I) Trong sinh hoạt trên diễn đàn này, thỉnh thoảng có người nhắc đến sự tồn tại của hai tờ tạp chí tri thức Kiến thức Ngày nay và Thế Giới Mới với một chút tiếc nuối, một chút bùi ngùi. Điều này khiến những ai từng góp chút công sức vào sự phát triển của hai tờ báo này và chứng kiến sự tàn tạ của chúng càng cảm thấy ngậm ngùi hơn.
Chúng ta biết rằng sau tháng 4.1975, các hoạt động văn hóa cực đoan đã hủy hoại rất nhiều sách báo tồn tại trên 20 năm tại miền Nam. Điều đó cũng có nghĩa là cơ hội tiếp cận tri thức Đông Tây của lớp trẻ vào thời kỳ này đã bị triệt tiêu khá nhiều. Vì thế, hiện tượng “đói tri thức” của giai đoạn trước “đổi mới” là điều có thật.
Kể từ những năm cuối thập niên 1980, khi chính sách đổi mới được áp dụng trên cả nước về nhiều mặt của đời sống, trong đó có mặt văn hóa-tư tưởng, sinh hoạt báo chí tại Sài Gòn bắt đầu khởi sắc với sự ra đời của hai tờ tạp chí tri thức tiên phong là Kiến thức Ngày nay (1988) và Mỹ thuật Thời nay.
Cả hai tờ cùng ra chung một khổ khoảng 14x20 cm, cùng có 112 trang ruột, và cùng do tư nhân bỏ vốn ra hoạt động dưới danh nghĩa hội đoàn hay trực thuộc cơ quan quản lý văn hóa-nghệ thuật của nhà nước. Tờ Mỹ thuật Thời nay thuộc Hội Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, có bìa in đẹp và trang nhã, tờ Kiến thức Ngày nay thuộc Liên hiệp các hội văn học - nghệ thuật TPHCM, có nội dung tương tự tờ tạp chí Thời Nay trước 1975, phần lớn bài vở được biên dịch từ các tạp chí phương Tây (Anh, Mỹ, Pháp, Đức).
Ở tờ Thời Nay trước 1975, người viết tham khảo sách báo nước ngoài và diễn đạt thành những bài báo mang dấu ấn cá nhân, không có trách nhiệm phải tự khai là mình đã căn cứ vào nguồn tư liệu nào. Song với những tờ tạp chí phát hành tại Sài Gòn từ cuối thập niên 1980, như một qui ước bất thành văn, cuối bài viết, bao giờ người biên dịch cũng phải ghi rõ “theo Le Figaro, Time, National Geographic ngày … v.v…”.
Có thể trong giai đoạn còn tìm hiểu nhau, tòa soạn báo chưa tin hẳn cộng tác viên nên việc ghi nguồn giúp ban biên tập có thể truy nguyên bài gốc để đánh giá chất lượng biên dịch. Bên cạnh đó, có một lý do có lẽ còn quan trọng hơn, đó là tác giả bài viết và tòa soạn báo muốn chứng tỏ với cơ quan có thẩm quyền về văn hóa-văn nghệ rằng đây là những tài liệu xuất phát từ nước ngoài, tránh sự nghi kỵ về ý đồ chính trị của người viết đối với những vấn đề trong nước. Cũng vì thế, hầu hết những bài biên dịch thường đề cập đến các vấn đề văn hóa nước ngoài, khoa học, nghệ thuật, ít có bài về những vấn đề xã hội.
Trong tình trạng đang thiếu thốn món ăn tinh thần, người đọc đón nhận sự ra đời của hai tạp chí Kiến thức Ngày nay và Mỹ thuật Thời nay vào thời kỳ này với tất cả sự nồng nhiệt. Một vài lần, trong câu chuyện qua lại, anh Lê Khắc Cường, Thư ký tòa soạn tạp chí Kiến thức Ngày nay, tiết lộ là trong thời gian đầu, có lúc tirage (số phát hành) của báo lên đến 160 ngàn số mỗi kỳ. Đó là con số rất lớn đối với một tạp chí văn hóa.
Sang nửa đầu thập niên 1990, trong lúc tờ Kiến thức Ngày nay tiếp tục phát triển thì tờ Mỹ thuật Thời nay có dấu hiệu xuống sức, một phần vì thiếu sự ăn ý giữa người bỏ vốn điều hành và cơ quan chủ quản. Hậu quả là tờ báo này thay đổi người điều hành liên tục và đi dần đến sự mất hút trên thị trường.
