mercredi 8 décembre 2021

Lê Nguyễn - Chút hồi ức vụn vặt về hai tạp chí Kiến thức Ngày nay và Thế Giới Mới (2)

 

II) Trong hai tờ báo tồn tại lâu dài trên thị trường báo chí, Thế Giới Mới ra đời sau (1990), khi Kiến thức Ngày nay (1988) đã có một lượng độc giả khá hùng hậu, nên tất nhiên số phát hành không nhiều bằng. Và như một hậu quả tất yếu, tiền nhuận bút trả cho cộng tác viên cũng thấp hơn.

Những năm 1992-1993, khi nhuận bút của Kiến thức Ngày nay đã ở mức trên dưới 100 ngàn đồng/trang thì nhuận bút của Thế Giới Mới còn ở mức 40-50 ngàn đồng/trang. Số trang in của Thế Giới Mới cũng thấp hơn, 96 trang thay vì 112 trang như Kiến thức Ngày nay. Còn nhớ một trong ba bài đầu tiên của tôi trên số báo Thế Giới Mới 28 (1992) dài gần 3 trang, tòa soạn trả nhuận bút 120 ngàn đồng. Khoản tiền đó lúc này cũng không phải là nhỏ.

Trong suốt nửa đầu thập niên 1990, tinh thần “chiêu hiền đãi sĩ” của ban biên tập Thế Giới Mới được nâng cao. Số người cộng tác nhiều hơn, bài viết ngày càng có chất lượng cao hơn, báo phát hành với số lượng lớn hơn trước, nhất là tại miền Bắc.

Theo đà phát triển, báo tăng dần lên 3 kỳ rồi 4 kỳ phát hành mỗi tháng và tirage có lúc lên đến 60 – 70 ngàn số một kỳ. Đó cũng là thời điểm mà nhuận bút của Thế Giới Mới được nâng lên, 60 ngàn đồng, rồi từ 80 đến 100 ngàn đồng mỗi trang.

Một trong những điểm son của cả hai tờ Kiến thức Ngày nay và Thế Giới Mới là ngay trong ngày báo phát hành, tòa soạn đã chi trả nhuận bút cho anh em cộng tác viên. Chẳng bù với nhiều năm gần đây, và hiện nay, hầu như tờ báo nào cũng “đăng trước trả sau”, việc chậm trả nhuận bút từ một đến vài ba tháng là chuyện thường.

Vào nửa đầu thập niên 1990, trong khi tạp chí Kiến thức Ngày nay cứ “tuần tự nhi tiến” thì ban biên tập Thế Giới Mới có những cải tiến liên tục, cả về mặt nhân sự lẫn nội dung bài vở. Người đầu tàu lúc ban đầu là anh Lê Khắc Hoan, Phó Tổng biên tập (Tổng biên tập do TBT báo chủ quản Giáo dục và thời đại kiêm nhiệm).

Các thư ký tòa soạn thay nhau, từ người đầu tiên là anh Đỗ Quốc Anh (sau là Tổng biên tập) đến các anh Trịnh Quân, Phạm Bá Thủy, Vũ Trọng Thanh (sau là Tổng (hay phó Tổng? biên tập), cô Đinh Thu Hiền… Cũng không thể không nhắc đến một trong những thân hữu của trang Facebook này từng có một thời gian giữ nhiệm vụ Phó Tổng Biên tập tạp chí Thế Giới Mới: anh Phúc Tiến.

Với các cộng tác viên, tòa soạn tạo ra sự gắn bó bằng cách này hay cách khác. Riêng người viết bài này được giao phụ trách thường xuyên hai chuyên mục “Ngày này năm ấy” và “Xa lộ thông tin”. Mục trước ngắn, phân nửa là phần trả lời câu hỏi lịch sử, cả câu hỏi lẫn câu trả lời đều ngắn gọn. Riêng mục Xa lộ Thông tin dài 3 trang, chứa đựng những vấn đề văn hóa - khoa học mới nhất đăng trên sách báo nước ngoài. Nguồn tư liệu khai thác chính là hai tờ tạp chí khoa học nổi tiếng của Pháp: Science et Vie (Khoa học và Đời sống) và Sciences et Avenir (Khoa học và Tương lai) và địa chỉ được tìm đến là thư viện IDECAF.

