Đăng ngày 15-07-2015
« Tại Trung Quốc, bản thân khái niệm công lý cũng bị chính quyền bôi xấu »,
nhà Trung Quốc học Chloé Froissart tại Bắc Kinh tỏ ra lo ngại trước
việc chính quyền nước này bố ráp các nhà đấu tranh cho nhân quyền.
Từ
thứ Năm tuần trước, đã có mấy chục luật sư và nhà bảo vệ nhân quyền bị
sách nhiễu, bắt giam hoặc mất tích tại Trung Quốc, sau một chiến dịch
đàn áp quy mô của công an. Tổ chức Fengrui, nơi nhiều nhà đấu tranh nhân
quyền làm việc bị Nhân dân Nhật báo gọi là « băng nhóm tội phạm có tổ chức ». Amnesty International nhận định tầm cỡ của chiến dịch này là « chưa từng thấy ».
Theo chuyên gia Chloé Froissart, đây thực sự là một cuộc « bố ráp »
đánh vào khoảng 70 người. Khó thể biết được chính xác số nạn nhân là
bao nhiêu, vì một số người bị mời đến đồn công an để uống trà, số khác
bỗng dưng mất tích, và nhiều người đã bỏ trốn được. Một số là những nhân
vật tiếng tăm, nhưng cũng có những người ít quan trọng hơn. Khoảng hai
mươi người đã bị bắt giam.
Trước nay chỉ có những vụ tấn công với
mục tiêu cụ thể, nhưng nay đã là một chiến dịch mang tầm cỡ quốc gia.
Bắc Kinh đã thay đổi quy mô, chiến thuật và ngay cả phương thức thông
tin. Một chiến dịch vu khống đã được tung ra.
Các luật sư luôn lo
lắng từ khi đồng nghiệp Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong), người sáng lập tổ
chức phi chính phủ Open Constitution Initiative và lãnh đạo phong trào
Tân Công Dân bị kết án vào năm ngoái. Chiến dịch đàn áp mới diễn ra sau
vụ năm nhà đấu tranh nữ quyền bị bắt ngay trước ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3,
trong khi các cô chuẩn bị các hoạt động chống quấy rối tình dục trên
các phương tiện giao thông công cộng.
Cách đây hai tháng, Bộ Ngoại
giao Trung Quốc cũng đã lên án hiệp hội Yirenping – chuyên đấu tranh
chống kỳ thị những người bị viêm gan siêu vi B và SIDA – là « hoạt động bất hợp pháp ». « Vi phạm pháp luật, gây bất ổn xã hội, xúi giục gây rối trật tự công » là những cáo buộc nặng nề ngày càng được gán cho các nhà hoạt động nhân quyền.
Chuyên
gia Froissant nhận định, điều đáng ngại nhất là ngay bản thân khái niệm
công lý cũng bị bóp méo. Trong khi khẩu hiệu của ông Tập Cận Bình là « quản lý theo luật pháp », là « tôn trọng Nhà nước pháp quyền », thì tất cả những ai cố gắng cổ vũ cho một nền tư pháp minh bạch đều bị coi là những tên tội phạm.
Dự
luật mang tính hồi tố về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, hiện
đang được Quốc hội xem xét lần thứ hai, cũng hình sự hóa việc bào chữa
của các luật sư. Mỗi người phải chứng minh rằng mình vô tội trước khi
hành nghề, và rồi bị kiểm soát toàn bộ. Hoạt động vì công bằng xã hội bị
gán cho màu sắc phương Tây, bị quy là mưu toan gây bất ổn cho đảng Cộng
sản, có nghĩa là cáo buộc các tội danh hình sự.
Thỏa thuận lịch sử về nguyên tử Iran : Thắng lợi mới của Obama
Hiệp
ước hạt nhân mà sáu cường quốc đạt được với Iran và thỏa thuận giữa
Liên hiệp Châu Âu với Hy Lạp về vấn đề nợ, là hai chủ đề chính được báo
chí Pháp đề cập hôm nay.
