vendredi 2 février 2018

Dũng Phan - Bản tráng ca trên đất Thường Châu



Có lẽ new feed bây giờ chỉ nói về những chuyện ngoài lề của Bùi Tiến Dũng. Vậy cho tôi đi ngược gió tuyết tìm lại ký ức ba ngày trước của các em. Cho tôi lặn ngụp giữa những câu chữ để viết nên hơn 2.000 chữ này, dành cho khúc tráng ca ngày hôm ấy.

Sẽ chẳng có một hiệu ứng kéo dài vĩnh viễn, chỉ có những khoảnh khắc như thế này, là khắc sâu mãi mãi. Cũng chỉ có nụ cười, nước mắt, và niềm tự hào hôm đó là mãi mãi. Và cũng sẽ chẳng ai hay cái gì có thể lấy chúng ra khỏi đầu chúng ta.

 Vì đội bóng này được yêu, vì Việt Nam đoàn kết cũng vì hành khúc này. 

"Bàn thắng thổi bay cái không khí lạnh lẽo trong tuyết, trong mưa, trong không khí tịch mịch. Trong tiếng gào, chỉ còn hồn dân tộc ở đó. Đẹp như trận bán kết gặp Qatar, đẹp như trận tứ kết gặp Iraq, đẹp như trận hòa Syria. Người Việt Nam yêu đội bóng này tha thiết, chính vì tượng trưng cho cái đẹp nằm sâu kín trong lòng người Việt."

P/S: Nhiều người bảo tôi viết sau trận Iraq, sau trận Qatar, nhưng tôi đợi hết giải mới viết. Ngày viết xong, quanh tôi lại chỉ toàn chuyện ngoài lề. Vậy giá trị của bài này, xin nhắc lại cái gì đẹp nhất của bóng đá, cái gì đã đưa các em đến đây.

"Thượng hữu thiên đường, hạ hữu Tô Hàng". Câu thơ ấy có nghĩa là “Trên có thiên đàng, dưới có Tô Hàng”, ý bảo về vẻ đẹp của hai vùng Tô Châu và Hàng Châu thuộc Giang Nam, Trung Quốc. Tô Châu nằm trên bờ Thái Hồ thuộc tỉnh Giang Tô, xưa kia được chọn làm kinh đô của nước Ngô. Sau khi Việt Vương Câu Tiễn đánh bại nước Ngô, đã biến Tô Châu thành kinh đô nước Việt. 

2490 năm sau.

Trên Thường Châu, thuộc Giang Tô, một đoàn quân áo đỏ đi lầm lũi dưới trời mưa tuyết. Giữa khung cảnh trầm mặc, bỗng một người lính tách ra khỏi đoàn. Anh cắm lá cờ đỏ dưới ụn tuyết cao bên đường, sau đó cúi rạp mình trước lá cờ, rồi quay lại nhập vào đoàn quân vẫn đang bước đi, trên đôi mắt anh vẫn còn hoe đỏ.

Đoàn quân áo đỏ ấy có tên là U23 Việt Nam.

Ngày hôm đó, có một lá cờ nước Việt khác cắm trên Tô Châu. Nhưng không phải chiến tranh, cũng chẳng phải là nước Việt của vị vương tên là Câu Tiễn năm nào, mà đó là Việt Nam, mà chỉ là bóng đá. Cũng chẳng có những màn gió tanh mưa máu, cũng chẳng có tranh quyền đoạt lợi. Duy có một điều vẫn không hề thay đổi sau gần 3.000 năm biến động, sau bao đổi thay của tuế nguyệt: cảm giác tự hào bất khuất của người đi chinh phục. Hôm đó, đoàn quân áo đỏ là người chinh phục.

Quốc lộ 20 là tuyến đường huyết mạch nối thành phố du lịch Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng với Thành phố Hồ Chí Minh. Nơi này trung bình cứ 5 đến 7 phút, lại có một chuyến xe chạy ngang qua. 15h30 chiều ngày 27/01/2018, trên một ngôi nhà dọc tuyến quốc lộ, thỉnh thoảng có một người dân tò mò bước ra đường. Bởi đã hơn 20 phút rồi, mà không thấy chuyến xe nào chạy ngang nhà như mọi lần. Ngày hôm ấy, cả đất nước đã đồng loạt đứng im xem U23 Việt Nam đá chung kết với U23 Uzbekistan.

Thường Châu rất lạnh.

