samedi 25 décembre 2021

Huy Đức - Muốn đổi mới Quốc hội thì nên học ai


"Chủ tịch Quốc hội viện dẫn mô hình hoạt động của Quốc hội một số nước cho thấy, Quốc hội chỉ xem xét, thông qua Hiến pháp, các đạo luật cơ bản; phần lớn các luật và việc quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước được giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội."

Hôm qua nghe Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu câu này trên VTV, sáng ra phải vào Cổng thông tin Quốc hội để xem lại cho chắc chắn. "Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội" là luôn cần thiết nhưng đổi mới sao để "hoàn thiện nhà nước pháp quyền" lại là một vấn đề không thể không được bàn trên nền tảng khoa học về nhà nước.

Tôi không rõ trên thế giới còn mấy quốc gia còn áp dụng mô hình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhưng tôi biết chắc ở những quốc gia dân chủ, nơi thực sự có nhà nước pháp quyền thì không có định chế này.

Và, "chủ tịch Quốc hội" trong các nhà nước thật sự của dân, dù là người rất thâm niên, thì cũng chỉ có thể lãnh đạo Quốc hội bằng uy tín còn về quyền thì cũng một phiếu như các thành viên khác.

"Ủy ban Thường vụ Quốc hội" với vai trò "thông qua phần lớn các luật" thì chỉ có mô hình Trung Quốc. Nhưng, Quốc hội Trung Quốc không có nét tương đồng nào với Quốc hội Việt Nam.

Cái được cho là Quốc hội của Trung Quốc là "Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc", có tới 2.980 thành viên, mỗi năm chỉ họp một lần, chủ yếu là vỗ tay và "chuẩn y" những điều đã được quyết. Quốc hội thật của Trung Quốc chính là Ủy ban Thường vụ Nhân Đại Toàn quốc gồm 175 ủy viên. Cho nên tham khảo mô hình Trung Quốc không phải là một bước đi cải cách.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam phần lớn được Đảng phân công, chỉ có vài ủy viên thực sự hiểu biết về công tác lập pháp và dành gần như trọn đời cho vai trò nghị sĩ. Nhưng, năng lực lập pháp không phải là vấn đề chính; quy trình ban hành chính sách không phải ở trong các "thư phòng".

500 đại biểu có thể ít tinh hoa hơn các vị trong Thường vụ, nhưng chỉ khi thảo luận một chính sách ở không gian này mới đủ độ công khai để có phản biện và có dân chúng tham gia. Nếu Luật Bảo đảm An toàn Giao thông Đường bộ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, thì gần như chắc chắn chức năng "quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe" đã được giao cho Bộ Công an từ 2020, thay vì được cân nhắc đầy đủ hơn ở nghị trường toàn thể.

Cũng chính vì làm chính sách trong không gian hẹp này mà trong thập niên 1990, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua hai pháp lệnh để lại hậu quả bây giờ cũng chưa thấy hết.

Pháp lệnh 14-10-1994 về "quyền của tổ chức khi được nhà nước giao đất" thì bốn năm sau đã được sửa. Pháp lệnh về Tình báo thì vẫn đang được thi hành. Một khi tình báo quốc gia không dồn toàn bộ năng lực tìm kiếm tin mật ra bên ngoài thì việc bên trong xuất hiện những "bình phong" kiểu như "Vũ Nhôm" là điều không chỉ như những gì mà ta đã biết.

HUYĐỨC 24.12.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.