mardi 16 novembre 2021

Hoàng Linh - Bác sĩ Lương Lễ Hoàng: Người hiền về chốn vô cùng


Người chuyên hướng dẫn người dân « làm sao ít gặp thầy thuốc nhất » đã ra đi.

Báo Tuổi Trẻ thông tin gia đình bác sĩ Lương Lễ Hoàng xác nhận ông đã qua đời vào tối 14-11 tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 thành phố Thủ Đức sau một thời gian chống chọi với Covid.

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng được biết đến là một chuyên gia tư vấn sức khỏe nổi tiếng, được nhiều độc giả, khán thính giả yêu mến suốt nhiều năm qua trên các tờ báo, đài phát thanh - truyền hình. Ông từng có thời gian dài gắn bó với trang Sống Khỏe ; phong thái viết có phần hài hước, nhưng "nói trúng, nói sắc" những vấn đề không chỉ là thông tin y khoa mà còn là thái độ, ứng xử của người đọc trước bệnh tật.

Với thông điệp xuyên suốt "phòng bệnh bao giờ cũng an toàn, hiệu quả và ít tốn kém hơn chữa bệnh; phòng bệnh mà không cần dùng thuốc thì tốt hơn phải trông cậy vào thuốc", bác sĩ Lương Lễ Hoàng đã gửi đến trang báo nhiều bài viết nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc hiểu chính mình, hiểu về những "bài thuốc tự nhiên" (như sinh tố, khoáng tố) để từ đó có cuộc sống khỏe mạnh hơn.

Theo ông, người thầy thuốc tốt nhất của mỗi người luôn là chính mình. Và đôi khi không ngại những lúc "lời thật mất lòng", bác sĩ Lương Lễ Hoàng cũng thẳng thắn góp ý "đừng bắt bệnh nhân, nhất là bệnh nhi, uống thuốc kháng sinh như ăn kẹo, dùng thuốc giảm đau như món ăn vặt, hay nhấm nháp thuốc an thần mỗi đêm mà không cần toa...".

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng sinh năm 1952, tốt nghiệp y khoa ở Sài Gòn và chuyển định cư ở CHLB Đức từ năm 1981. Từ khoảng năm 2011, sau 30 năm ở CHLB Đức, ông về Việt Nam công tác.

Không chỉ gắn bó với báo Tuổi Trẻ nói riêng và nhiều tờ báo in khác, vị bác sĩ này còn quen thuộc với nhiều khán, thính giả khi thường xuyên xuất hiện giao lưu, trò chuyện trên radio, truyền hình với những đúc rút y khoa được trình bày một cách dễ hiểu.

Ông đã ra đi, nhưng những bài viết của ông vẫn còn in trong nhiều tập sách, mong sẽ gửi gấm thêm đến người đọc thông tin hữu ích về sức khỏe để "làm sao ít gặp thầy thuốc nhất"...

Khi chưa có internet, công chúng cần biết về sức khỏe thường tham khảo chuyên mục sức khỏe trên báo. Các bác sĩ chưa bị livestream hóa, mà thu hút công chúng bởi kiến thức, sự duyên dáng qua ứng khẩu. Trong đó các bác sĩ như Lương Lễ Hoàng, Trần Bồng Sơn, Lê Thúy Tươi ...rất được mến mộ.

Tác giả Võ Khánh Tuyên nhắc:

" Hồi thời internet và mạng xã hội chưa phát triển như bây giờ, có một vài nhân vật bác sĩ đảm trách các mục tư vấn, giải đáp sức khỏe trên truyền thông đại chúng. Và điều khác biệt so với những yêu-ghét trái ngược trên Facebook mà các bác sĩ hiện nay đang vướng pphải... là các Bác sĩ thời đó hầu như là được yêu mến tuyệt đối.

Có hai Bác sĩ khá nổi tiếng lúc đó: bác Sĩ Lương Lễ Hoàng với những vấn đề về y học thường thức cho mọi người, và bác sĩ Trần Bồng Sơn (tên thật Nguyễn Tấn Trung) với tên chuyên mục mãi cho đến bây giờ trở thành câu cửa miệng của biết bao người "Thắc mắc biết hỏi ai". Cả hai theo đuổi cách giải đáp kiến thức một cách mộc mạc pha lẫn hài hước một cách nhẹ nhàng.

Bác sĩ Trần Bồng Sơn đã qua đời năm 2004. Và nay đến lượt Bác sĩ Việt Kiều Đức Lương Lễ Hoàng... chỉ sau một ngày nhập viện Bệnh viện Hồi Sức Covid Thủ đức TPHCM do mắc Covid 19." Bác sĩ Hoàng nhập viện trong tình trạng nguy kịch, bị suy đa cơ quan, tổn thương gan, thận, đường huyết tăng rất cao và suy hô hấp, phải đặt nội khí quản. Bệnh viện dù nỗ lực hồi sức nhưng chỉ sau một ngày nhập viện, ông đã không qua khỏi", bác sĩ Trần Thanh Linh - phó giám đốc Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP Thủ Đức - nói.

Vĩnh biệt Ông... Một Bác sĩ dễ mến với những kiến thức y học thường thức cho mọi người".

HOÀNG LINH 15.11.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.