Xin chân thành cảm ơn tác giả Lê Công Trứ ở Hoa Kỳ, nguyên là bác sĩ tim mạch và nay là tiến sĩ kinh tế, đã vui lòng gởi cho blog Thụy My bài viết rất công phu để hiểu rõ hơn về vaccin trong tình hình dịch Covid hiện nay.
HIỂU BIẾT CĂN BẢN VỀ VACCINE
(cập nhật 03/08/2021)
KIẾN THỨC CĂN BẢN:
1. Kháng thể/ antibodies là gì?
Kháng thể là chất do cơ thể tạo ra để tiêu diệt hoặc chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn hoặc virus vào cơ thể. Kháng thể có chức năng bảo vệ cơ thể không bị nhiễm trùng. Thời gian để cho cơ thể tạo ra kháng thể có thể mất vài ngày hoặc vài tuần lễ kể từ khi cơ thể tiếp xúc với vi khuẩn hoặc virus.
2. Chất kháng nguyên/ antigen là gì?
Kháng nguyên là bất kỳ chất nào đến từ bên ngoài cơ thể (vi khuẩn, virus, độc tố, hóa chất…) khi xâm nhập vào cơ thể, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ tạo ra chất chống lại.
Tuỳ theo nguồn gốc hoặc xuất xứ mà Kháng nguyên được chia làm 3 loại như sau: (1) Kháng nguyên ngoại sinh/ Exogenous, đây là loại Kháng nguyên ngoại lai đối với hệ thống miễn dịch của vật chủ, (2) Kháng nguyên nội sinh/ Endogenous, đây là loại Kháng nguyên được tạo ra bởi được tạo ra do sự sao chép của vi khuẩn hoặc virus trong tế bào của vật chủ và (3) Kháng nguyên tự thân/ Autoantigens, đây là loại Kháng nguyên do chính tế bào hoặc các phần tử làm nên tế bào (DNA hoặc RNA) của vật chủ tạo ra.
Tóm lại: Kháng nguyên là tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, virus, độc tố, ký sinh trùng, nấm, hóa chất, v.v.) mà cơ thể cần loại bỏ và Kháng thể là một protein do cơ thể tạo nên, nó bám dính với Kháng nguyên để cho phép hệ thống miễn dịch của chúng ta xác định và đối phó với Kháng nguyên.
. Tế bào là gì?
Tế bào là đơn vị nhỏ nhất của sự sống.
Tế bào được cấu tạo bởi 5 thành phần chính: nước, chất điện giải, chất đạm (protein), lipid (chất mỡ) và chất đường (carbohydrate). Cấu trúc của tế bào có 2 phần: phần Nhân và phần Bào Tương.
· Nhân Tế Bào: gồm có 4 lớp chính như sau: (i) bên ngoài cùng là Màng nhân. Màng nhân là ranh giới phân chia Nhân và Bào Tương để liên kết với Lưới Nội Bào; (ii) bên dưới màng nhân là Dịch Nhân. Thành phần dịch nhân bao gồm các nucleoprotein, glycoprotein và các enzym chuyển hóa nucleotid; (iii) lẫn trong Dịch Nhân là Chất Nhiễm Sắc Thể. Chất Nhiễm Sắc Thể là cơ sở vật chất di truyền chủ yếu của tế bào hay còn gọi là DNA. Bộ nhiễm sắc thể ở người bao gồm 22 cặp Nhiễm sắc thể thường và 1 cặp NST giới tính; (iv) trong cùng là Hạt Nhân (còn gọi là Nhân Con) của tế bào. Hạt nhân là nơi xãy ra quá trình tổng hợp Ribonucleic Acid (RNA).
· Bào Tương: tất cả tế bào đều có bào tương. Khối lượng và kích thước bào tương thường thay đổi trong quá trình phát triển của cơ thể. Số lượng bào tương và bào quang khác nhau giữa các loại tế bào.
Hiểu đơn giản:
· Một nhóm các Nguyên Tử (Atom) liên kết với nhau tạo thành một Phân Tử (Molecule).
o DNA- Deoxyribonucleic Acid là một phân tử sợi đôi, chứa đường deoxyribose, có đặc tính ổn định trong môi trường kiềm.
o RNA- Ribonucleic Acid) là một phân tử sợi đơn, chứa đường ribose, không có tính ổn định trong môi trường kiềm.
o DNA có vai trò như là vật liệu lưu trữ thông tin di truyền.
o RNA có vai trò mang thông tin di truyền, xúc tác các phản ứng sinh hoá và là một phân tử trong cấu trúc của tế bào.
