Một cửa sổ của căn phòng bẩn thỉu nơi tôi đang sống đã
nhìn ra phía ngoài một góc thành phố đông đúc. Trong một buổi chiều, tôi nằm
dài yên lặng trên ghế bố, nhìn ra ngoài cửa và tôi nhớ Huế.
Từ cửa sổ ngó ra, Huế, là hai cây bông bụt đỏ ối, những
làn mưa nghiêng nghiêng trong một bầu trời ảm đạm.
Mỗi năm vào tháng này, tôi đi Huế. Đi ở đây, có nghĩa
là trở về với những cái gì tầm thường như quý giá: một căn nhà chật hẹp, một tô
bún bò gạo giã, bạn bè tại những quán cà phê nhỏ Mệ Tồn và giữ Huế trong tay
suốt mùa hạ.
Bản chất của Huế nằm trong kích thước nhỏ bé của nó.
Nó không ồn ào và bận rộn. Những lề đường của Huế thân mật. Trên con đường của
thành phố, bạn có thể giơ tay vẫy bạn bè suốt ngày. Khách lạ mới tới Huế có cảm
tưởng rằng tất cả mọi người ở Huế đều có họ hàng với nhau.
Trước hết, tôi trở về để thưởng thức những vật tầm
thường nhỏ bé đó. Tôi đã thưởng thức nó trong một thời gian ngắn trước khi biến
cố Mậu Thân xảy ra.
Một sự sợ hãi lớn lao đã đến với Huế. Thật là điều khó
khăn đối với tôi để quên, mùi xác thịt thối rữa trên đường Lê Lợi khi tôi cùng
gia đình tản cư ngang qua đó. Hai hàng cây trước kia che chở đại lộ bằng những
bóng mát cũng bị tróc gốc và trở thành những chướng ngại vật cho chúng tôi.
Nhìn vào Huế tháng Hai, tôi thấy một bộ mặt sụp đổ của
thành phố cổ kính. Tôi nghe giọng buồn nhất ở khắp nơi trong địa ngục kéo dài
suốt tháng này. Họ là những người còn sống sót trong những cuộc chém giết,
dường như họ chỉ còn thân xác mà không còn hồn.
Nỗi buồn trốn mất khi nỗi đau khổ quá lớn. Tất cả dân
Huế sống cùng với nhau trong suốt khoảng thời gian nguy hiểm nhất, đều đã thở
bầu không khí bẩn thỉu nhất của trại tị nạn. Tất cả đều đã được biết sự tận
cùng của đau khổ.
Tôi nhìn những căn nhà bên kia sông bị nổ tung vì đạn
đại bác, tạc đạn rơi trên dòng sông Hương, làm mặt nước tung bọt trắng xoá.
Trong những ngày đầu của trận chiến, gia đình và tôi ngồi yên lặng trong nhà.
Buổi sáng đi qua trên những khuôn mặt khổ não. Các anh tôi và tôi ngồi nhấp
nháp rượu trong khi đạn réo ngang đầu.
Qua khung cửa, chúng tôi nhìn thấy những người lính
Bắc Việt di chuyển, nấu ăn, đào hố trong vườn trước mặt nhà. Đó là những ngày
đẹp trời của mùa xuân, với những giọt mưa nhẹ như sợi chỉ đan vào nhau và không
khí lành lạnh. Tôi muốn tản bộ dọc theo những con đường đầy bóng mát trước cửa
nhà. Tôi muốn có cốc cà phê ở một tiêm bên kia sống, trong nội thành, đằng
trước Trường Âm nhạc và Mỹ thuật.
Nhưng tôi đã ngồi bất động hơn 15 ngày. Anh tôi và tôi
ví những ngày của chúng tôi với những ngày của Anne Frank.
Tôi không biết bây giờ những gì có thể tìm thấy, khi
tôi trở về Huế. Những cây cầu bắc ngang qua dòng sông nhỏ đã bị gãy. Tất cả mọi
cây cầu An Cựu, Khe Ron, Phú Cam, Bến Ngự, Nam Giao v.v… Một trong những cây
cầu này đã chứng kiến sự trưởng thành của người bạn gái thân nhất, những dấu
chân của nàng đã in hằn trên đó khi đi đến trường.
