vendredi 26 novembre 2021

Lê Huyền Ái Mỹ - Dưới hàng cây

 

Hàng cổ thụ trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã bị đốn hạ vào trưa nay, 26.11.

Trên báo Pháp luật TP HCM, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM nói: “Việc đốn hạ cây ở trục đường Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải phục vụ dự án nào mà từ việc thời gian qua có cây ở trục đường này bật gốc vào Thảo Cầm Viên gây nguy hiểm. Việc đốn cây là trong kế hoạch rà soát xử lý cây xanh gây mất an toàn vẫn thường làm".

Vẫn biết bảo vệ tính mạng người là trên hết. Nhưng…

Đó có phải là từ sự cố trong cơn mưa chiều ngày 9.10, một cây dầu bật gốc ngã vào Thảo Cầm Viên Sài Gòn làm khoảng 3 mét tường sập và gây hư hỏng chuồng rái cá, để đi tới quyết định đốn hạ hàng cây vào trưa nay?

Nếu vậy thì, “sức khỏe” của hàng cây bị đốn bỏ đều ngắc ngoải như nhau? Ngoài giải pháp “rút ống” hàng loạt, còn có giải pháp nào “đặt nội khí quản”, thậm chí là “ECMO” cho hàng cây đã phủ bóng xuống những con-đường-di-sản của Sài Gòn này hay không; hoặc trước khi đã, đang ươm trồng hoặc trồng thay thế…?

Và nếu không có sự cố chiều ngày 9.10, thì cái kế hoạch rà soát, xử lý cây xanh gây mất an toàn ấy có được công bố ngay sau khi ký ban hành kèm theo “chỉ số sức khỏe” của từng cây, để người dân nắm bắt, tiếp nhận - một công đoạn của giám sát?

Đây đâu phải là lần đầu thành phố đốn bỏ hàng cổ thụ, nên càng không xa lạ tình cảm, thái độ của người dân trước những “cái chết tức tưởi”. Sao không chọn một cách hành xử văn minh, cả với cây lẫn người để tránh bớt những bức xúc không đáng có? Sao mới tháng trước còn “xin ý kiến nhân dân” nào màu sắc phù điêu, lư hương, nào kế hoạch chỉnh trang công viên Mê Linh...; nay lại quên mất nhân dân ở đâu khi chính họ là chủ thể thụ hưởng của “mái nhà xanh” trong thành phố?

Hãy chịu khó lật sách mà đọc lại, từ hơn 100 năm trước, trong phiên họp Hội đồng thành phố Sài Gòn tháng 3.1912, một vị ủy viên đã hùng hồn nói: “Tôi không biết các ông có thấy những tấm hình chụp từ nóc nhà thờ Sài Gòn (tức nhà thờ Đức Bà) hay không. Cảnh đập vào mắt là cả một khu rừng thực thụ, vì người ta chỉ thấy toàn là cây cối. Thành phố Sài Gòn đang sống trong một khu rừng, vừa ẩm ướt, vừa không có ánh mặt trời lọt xuống đường sá…”. Và ông ủy viên Hội đồng đề nghị cắt bớt cây cối trong thành phố, thay vì cứ 5 mét có 1 cây thì sẽ nâng lên 10 mét/cây.

Trăm năm sau, đi giữa lòng thành phố, tìm đâu ra những con đường còn đủ cây xanh để ngước nhìn, tránh nắng?

Nhưng “cuối cùng không rõ có phải vì thấy dân chúng có óc “mê tín” hoặc “gắn bó” với cây cối hay không mà Hội đồng thành phố tỏ ra ngần ngại và đề nghị tiếp tục nghiên cứu, chứ chưa cho đồng ý chặt bớt cây ngay” (theo Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu - Trần Hữu Quang- NXB Tổng hợp TP HCM).

Cũng là một cung cách ứng xử thực tiễn - điển hình nhất của văn hóa - mới được luận bàn xôm tụ ngoài ngoải hôm kia, giữa con người với con người, con người với… cây xanh, với môi trường, tự nhiên.

Mà, đến cả đạo lý “tiên học lễ, hậu học văn” người ta còn muốn tháo dỡ như tháo dỡ một cái bảng hiệu thì sá gì đốn bỏ một hàng cây “vô tri”, chẳng lời hỏi han, thông báo.

Có khi nào, những hàng cây tự hỏi: nó hay người, ai mục ruỗng hơn ai?

LÊHUYỀN ÁI MỸ 26.11.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.