Đăng ngày 23-07-2015
Đạo luật chuyển đổi năng lượng được Hạ viện Pháp
chính thức thông qua hôm qua 22/07/2015, đã khởi động cuộc chạy nước rút
hướng đến việc giảm lệ thuộc vào nguyên tử lực để sản xuất điện. Tuy
nhiên các biện pháp và hậu quả đối đối với các đơn vị liên quan hãy còn
mơ hồ.
Luật chuyển đổi năng lượng đã đáp
ứng mục tiêu hàng đầu của chính phủ đảng Xã hội Pháp, là kiên quyết
giảm từ 75 đến 50% thị phần của điện hạt nhân, trong tổng lượng điện
tiêu thụ đến năm 2025. Đây là một trong những lời hứa tranh cử của Tổng
thống François Hollande.
Luật này cũng dự kiến tổng công suất điện nguyên tử của Pháp từ nay
bị giới hạn ở mức trần 63,2 gigawatt ; tức năng lực hiện nay của 58 lò
phản ứng thuộc 19 nhà máy điện hạt nhân trên toàn quốc.
Mức trần này có nghĩa tập đoàn điện lực Pháp EDF không thể đưa vào
hoạt động các lò phản ứng hạt nhân mới mà không cho ngừng các lò khác.
Như thế nhà máy điện nguyên tử Fessenheim sẽ bị đóng cửa, một khi lò
phản ứng EPR của nhà máy Flamanville bắt đầu hoạt động.
Tuy nhiên tranh cãi tại Quốc hội đã diễn ra gay gắt. Thượng viện Pháp
trong đó cánh hữu chiếm đa số, hai lần cố gắng hủy bỏ lịch trình do
chính phủ đưa ra về việc giảm thiểu năng lượng hạt nhân ; và ngay sau
khi luật được thông qua, sự chống đối vẫn không giảm bớt. Phe hữu cho
rằng việc giảm sử dụng nguyên tử lực chỉ trong vòng mười năm là bất khả
thi.
Theo phía đối lập, trước dự báo tiêu thụ điện sẽ chựng lại hay chỉ
tăng nhẹ, cùng với sự phát triển của năng lượng tái tạo, mục tiêu do đạo
luật ấn định sẽ dẫn đến việc phải ngưng hoạt động khoảng hai chục lò
phản ứng hạt nhân. Cánh hữu lo ngại về hậu quả đối với tập đoàn nguyên
tử Areva, hiện đang gặp khó khăn lớn về tài chính.
Các lò phản ứng hạt nhân hiện nay được phép hoạt động trong vòng 40
năm, nhưng EDF mong muốn Cơ quan An toàn Nguyên tử cho kéo dài lên 50
năm. Trong khi đó, tập đoàn năng lượng Areva đang tích cực thảo luận về
Chương trình năng lượng dài hạn (PPE) nhằm xác định tỉ lệ các loại năng
lượng ấn định trong luật (nguyên tử, gió, mặt trời, dầu khí…), mà theo
các công ty Pháp trong lãnh vực này, cần phải mang tính linh hoạt tối
đa.
http://vi.rfi.fr/phap/20150723-phap-tim-cach-giam-thieu-nang-luong-nguyen-tu/
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.