Trung vệ Bùi Tiến Dũng đã chảy máu, máu đổ mặn chát cả miệng anh. Bông tuyết rơi lên đầu, lên môi. Sắc tuyết lả tả như những đốm bông lại càng tô điểm thêm màu đỏ của giọt máu. Vậy mà chàng trai đó không cảm thấy đau. Đội nhà đang chịu một quả ném biên, và anh quyết cắn răng thi đấu tiếp, cố bám trụ lại, hòng ngăn cho xong đợt tấn công này. 

Tuyết rơi quá dày, còn đối thủ quá nhanh, anh không thể bỏ đi. Nhưng trọng tài đã thấy, lần một nhắc nhở, Tiến Dũng lắc đầu. Đến lần thứ hai, anh phải ra ngoài để nhân viên y tế chăm sóc. Lúc này, Tiến Dũng mới thấy đau, cơn đau đi cùng sự sốt ruột.

Tuyết vẫn rơi.

Công Phượng ngã xuống. Nơi này, sân Thường Châu, tuyết dày không ngăn được đôi chân của Phượng. Bởi số 10 ấy đã từng đi qua nhiều sân bóng buồn thảm hơn rất nhiều. Tuổi thơ ấu sống bên những sân cày, trâu bừa đã tìm thấy điểm quen thuộc giữa nghịch cảnh. Giữa mưa tuyết, Công Phượng vẫn đi bóng được, và một trong những pha bóng lắt léo ấy đã tìm ra điểm sáng, khi kiếm được một cú sút phạt ngay trước vòng 16m50. 

Bất chấp thời tiết khắc nghiệt không ủng hộ, U23 Việt Nam vẫn chiến đấu ngoan cường và Công Phượng vẫn dũng cảm đi bóng để kiếm về quả phạt cho đội nhà

Phượng nhìn về điểm đá phạt, trong lòng bừng lên cảm giác khó diễn tả. Thực sự thì, đã bao nhiêu lâu rồi, Phượng phải rời xa cảm giác của người hùng ấy, thứ cảm giác muốn làm một cái gì đó vĩ đại, cảm giác của kẻ xuất chúng vượt trội giữa những người đồng đội. Nhưng, Phượng hiểu vị trí đó không thuộc về mình. Một ngày Phượng sẽ giành lấy, nhưng không phải lúc này. Lúc này, chỉ có tổ quốc.

Tuyết càng lúc càng nặng hạt.

Văn Thanh chạy tới và rồi quỵ xuống cào tuyết. Kẻ ấy, chỉ hai ngày trước thôi, còn ngạo nghễ khoanh tay sau khi sút cú sút quyết định vào lưới Qatar, giờ thì đôi tay ấy lại đang cào từng lớp tuyết, dọn thật sạch cho đồng đội của mình có thể thoải mái nhất. Lúc ấy, Văn Thanh nghĩ gì? Đó đâu phải là kẻ vinh quang, đâu phải là kẻ ngạo nghễ, chỉ có kẻ cúi xuống dọn tuyết cho đồng đội. 

Cạnh Văn Thanh, là Đức Huy – người hùng thầm lặng. Chàng trai số 8 đã một mình càn quét, đánh chặn, dọn khoảng trống cho Quang Hải – Xuân Trường suốt cả giải đấu, thì giờ cũng lặng lẽ dọn tuyết cho hai người đồng đội ấy. Anh dọn xong, còn dùng giày đá tuyết sang một bên để Quang Hải dễ chạy đà, rồi mới đứng sang bên cạnh hai bóng Quang Hải – Xuân Trường. Nét bình dị lại luôn tạo nên sức mạnh cuộn chảy cho sự bùng nổ.

Quang Hải đứng trước bóng, đứng trong mưa, trong gió. Quanh anh, là tiếng hô của hàng ngàn cổ động viên Việt Nam trên khán đài giữa mưa tuyết. Những cổ động viên ấy, có những người đã lặn lội trong đêm để mua vé. Cách đó hai ngày, họ gọi điện thẳng vào các công ty lữ hành mà không trả giá, chỉ cần đưa được họ đến đây, để được thấy “Những ngôi sao vàng” chơi bóng trên bầu trời Thường Châu. Nhìn vào Quang Hải khi đó, còn hàng trăm người Việt Nam khác đã kẹt lại biên giới Việt – Trung vì vấn đề thủ tục. Nhưng tất cả sẽ quên đi nhọc mệt, nếu cú sút phạt này thành công. 