Người phụ trách thư viện IDECAF, anh Nguyễn Văn Viết, từng làm việc tại Trung tâm Văn hóa Pháp trước 1975, là một viên chức rất tử tế với anh em cộng tác viên báo chí. Trên nguyên tắc, sách báo chỉ được mượn đọc tại thư viện, song ít nhất hai người là Đinh Công Thành và tôi được anh Viết “linh động” cho mang tờ tạp chí ra đường Nguyễn Huệ để photocopy, làm tư liệu cho bài viết. Thời đó chưa có internet, hình ảnh trên báo nước ngoài phải photocopy bằng máy laser thì chất lượng mới có thể tạm sử dụng để in lên báo, vì thế chúng tôi phải mang báo mượn của thư viện IDECAF ra đường Nguyễn Huệ là nơi có nhiều máy photocopy laser.

Trong những ngày tháng này, tôi thường xuyên gặp hai nhân vật khá nổi tiếng hầu như ngày nào cũng có mặt tại thư viện IDECAF. Một là bác sĩ Trần Bồng Sơn, người chuyên phụ trách các mục thắc mắc về tình dục trên các báo, đài, hai là nhạc sĩ Tô Hải, tác giả của nhạc phẩm để đời Nụ Cười Sơn Cước, người về sau nổi tiếng trên mạng xã hội với loạt bài “Nhật ký của một thằng hèn”. Cả hai cũng đã trở thành người thiên cổ từ lâu rồi.

Như đã viết ở trên, trong khi tạp chí Thế Giới Mới có những cải tiến liên tục, nhất là về mặt nhân sự, thì trong gần 20 năm, từ ngày ra số báo đầu tiên cho đến năm 2008, tạp chí Kiến thức Ngày nay chỉ có một Thư ký tòa soạn duy nhất là anh Lê Khắc Cường. Tờ báo có một mạng lưới cộng tác viên ổn định, hầu hết cũng là những người cộng tác với Thế Giới Mới. Kiến thức Ngày nay có đôi chút ưu thế về số trang báo dày hơn, số phát hành cao hơn, từ đó nhuận bút cũng nhỉnh hơn Thế Giới Mới ít nhiều. Song khi tờ Thế Giới Mới đạt được thành công nhất định, số tirage tăng lên thì cũng là lúc tirage của Kiến thức Ngày nay giảm xuống.

Người xuất vốn thành lập và điều hành tờ Kiến thức Ngày nay trong suốt hơn 30 năm là anh Hàn Tấn Quang, được biết nguyên là một cán bộ thuộc Công ty công viên cây xanh thành phố. Tờ báo lúc đầu là phụ san của tạp chí Văn thuộc Hội nhà văn TPHCM, sau thuộc Liên hiệp các hội văn học – nghệ thuật TPHCM (người phụ trách hai cơ quan này là nhà văn Anh Đức). Các cơ quan, tổ chức trên chỉ kiểm soát và chịu trách nhiệm về mặt tư tưởng, chính trị, về mặt kỹ thuật, hầu như ban biên tập làm hết mọi việc.

Sự thành công của tờ báo phát xuất từ sự phối hợp ăn ý giữa chủ biên và thư ký tòa soạn là người có mối quan hệ trực tiếp với các cộng tác viên, sắp xếp bài vở cho từng số báo một. Anh Lê Khắc Cường có một nhãn quan nhạy bén về đề tài và nội dung bài vở, khi một cộng tác viên gắn bó được với tờ báo rồi thì bài vở chẳng mấy khi bị biên tập, sửa chữa.

Cũng giống như ở tạp chí Thế Giới Mới, sự đãi ngộ đối với anh em cộng tác viên là một trong những mối quan tâm hàng đầu của hai cái đầu tàu kể trên ở tòa soạn tạp chí Kiến thức Ngày nay. Vào giữa thập niên 1990, Kiến thức Ngày nay và Lao Động chủ nhật (của nhóm Chánh Trinh -Trần Trọng Thức) là hai trong số ít những tờ báo có nhuận bút cao nhất nước. Ở thời điểm này, khi giá một cây vàng chỉ hơn 5 triệu đồng thì nhuận bút một bài báo trên dưới 400 ngàn đồng ở Kiến thức Ngày nay là mơ ước của nhiều cộng tác viên ở các báo khác.

Tờ Kiến thức Ngày nay cũng có thông lệ tốt đẹp là luôn trả nhuận bút cao gấp đôi cho những cộng tác viên có bài đăng trong số báo Xuân, với mức từ 800 ngàn đến hơn 1 triệu đồng mỗi bài (nửa sau thập niên 1990). Tôi nhớ trong một lần trò chuyện với nhau, anh Lê Khắc Cường, Thư ký tòa soạn, có “tâm tình” với tôi rằng khi làm số báo Xuân, mối quan tâm hàng đầu của anh Hàn Tấn Quang và anh là cố sắp xếp bài vở sao cho các cộng tác viên cật ruột mỗi người có một bài … cho vui.