Le Monde đăng ảnh Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bên cạnh đồng nhiệm Iran, và chạy tựa « Thỏa ước lịch sử về nguyên tử Iran ». Hiệp định này theo Le Monde, đánh dấu một sự xích lại gần ngoạn mục giữa Teheran và Washington, tuy bị Israel tố cáo là « một sai lầm lịch sử ».
Le Figaro cho rằng « Nguyên tử Iran : Thỏa hiệp ngoại giao đánh dấu cho sự quay lại của Teheran trên trường quốc tế », kết thúc 12 năm thương lượng. Nhật báo Libération chơi chữ trong hàng tựa trang nhất : « Thỏa thuận hạt nhân : Iran làm giàu ».
Chấp nhận không làm giàu uranium cho mục đích quân sự để đổi lấy việc
dỡ bỏ cấm vận, Teheran nhờ đó đã quay lại trên trường ngoại giao.
« Nguyên tử Iran, thử thách của một hiệp ước »,
đó là hàng tít trang nhất của nhật báo công giáo La Croix. Tờ báo nhận
định, nếu thực hiện thành công thỏa thuận này, sẽ tạo ra được sự năng
động tích cực ở Trung Đông. Người dân Iran được hưởng lợi qua việc dỡ bỏ
dần cấm vận kinh tế, tuy nhiên thỏa ước hạt nhân vừa đạt được lại gây
phẫn nộ cho Israel và các quốc gia vùng Vịnh.
Nhật báo Les Echos chạy tựa « Iran : Thỏa thuận với phương Tây đã làm thay đổi thế trận ».
Tờ báo kinh tế phân tích việc Teheran chấp nhận đóng băng chương trình
nguyên tử trong 10 năm để được xuất khẩu dầu lửa và đón nhận đầu tư, sẽ
có tác động mạnh lên thị trường dầu hỏa thế giới.
Từ Cuba đến Iran : Không còn « trục tội ác » ?
Trên lãnh vực ngoại giao, nhật báo thiên tả Libération nhận định « Sau Cuba đến Iran, Barack Obama làm giảm đi ý nghĩa ‘trục tội ác’ ». Thỏa
ước vốn là thành công của Tổng thống Mỹ, bị phe Cộng hòa chỉ trích là
đã « đại hạ giá » vấn đề an ninh của Hoa Kỳ và của Israel.
Còn một
năm rưỡi nữa là kết thúc nhiệm kỳ, ông Barack Obama rốt cuộc đã có thể
gặt hái thành quả của chủ thuyết ngoại giao : thương lượng thay vì vũ
lực. Ngay sau sự kiện lịch sử là tái lập quan hệ ngoại giao với Cuba,
thỏa thuận nguyên tử với Iran, dưới mắt chính quyền Mỹ, lại là một chiến
thắng mới.
Bà Suzanne Maloney, chuyên gia về Iran của Brookings Institution nhận xét :
« Đối với Nhà Trắng, thỏa ước Teheran đại diện cho hy vọng để lại một
gia tài ngoại giao, vừa quan trọng vừa gây tranh cãi, tương tự như các
vấn đề trong nước là cải cách y tế và hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính ».
Là
một trong những người hiếm hoi phản đối chiến tranh Irak năm 2003, được
bầu lên vào năm 2008 với lời hứa rút quân Mỹ khỏi Irak và Afghanistan,
ông Barack Obama luôn cho rằng giải pháp đối thoại là phương cách tốt
nhất để ngăn cản Iran chế tạo bom nguyên tử. Thomas Shea, cựu chuyên gia
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) phấn khởi : « Đây là
lần đầu tiên năm thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cùng hành
động để ngăn trở một Nhà nước sở hữu vũ khí nguyên tử ».
Tuy
vậy phe Cộng hòa chỉ trích dữ dội thỏa thuận Vienna, lên án hai ông
Barack Obama và John Kerry hy sinh an ninh quốc gia cho tham vọng cá
nhân. Quốc hội với đa số Cộng hòa có 60 ngày để xem xét từng chi tiết.
Tổng thống Obama sẽ phải cố gắng thuyết phục các đại biểu Dân chủ không
nên liên kết với phe đối thủ, vì nếu đạt hai phần ba túc số, quyền phủ
quyết của Tổng thống sẽ bị vô hiệu hóa.
