(LĐ 16/12/2021) Sau sự cố mất tín hiệu tàu Cát Linh- Hà Đông, metro Hà Nội giải thích đó là “diễn tập”. Vừa xong, họ tuyên bố sẽ còn có thêm những tình huống diễn tập sự cố bất ngờ, và “không báo trước cho hành khách”.
Tối 7.12, đoàn tàu thuộc tuyến đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông bất ngờ gặp sự cố “mất tín hiệu” khiến tàu “đứng ịch một chỗ”.
Khoảng 30 hành khách đã được sơ tán khỏi tàu.
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) sau đó giải thích đó là Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã kích hoạt 1 trong 63 tình huống thử nghiệm kỹ thuật vận hành tàu. Và đó là “Tình huống mất tín hiệu”.
Cái tàu, thật ra là một cỗ máy, trong vận hành thì trục trặc, sự cố là đương nhiên. Nhưng trong sự cố ngày 7.12, có cái gì đó sai sai.
Một kỹ sư ngành đường sắt trao đổi với Lao động, rằng: Metro được thiết kế mức an ninh cấp 1, đảm bảo vận hành thông suốt. Ngay cả trong trường hợp “mất điện nửa thành phố” thì nguồn điện khác dự phòng sẽ tự động cấp cho toàn tuyến. Nguyên tắc của metro là tuyệt đối không có bất cứ đơn vị nào, kể cả Chính phủ, có thể can thiệp được vào hệ thống thông tin, tín hiệu của metro mà người đứng đầu Trung tâm điều độ chạy tàu lại không biết, không đồng ý.
Và ông đặt câu hỏi: Sở đã can thiệp bằng cách nào? Bằng kiểu gì mà Tổng Giám đốc Metro Hà Nội “không biết”?
Và quan trọng hơn: Nếu hệ thống tín hiệu của metro có thể tác động từ bên ngoài từ một cơ quan nhà nước thì liệu “những người xấu khác” cũng có thể tác động?
Trở lại với việc Metro Hà Nội tuyên bố sẽ còn có thêm những tình huống diễn tập sự cố bất ngờ, và “không báo trước cho hành khách”.
Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI dẫn chiếu các quy định pháp luật về diễn tập, ứng phó, nhất là tại Luật Đường sắt năm 2017 cũng như các nghị định, thông tư hướng dẫn..., khẳng định rằng: Việc diễn tập cấp cứu trong hoạt động y tế, hay phòng cháy, chữa cháy, đều phải dựa trên các quy định rất cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, cách thức triển khai theo phương án được phê duyệt và đặc biệt là những việc ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và sinh hoạt của người dân thì luôn phải được thông báo trước.
“Bất kể vì lý do gì cũng không thể mang người dân ra làm "thí nghiệm" và đẩy họ hoàn toàn bị động, rơi vào tình thế bất ngờ như vậy được”- Luật sư Trương Thanh Đức nói trên Đài truyền hình quốc gia.
Sự nguy hiểm của việc “không báo trước” còn ở chỗ nó sẽ biến những sự cố thật sự đều chỉ là “diễn tập không báo trước”?
ANH ĐÀO
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.