jeudi 30 décembre 2021

Lê Nguyễn - Hồi ức của một trí thức cũ trong xã hội mới sau 1975 (4)


III) MỘT QUÃNG ĐỜI RIÊNG

Từ bài viết này trở đi, hồi ức mang dấu ấn cá nhân nhiều hơn, song thiển nghĩ, thân phận của một cá nhân bao giờ cũng gắn liền với xã hội mà anh ta đang sống. Vì thế không bao giờ có thể tách rời hai yếu tố con người và xã hội.

Sự thành bại, vui buồn, sướng khổ của một cá nhân bao giờ cũng xuất phát từ mối liên hệ giữa anh ta và cộng đồng xã hội. Vì thế tôi vẫn hy vọng bạn đọc tìm thấy trong hồi ức riêng tư này những gì có ích lợi chung cho mọi người.

1) Những « phó thường dân »

Tháng 4.1982, khi tôi trở về với cuộc sống xã hội, bỏ lại sau lưng những năm tháng nhục nhằn, thì cũng là lúc quãng thời gian từ 30 đến 40 tuổi mà nhiều người cho là thời kỳ sung mãn nhất của một đời người cũng sắp kết thúc. Giống như một vận động viên đã dành gần trọn tuổi thanh xuân leo lên lưng chừng một ngọn núi cao và bỗng trượt tay rơi xuống đáy vực, năm 1982 ấy, tôi lóp ngóp bò lên theo đúng cụm từ mà nhiều người gọi là “bắt đầu từ con số âm”.

Không có hộ khẩu, không có quyền công dân vốn là những điều kiện tối thiểu dành cho một con người bình thường nhất trong xã hội, những người đồng cảnh ngộ với tôi phải phấn đấu cật lực, phải đổ mồ hôi, và cả nước mắt, để bù đắp lại sự hy sinh từ nhiều năm qua của bao nhiêu người thân trong gia đình. Nguyễn Đình Quang (1940-2020), một người bạn thân của tôi sau này, là một người như thế.

Trước 1975, Quang là Thiếu tá Chánh võ phòng của Trung tướng Lữ Lan, Tổng thanh tra quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau 6 năm tù cải tạo trở về, anh đã gom tiền mua chiếc xích lô đạp, đạp kiếm từng đồng bạc nhỏ. Song lực bất tòng tâm, sau một thời gian, đạp không nổi nữa, anh bán chiếc xích lô, mua xe ép nước mía, nhưng không còn đủ tiền để gắn thêm chiếc mô-tơ, lúc ấy giá khoảng một chỉ vàng.

Những năm 1982-1983, theo lời một người bạn chung, nhà Quang nghèo đến nỗi vợ anh vì ăn không đủ chất dinh dưỡng mà sinh bệnh lao phổi. Lúc đó, tôi đang có một việc làm kha khá, túi có chút tiền (sẽ xin kể sau).

Thương bạn, thỉnh thoảng buổi chiều đi làm về, tôi vào chợ mua một ký thịt heo, ghé lại anh, nói dối rằng tôi được công ty chia cho 2 ký thịt, san sẻ cho anh một ký. Anh vui vẻ nhận lấy ký thịt, thật tình, không thắc mắc, không sĩ diện. Anh biết tôi mệt mỏi sau một ngày làm việc, kêu con gái ép cho tôi ly nước mía “cây nhà lá vườn”. Tôi nhớ mãi hình ảnh cô bé hơn 10 tuổi, gầy gò, kéo không nổi tay quay, phải đu cả người lên để có thêm sức nặng cho tay quay chuyển động.

Khoảng năm 1993-1994, Quang được xuất cảnh theo diện HO, bắt đầu những năm tháng cực nhọc trên xứ người. Về sau, khi có dịp gặp lại nhau, Quang kể rằng trong những ngày mới qua Mỹ, một hôm anh được người bạn cũ ở gần đó dẫn đi ăn sò ở một quán ăn trong thị trấn. Giữa bữa ăn, anh chủ quán người Mỹ lại hỏi chuyện chơi:

- Ở Việt Nam anh làm gì?

- Tôi là sĩ quan quân đội, đi tù cải tạo về.

- Ồ, tôi là cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam đây! Anh có việc làm chưa? Nếu chưa, anh đến làm với tôi cho vui.

Thế là ngày hôm sau, Quang đến làm nghề công nhân cạy sò cho quán ăn đó, vớt vát chút thu nhập ban đầu cho gia đình.

Khoảng nửa năm sau, được tin người mẹ của anh ở quê nhà bị bệnh nặng, tôi đến thăm bà cụ. Từ lâu, người em gái của anh giấu những lá thư anh gửi về thăm gia đình, vì không muốn làm cho bà mẹ buồn thêm. Có mặt tôi, chị lấy một lá thư ra đọc, trong đó, Quang kể chuyện phải kiếm 2 job (việc làm) mới đủ sống, nửa khuya trên đường lái xe về nhà, lòng thật buồn vì nhớ quê nhà quay quắt. Người mẹ già nghe chưa hết lá thư đã khóc nức nở, tôi cũng không kìm được cảm xúc của mình.