Bù lại sự xuống sức của Mỹ thuật Thời nay, khoảng năm 1990, người đọc chứng kiến sự ra đời của tạp chí Thế Giới Mới, một phụ san của tờ Giáo dục và Thời đại thuộc Bộ Giáo dục, phát hành tại miền Bắc. Điều hành tạp chí Thế Giới Mới là một số trí thức và giáo chức được đào tạo dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, song hoạt động trong môi trường văn hóa của vùng đất Sài Gòn, với sự cộng tác chủ yếu của khá nhiều anh em trưởng thành tại miền Nam trước năm 1975: Phan Nghị, Trần Phò, Lê Tây Sơn), Trịnh Quân, Minh Luân, Lê Lộc, Đinh Công Thành, Hoàng Duy, Lê Nguyễn…Ít lâu sau, thêm một số anh chị em trẻ hơn đôi chút:, Mạnh Kim, Nguyễn Đức An, Đinh Thu Hiền…
Đó là những bút danh chính thức, mỗi cộng tác viên còn phải cung cấp thêm cho tòa soạn nhiều bút danh phụ khác để nếu ai có từ 2 bài trở lên đăng trên một số báo thì mỗi bài sẽ có một bút danh khác. Tập quán này khá chặt chẽ ở Thế Giới Mới, song lại không được quan tâm mấy ở Kiến thức Ngày nay, tại đây, có lần người viết bài này có 3 bài đăng trong một số báo và chỉ với một bút danh duy nhất.
Tôi đến với tờ Thế Giới Mới từ tháng 2.1992 như một sự tình cờ, khi báo vừa phát hành được khoảng 25-26 số. Bữa nọ, tiện đường, tôi ghé lại tòa soạn báo nằm tại địa chỉ số 35 đường Lê Thánh Tôn, quận 1, Sài Gòn. Gặp được nhiều anh em trong ban biên tập khá hùng hậu gồm đến 7 người. Duyên may run rủi, tờ báo vừa mở mục “Nhìn lại lịch sử” như một chuyên mục cần thiết cho tri thức lịch sử của người đọc, và đang tìm người cộng tác. Cung cầu khớp nhau, sự cộng tác là điều khá thuận tiện và dễ dàng.
Ba bài lịch sử ngắn đầu tiên của tôi đồng loạt xuất hiện trên số báo 28 với 3 bút danh khác nhau, đánh dấu bước khởi đầu của một chặng đường hợp tác kéo dài đến năm 2007, buồn vui theo từng nhịp thăng trầm của tờ báo. Lúc ấy, tờ Thế Giới Mới từ nguyệt san, đã chuyển thành bán nguyệt san, ra mỗi tháng 2 kỳ. Tất nhiên, chuyên mục Nhìn lại lịch sử mỗi kỳ 1-2 bài không đáp ứng được yêu cầu viết và dịch, ngay sau số Thế Giới Mới 30, tôi bổ sung các bài biên dịch từ sách báo nước ngoài.
Sài Gòn những năm đầu thập niên 1990, sách báo nước ngoài hầu như chưa được du nhập chính thức, song đầu óc của người đọc lúc ấy như miếng bọt xốp, những giọt tri thức dù cũ hay mới cũng dễ dàng được thấm hút vào đó. Thiếu tư liệu mới, không ít người giở lại nhiều tờ Sélection du Reader’s Digest, Reader’s Digest, Paris Match, Life … từ mấy thập niên trước, “cũ người mới ta”, bài biên dịch cũng được đón nhận ào ào.
Ít lâu sau, thị trường sách báo nước ngoài thông thoáng đôi chút, song cầu nhiều cung ít, cuộc chạy đua tìm nguồn cung cấp trở nên vô cùng gay cấn. Khó có ai ngờ rằng một trong những nguồn cung cấp quan trọng lại là các bà công nhân vệ sinh trên những chuyến bay nước ngoài dừng lại phi trường Tân Sơn Nhất. Đã được kín đáo đặt hàng trước, trong khi quét dọn trên máy bay, họ cố thu gom các nhật báo và tạp chí vương vãi, và nơi tiếp nhận những đồ phế thải đó là “cửa hàng mở” của hai vợ chồng ông Dũng, bà Mai, trên một vuông sân bên hông nhà sách Sông Hương, đường Xô viết Nghệ Tĩnh. Đó là nơi không hẹn mà gặp của các nam thanh nữ tú làm nghề biên dịch cho báo chí Sài Gòn.