· Nhiều Phân Tử cấu tạo thành Tế Bào (Cell).
· Nhiều Tế bào liên kết với nhau tạo thành một Cơ Quan (Organ) của Cơ Thể (Body).
Trong việc chế tạo vaccine Covid 19, lợi dụng chức năng mang thông tin di truyền của RNA bên trong virus Corona, các nhà khoa học đã sử dụng mRNA (Messenger Ribonucleic Acid) để đưa vào cơ thể. mRNA của virus Corona được xem như là một kháng nguyên để giúp cơ thể tạo thành kháng thể.
Một ưu điểm khác là mRNA có cấu trúc không bền vững, rất dễ bị phân hủy; Vì thế, nó không có ảnh hưởng đến cấu trúc di truyên (DNA) của cơ thể.
Nói nôm na, mRNA chỉ là một chiếc xe vận tải, chỉ chuyên chở vật liệu, khi vừa đến đích, chiếc xe tải ấy tự phá hủy một cách nhẹ nhàng, cho nên nó không gây tác động đến cấu trúc di truyền của cơ thể.
Việc nghiên cứu mRNA được thực hiện từ những năm 1950, do nhà sinh học người Tây Ban Nha (Spanish) tên là Severo Ochoa (1905-1993), ông được giải thưởng Nobel năm 1959 cho công trình nghiên cứu về RNA.
CÔNG NGHỆ CHẾ TẠO VACCINE
Hiện nay, cơ bản có 6 công nghệ để chế tạo vaccine như sau:
1. Vaccine Sống Giảm Độc Lực/ Live Attenuated Vaccine (Weakened Vaccine): người ta nuôi vi khuẩn hoặc virus trong môi trường nhân tạo, làm cho chúng yếu đi và không có khả năng lây lan; Sau đó, tiêm liều lượng (rất ít) vi khuẩn hoặc virus bị yếu này vào cơ thể, khi đó, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ tấn công vào nhóm vi khuẩn hoặc virus này và cơ thể sẽ tạo thành Kháng thể. Kháng thể này sẽ lưu giử trong cơ thể để có thể tấn công và tiêu diệt nếu có sự xâm nhập của vi khuẩn hoặc virus tương tự trong tương lai. Hoặc hệ thống miễn dịch của cơ thể ghi nhớ quá trình này và nó sẽ được lặp lại khi có vi khuẩn hoặc virrus tương tự xâm nhập. Phương pháp chế biến vaccine này có thể áp dụng cho vi khuẩn hoặc virus, nhưng thông thường phương pháp này được áp dụng cho virus.
Như vậy, Vaccine sống giảm động lực có chứa các thành phần sống của mầm bệnh, nhưng chúng bị suy yếu. Vì vây, cần phải tham khảo thận trọng khi sử dụng vaccine này, nó có thể không phù hợp với người có thể trạng yếu hoặc hệ miễn dịch yếu.
Vaccine Sống Giảm Độc Lực cần được giữ mát trong khi bảo quản, vì thế, có thể không thích hợp để sử dụng trong môi trường không có tủ lạnh.
Loại vaccine này cho phép vi khuẩn hoặc virus đã yếu nhưng vẫn còn khả năng sinh sản đủ để cơ thể tạo ra các tế bào B ghi nhớ (Tế bào B là loại tế bào có thể nhận ra và ghi nhớ một loại virus trong lần đầu tiên và tạo ra phản ứng miễn dịch để chống lại virus đó trong nhiều năm sau.
Vaccine Sống Giảm Độc Lực kích hoạt hệ thống miễn dịch tương tự như những gì xãy ra trong quá trình tự nhiên, nhưng nó không làm cho người này có thể lây truyền virus cho người khác và sẽ không bị bệnh do virus gây ra.
Chỉ cần 1 hoặc 2 liều tiêm chích, Vaccine Sống Giảm Độc Lực có thể giúp một người có được khả năng miễn dịch suốt đời, không bị bệnh.
Công nghệ này được áp dụng để chế tạo các loại vaccine Bệnh Sởi/Measles, Bệnh Quai Bị/Mumps, Bện Đậu Mua/Smallpox, Bệnh Thủy Đậu/Chickenpox, Bệnh Sốt Vàng/Yellow Fever.
