Biểu tình ở Hồng Kông đòi trả tự do cho các luật sư bị bắt bớ tại Hoa lục, 23/07/2015. |
Đăng ngày 24-07-2015
Đã có một chiến dịch càn quét các luật sư bảo vệ
nhân quyền Trung Quốc với: 233 người bị trấn áp và 14 luật sư đã bị tống
giam. Le Courrier International trích đăng bài viết của Phạm Trung Tín
(Fan Zhongxin), một luật gia can đảm đã lên tiếng bênh vực cho họ trên
mạng xã hội.
Trong những ngày gần đây, công an
Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch đại quy mô trên toàn quốc đánh
vào các luật sư chuyên bảo vệ quyền lợi của công dân, và các luật sư bị
gọi là « ngoan cố ». Dân tình cả nước rúng động, và thế giới thì quan ngại.
Phạm Trung Tín viết : Với tư cách một thành viên trong giới luật gia,
tôi không thể mắt lấp tai ngơ trước những sự kiện này. Tôi phải đặt ra
những câu hỏi về điều 35 Hiến pháp đảm bảo tự do ngôn luận, điều 41
khẳng định quyền phê bình các cơ quan và viên chức nhà nước, đưa ra
những đề nghị, khiếu nại hoặc tố cáo.
Chiến dịch đánh vào các luật sư biểu thị qua việc bắt giữ hàng loạt,
hoặc triệu tập lên công an (ít nhất 233 luật sư bị quấy nhiễu, 14 người
bị tống giam và 6 người mất tích). Hoạt động này được tiến hành đồng
thời và có phối hợp giữa các lực lượng an ninh trên toàn quốc.
Một lô một lốc báo chí nhà nước đăng bài kết tội họ. Nhiều nghi can
bị buộc phải thú tội trên kênh truyền hình quốc gia, ngay cả trước khi
ra tòa, để làm gương và để trấn áp. Các trang web của Bộ Công an và Tòa
án Tối cao đăng những bài viết lên án các luật sư này là thành viên của « các băng nhóm tội phạm ».
Người ta còn chứng kiến một chiến dịch bôi nhọ hình ảnh của một số
người và mưu toan hạ nhục công khai. Chỉ trong vài ngày, những lời bình «
được đặt hàng » dưới những bài viết trên internet được đăng trên nhiều
trang web và báo chí, đưa ra những thông tin « tiết lộ », « tố cáo » những « vi phạm đạo đức » (như cuộc sống tình cảm buông thả, quan hệ với gái mại dâm hay lừa tiền).
Cuối cùng, nhiều tài khoản trên mạng bị khóa, các tin nhắn bị xóa đi
hay cấm đương sự phát biểu. Tất cả những ý kiến về chiến dịch đàn áp
giới luật sư đều bị kiểm duyệt, trong khi các « dư luận viên » tung ra
vô số lời thóa mạ, bêu riếu tác giả những bài viết đặt dấu hỏi về chiến
dịch, nhất là đối với các luật sư và nhà nghiên cứu.
Từ những sự kiện trên, ông Phạm Trung Tín rút ra kết luận chiến dịch
trên không phải là việc thực thi luật pháp, mà là hành động thanh trừng
nhắm vào giới luật gia.
Nhà giáo kiêm luật gia nhắc lại sáu nguyên tắc căn bản mà công an
phải tôn trọng. Thứ nhất, người bị bắt phải được quyền báo tin cho người
thân và được gặp luật sư. Thứ hai, không được buộc một nghi can nhận
tội trước ống kính truyền hình, hoặc ít nhất phải có luật sư chứng kiến.
Thứ ba, không được tổ chức các chiến dịch vu cáo trên mạng (đặc biệt với những lời lẽ tố cáo sặc mùi Cách mạng văn hóa như « luật sư thoái hóa », « luật gia bất lương », « phản quốc », « bán mình »…).
Thứ tư, những người bị báo chí chính thức lên án phải được quyền trả
lời. Thứ năm, không được dùng bất cứ hình thức tra tấn nào để bức cung.