Văn Thanh và Đức Huy miệt mài cào tuyết để chuẩn bị cho Xuân Trường và Quang Hải dồn hết sức mạnh vào quả đá phạt quý giá.
Hà Nội, Sài Gòn, bắt đầu có mưa. Nhưng không ai rục rịch rời khỏi đó. Vì trên Thường Châu, các cầu thủ phải chịu những hoàn cảnh khắc nghiệt hơn rất nhiều. Ở bên kia bầu trời, người hâm mộ biết các cầu thủ phải đối diện với những đối thủ cao to, giữa hoàn cảnh lần đầu tiên phải chơi bóng trong thời tiết đó. Còn họ, ngoài tấm lòng, tiếng gào thét và một mái đầu ướt sũng nước, chẳng có gì cho các cầu thủ.

Quang Hải lùi lại 4 bước chân. Bốn bước chân ấy tượng trưng cho bốn bàn thắng trước đó của Hải. Một bàn vào lưới Hàn Quốc để khiến tất cả phải chú ý vào U23, một bàn vào lưới Australia giúp Việt Nam có một chiến thắng lịch sử, và hai bàn vào lưới Qatar để đưa người hâm mộ đến những tột đỉnh cảm xúc. 

Phút giây ấy, người hâm mộ bỗng nghĩ về những người hùng khác của đội tuyển. Chúng ta nhớ đến Công Phượng, Phan Văn Đức, Hà Đức Chinh, những người đã ghi những bàn thắng vào lưới Iraq khiến người hâm mộ điên lên vì hạnh phúc. Chúng ta nhớ về Đình Trọng, Văn Hậu … với những pha cản phá bóng có giá trị bằng một bàn thắng. Nhớ về Văn Thanh, Tiến Dũng, với hai cú sút penalty quyết định lạnh lùng đưa bóng đá Việt Nam vào trận chung kết. 

Đấy là Xuân Trường, tấm băng đội trưởng trên tay, nụ hôn trên ngực áo và cánh tay chỉ thẳng lên trời. Đấy là Bùi Tiến Dũng với 4 lần cản phá penalty, và có 2 lần cản phá khiến bao người bật khóc trước màn hình tivi. Còn anh, lạnh lùng bước đi như một cảnh trong phim hành động. Đấy còn là những pha xuống cánh của Hồng Duy làm thay đổi thế trận trước Qatar, là máy quét Đức Huy thầm lặng, là Duy Mạnh với khuôn mặt baby nhưng gan lỳ tính dân tộc, là Xuân Mạnh đá bóng mà canh cánh món nợ của cha mẹ. 

Quang Hải đã vẽ lên một đường cầu vồng làm sáng rực cả trời tuyết ảm đạm.
Đây là đội tuyển Việt Nam mà người Việt Nam đã luôn mơ về: bản lĩnh, lì lợm, tâm lý vững, thể lực tốt, chiến thuật đúng, đạo đức và chuyên nghiệp.

Quang Hải chạy đà.

Một đường cầu vồng được vẽ lên giữa trời ảm đạm, sắc lạnh như lưỡi kiếm, cắt ngang giữa trời tuyết lả tả, như kẻ kiếm khách thổi máu và tuyết trên mũi kiếm của mình. Đường bóng lạnh như băng, mà xúc cảm lại ấm như lửa. Vào !!! Cả Thường Châu rúng động, bên kia bầu trời, người Việt ôm lấy nhau. 

Bàn thắng thổi bay cái không khí lạnh lẽo trong tuyết, trong mưa, trong không khí tịch mịch. Trong tiếng gào, chỉ còn hồn dân tộc ở đó. Đẹp như trận bán kết gặp Qatar, đẹp như trận tứ kết gặp Iraq, đẹp như trận hòa Syria. Người Việt Nam yêu đội bóng này tha thiết, chính vì tượng trưng cho cái đẹp nằm sâu kín trong lòng người Việt. 

Đội tuyển U23 Việt Nam đã thể hiện đúng tinh thần Việt nhất: kiên gan, bền chí, chưa bao giờ biết khuất phục trước kẻ mạnh. Hai mươi bảy năm từ ngày bóng đá hội nhập, bóng đá Việt đã mất đi cái hồn Việt, khi luôn thua bạc nhược, yếu kém và mang tâm lý sợ hãi trước các đối thủ mạnh. Nhưng đó không phải là lịch sử Việt Nam, đó không phải tính cách dân tộc Việt Nam. Bản chất của dân tộc này vốn không sợ cường quyền, luôn lì lợm trước kẻ thù mạnh. Hai mươi bảy năm qua, chúng ta khát khao vô cùng một đội tuyển như U23 hôm nay. 

Đoàn quân ấy giành được tình cảm bởi sự bé nhỏ mà gan lì, mang vẻ đẹp lãng mạn mà vẫn biết cách vùng lên, có lối sống tốt đi cùng chuyên môn tốt, có những hành động nhỏ nhưng tinh ý để biết dâng tràn những xúc cảm dân tộc. Đã chiến đấu vì ngôi sao trên ngực áo, không phải vì những đồng tiền, không phải vì những lời hứa. 

