Đăng ngày:
Trang nhất báo Pháp hôm nay bộn bề nỗi lo trong mùa Giáng Sinh. Le Figaro chạy tựa « Nước Pháp trước đe dọa bị cúp điện » : một phần tư số lò phản ứng nguyên tử ngưng hoạt động. Nếu tháng Giêng lạnh hơn, tình hình sẽ rất căng thẳng. Le Monde nhấn mạnh « Omicron buộc chính quyền phải có chiến lược cứng rắn hơn ». Chỉ hai ngày nữa là đến Noel, biến thể Omicron tràn đến gây lo sợ cho cả châu Âu ; tại Pháp, các chuyên gia khuyến cáo nên ra lệnh giới nghiêm trong ngày đầu năm mới dương lịch. Tương tự, Les Echos đề cập đến việc bắt buộc làm việc từ xa trở lại, có thể ba, bốn ngày trong tuần kể từ mùa tựu trường tới.
Nhật báo La Croix « Gặp gỡ những người công giáo ở Syria », vốn chịu nhiều thiệt thòi ở những nơi từng xảy ra chiến sự : Alep, Homs và Damas. Một cộng đồng hiện diện trên mảnh đất này từ hai ngàn năm trước, nay hầu hết thanh niên muốn ra đi khỏi đất nước đang bị bỏ quên : điện chỉ có 1 giờ mỗi ngày, thất nghiệp, thời kỳ quân dịch dài đến 10 năm.
Nạn đói ở Afghanistan : Thảm họa được báo trước
Libération báo động nguy cơ xảy ra nạn đói ở Afghanistan. Thảm họa được báo trước đang diễn ra : Afghanistan đang chìm vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo sâu sắc. Theo UNICEF, 3,2 triệu trẻ em sẽ bị suy dinh dưỡng nặng trong mùa đông này, trong số đó 1 triệu em có thể tử vong.
Tại thành phố Herat ở miền tây, Y sĩ Không biên giới đã tăng gấp đôi số giường bệnh viện nhi cho những ca nặng. Vào tháng Chín, tỉ lệ tỉ vong tại đây lên đến 20%, trong khi ở những nơi khác trên thế giới mà tổ chức này hoạt động như vùng Sahel châu Phi chẳng hạn, chỉ có 5%. Chương trình Lương thực Thế giới cũng vừa cảnh báo « nạn đói hàng loạt ».
Kinh tế Afghanistan suy sụp thảm hại, giờ đây 120 đồng afghani mới đổi được 1 đô la, so với 80 đồng trước khi Taliban nắm quyền hôm 15/08. Lương công chức bị trễ nhiều tháng, các bệnh viện không còn xăng chạy máy phát điện. Chợ búa vẫn có hàng nhưng lạm phát khiến người dân không có tiền mua.
Afghanistan, một trong những nước nghèo và tham nhũng nhất thế giới, chỉ sống sót nhờ viện trợ quốc tế chiếm đến 80% ngân sách, khoảng 6,2 tỉ đô la năm 2020. Các nước viện trợ, đứng đầu là Hoa Kỳ, từ chối tài trợ cho một chế độ dùng vũ lực chiếm lấy quyền hành chứ không nhờ thương thảo với chính quyền cũ ; và không tỏ ra cởi mở như đã hứa. Loan báo thành phần chính phủ mới hồi tháng Chín với nhiều khuôn mặt cực đoan nằm trong danh sách trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, đã làm tan vỡ mọi hy vọng.
Viện trợ nhân đạo : Quốc tế trực tiếp chi lương, không giao cho Taliban
Một viên chức Qatar cho biết, đã từng khuyến cáo họ nhưng Taliban chia rẽ, rốt cuộc những người cứng rắn nhất đã áp đặt được. Giáo sĩ Abdul Ghani Baradar từng đàm phán với Mỹ, được chỉ định làm thủ tướng nhưng sau đó bị thay thế bằng Mohammad Hassan Akhun, thân cận với giáo sĩ Omar, người sáng lập phong trào.
Trung Quốc muốn tạo ảnh hưởng lâu dài, vừa vì Con đường tơ lụa, vừa dòm ngó nguồn lợi quặng mỏ, hứa hẹn với Taliban không chỉ tài trợ mà còn có thể giúp nguồn nhân lực đang thiếu. Một số lãnh đạo đồng ý, nhưng số khác phản đối vì Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Phía Qatar cảnh báo nếu liên kết với Trung Quốc sẽ không thể quan hệ với phương Tây.
Trước nạn đói đang đe dọa 23 triệu dân, Taliban giờ đây nhũn nhặn hơn, kêu gọi ngưng đóng băng tài sản Afghanistan. Đòi hỏi này không được Washington lắng nghe, khi gia đình các nạn nhân vụ khủng bố ngày 11 tháng Chín muốn thu hồi số tiền này. Pháp cũng từ chối viện trợ trở lại, coi trừng phạt là biện pháp cuối cùng để gây áp lực lên Taliban, một số nước như Đức tỏ ra mềm dẻo hơn.