Khu nhà tôi ở bây giờ đã trở thành bãi dây kẽm gai.
Căn nhà tôi, một phần lớn bị tàn phá, đã đầy rác. Ngày đầu tiên tôi trở về. Tôi
ngồi duỗi dài chân tay trên một cái giường bị gãy và nhìn giọt mưa nhỏ rơi trên
tôi, từ chỗ trống của mái nhà, tôi nghĩ rằng đang mơ.
Thật sự, Huế chẳng còn gì cả. Bầu không khí thanh
lịch, ấm áp của ngày xưa sẽ không bao giờ trở lại. Các kho tàng cổ kính và quý
giá của Huế đã bị bom đạn đốt cháy.
Chỉ trong vòng hai tháng, tất cả mọi người dân của
thành phố Huế đều trở thành những công nhân. Tập quán cổ truyền có từ lâu của
một lối sống vương giả ở những gia đình ngày xưa đã bị xoá đi mất. Tôi đã nhiều
lần bước ngang qua cầu Tràng Tiền gãy đổ nhiều nhịp. Tôi qua dòng sông Hương
với con thuyền đầy người. Còn đâu sự êm đềm trong tâm hồn thành phố. Rất khó
kiếm thấy một chỗ không bị lỗ chỗ bởi những hố bom.
Những con đường tráng nhựa sạch sẽ thuở nào nay đã trở
nên lộn xộn, bẩn thỉu. Từng đám bụi bay lên cao suốt ngày ở hai con đường
chính. Một bảng quảng cáo của rạp hát Châu Tinh vẫn còn treo ở trước cử chợ
Đông Ba. Phim này dường như cũng là một
điềm gở: Le Temps du Massacre.
Máu đã chảy và
thấm xuống đất thành phố. Tôi đã mất nhiều thời gian ngồi trong quán cà phê
trên đường Trần Hưng Đạo để quan sát những người qua lại buồn phiền, những
người đã thăm được chiều sâu của sự buồn phiền. Tôi nhớ rằng tôi đã không tắm,
không thay quần áo và không cạo râu cắt tóc trong hai tháng.
Sau giờ giới
nghiêm, thành phố còn trở nên bi thảm hơn. Cửa nội thành đóng, đường phố bị bao
phủ bởi một bầu không khí lạnh lẽo của bãi tha ma. Những ngôi mộ mới mọc lên
như nấm dóc theo những con đường và lề đường trong công viên, trong vườn cam
Tây Lộc và trong những cánh đồng nơi đàn bò ăn cỏ. Những bức tường của thành
nội cũng đầy những vết đạn.
Có lẽ hương hồn
của những vị vua chúa ngày xưa và những quan lại cũng sợ hãi. Huế luôn luôn
được nếm mùi bất hạnh. Từ lụt lội, bão tố trong quá khứ cho đến sự tàn phá của
hàng ngàn căn nhà, hàng ngàn gia đình trong cuộc chém giết tàn nhẫn ngày hôm
nay, người dân Huế đã phải học cách sống trong kiên nhẫn. Huế dường như bị cột
chặt vào định mệnh khắc nghiệt.
Sẽ không bao giờ
có thành phố Huế cổ kính ngày xưa nữa. Tại đây, dân chúng không bao giờ có dịp
để làm giàu một tháng hay một ngày. Cần phải bốn thế hệ: ông, cha, con và cháu,
mới có thể xây dựng một căn nhà. Căn nhà được truyền từ đời nọ sang đời kia, và
những người nào phải xa nhà, đều vẫn có thể nhớ từng cột nhà, từng xà nhà, từng
bậc cửa.
Vì thế phải cần
một thời gian lâu, mọi người có thể nhìn Huế mà không nhìn thấy khuôn mặt bị
tàn phá. Huế của ngày xưa đã biến mất đi khi mái cao của cửa Thượng Tứ và cửa
Đông Hoà đã bị tàn phá và đầy lỗ thủng.