Ở Mỹ, với những phấn đấu không ngừng, Quang đưa cuộc sống ngày một khá hơn, tìm được việc làm ở một hãng dầu khí, mặt khác lại được của “hoạnh tài” từ một hãng dầu khí khác. Theo lời kể của anh, hãng dầu khí này trả cho anh hàng tháng một khoản tiền 1.700 USD do một tình cờ, miếng đất trên có ngôi nhà của anh ở bang Louisiana nằm trên một túi dầu đang do hãng ấy khai thác. Đó là tính công tâm và thẳng thắn của người Mỹ, vì nếu họ không tự ý làm thế, anh cũng chẳng bao giờ biết mình có được cái may mắn đó.

Sau một thời gian khổ nhọc, gia đình Quang khá lên thấy rõ, con cái học hành nên người, bản thân anh cũng sống thanh thản hơn. Chỉ thương bà mẹ già đã không còn nữa! Khi còn sống, mỗi lần nhắc đến người con trai ly hương là bà khóc.

Một hôm Quang gọi tôi qua đường dây điện thoại, khoe rằng anh vừa sắm được một chiếc xe hơi mới. Ai cũng biết rằng anh em tù cải tạo khi xuất cảnh theo diện HO, những tháng năm đầu tiên, chỉ cần bỏ ra 2 -3 ngàn đô la là có được một chiếc xe hơi cà tàng làm chân bay nhảy. Vì thế, sắm được một chiếc xe hơi mới hơn 20 ngàn đô là điều đáng mừng, chứng tỏ bạn đã thoát qua thời kỳ gian khổ.

Nghe bạn báo tin vui, tôi đặt vấn đề:

- Chúc mừng ông, tôi muốn gửi đến ông một đề nghị, được không?

- Đề nghị gì ông cứ nói ….

- Tôi muốn ông mang chiếc xe ra garage gần nhà…

- Xe tôi mới toanh, ông bảo mang ra garage làm gì?

- Ông nhờ họ vẽ bên trong cửa xe hình ảnh một chiếc xích lô thật đẹp để đừng quên những ngày gian khó!!

Quang đáp lại đề nghị của tôi bằng một tràng cười dài bên kia đường dây viễn liên.

Với Nguyễn Đình Quang, tôi biết rằng chuyện xa quê hương đối với anh là điều bất đắc dĩ. Anh vẫn mang hoài một nỗi hoài hương sâu đậm nên vẫn thường về Việt Nam thăm nhà. Một hôm cô cháu gái gọi anh bằng cậu, nhà là nơi anh đến ở mỗi lần về thăm Việt Nam, gọi điện thoại cho tôi, hẹn tôi ra quán cà phê quen thuộc gặp cô vào sáng hôm sau.

Tôi giật mình vì cái hẹn bất ngờ này, không hiểu chuyện gì đang xảy ra với cô gái mà tôi chưa từng gặp mặt, song đúng giờ hẹn, cũng thử ra quán để xem cô này định gì đây. Vừa bước vào quán, tôi đã thấy Quang ngồi lù lù ở đó, hai đứa cười vang với trò đùa ấy của anh. Những lần anh về thăm nhà, buổi cà phê cuối cùng của hai người bạn xa nhau một bán cầu bao giờ cũng thật bùi ngùi, bao giờ nắm chặt tay tôi, Quang cũng rưng nước mắt!

Những năm 2018-2019, sức khỏe Quang đã suy yếu nhiều, song anh là người duy nhất gọi điện báo cho tôi về cái chết của người bạn chung, rất thân với Quang (Nguyễn Phú Huấn). Nhiều lần sau đó, anh chủ động gọi thăm tôi, giọng yếu ớt thấy rõ. Năm 2020, khi vừa đến Mỹ, tôi gọi cho Quang, con trai anh bắt máy trả lời, cho biết anh không còn nói được nữa. Mấy tháng sau, anh qua đời, để lại cho tôi một hình ảnh khó quên, hình ảnh gã cựu tù cải tạo gò lưng trên chiếc xích lô, mồ hôi trán chan hòa.

Cô bé gái con anh từng đu trên tay quay xe ép nước mía ngày nào, nay đã là một tiểu doanh nhân thành đạt, làm chủ một ngôi nhà trị giá hơn 700 ngàn USD trên đất Mỹ.

Mấy dòng hồi ức này là nén tâm hương gửi đến một người con đất Việt, rất yêu quê hương, khi sống chẳng thể dung thân trên xứ sở của mình, khi mất đi, phải gửi thân nơi xứ lạ quê người.

(Còn tiếp)

LÊNGUYỄN 28.12.2021

Lê Nguyễn - Hồi ức của một trí thức cũ trong xã hội mới sau 1975 (3)

Lê Nguyễn - Hồi ức của một trí thức cũ trong xã hội mới sau 1975 (2)

Lê Nguyễn - Hồi ức của một trí thức cũ trong xã hội mới sau 1975 (1)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.