mercredi 8 décembre 2021

Ngô Nhân Dụng - Putin dám đánh Ukraine không?

 

Không khí khích động đã diễn ra trên trời. Ngày Thứ Bảy, một phi cơ Aeroflot chở 142 người từ Tel Aviv bay về Moscow gặp một máy bay thám thính của NATO đã phải hạ thấp 600 mét để né tránh.

Ngày hôm trước, phi cơ chiến đấu Nga đã ép hai máy bay khác của NATO trên biển Hắc Hải sau khi khiến một máy bay Nga phải đổi hướng.

Trong lúc đó, ông Oleksii Reznikov bộ trưởng quốc phòng Ukraine báo động 94.000 quân Nga, hàng trăm tiểu đoàn với chiến xa và trọng pháo, đã tập trung ở biên giới hai nước.

Ai cũng thấy Putin có thể tấn công đè bẹp quân đội Ukraine nếu muốn; nhưng không biết lúc nào. Tháng Giêng mặt đất bùn lầy ở miền Nam Ukraine sẽ đóng băng, sẵn sàng cho thiết giáp Nga lăn bánh. Năm 2008 quân Nga đã đánh chớp nhoáng vào Georgia rồi thương lượng, đòi hỏi các nhượng bộ trước khi rút về.

Ngày Thứ Ba 7 tháng 12, hai ông Vladimir Putin và Joe Biden đã nói chuyện hai giờ. Ông Biden báo trước nếu Nga đánh thì khối NATO sẽ bảo vệ Ukraine đến cùng. Ông còn đe dọa sẽ phong tỏa các ngân hàng lớn nhất của Nga, không cho sử dụng đô la Mỹ trong giao dịch thương mại quốc tế.

Ông Putin yêu cầu NATO bảo đảm không thâu nhận Ukraine, như ý Tổng thống Zelensky muốn. Nga không thể chấp nhận quân NATO tới sát biên thùy nước Nga – như đã đưa quân vào vùng Baltic, cũng gồm các nước thuộc Liên Bang Xô Viết cũ giống như Ukraine. Buổi chiều, tổng thống Mỹ đã tường thuật cho các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Anh và Italy nghe để yêu cầu thống nhất hành động ở Ukraine.

Nhưng Ukraine vẫn phải chuẩn bị ứng chiến, cho Putin phải trả một giá rất đắt nếu gây chiến. Năm 2014, sau khi dân Ukraine biểu tình lật đổ một tổng thống tay sai của Putin, quân Nga đã đánh chiếm bán đảo Crimea, dễ như trở bàn tay. Thế giới lên tiếng phản đối nhưng không có hành động cụ thể nào. Sau đó, quân Nga đã qua giúp người gốc Nga ở hai tỉnh Luhansk và Donetsk ở phía Đông nổi dậy đòi ly khai. Hai tỉnh này giờ vẫn tách khỏi quyền kiểm soát của chính phủ Ukraine.

Năm 2014 nước Ukraine chỉ có 6.000 quân, không kinh nghiệm chiến trường. Từ đó, quân đội Ukraine đã thay đổi. Bây giờ họ có 250.000 và 900.000 lính trừ bị. Cuộc nội chiến tại hai tỉnh ly khai giúp Ukraine có thêm 300.000 quân đầy kinh nghiệm. Mỹ đã giúp Ukraine 2.5 tỉ đô la chiến cụ và vũ khí; và huấn luyện. Ukraine đã thao diễn quân sự với các nước NATO, ngày càng nhiều hơn, và quân đội Ukraine đang học tiếng Anh, từ nay đến 2025 phải nói thông thạo. Ukraine đã mua drone của Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO.

Dù quân lực Ukraine yếu hơn Nga rất nhiều, nhưng quyết tâm chiến đấu của họ đủ để khiến cho một cuộc xâm lăng của Nga sẽ biến thành một vụ Afghanistan mới. Năm 1979 quân Nga đã tiến vào Afghanistan để bảo vệ một chính quyền cộng sản, nhưng mười năm sau phải rút về. Thất bại trong cuộc chiến này đưa tới những biến cố làm Liên Xô tan rã.

