vendredi 19 novembre 2021

Tiểu Vũ - Lệ nào khóc người ra đi, lệ nào thương người ở lại


(Hôm nay Sài Gòn tưởng niệm các nạn nhân của đại dịch cúm Tàu, đưa lại tấm hình cũ hồi tháng 10 và vài dòng để nhớ về một Sài Gòn đau thương)

Một người đàn ông đạp xe rời Sài Gòn, trong mớ hành trang đơn giản của mình, có lẽ cây đàn guitare là tài sản lớn nhất. Và dường như âm nhạc là thứ có thể an ủi vỗ về những thân phận lưu dân sau những mất mát đau thương.

Tôi đoán rằng những ngày Sài Gòn bị phong tỏa, cung đàn tiếng nhạc của anh chắc sẽ nỉ non buồn tủi lắm.

Không biết sau cuộc trường chinh dài đăng đẵng, về tới quê nhà, điệu đàn của người nghệ sĩ vô danh này có vang lên thanh âm rộn rã của khúc hoan ca?

Dịch giã vẫn chưa qua, tôi thèm những đêm cùng bạn bè người quen ngồi nhậu bên bờ kinh Thị Nghè, nghe nghệ sĩ đường phố đánh guitare hát "Chiều nay có phải anh ra ngoài Trung, về thăm quê mẹ chờ em về cùng..." trên nền điệu boléro quen thuộc mùi mẫn.

Còn lâu nữa Sài Gòn của tôi mới trở lại như xưa để nghe điệu boléro dân dã đâu đó trên góc phố. Chứ đừng nói chi đến nghe tiếng dương cầm bên ô cửa sổ từ nhà cô hàng xóm, hay là buổi hòa nhạc hoành tráng trong nhà hát thành phố.

 

Hình ảnh người nghệ sĩ vô danh cùng với cây đàn lặng lẽ theo vòng quay mỏi mòn của chiếc xe đạp cũ đã để lại trong tôi những khoảng trống khó lấp đầy được.

Hôm nay 19.11 (đúng vào ngày rằm) Sài Gòn tưởng niệm những nạn nhân tử vong vì Covid. Đọc con số thống kê lòng tôi se sắt lại…Trong tổng số 17.263 người chết, nữ chiếm 58,5%, nam là 41,5%. Đau đớn hơn, trong số đó có 38 trẻ em và 62 thai phụ.

Hơn hai vạn đồng bào chết vì Covid sẽ là nỗi ám ảnh khôn nguôi đối với những người thân của họ. Và phía sau đó có bao nhiêu em bé mồ côi, có bao nhiêu gia đình ly tán, có bao nhiêu số phận bước sang ngã rẽ khác của cuộc đời.

Sài Gòn đã bước sang trạng thái "bình thường mới". Nhưng nỗi ám ảnh vẫn còn đó. Sài Gòn của tôi bị phong tỏa cách ly suốt một thời gian dài đến kỷ lục. Nhiều người dân phải sống nhờ vào tình thương bằng cứu trợ, biết bao nhiêu đau đớn tổn thương trong bốn tháng ròng rã lê thê.

Giấy mực nào, con số nào có thể thống kê đong đếm được bao nhiêu lo âu khắc khoải về một tương lai vô định. Lệ nào khóc cho người ra đi, lệ nào thương người ở lại?

Làm sao có thể thôi ám ảnh bởi những tiếng gọi cha gọi mẹ gọi người yêu đấu của những bệnh nhân Covid trước khi lìa đời...Làm sao có thể quên được câu chuyện một gia đình gồm vợ chồng con cái mạo hiểm chui vào thùng xe đông lạnh vượt chốt. Làm sao có thể quên được đoàn người đi bộ xe máy, đi bộ hàng trăm cây số để được về quê. Làm sao có thể không nhói lòng khi thấy anh chồng trẻ chở vợ mang bầu 8 tháng bằng xe đạp từ Sài Gòn về tận Sóc Trăng...

Nếu coi làn sóng Covid thứ tư tại Sài Gòn trong thời gian qua là một cuộc chiến, thì câu chuyện về những con người đang cố gắng bám trụ hoặc mắc kẹt giữa Sài Gòn, đang bị những vết thương tâm lý sâu sắc ám ảnh, là phần thuộc về hậu chiến.

Khi cuộc chiến kết thúc thì vết thương hậu chiến mới là điều kinh khủng nhất. Bởi sau khi bình thường mới, chẳng có nhà từ thiện nào đủ tâm sức lùng sục khắp hang cùng ngõ hẻm ở Sài Gòn để xem ai còn thiếu đói, ai bị đuổi việc, ai thất nghiệp. Và vì lòng tự trọng, sẽ chẳng có người nào lên tiếng nói rằng thành phố mở cửa rồi nhưng tôi đang đói...

Làm thế nào để họ vượt lên nỗi đau mất mát để kiến tạo một cuộc sống mới sau khi "bình thường mới", đó là vấn đề không hề dễ.

Vết thương dần lành, nhưng chỗ cắt vẫn còn đau. Và dẫu có lành hẳn đi thì chắc chắn đó sẽ là vết sẹo...

Xin thành kính cúi đầu mặc niệm những người đã khuất !

TIỂUVŨ 19.11.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.