mardi 23 novembre 2021

Thân Trọng Minh - Sài Gòn vắng những tiếng rao


Họ đã đi đâu, về đâu?

Từ rất lâu rồi, người dân Sài Gòn đã quen thuộc với những gánh hàng rong.

Họ là người Sài Gòn, họ là những người dân nghèo ở miền Tây, ở miền Trung, hoặc ở tận ngoài miền Bắc vào buôn bán kiếm sống.

Tôi lúc dạy học ở Sài Gòn vẫn thường thích nghe những tiếng rao, giọng điệu khác nhau! Nhất là những khi về đêm thao thức không ngủ; đến những khoảng thời gian nhất định, sẽ có chị bán hàng đi ngang qua. Từ xa xa có khi đã nghe tiếng rao lanh lảnh, giọng kéo dài ngân nga như câu hát, quen thuộc, nghe hay hay…

Có khi là tiếng rao của em bé, trên tay cầm cái vòng sanh tiền rung xủng xoẻng, đi xa xa phía sau là người cha làm nghề “tẩm quất”. Cũng có khi người đi rao là em bé, mà em không rao, thay vào đó là tiếng gõ lóc cóc… lóc cóc… thay đổi nhịp nhàng, từng đoạn, như có vần có điệu!

Đó là tiếng hiệu của xe mì gõ của một gia đình nào đó ở Quảng Nam, Phú Yên, hoặc Quảng Ngãi vào Sài Gòn mưu sinh. Em vừa đi vừa gõ lóc cóc… vào tận các ngõ xóm; còn xe mì thì cha mẹ đẩy ngoài đường cái.

Sài Gòn, ngoài những món ăn truyền thống đậm chất Sài Gòn, những người tứ xứ tha hương đem về Sài Gòn biết bao những món ăn ngon lạ trên những chiếc xe đẩy, hay trên những đôi vai gánh hàng đi bán rong.

Nào là các loại bánh có dùng nhiều dừa làm nguyên liệu của người miền Tây. Tôi từng ăn hủ tiếu Nam Vang rất ngon, nhưng lại do người An Giang lên Sài Gòn bán. Phở Bắc thì rất nổi tiếng rồi! Nem lụi, bánh ướt chả lụa, chả tôm là món Bắc được người Sài Gòn ưa thích và rất phổ biến! Ngày xưa đi ăn bánh ướt chả lụa, chả tôm ở vùng Xóm Mới, Gò Vấp do các cụ bà ngoài Bắc bán. Bà cụ tự tráng lấy bánh. Khách ngồi bên cạnh lò; bánh tráng ra nóng hổi, ngon cực kỳ!

Bánh mì xíu mại, bò khô, mực khô, gỏi (nộm) đu đủ, v.v… trên những chiếc xe đẩy thì đường phố nào cũng có, nhất là các khu vực có trường học. Vì các cô cậu học trò là chúa ăn vặt mà.

Muốn ăn mì Quảng, bê thui với nước chấm kiểu Quảng Nam thì đến khu vực Bảy Hiền. Đặc biệt là đường Võ Thành Trang có những gánh mì do các cô gái Quảng bán. Rất ngon! Có khi còn được nghe giọng nói rặt chất Quảng ngồ ngộ! Bún bò Huế thì rất phổ biến ở Sài Gòn.

Thím tôi thường làm các món bánh Huế như bánh nậm, bánh bột lọc, bánh ít bột nếp… Bánh ngon, mọi người rất thích. Thím tôi gánh hàng đi bán, nhưng lại không nhại giọng Sài Gòn để rao, thím vẫn rao bằng giọng Huế - một chất giọng “Huế dinh” rất dịu ngọt. Chỉ nội trong một xóm là thím bán hết và thường về sớm.

Cuối năm, gần đến lễ Noel, tiết trời thường se se lạnh. Những đôi bạn đi chơi, xem lễ, tay trong tay, nhưng tay kia có khi lại cầm lát chuối chiên nhúng nước cốt dừa rất ngậy, hoặc có khi là trái bắp nướng nóng hổi.

Có thể nói những món ăn vặt đặc sắc, nổi tiếng ở các địa phương cả nước, hầu như đều có trên những gánh hàng rong ở Sài Gòn. Góp phần tạo nên một Sài Gòn hấp dẫn, nhộn nhịp, phong phú, vô cùng thu hút!

Trai thanh nữ tú Sài Gòn hầu như bạn nào cũng thích ăn vặt, đi dạo phố mỏi chân rồi, thì rủ nhau sà vào một gánh hàng mà mình ưa thích. Ăn vặt là không thể thiếu, gắn bó với nhiều kỷ niệm của đời học sinh, sinh viên.

Những buổi chiều, có những người bà dắt cháu ra đầu hẻm để ngóng chị bán chè chuối, bà gánh xu xa hột lựu, nước cốt dừa; hay là chờ đợi ông già bán món lục tàu xá ưa thích. Từ xa xa đã thấy bóng hình quen thuộc như là đã hẹn trước. Tiếng rao cất lên nghe vừa quen vừa lạ. Vì người ở các tỉnh về Sài Gòn, nơi “Đất lành chim đậu “ để kiếm sống, tuy là cố gắng “giả giọng” Sài Gòn; nhưng mà vẫn còn lưu luyến chất giọng địa phương, nơi quê hương cha sinh mẹ đẻ.

**

Cơn dịch cúm Tầu tràn qua, tang thương khôn kể xiết. Hàng vạn dân nghèo bỗng chốc biến mất! Họ đến Sài Gòn trong âm thầm và bây giờ ra đi trong lặng lẽ… để lại những đứa con thơ bơ vơ, để lại cha mẹ già ở quê nhà ngẩn ngơ thảng thốt. Để lại bao người Sài Gòn yêu mến tiếc thương. Vẫn còn nhớ đâu đây… văng vẳng những tiếng rao!

THÂN TRỌNG MINH 23.11.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.