Nhuận bút cao gấp đôi thì đã đành là vui, nhưng vui hơn nữa là cái tình của ban biên tập tờ báo dành cho những người ngày đêm vắt óc để có những đứa con tinh thần cung cấp cho tờ báo. Riêng tôi, tôi còn có một cái vui khác: cuối năm, mua làm quà cho bà con, bạn bè một tờ báo Xuân Kiến thức Ngày nay hay Thế Giới Mới in đẹp và dày, trong đó có bài của mình. Mang tiếng là người viết báo mà tặng nhau số báo Xuân không có bài của mình thì …quê quá!

Trong thời gian làm thư ký tòa soạn Kiến thức Ngày nay, anh Lê Khắc Cường giảng dạy tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, nghiên cứu và lấy bằng Tiến sĩ rồi được giao phó một nhiệm vụ quan trọng hơn tại trường. Cuối cùng, anh đã chọn việc ra đi khỏi tờ Kiến thức Ngày nay (2008) để có đủ thì giờ cho công việc giảng dạy. Dù sao, phải ghi nhận công lao đóng góp không hề nhỏ của anh cho tờ báo trong suốt 20 năm trời. Sự tôn trọng và đãi ngộ của tòa soạn đối với anh em cộng tác viên, không ít người trong số đó là những kẻ thất cơ lỡ vận, lăn lóc bên lề cuộc đời, là một điểm son trong quan hệ xã hội những ngày này.

Từ năm 2008, thay thế anh Lê Khắc Cường để phụ giúp người chủ biên (Hàn Tấn Quang) điều hành tòa soạn là một nhóm anh em nhà văn, nhà báo, trong đó có một thân hữu lâu năm của người viết bài này là bạn Huỳnh Duy Lộc. Anh Lộc cũng là một trong những cộng tác viên lâu năm của Kiến thức Ngày nay.

Riêng tôi, sau 15 năm ròng rã cộng tác đắc lực với tạp chí Kiến thức Ngày nay (1992-2007), vào những năm 2007-2012, chỉ còn viết lai rai cho tờ báo, thỉnh thoảng một bài, sau đó thì dứt hẳn. Với tạp chí Thế Giới Mới cũng thế, khoảng năm 2007 – 2008, khi tờ báo chuyển từ khổ A5 sang A4 (như Tuổi Trẻ chủ nhật), tôi không còn cộng tác nữa.

Bù lại, lúc đó, tôi đã có mối lương duyên với tuần báo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần và kéo dài mối quan hệ này trong suốt 15 năm (2004- 2019). Thư ký tòa soạn của tuần báo này là nhà báo Trần Trọng Thức và người phụ tá là bạn Lam Phong, người từng ở trong ban biên tập tạp chí Thế Giới Mới trong một thời gian khá dài. Với tạp chí Tài Hoa Trẻ, một phụ san của báo Giáo dục và Thời đại, cơ quan ngôn luận chính thức của Bộ Giáo dục và đào tạo, thời gian cộng tác của tôi tính ra là dài nhất, từ 1997 đến 2019: 22 năm! Cũng cần nói chút chuyện ngoài lề, ở tạp chí Tài Hoa Trẻ, một bào đệ của tôi là Lê Du từng làm công việc của một Thư ký tòa soạn trong một thời gian khá dài.

Cách đây mấy ngày, một người bạn viết năm xưa là anh Minh Luân có thông báo trên diễn đàn của tôi là tờ Kiến thức Ngày nay đã đình bản (từ tháng 7.2021). Trong điều kiện bùng nổ thông tin và sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội, đời sống của các tờ báo in về tri thức khó kéo dài được lâu. Về chuyện đáng buồn này, tôi có trả lời bạn Minh Luân là anh Hàn Tấn Quang nỗ lực đến năm nay mới đình bản là đã “kiên cường” lắm rồi, trong khi người bạn đồng hành là tờ Thế Giới Mới đã đình bản từ tám năm trước (2013).

Dù sao, khi nghĩ đến hai trong những tờ tạp chí tri thức hàng đầu là Kiến thức Ngày nay và Thế Giới Mới mà hầu như ai cũng biết, lòng không khỏi bùi ngùi, nhớ về một quãng đời gần 30 năm sống bằng chính ngòi bút của mình, lòng tự trọng được nuông chiều và tâm trí thanh thản trong một xã hội vẫn còn có quá nhiều điều ngang trái.

LÊNGUYỄN 08.12.2021

Lê Nguyễn - Chút hồi ức vụn vặt về hai tạp chí Kiến thức Ngày nay và Thế Giới Mới (1)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.