Từ giữa thập niên 1990, nhờ cách quản lý tốt về cả hình thức lẫn nội dung của tòa soạn báo, cộng với nỗ lực của anh chị em cộng tác viên biên dịch và thị trường sách báo nước ngoài ngày càng có triển vọng mở rộng, hai tạp chí Thế Giới Mới và Kiến thức Ngày nay có một cuộc chạy đua ngấm ngầm để lôi cuốn người đọc. Tất nhiên, điều kiện chủ yếu của cuộc đua song mã này là sự hấp dẫn của đề tài được chọn lọc và chất lượng bài viết.
Hai trong những cây bút biên dịch mà tôi “nể” nhất là Trịnh Quân và Lê Lộc. Các anh viết thường xuyên trên các tạp chí trên, xử lý bài viết một cách rất chuyên nghiệp, văn phong có sức thu hút người đọc và không gượng ép như nhiều anh em trẻ mới vào nghề.
Trịnh Quân là con trai nhà văn Lan Đình, bút pháp của anh khá sắc bén và lôi cuốn. Có lúc anh được cử nhiệm làm thư ký tòa soạn Thế Giới Mới. Chuyện bài vở qua lại thường xuyên, chúng tôi thân nhau lúc nào không biết, thỉnh thoảng rủ nhau đi ăn trưa để tâm sự đủ điều. Song trời không chiều người, Trịnh Quân qua đời sau một cơn nhồi máu cơ tim, khi tuổi còn rất trẻ, làng biên dịch sớm mất đi một cây bút có tài.
Lê Lộc có lối viết duyên dáng, cuốn hút cũng như Trịnh Quân. Anh lại là giáo viên dạy tiếng Pháp tại Viện trao đổi văn hóa với Pháp (IDECAF), tiền thân là Trung tâm văn hóa Pháp (Centre culturel français). Tôi và Lộc thường gặp nhau tại thư viện IDECAF, vì ai cũng có nhu cầu đến thư viện của cơ quan này để tìm các sách báo mới nhập về. Lần nọ, khi chúng tôi đang mải mê câu chuyện trước thềm IDECAF thì đột nhiên thấy một cô gái thật đẹp xăm xăm đi về phía chúng tôi. Lê Lộc không bất ngờ, anh giới thiệu chúng tôi với nhau và cô gái chính là một nữ diễn viên rất nổi tiếng đang thụ giáo Lộc một số câu thoại bằng tiếng Pháp trong một bộ phim đặc sệt chất miền Tây.
Nhắc lại dài dòng hai cây bút tiêu biểu của làng biên dịch báo chí Sài Gòn vào thập niên 1990 với một chút bùi ngùi, vì Trịnh Quân đã là người thiên cổ từ lâu, còn Lê Lộc cũng xuất cảnh sang Mỹ, viết cho một tờ báo Việt ngữ ở California, không có nhiều đất dụng võ như những ngày còn ở quê hương.
Ít lâu sau Trịnh Quân là sự ra đi của cụ Phan Nghị, một ký giả chuyên nghiệp tại miền Nam trước 1975, cộng tác với Kiến thức Ngày nay và Thế Giới Mới cho đến năm hơn 70 tuổi, tính tình vui vẻ, lúc nào cũng hệch hạc, dễ mến. Đó còn là sự ra đi của Thái Nguyễn Bạch Liên, được đào tạo trong môi trường xã hội chủ nghĩa, có bằng Phó tiến sĩ, cộng tác với hai tờ trên khi đang là Phó Giám đốc một xí nghiệp ở khu chế xuất Tân Thuận. Tôi với anh không thân nhau, song cũng có chút kỷ niệm.
Ngày nọ, tình cờ gặp nhau tại tòa soạn tạp chí Mỹ thuật Thời nay, vừa thấy mặt tôi, anh đã bông đùa: “anh đăng trên Kiến thức Ngày nay 3-4 bài liền, còn chỗ nào cho anh em đăng, hử?”. Thật vậy, trong số báo Kiến thức Ngày nay kỳ đó, tôi có đến 3-4 bài đăng. Chẳng ngờ, chỉ một vài tháng sau câu nói bông đùa đó, tôi được tin Thái Nguyễn Bạch Liên đã ra người thiên cổ…
Nhắc chút kỷ niệm này thay một nén hương thắp cho những người bạn viết một thời từng chia sẻ vui buồn với nhau. (Còn một kỳ)
LÊNGUYỄN 06.12.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.