2. Vaccine Bất Hoạt/ Inactivated Vaccine: công nghệ này sử dụng vi khuẩn hoặc virus đã bị tiêu diệt bằng nhiệt hoặc bằng hóa chất. Phiên bản chết của vi khuẩn hoặc virus được đem tiêm vào cơ thể, khi ấy hệ miễn dịch của cơ thể sẽ tạo kháng thể. Như vậy, Vaccine bất hoạt không chứa các thành phần sống của mầm bệnh.
Vaccine Bất Hoạt là loại vaccine được sản xuất sớm nhất và loại vaccine này không kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh như phản ứng kích hoạt bởi Vaccine Giảm Độc Lực.
Vaccine Bất Hoạt không cung cấp khả năng miễn dịch suốt đồi mà cần phải tăng cường thoe tời gian; Nhưng loại vaccine này có thể gây ít tác dụng phụ hơn loại Vaccine Sống Giảm Độc Lực.
Thí dụ điển hình: Vaccine Bệnh Bại Liệt/Polio, Viêm Gan A/Hepatitis A, Bệnh Cúm/Flu, Bệnh Dại/Rabies được chế tạo theo phương pháp này.
Vaccine Covid 19 Astra Zeneca (Anh Quốc) được chế tạo theo công nghệ này.
3. Vaccine Tiểu Đơn Vị hoặc Vaccine Liên Hợp hoặc Vaccine Tái Tổ Hợp - Subunit/ Conjugate/ Recombinant Vaccine: người ta sử dụng một phần hoặc nhiều phần của kháng nguyên (mầm bệnh – vi khuẩn hoặc virus) để đưa vào cơ thể. Khi xâm nhập vào cơ thể, một phần hoặc nhiều phần của kháng nguyên (mầm bệnh) được xem như là kháng nguyên để hệ thống miễn dịch của cơ thể đối kháng nhằm tạo ra kháng thể. Một phần hoặc nhiều phần của kháng nguyên được hiểu đơn giản là một đoạn của kháng nguyên (mầm bệnh), có thể là bất kỳ phân tử nào của kháng nguyên (mầm bệnh) như proteins, peptides hoặc polysaccharides (phân tử đường tư lớp ngoài của vi khuẩn hoặc virus).
Thí dụ điển hình cho loại vaccine này là: Vaccine Viêm Gan B/ Hepatitis B, Vaccine Ho Gà/ Whooping cough, Bệnh Phế Cầu Khuẩn/ Pneuumococcal disease, Bệnh Viêm Não Mô Cầu/ Meningococcal disease, Bệnh Dời Leo/ Shingles (sử dụng tiểu đơn vi protein).
Vaccine Covid 19 của công ty Novavax (Hoa Kỳ) sử dụng công nghệ Subunit, đến nay (03/08/2021), chưa được FDA cho phép lưu hành.
4. Vaccine Độc Tố - Toxoid Vaccine: Vaccine độc tố sử dụng độc tố do vi khuẩn hoặc virus tiết ra để tạo ra khả năng miễn dịch đối với bộ phận chính gây bệnh của vi khuẩn hoặc virus, chứ không phải toàn bộ vi khuẩn hoặc virus. Phản ứng miễn dịch tập trung vào độc tố chính (cụ thể) này. Loại vaccine độc tố không cung cấp khả năng miễn dịch suốt đời mà phải cần được bổ xung theo thời gian.
Thí dụ cho loại vaccine này là vaccine Bệnh Bạch Hầu/Diphtheria và vaccine Uốn Ván/Tetanus.
5. Vaccine Sửa Đổi Virus (Vaccine Định Hướng Virus) – Viral Vector Vaccine: loại vaccine này được chế tạo bằng cách sửa đổi (hoặc định hướng) một loại virus khác và sử dụng nó làm vector/định hướng để bảo vệ khỏi loại virus dự kiến. Một số virus được sử dụng để định hướng/vector là: Adeno Virus, Virus Cúm/Influenza, Virus Bệnh Sởi/Measles virus, virus Viêm Miệng Mụn Nước/Vesicular Stomatitis Virus (VSV).
Gần đây, công nghệ này được áp dụng để chế tạo các loại vaccine cho bệnh Zika, Cúm, và HIV (đang được tiến hành).
Vaccine Covid 19 của công ty Johnson & Johnson (Hoa Kỳ) và vaccine Sputnik (Nga) được chế tạo theo công nghệ này.