Ukraine còn nguy hiểm cho Putin hơn Afghanistan thời Brezhnev. Quân đội Ukraine có thể chiến đấu lâu dài hơn vì sẽ được các nước NATO yểm trợ. Thượng viện Mỹ đang đưa ra một dự án tăng cường viện trợ. Sau khi quân Nga kéo đến biên thùy Ukraine, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố nước Mỹ cam kết giúp nước này bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Nhưng ngoài việc viện trợ vũ khí, ông Austin chỉ nói đến các biện pháp ngoại giao và kinh tế.

Vladimir Putin sẽ không đánh Ukraine; nhưng không phải vì lo bị Mỹ phong tỏa kinh tế. Bầy đoàn phe đảng của Putin đã bị khép chặt từ lâu, mỗi lần mới lại thắt chặt hơn trước, họ vẫn chịu đựng được. Họ đã chuyển hầu hết tài sản ra khỏi nước Mỹ và những nước mà Mỹ có thể yêu cầu phong tỏa. Các cuộc trao đổi thương mại, bán dầu lửa và khoáng chất của Nga cho các nước khác, đang tìm cách tránh không dùng đô la Mỹ. Hiện ngân khố nước Nga có đủ vàng và ngoại tệ để sống được. Nhưng chắc chắn Putin không muốn sa lầy trong một vụ Afghanistan mới, quyền lực đã củng cố trong 20 năm của ông ta có thể sụp đổ.

Vậy tại sao Putin gây nên cuộc khủng hoảng này?

Putin cần dân Nga quên cảnh khổ họ đang chịu đựng. Số người chết vì Covid-19 đã tăng tới mức kỷ lục; lạm phát lên trên 8%. Tạo ra một vụ xung đột với Mỹ về vấn đề Ukraine sẽ kích thích lòng ái quốc, chuyển hướng dư luận. Vì đa số dân Nga vẫn nghĩ rằng Ukraine là một phần của “Tổ Quốc Nga.”

Người Nga vẫn coi Kyiv, thủ đô Ukraine, là nơi nuôi dưỡng nước Nga thành hình, vì là trung tâm của một quốc gia Nga (Rus) từ thời Trung Cổ. Những nhà văn Nga như Nikolai Gogol, Mikhail Bulgakov, và Leon Trotsky, cánh tay mặt của Lenin, đều xuất thân từ Ukraine, cũng như Tổng bí thư Leonid Brezhnev. Đương kim tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky bắt đầu nổi tiếng từ các sân khấu Liên Xô vì có thể khôi hài bằng tiếng Nga như tiếng Ukraine.

Hiện nay hàng triệu người Nga và người Ukraine có thân nhân, gia đình sống ở cả hai nước. Aleksei Navalny, nhà lãnh tụ đối lập đang bị Putin bỏ tù, thời nhỏ sống đã ở Ukraine, nơi thân phụ ông ra đời. Ông từng nói rằng ông không thấy người Nga và người Ukraine có gì khác nhau! Ngoài tình cảm đó, dân Nga cũng thấy rằng một nước Ukraine gia nhập NATO có thể trở thành một mối đe dọa cho an ninh của họ.

Nhưng dân Nga có muốn một cuộc chiến tranh mới với Ukraine hay không? Nhà bình luận Ivan Timofeev tháng trước trên Diễn Đàn Valdai Club, chuyên về ngoại giao, được chính phủ Nga ủng hộ, đã viết rằng, khác với vụ đánh chiếm Crimea năm 2014 được cả nước hoan hô, các cuộc nghiên cứu thăm dò dư luận cho thấy một cuộc xâm lăng Ukraine bây giờ sẽ không được dân Nga ủng hộ.

Một lý do Timofeev nhận thấy, là cuộc chiến sẽ rất tốn kém, trong khi kinh tế Nga đang suy yếu. Hơn nữa, nếu Nga đánh Ukraine, những nước Âu châu ở gần biên giới Nga sẽ tìm cách liên kết với Mỹ và khối NATO để lo tự vệ.

Cho nên nước Ukraine có thể thoát nạn!

NGÔ NHÂN DỤNG (Bài đã đăng trên VOA ngày 08.12.2021)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.