Cuối cùng, cần phải công khai các văn bản chứng minh cho chiến dịch toàn
quốc này, cũng như các chỉ đạo.
Luật gia Phạm Trung Tín kết luận : Khi nào người ta có thể đảm bảo
với tôi là những nguyên tắc trên được tôn trọng, chỉ và chỉ khi đó, tôi
mới nhìn nhận rằng mình đã sai lầm khi đánh giá đây là một chiến dịch
thanh trừng chính trị không thua gì « chiến dịch chống hữu khuynh » trước đây. Tôi sẽ tự nộp mình cho tư pháp để xin chuộc tội, và chân thành xin lỗi tất cả những độc giả đã đọc bài này !
Vàng mất đi thời hoàng kim
Trên lãnh vực kinh tế, phụ trang báo Le Figaro trong bài viết « Vì sao giá vàng sụt giảm ? » tìm cách lý giải nguyên nhân giá vàng thế giới lại xuống thấp nhất kể từ năm 2010 đến nay.
Theo Le Figaro, việc giá vàng bỗng dưng lao dốc trong khi từ đầu
tháng Giêng vẫn ổn định, là do nhiều nguyên nhân cộng lại. Thứ Sáu tuần
trước, người ta phát hiện rằng Trung Quốc mua vào ít vàng hơn so với dự
kiến của các nhà đầu tư. Lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc
thông báo đã mua 600 tấn vàng kể từ năm 2009, trong khi thị trường trông
đợi 400 đến 500 tấn mỗi năm. Dự báo ở mức cao này khiến giá vàng tăng
trong những năm gần đây, nay thì các nhà đầu tư thất vọng.
Một yếu tố khác là Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ (FED) mới đây khẳng
định lãi suất chỉ đạo của Mỹ lại bắt đầu tăng trước cuối năm, khiến đồng
đô la tăng giá. Trong lúc đó giá vàng được tính theo đô la sẽ giảm
xuống khi đô la tăng giá, và ngược lại. Vàng không còn sinh lợi, nên các
nhà đầu tư thích mua cổ phiếu, tuy rủi ro, nhưng có thể tăng giá, như
từ khi Hy Lạp và các chủ nợ đã đạt được thỏa thuận. Cũng như năm 2013,
các nhà đầu tư bắt đầu bán hàng loạt vàng dự trữ ra thị trường.
Ngày càng nhiều các nhà phân tích tin rằng giá vàng sẽ còn tiếp tục
sụt giảm. Chuyên gia Robin Bhar của ngân hàng Société Général nhận định :
« Theo truyền thống, vàng là một bảo đảm trước lạm phát. Nhưng mức
lạm phát hiện nay rất thấp, và mối lo sợ khủng hoảng tài chính liên quan
đến Hy Lạp nay không còn mấy. Thời kỳ này khá yên ổn. Hơn nữa, vàng
cũng cùng chung sô phận với các nguyên liệu khác hiện cung đang cao hơn
cầu rất nhiều ». Ông dự đoán đến cuối năm nay, một once vàng sẽ ở mức dưới 1.000 đô la, lần đầu tiên kể từ năm 2009.
Nông nghiệp Pháp đứng trước hai ngã rẽ
Cũng về kinh tế, bài xã luận của Le Monde khi nhận định về phong trào
phản kháng của giới nông dân Pháp hiện nay, cho rằng nước Pháp phải
chấm dứt thái độ do dự trong chính sách nông nghiệp. Hoặc một nền nông
nghiệp được công nghiệp hóa để cho ra sản phẩm giá rẻ, hoặc chú trọng
đến giá trị của các đặc sản nước Pháp.
Chăn nuôi, trồng trọt theo công nghiệp với giá thành thấp, đó là con
đường mà Đan Mạch, Hà Lan, Đức đã chọn lựa. Nhưng Pháp không được vũ
trang đầy đủ để chạy đua, vì giá nhân công cao hơn các nước láng giềng.
Công chúng Pháp và các nhà đấu tranh sinh thái cũng dị ứng với phương
thức này, họ không cần biết chăn nuôi kiểu gia đình với 50 con bò vẫn có
thể gây ô nhiễm tương đương với một trang trại chăn nuôi đại quy mô,
trang bị hiện đại để xử lý chất thải.