Nhưng nghịch cảnh đã không cho phép U23 Việt Nam hoàn thành câu chuyện cổ tích có hậu.
Một đội bóng đã bật máu cho danh dự dân tộc. Một đội bóng như chính dân tộc Việt, luôn bị o ép trong quá khứ vẫn biết cách vùng lên. Hôm nay, đội bóng ấy bị trọng tài ép uổng, vẫn cắn răng và đòi lại công bằng. Khi cả giải có 6 quả 11m thì riêng Việt Nam bị thổi mất 3 quả, mà 2 quả không rõ ràng. Chưa kể còn những pha bóng cắt còi vô lý khác, đặc biệt nhất là pha bóng việt vị ở phút 120 trận gặp Iraq. 

Đội bóng ấy như chính nghịch cảnh nước Việt, chịu những khó khăn bất ngờ. Đội bóng U23 đó, luôn nghỉ ít hơn một ngày so với đối thủ, luôn phải di chuyển từ nơi này sang nơi khác, và đến trận chung kết thì lại gặp mưa tuyết. Đội bóng ấy như chính hồn dân tộc Việt, có những con người đi lên từ những khó khăn nhất. 

Cái chân của Bùi Tiến Dũng vẫn đau, vẫn quấn băng trắng, nhiệt độ dưới 0 độ khiến cái chân đó sưng tấy lên và khô cứng như thạch cao. Mũi các cầu thủ luôn đỏ, vì trời quá lạnh. Các cầu thủ đá liên tục 3 trận kéo dài 120 phút trước những đối thủ đều hơn một cái đầu. Vậy mà vẫn bình tĩnh chơi bóng, vẫn quật cường lội ngược dòng. Còn gì xúc cảm hơn thế? 

Đội bóng được yêu vì hồn dân tộc thấm đẫm trong mỗi bước chạy. Vì binh pháp, sở trường đánh giặc ngàn đời của cha ông là cách phòng ngự khoa học và phản công bất ngờ. 27 năm qua, chúng ta đã thất lạc đi điều ấy. Đội tuyển hôm nay tìm lại cho chúng ta.

Đẹp như dân tộc, và mang cả nỗi đau của dân tộc.

Phút 119. Quả phạt góc được tạo ra, bóng áo số 11 ập vào, và cô gái áo hồng khóc trên sân Thường Châu. 

Nước mắt đã tuôn dài giữa trời tuyết Thường Châu.
Mưa tuyết Giang Nam mịt mùng nỗi ly sầu. 

Một bản tráng ca thì có cả bi ca lẫn hùng ca. Mưa tuyết Thường Châu giăng trên bầu trời, trong bóng dáng những người tha phương nước Việt, dội lên những giấc mộng bên lá cờ đỏ thắm nằm ở đụn tuyết Thường Châu. Nước mắt rơi không phải vì oán trách, không phải vì không vô địch, mà vì thương cầu thủ, vì tiếc nuối vì biết ta có thể làm được nhiều hơn thế.

Không có chuyện cổ tích, nhưng chẳng phải chuyện cổ tích thường kết thúc sớm vì người ta coi đó là nhất thời hay sao? Một cổ động viên Indonesia đã viết "Chỉ 2-1 thôi à? Có biết Việt Nam là một đất nước nhiệt đới không? Và giờ họ phải chơi trong tuyết. Tôi sẽ nói rằng Uzbekistan đã quá may mắn vì thời tiết." 

Tất cả châu Á và Đông Nam Á đã yêu quý Việt Nam về sự quật cường và xúc cảm đó. Bây giờ, bản thân Việt Nam phải biến chức Á quân này trở thành đẳng cấp. Khi có mục tiêu phấn đấu, ắt sẽ cố giành lấy, và muốn thế, thì phải đi tiếp con đường mà chúng ta đã đi thời gian qua. Á quân đẹp vì cái tương lai sâu xa. Ngược lại, những nền bóng đá nhỏ mà vô tình ở trên đỉnh cao thì dễ trượt dốc khi ngơ ngác không biết phải làm gì cho hợp lẽ. 

Đêm đó, người dân đã hô “Việt Nam vô địch” trong ngày Việt Nam thất bại. 

Và mưa tuyết Thường Châu, muôn vàn sợi nhớ, xen ngang sợi hy vọng, bi ca xen vào hùng ca.

DŨNG PHAN 01.02.2018

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.