Nhưng việc này không dễ
dàng, vì nhiều dân biểu, nghị sĩ Dân chủ không ngần ngại công khai những
quan ngại của họ, đặc biệt về khả năng dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với
Iran. Thượng nghị sĩ Robert Menendez, thành viên Ủy ban Ngoại vụ cho
rằng, nếu để Teheran sở hữu các hệ thống phòng không hiện đại, thì sau
này sẽ rất khó tấn công các cơ sở nguyên tử Iran nếu họ không tôn trọng
thỏa ước. Ông cũng lo ngại Iran sẽ dùng nguồn tiền mới (khoảng 100 đến
150 tỉ đô la, nhờ bỏ cấm vận và chấm dứt đóng băng tài sản ở nước ngoài)
để gây bất ổn trong khu vực.
Ngược lại, sự kiện tất cả các cơ sở
nguyên tử Iran kể cả quân sự sẽ được mở cửa cho các thanh tra Liên Hiệp
Quốc, có thể trấn an các đại biểu còn đang do dự.
Chính sách ngoại giao Obama : Thành công và thất bại
Tương
tự, trong bài trả lời phỏng vấn Le Figaro, cựu đại sứ Pháp tại Hoa Kỳ,
François Bujon de l’Estang nhận định, ông Obama đã chứng tỏ ông là một
con người của hòa giải. Như lời hứa tranh cử, ông cố gắng tránh cho nước
Mỹ dính líu vào các cuộc xung đột bên ngoài, dù thành công hay không.
Theo
ông De l’Estang, thành công của Tổng thống Mỹ là đã tiến hành rút quân
dần khỏi Irak và Afghanistan, tổ chức đột kích giết được trùm khủng bố
Ben Laden, hòa giải với Cuba, và nay lật sang một trang mới với Iran, 36
năm sau vụ Teheran bắt giữ các con tin Mỹ. Ông cũng quan niệm tương lai
nằm ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khi đóng vai trò không thể thiếu
trong sự đối địch Nhật-Trung, cũng như hiệp ước TPP.
Còn thất bại ?
Đó là tại Cận Đông, trong các hồ sơ phức tạp như Israel-Palestine và
Syria. Ông Obama đã tự làm mất uy tín khi không muốn tấn công quân sự dù
chế độ Assad đã vượt qua « lằn ranh đỏ » sử dụng vũ khí hóa học. Hoa Kỳ
cũng lúng túng trong « Mùa xuân Ả Rập », chìa tay ra với một nước Nga
được lãnh đạo bởi một Tổng thống thù địch với phương Tây.
Iran : Thách thức và vận hội mới
« Vận động kiến tạo » :
Nhật báo La Croix dùng một từ địa chất làm tựa đề cho bài xã luận của
mình. Tờ báo nhấn mạnh đến thử thách lớn nhất, đó là tái lập lòng tin.
Thử thách về sự thay hình đổi dạng của một đất nước thảm hại về mặt kinh
tế, nhờ bỏ dần cấm vận. Thử thách về mở cửa chính trị và vận động ngoại
giao của nước này, trong một khu vực hỗn loạn. Và nhất là thử thách
trước khát vọng mênh mông của xã hội trẻ trung Iran được hòa nhập với
thế giới. Thử thách cho tương lai, cho hòa bình.
Trên lãnh vực
kinh tế, Les Echos ghi nhận thị trường dầu lửa đã nhanh chóng phản ứng:
giá dầu Brent giảm gần 2% ngay sau khi thỏa ước được loan báo, sau đó có
nhích lên nhưng vẫn ở mức thấp nhất kể từ tháng Tư.