Trước mắt, những món tiền được đưa đến Afghanistan là viện trợ nhân đạo khẩn cấp, khoảng 1,2 tỉ đô la trong tháng Chín, được Liên Hiệp Quốc hay Liên hiệp Châu Âu chi thông qua các tổ chức phi chính phủ chứ không trao cho chính quyền. UNICEF muốn trực tiếp trả lương cho các giáo viên chứ không thông qua Bộ Giáo dục, còn Hồng thập tự Quốc tế (CICR) bắt đầu chi lương cho bác sĩ, y tá một số bệnh viện. Tuyệt vọng trong một đất nước tương lai mờ mịt, trong ba tháng gần đây, ít nhất 300.000 người đã nhập cư bất hợp pháp vào Iran.
« BBB » : Joe Biden ve vãn Joe Manchin nhưng không thành công
Tại Hoa Kỳ, Le Figaro đề cập đến « Manchin-Biden, cú sốc của phe Dân Chủ ». Vị thượng nghị sĩ Đông Virginia « thọc gậy bánh xe » trong một hồ sơ quan trọng cho phe mình.
Joe Biden không từ một việc gì để thuyết phục cho được thượng nghị sĩ cánh trung, từ nhiều tháng qua đã chặn đứng kế hoạch xã hội và môi trường đầy tham vọng « Build Back Better » (BBB) của ông. Đảng Dân Chủ và Cộng Hòa mỗi bên đều chiếm 50 ghế tại Thượng viện, Biden cần toàn bộ số phiếu của phe mình cộng thêm một phiếu của phó tổng thống Kamala Harris để thông qua dự luật. Hết dỗ ngọt Joe Manchin về lợi ích cho người dân ở tiểu bang của ông, Biden lại mời « người bạn » cùng tên đến thăm nhà ở Delaware vào dịp cuối tuần hồi tháng Mười.
Chủ nhật 19/12 vừa rồi, nghe tin Joe Manchin sắp có thông báo trên Fox News, các cố vấn của tổng thống cảm thấy nguy hiểm, liên tục gọi điện để cố ngăn lại nhưng không thành công. Manchin khẳng định sẽ không bỏ phiếu thuận, gây phẫn nộ cho đảng Dân Chủ. Dự luật sẽ phải đưa trở lại Hạ viện, kịch bản mà Dân Chủ vốn lo sợ : tiến tới cuộc bầu cử giữa kỳ (midterm, ngày 08/11/2022), nhiều đại biểu đảng này chờ đợi BBB được thông qua để có lý lẽ thuyết phục khi tranh cử.
Sau cú bắn thẳng này, Joe Manchin có còn coi mình là người Dân Chủ ? Đánh hơi được cú đúp chính trị-truyền thông, lãnh đạo phe thiểu số Cộng Hòa ở Thượng viện, Mitch McConnell nhanh chóng tung lưới : « Chúng tôi tất nhiên sẽ rất vui nếu ông Manchin tham gia ê-kíp, ông ấy sẽ dễ chịu hơn ở chỗ chúng tôi ».
Hồi kết cho tham vọng cải cách của Biden ?
La Croix đặt câu hỏi « Phải chăng đây là hồi kết cho tham vọng cải cách của Joe Biden ? ». Theo tờ báo, khả năng kế hoạch khổng lồ này trở thành hiện thực đang xa dần.
Nhà nghiên cứu Marie-Cécile Naves của IRIS nhận định, việc « đào ngũ » của Joe Manchin là một đòn nặng cho Joe Biden và đảng Dân Chủ, nhưng không có nghĩa đã thất bại. Nhà Trắng nói rằng có thể thương lượng trở lại một kế hoạch kém quy mô hơn, chia làm nhiều phần, và thông qua trong vòng một năm. Vấn đề là thời gian không còn được bao nhiêu. Joe Biden có hai địch thủ quan trọng : bầu cử giữa kỳ đang đến gần trong khi cải cách cần có thời gian dài, và sức mạnh kim tiền. Nhiều nhà vận động hành lang kỹ nghệ hiện diện tại khu vực bầu cử của Joe Manchin, và không ít mạnh thường quân ủng hộ đảng Cộng Hòa phản đối các biện pháp của Build Back Better.
Chuyên gia Stéphane Deo của Ostrum AM nói thêm, hãy còn quá sớm để nói lời vĩnh biệt kế hoạch của Biden, nhưng diễn tiến sắp tới khá phức tạp. Cho dù BBB có được chỉnh sửa và rốt cuộc được thông qua đi nữa, nhưng tác động sẽ rất hạn chế. Kinh tế Mỹ phục hồi rất mạnh, tỉ lệ thất nghiệp chỉ còn 4% dân số hoạt động và sắp tới sẽ là 3,5%, tăng trưởng quay lại như trước khủng hoảng. Trong điều kiện đó, càng để lâu càng khó chứng minh nhu cầu về một kế hoạch thúc đẩy mới.
Trong vòng ba tháng tới, chủ yếu người ta sẽ nói về tăng trưởng nóng, và ưu tiên của Joe Biden phải là xử lý lạm phát. Nếu dự luật không được thông qua trong quý đầu năm sau, thì sẽ rất ít cơ hội được chào đời.