Hậu quả là Pháp vốn là nước xuất khẩu nông sản phẩm thứ nhì thế giới
trong thập niên 90, nay bị đẩy xuống hàng thứ năm, đứng sau Hoa Kỳ, Hà
Lan, Đức và Brazil, mà thứ hạng này còn giữ được là nhờ rượu vang…
Tờ báo đề nghị con đường thứ hai : tập trung cho chất lượng tuyệt hảo
và các đặc sản nổi tiếng của Pháp. Chất lượng và cạnh tranh, nước Pháp
phải chọn lựa và ra khỏi tình trạng bất nhất như hiện nay.
Ít vũ khí nguyên tử hơn, nhưng đe dọa tăng lên
« Nguyên tử : Ít vũ khí hơn, nhưng đe dọa cao hơn », đó là
tựa đề bài viết trên trang địa chính trị của Le Monde. Theo tờ báo, thỏa
ước ký kết với Iran không giúp tránh được nguy cơ phổ biến vũ khí hạt
nhân trên thế giới. Mối đe dọa nguyên tử ngày nay là trung tâm của các
chiến lược gây bất ổn.
Đối với chín cường quốc nguyên tử hiện nay, quả bom hạt nhân là vũ
khí răn đe. Nhưng sự hiện diện của vũ khí nguyên tử trong những khu vực
đang căng thẳng gây ra rất nhiều quan ngại, cho dù thế giới vấn đang cố
gắng chống lại nạn chạy đua phổ biến vũ khí hạt nhân.
Mandela, vị anh hùng nhân ái
Trong mục điểm sách, khi giới thiệu cuốn « Mandela, người hùng châu Phi » trong bộ sưu tập « Họ đã thay đổi thế giới » của
Le Monde chuyên đề lịch sử, tác giả nhận định ông Nelson Mandela là một
nhân vật vĩ đại nhưng tính cách rất bình dị, nhân bản.
Nelson Mandela luôn quan tâm đến những con người bình thường chung
quanh, từ anh đầu bếp, chị tạp vụ cho đến anh tài xế, những nhân viên «
quèn » mà các vĩ nhân thường ít để ý đến. Ông nhớ tên từng người, biết
những chi tiết về gia đình họ và quan tâm thực sự. Vị Tổng thống da đen
đầu tiên của Nam Phi còn thuyết phục các nhân viên đã phục vụ cho người
tiền nhiệm tiếp tục ở lại vị trí, và đối đãi rất tử tế với họ.
Trang nhất báo Pháp
Thời sự trong nước chiếm trang nhất các báo Pháp hôm nay. Libération
đề cập đến loại vi khuẩn đã giết hại hàng ngàn cây ô-liu ở miền nam nước
Ý đã được nhận diện gần Ajaccio, báo động sẽ lây lan trên đảo Corse của
Pháp. Le Figaro quan tâm đến trường hợp « Vincent Lambert, quyết định bất khả ».
Các bác sĩ chịu trách nhiệm quyết định số phận người thanh niên sống
gần như thực vật một tai nạn, hôm qua đã từ chối khẳng định tiếp tục hay
ngưng các biện pháp y tế nhằm duy trì mạng sống của anh.
Trên lãnh vực kinh tế, Le Monde chạy tựa « Các dân biểu áp thuế carbon tăng gấp bốn lần »,
khi thông qua đạo luật chuyển đổi năng lượng, trong đó thuế đánh vào
việc thải khí carbon tăng cao vào năm 2030. Nhật báo kinh tế Les Echos
chú ý hiện tượng « Đến lượt châu Âu lao vào cơn sốt start-up », với
gần 4 tỉ đô la đầu tư vào các công ty kỹ thuật cao có tiềm năng chỉ
trong quý I năm nay. Tờ báo công giáo La Croix chạy tựa trang nhất « Đức Giáo hoàng khơi ra cuộc tranh luận về kinh tế ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20150724-trung-quoc-quay-lai-voi-thanh-trung-chinh-tri-ac-liet/
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.