã xác định được danh tính của 17 nam thanh niên, 7 phụ nữ, 2 thiếu niên, 1 trẻ em bị chết đuối trên biển Manche. Hầu hết là người Kurdistan ở Irak, người Afghanistan, họ không bao giờ đến được thiên đàng trong mơ.

Đó là Husain, Shawali, Ahmad… ở tuổi đôi mươi từ Afghanistan sang. Hoặc Maryam cũng 24 tuổi, người Kurdistan, mạo hiểm sang đoàn tụ với vị hôn phu ở Anh, với hy vọng mở một tiệm làm tóc và nail. Nhưng người chồng tương lai đành chứng kiến trực tiếp vụ đắm tàu vì hai người trực tiếp liên lạc bằng Snapchat lúc đang trên biển. Cô là nạn nhân đầu tiên được khẳng định ngay từ lúc cuộc điều tra chưa được tiến hành.

Những ngày gần đây các hiệp hội trợ giúp di dân thở ra nhẹ nhõm vì biển động, nhưng họ biết rằng sau đó những chiếc ca-nô mong manh vẫn sẽ tiếp tục ra khơi, và rồi sẽ xảy ra những vụ đắm tàu khác. François Guennoc, phó chủ tịch Auberge des migrants cho biết : « Những người di dân thường nói với chúng tôi : thà chết ngay còn hơn chết dần chết mòn ở Calais ».


Người tị nạn da đen trở thành hoa hậu Ireland

Cũng liên quan đến di dân nhưng La Croix kể lại một câu chuyện có hậu : một người tị nạn trở thành hoa hậu Ireland và hôm nay 16/12 đại diện đất nước đã cưu mang gia đình mình trong cuộc thi Miss World (Hoa hậu Thế giới).

Pamela Uba là một hoa hậu đặc biệt : cô có màu da đen trong khi Ireland 95% là người da trắng. Sinh ở Nam Phi, cô vừa 8 tuổi lúc đặt chân lên đất nước được mệnh danh là hòn đảo ngọc bích. Mẹ cô mang theo bốn đứa con từ Johannesburg sang, phải 10 năm sau mới được hợp thức hóa giấy tờ. Mọi sự thay đổi khi cô vào được đại học, từ người tị nạn đã trở thành thạc sĩ ngành y của một trường đại học danh giá nhất Ireland kiêm người mẫu. Pamela đấu tranh cho việc hội nhập người tị nạn và quyền được học hành.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.