(Le Monde 06/01/2020) Ba ngày sau vụ Hoa Kỳ tiêu diệt
kiến trúc sư của chính sách khu vực Iran, tướng Ghassem Soleimani hôm thứ Sáu 3
tháng Giêng ở Bagdad, căng thẳng dồn dập ở Trung Đông ở nhiều cấp độ.
Sau cái chết của tướng Iran Ghassem Soleimani, sự lên gân
giữa Teheran và Washington, và rộng hơn nữa là giữa Bagdad với Beyrouth, đã tạo
ra một tác động tai hại : củng cố phe cứng rắn ở toàn bộ các bên.
Tại Iran, tầm vóc các cuộc biểu tình hôm Chủ nhật trong lễ
tang tướng Soleimani chứng tỏ chế độ được tăng thêm sức mạnh, cho dù mới đây đã
phải đàn áp dã man một làn sóng phản kháng chưa từng có. Như người ta chờ đợi,
tối Chủ nhật 5/1 chính quyền Iran đã vượt qua giới hạn làm giàu uranium được áp đặt trong thỏa thuận nguyên tử
đa phương năm 2015, mà
tổng thống Donald Trump đã rút lui vào năm 2018.
Dù ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã thận trọng giữ lại một biên độ hành
động ngoại giao tối thiểu, nhưng tiếng nói được cho là đại diện cho phe ôn hòa
trong chế độ cùng với tổng thống Rohani không còn hợp thời nữa. Bây giờ là thời
điểm của những tuyên bố sặc mùi chiến tranh : sự trả đũa của Iran sẽ « chắc chắn là quân sự và nhắm vào các
địa điểm quân sự Mỹ » - cố vấn của đại giáo sĩ hứa hẹn.
Hòa theo đe dọa này, thủ lãnh Hezbollah, Hassan Nasrallah,
đồng minh hùng mạnh trong khu vực của nước Cộng hòa Hồi giáo, hôm Chủ nhật cũng
dọa dẫm « một sự trừng phạt xứng
đáng » nhắm vào « sự hiện
diện quân sự Mỹ trong khu vực ».
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo được rộng tay hành động
Ở trung tâm cơn bão, Irak, bị giằng xé giữa Teheran và
Washington, và trước những sự kiện mới đây cũng đã bị tổn thương bởi một cuộc
khủng hoảng chính trị và phong trào phản kháng quy mô, dường như đã chọn lựa. Quốc
hội Bagdad hôm Chủ nhật đã yêu cầu quân Mỹ ra đi. Quyết định giờ đây thuộc về
chính quyền Irak.
Tại Washington, các tuyên bố của Donald Trump dường như
không còn bất cứ giới hạn nào. Bị chỉ trích vì đã đe dọa tấn công các địa điểm
văn hóa nổi tiếng của Iran - trong số 52 mục tiêu được chọn lựa trong trường
hợp leo thang – tổng thống Mỹ đã lùi lại một chút, để rồi nhấn mạnh thêm. Ông
khẳng định sự trả đũa của Hoa Kỳ sẽ « bất tương xứng ». Ông Trump
được thủ tướng Irael, Benyaminh Netanyahou, người coi Iran là kẻ thù số một,
hoan nghênh. Tổng thống Mỹ cũng đe dọa Bagdad « sẽ bị trừng phạt nặng nề » nếu Irak trục xuất lực lượng
Mỹ ra khỏi lãnh thổ.
Khoảng 6.000 lính Mỹ đã được triển khai tại Irak trong khuôn
khổ cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS, Daech) của liên minh quốc
tế chống thánh chiến do Hoa Kỳ lãnh đạo. Tư lệnh Mỹ hôm Chủ nhật thông báo tạm
ngưng cuộc chiến để lực lượng Mỹ tập trung vào việc tự vệ. Đây cũng là một
quyết định có thể gây hậu quả nặng nề : để IS được tự do hành động, trong
khi bọn này đã được tăng cường tại Syria, Irak và dọc theo thung lũng Euphrate.
Đó là một trong những mối quan ngại lớn của châu Âu. Không
những cơ hội cứu vãn hiệp ước nguyên tử Iran hầu như trở thành vô vọng, mà còn
phải đối mặt với viễn cảnh IS ngóc đầu dậy. Châu Âu phải cố gắng giúp xuống
thang, một khi tiếng nói của mình còn được lắng nghe.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.