Tôi bước dọc theo
đường thành nội nơi mà hàng ngàn căn nhà đã bị đốt cháy rụi.
Tôi đi lên An Hòa,
đứng trên ngọn đồi Uông Voi và nhìn chung quanh, cạnh những hố bom sâu hơn 10
thước. Nơi đây là nhà của hàng ngàn những gia đình nghèo khó. Họ đã trở về để
nhìn lại những cây chuối non, những cột gỗ, những lăng tẩm, từng bậc đá ghi lại
những dấu vết của những cái gì đã một lần ở đó.
Tất cả mọi thứ
đều bị tàn phá. Huế đã phải lo cúng bái thêm nhiều linh hồn con đi lang thang.
Huế đã có một ngày giỗ chung cho tất cả mọi người chết, ngày mà người ta nhìn
thấy nhiều đống xác người. Nhưng bây giờ lại có thêm nhiều thân người nữa. Sự
tàn phá cũng càng ngày càng nhiều.
Nước mắt của
người dân Huế đã đủ để làm dòng suối nhỏ. Những ngôi mộ ở chùa Áo Vàng, tại Bãi
Dâu, tại Kim Long, tại Long Thọ, là những dấu vết của một bạo lực hung ác,
không có thể quên được trong tâm hồn những người còn sống.
Nhớ những ngày ở
Huế trong tháng Giêng và tháng Hai, tôi không bao giờ có thể quên được những
người mẹ chạy theo xe chở xác, đã mang đứa con trai của bà và trong khi chạy,
bà đã vỗ tay cười suốt con đường lầy lội đất đỏ.
Tôi cũng sẽ không
bao giờ quên được những người lính Mỹ ngồi dài theo lề đường, nhìn bà ta đang
cười ngạo nghễ. Tôi cũng nhớ một người đàn ông già, bước những bước nặng nề,
trên vai ông một cỗ quan tài bé, trên quan tài có cắm ba nén hương đang cháy.
Huế đã sống qua
những ngày tàn nhẫn.
Hàng đoàn người
đã đào lỗ để tìm xác cha, anh, mẹ hay chị. Những tiếng khóc của đám ma có thể
làm rung chuyển cả núi rừng. Nhiều cái chết do sự ác độc của loài người gây
nên.
Ngày kia tôi lẩn
trốn trong một thư viện của Viện Đại học Huế, tâm hồn tôi là một tảng băng.
Chung quanh tôi mọi vật đều bị tàn phai. Tôi không thể nói được gì cả, khi đời
sống chỉ là một trò đùa. Trong một tháng, tôi đã sống ở nơi ẩm ướt, lạnh lùng,
trong bầu không khí ảm đạm của thư viện. Tôi không biết phải làm cái gì với
cảnh tàn phá này. Căn bản luân lý của chiến tranh đã ra khỏi giới hạn của năng
lực loài người để chịu đựng.
Huế ơi! Tôi hy
vọng có một ngày thanh bình nào đó, tôi có thể trở về để ăn bánh bèo ở cây
Phượng, bún bò thịt nướng ở Kim Long, bún bò tiệm bà Rốt. Tôi muốn quay trở lại
để ngủ đêm trên dòng sông Hương và gọi ông Bê mang cho tôi một bát bún, rất
cay, cay đến chảy nước mắt. Tôi sẽ gọi cô con gái trên thuyền mang cho tôi một
con mực nướng khô, một cốc rượu nhỏ, thật nhỏ để làm cho đêm trở nên ấm hơn,
những bài hát nửa đêm trở nên hay hơn và giấc ngủ hiền hòa hơn trong lúc sông
lặng lờ trôi…
CRYSTAL ERHAT (theo
lời kể của Trịnh Công Sơn???)
Dispatch News Service International Inc, 1968 (bản dịch từ Anh ngữ của T.K. Dung, đăng lại trong cuốn "Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay" của Tạ Tỵ, Sài gòn, 1972)
https://www.tcs-home.org/writings/hue-hom-nay
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.