Báo chí Mỹ « ế khách » sau khi Donald Trump rời Nhà Trắng
Cũng liên quan đến Hoa Kỳ, Les Echos cho biết « Báo chí Mỹ chật vật trong thời kỳ hậu Donald Trump ». Đa số phương tiện truyền thông có số độc giả sụt giảm rất mạnh sau khi ông Trump ra khỏi Nhà Trắng, đặc biệt là những tờ báo chuyên đả kích ông.
Donald Trump chưa hẳn ra khỏi chính trường nước Mỹ, nhưng việc ông rời quyền lực không hẳn là tin tốt lành cho báo chí. Các tờ báo lớn, nhất là những tờ chống đối cựu tổng thống như Washington Post hay New York Times, bị sụt giảm mạnh tirage. Từ tháng 10/2020 đến tháng 10/2021, Washington Post mất đến 28% lượng độc giả, còn New York Times mất 15%.
Nhiều « feuilleton » trong nhiệm kỳ của ông Trump - hai phiên tòa truất phế, số tiền bồi thường cho một nữ diễn viên phim X, nỗ lực buộc ông phải công bố bản khai thuế… - thu hút hàng triệu người đọc hàng ngày. Trong khoảng cuối 2017 đến cuối 2020, số người thuê bao New York Times từ 3,4 triệu tăng vọt lên 7,5 triệu, Washington Post tăng gấp ba, và ngay cả Wall Street Journal vốn trung lập cũng có thêm 1 triệu độc giả mới.
Một nghiên cứu nội bộ của Washington Post cho thấy năm 2019, hầu như tất cả các bài được đọc nhiều nhất là về chính trị ; còn năm 2021, chỉ có ba bài trong top 10 là bài viết chính trị. Tình hình nghiêm trọng đến nỗi Washington Post đang cân nhắc làm thế nào ít lệ thuộc hơn về thời sự chính trị. Theo Wall Street Journal, tình trạng sút kém khiến tờ báo của tỉ phú Jeff Bezos phải tổ chức cuộc họp khẩn cấp, tân tổng biên tập Washington Post quyết định tập trung nhiều hơn cho mảng văn hóa và điều tra. Washington Post cũng có thể noi gương đối thủ chính của mình : một phần khá lớn độc giả của New York Times nay được gom từ mục trò chơi và gia chánh.
Biến thể Omicron phá hỏng lễ Noel tại nhiều nước
Trên lãnh vực dịch tễ, La Croix nhìn sang châu Á, quan tâm đến sự kiện « Tại Trung Quốc, 13 triệu dân Tây An lại bị phong tỏa ». Thành phố nổi tiếng với đội quân bằng đất nung, hôm qua 22/12 loan báo phong tỏa toàn bộ, mỗi gia đình chỉ được cử một người đi mua thực phẩm hai ngày một lần. Một hôm trước đó, do phát hiện 143 ca dương tính với Covid, cư dân đã được xét nghiệm đại trà. Vận chuyển đường dài bị cắt đứt, riêng hàng không có trên 85% chuyến bay bị hủy. Chính quyền Trung Quốc bằng mọi giá không muốn ảnh hưởng đến Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh sẽ diễn ra từ 04 đến 20/02, nhất là trước đó có đợt về quê ăn Tết âm lịch (ngày 01/02/2022).
Ở châu Âu, tiệc réveillon truyền thống của dân Pháp bị xáo trộn vì các ca Covid bùng nổ. Xét nghiệm dương tính chỉ vài ngày trước lễ Giáng Sinh, hàng trăm ngàn người Pháp đành phải tự cách ly và hủy bỏ bữa tiệc cuối năm với gia đình. Một nữ giáo viên Anh văn cho La Croix biết đã chuẩn bị tất cả mọi thứ, từ cây thông Noel, gan ngỗng béo cho đến giấy gói quà óng ánh màu bạc, nhưng giờ đây phải đón Giáng Sinh một mình. Những người đã mua vé tàu về quê, nay đành liên lạc với người thân qua màn hình điện thoại. Có ít nhất nửa triệu người phải chịu cảnh cô đơn trong hai ngày lễ 24 và 25/12 : Pháp quy định cách ly 10 ngày kể từ khi có triệu chứng hay xét nghiệm dương tính.
Dự kiến đến cuối năm, mỗi ngày tại Pháp có thêm 100.000 ca dương tính mới. Tại nước Đức láng giềng, Les Echos cho biết « Kiệt lực vì Omicron, Đức giữ nguyên trạng dịp Noel ». Tuy siết kiểm soát, nhưng chỉ từ ngày 28/12 mới cấm tụ tập trên 10 người. Nhiều vùng bị nặng muốn mạnh tay dập dịch trước tốc độ lây nhiễm nhanh chóng của biến thể này, nhưng chính phủ Olaf Scholz chọn thái độ dung hòa. Doanh nghiệp lo ngại các biện pháp chống dịch sẽ ảnh hưởng lâu dài lên xã hội và nền kinh tế Đức.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.