mardi 23 novembre 2021

Võ Xuân Sơn - Liệu cơm gắp mắm

 

Ông bà ta có câu, liệu cơm gắp mắm. Tức là xem trong chén mình còn bao nhiêu cơm, để gắp thức ăn cho vừa đủ, chứ đừng phóng tay mà ăn mặn quá, lên tăng xông, đứt gân máu, không chết cũng xụi lơ.

Nhớ cái hồi nào ông Giám đốc HCDC nói, rằng nếu số F0 vượt lên trên 10.000 là quá sức chịu đựng của y tế thành phố. Mà sau đó thì đúng thế thật. Con số nhiễm mới vừa vượt qua 10.000 là vỡ trận. Chính quyền thì lúng túng. Người dân thì hoảng loạn. Từ chỗ sợ bị cách ly chuyển sang tâm trạng sợ không được vô bệnh viện. Chết quá trời.

Rất nhiều người, trong đó có cả tôi, đều đề nghị, hãy dừng việc cách ly tập trung F1, để F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tại nhà. Đó là việc mà chúng ta cần làm, cần liệu sức mình để đưa ra biện pháp hiệu quả nhất, tránh thiệt hại nhất. Còn nhớ, tôi và nhiều bạn đã phân tích, nếu cứ tiếp tục cách ly F1 tập trung, thì sẽ đến lúc cả thành phố này là F1. Làm sao cách ly cho nổi.

Cuối cùng thì thành phố cũng chẳng còn cách nào khác, phải thôi cách ly tập trung F1, và để F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà. Trên thực tế, ban đầu, có lẽ việc chấp nhận như vậy là hết sức miễn cưỡng. Nhưng vì nếu không chấp nhận thì cũng chẳng có cách nào khác. Khi đó thì bệnh viện, dù là thiếu phương tiện, nhưng còn có sự chăm sóc nhất định, mới có chỗ cho những người trở nặng.

Tuy nhiên, người ta quên một điều, rằng những người F0 ở nhà cũng cần được chăm sóc y tế, dù họ không có triệu chứng hay có triệu chứng nhẹ, bởi vì có khoảng 20% trong số họ sẽ có thể chuyển nặng. Nếu không có theo dõi y tế, thì làm sao biết họ chuyển nặng để cứu chữa kịp thời. Cuối cùng thì hình thức Trạm y tế lưu động ra đời. Từ khi Trạm y tế lưu động ra đời, với sự giúp sức của lực lượng quân y, tình hình đã được kiểm soát, số tử vong giảm dần.

Hiện nay, với hình thức kết hợp các bệnh viện đa tầng và các Trạm y tế lưu động, Đội phản ứng nhanh, Sở Y tế TPHCM dự đoán, với lực lượng của mình, thì khi số nhiễm (F0) trong cùng một thời điểm lên đến 120.000 người, là giới hạn sức chịu đựng của lực lượng chống dịch thành phố. Tôi tin rằng, đây là một dự đoán có cơ sở. Và hy vọng rằng, Giám đốc Sở Y tế sẽ không bị mất chức vì cái dự đoán này.

Tuy nhiên, hiện nay, tỉ lệ nhiễm ở Việt nam mới có khoảng 1,15% dân số, mà TPHCM đã có khoảng 68.000 ca nhiễm đang điều trị. Như vậy thì chỉ cần khi con số nhiễm lên đến 2% dân số, là TPHCM bị vượt ngưỡng có thể cứu chữa. Trong khi đó, ở nhiều nước khác, tỉ lệ lây nhiễm trong dân số rất cao, nhiều nơi là 10% dân số. Chúng ta đã chuẩn bị cho tình huống số lây nhiễm lên đến gấp 3 hay 4 lần hiện nay chưa?

Nếu lần này, khi số lây nhiễm tăng lên, vượt ngưỡng chịu đựng của thành phố, thì quân y hay y tế các nơi có thể hỗ trợ thành phố hay không? Chắc chắn là không được như hồi vừa rồi, vì bây giờ, đồng loạt các tỉnh thành đều bị cả. Mà hầu hết các nơi, lực lượng y tế của họ "mỏng" hơn TPHCM rất nhiều.

Hiện nay, thành phố đang cho thành lập các Trạm y tế lưu động, vận động y tế tư nhân đăng ký tham gia. Đây là cách làm hay. Nhưng nó có mặt trái, là tách nhân viên y tế ra khỏi môi trường đang làm việc, để chuyên trách vào việc khám chữa cho người nhiễm (F0).

Một phòng khám như ở chỗ chúng tôi, có khoảng 10 bác sĩ, ai cũng sẵn sàng tham gia. Nhưng nếu tách hẳn ra, chỉ vài người thôi, thì phòng khám sẽ tê liệt, vì mỗi bác sĩ phụ trách một mảng chuyên môn khác nhau. Điều này sẽ dễ dàng dẫn đến sự sụp đổ hệ thống các phòng khám nhỏ như chỗ của chúng tôi. Và chắc chắn, ảnh hưởng dây chuyền của việc này sẽ khó lường hết được hậu quả.

Trong khi đó, nếu cho mỗi phòng khám hay bệnh viện tư nhân đăng ký một khu vực, với số lượng tối đa số người nhiễm là bao nhiêu. Rồi tự họ sẽ điều động nhân sự, làm sao bảo đảm những yêu cầu chuyên môn cần thiết mà Bộ Y tế hay Sở Y tế đưa ra, làm sao bảo đảm người nhiễm được chăm sóc, phát hiện trở nặng, điều trị tại chỗ hoặc chuyển tuyến kịp thời.

Tôi tin rằng, với cách làm như vậy, khả năng xử lý dịch của thành phố sẽ được nâng cao lên gấp 3 hay 4 lần như dự báo của Sở Y tế TPHCM. Nên nhớ, ngoài chuyện tự chăm lo cho mình, y tế TPHCM còn có trách nhiệm chi viện và hỗ trợ cho toàn khu vực phía nam, đặc biệt là vùng Miền Đông và Miền Tây Nam Bộ.

Mà các tỉnh, cũng phải chuẩn bị chống dịch theo cách này. Chắc chắn là dịch còn lan rộng hơn nữa, còn nhiều người nhiễm hơn nữa. Chứ bây giờ mà còn hùng hục lao vào cách ly tập trung F1, thì vỡ trận sẽ là tất yếu.

BSVÕ XUÂN SƠN 23.11.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.