Trong khi thị
trường đang dư thừa dầu lửa (khoảng 800.000 thùng/ngày trong quý II),
các nhà đầu tư dự đoán dầu thô Iran sẽ sớm quay lại. Tuy việc dỡ bỏ cấm
vận khó diễn ra trước tháng 12, nhưng Iran với trữ lượng dầu đứng thứ tư
thế giới, sẽ nhanh chóng xuất khẩu dầu trở lại vì có dự trữ quan trọng
trên các tàu dầu. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (AIE) ước tính trữ lượng
này khoảng 40 triệu thùng dầu thô, còn theo Bộ trưởng Năng lượng Iran,
xuất khẩu dầu có thể tăng nửa triệu thùng một ngày ngay sau khi bỏ cấm
vận. Iran cũng rất cần đầu tư nước ngoài, trong đó các tập đoàn lớn của
Pháp đang sẵn sàng.
Hy Lạp : Tất cả đều thiệt thòi
Về
thỏa thuận nợ Hy Lạp, bài xã luận của Le Monde nhận xét, sau hội nghị
thượng đỉnh khu vực đồng euro tại Bruxelles ngày 12/7 để cứu vãn Hy Lạp
khỏi phá sản, một cảm giác cay đắng ngự trị. Đã hẳn là Athens vẫn ở lại
eurozone, nhưng bằng cái giá nào ? Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã
phải chấp nhận các điều kiện tệ hại, là người thiệt thòi nhất. Nhưng
châu Âu cũng không được lợi gì, càng chia rẽ và yếu ớt đi sau hội nghị.
Thủ
lĩnh đảng cánh tả cực đoan Syriza phải chịu trách nhiệm cho thất bại
của mình. Từ khi ông Tsipras lên cầm quyền 5 tháng qua, tình hình Hy Lạp
không ngừng xấu đi. Cuối tháng Sáu, khi đang thương lượng với 18 đối
tác châu Âu, ông có sáng kiến tổ chức trưng cầu dân ý về các đề nghị vẫn
chưa hoàn chỉnh, mà ông cho là không thể chấp nhận được. Kết quả là 61%
dân chúng nói « không ».
Tiếp theo, các ngân hàng đóng
cửa, vốn liếng ồ ạt chảy ra ngoại quốc, và Athens không trả được món nợ
đến hạn cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Cuộc trưng cầu dân ý khiến uy tín của
Thủ tướng Tsipras lên cao hơn trong nước, nhưng ngược lại, đã gây bất
bình mạnh mẽ cho nhiều nước eurozone, nhất là nước Đức. Họ có cảm giác
đang bị bắt chẹt.
Để nhận được kế hoạch cứu trợ thứ ba (86 tỉ
euro, sau khi đã giúp 240 tỉ), các nước khu vực đồng euro, theo ý kiến
của Đức, đã áp đặt cho Hy Lạp các điều kiện khắt khe cho đến nỗi nền
kinh tế nước này hầu như bị đặt dưới sự bảo hộ của các định chế châu Âu.
Như vậy các yêu cầu cải cách được đưa ra hầu như siêu thực và bất khả
thi. Cho dù Quốc hội Hy Lạp có thông qua, Athens cũng khó mà thực thi,
và sáu tháng tới không chừng lại phải đối đầu với một cuộc khủng hoảng
mới.
Khu vực đồng euro cũng chia rẽ. Một bên là các nước nghèo hơn
Hy Lạp, chẳng hạn các quốc gia vùng Bantich và Slovakia đã từng cố sức
thắt lưng buộc bụng để ở lại eurozone, họ tự hỏi vì sao người dân đóng
thuế nước mình lại phải trả giá cho Hy Lạp. Bên kia, Đức kéo theo các
nước mạnh hơn, đặt câu hỏi vì sao phải tặng quà cho Athens? Ở giữa là
các quốc gia với văn hóa la-tinh như Pháp, Ý, Tây Ban Nha, muốn tránh
nguy cơ « Grexit ».
Tất cả vẽ ra bức chân dung một khu
vực đồng euro hoàn toàn không có khả năng giải quyết vấn đề nợ nần của
một đất nước chỉ chiếm có 2% tổng sản phẩm nội địa của toàn khối. Không
có ngân sách riêng, không có cơ chế giải quyết xung đột, dư vị còn lại
cho châu Âu chỉ là nỗi đắng cay.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20150715-trung-quoc-hoat-dong-nhan-quyen-bi-coi-la-toi-pham/
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.