6. Vaccine mã thông tin - mRNA Vaccine: Vaccine này là loại vaccine mới để bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh truyền nhiễm. Vaccine mRNA dạy cho tế bào chúng ta tạo ra một loại protein (hoặc một phần của protein) để kích thích phản ứng miễn dịch bên trong cơ thể của chúng ta.
Vaccine mRNA hoạt động bằng cách kích hoạt phản ứng miễn dịch từ các protein mà chúng tổng hợp. Chúng tạo ra cả miễn dịch tế bào và dịch thể.
Nói cho đơn giản: virus Corona khi xâm nhập vào cơ thể con người, các chân của chúng bám dính vào các tế bào của con người; Kế tiếp, chúng tấn công các tế bào của con người. Vì loại virus này rất mới, cơ chế hoạt động của chúng rất phức tạp, mức độ gây lây nhiễm rất nhanh. Nếu như sử dụng các công nghệ cũ để chế tạo vaccine chống lại chúng sẽ mất nhiều thời gian; Hơn nữa, tác dụng phụ của vaccine theo công nghệ cũ có thể gây hại cho người sử dụng, vì vậy, các nhà khoa học sử dụng công nghệ mã thông tin để chế tạo vaccine. Trong trường hợp Virus Corona, các nhà khoa học chỉ bóc tách một phần mã thông tin di truyền cấu tạo nên chân bám dính của virus, sau đó, tiêm chích mã thông tin di truyền này vào cơ thể con người, khi đó, hệ thống miễn dịch của con người tấn công mã thông tin di truyền vừa xâm nhập để tạo thành kháng thể.
Sau khi cơ thể con người có được kháng thể chống lại mã thông tin di truyền cấu tạo nên chân bám dính của virus Corona, con virus khi xâm nhập vào con người sẽ không có chân để bám dính vào tế bào của con người, lúc đó, con virus sẽ không phát triển, sinh sôi, lan truyền trong cơ thể người được, như vậy virus sẽ bị loại trừ.
Công nghệ mRNA được nghiên cứu và phát triển trong hơn 20 năm qua. Lợi ích của công nghệ này thời gian sản xuất ngắn, có chi phí sản xuất thấp. Tuy nhiên, do đặc tính dễ vỡ của mRNA nên vaccine này phải được bảo quản ở nhiệt độ thấp.
Công nghệ mRNA được phê duyệt để chế tạo Vaccine Covid 19. Có nhiều tin đồn sai lệch, cho rằng công nghệ mRNA có thể làm thay đổi DNA của con người. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm nghiên cứu về công nghệ mRNA, các nhà khoa học vẫn chưa tìm thấy điều này xẩy ra.
Vaccine Moderna và vaccine Pfizer (Hoa Kỳ) đang sử dụng công nghệ này, đã được FDA cho phép sử dụng.
Tóm lại: công nghệ chế tạo vaccine đã có trên 200 năm, công nghệ này càng ngày càng tiến bộ, hiện đại, an toàn, ít thời gian, giảm chi phí… Vì vậy, khi sử dụng một loại vaccine nào đó, chúng ta cần phải tìm hiểu cặn kẻ, tham khảo ý kiến của những người có chuyên môn, có kiến thức. Chúng ta không thể tin vào những lời đồn đoán, những thông tin không có nguồn gốc từ khoa học.
QUÁ TRÌNH CHẾ TẠO MỘT LOẠI VACCINE MỚI
Để phát triển và chế tạo một loại vaccine mới, công ty chế tạo phải xác định rằng họ đã nghiên cứu được Vaccine Tiềm Năng.
Công ty chế tạo phải gửi hồ nghiên cứu Vaccine tiềm năng đến Cơ Quan Quản Lý Dược và Thực Phẩm của Hoa Kỳ (FDA); Khi đó, FDA sẽ giám sát từng chi tiết liên quan đến Vaccine tiềm năng, bao gồm: mô tả sản phẩm, qui trình sản xuất, hiệu quả thử nghiệm trên động vật …
Sau khi được FDA công nhận là Vaccine Tiềm Năng, công ty chế tạo tiến hành thử nghiệm lâm sàng (Clinic Trials) theo 3 giai đoạn như sau:
1. Giai đoạn 1: Đánh giá độ an toàn và đánh giá phản ứng của hệ thống miễn dịch của cơ thể con người đối với Vaccine tiềm năng dựa trên kết quả thử nghiệm trực tiếp trên một nhóm người (khoảng 100 người).
2. Giai đoạn 2: Vaccine tiềm năng được thử nghiệm trên hàng trăm người để đánh giá liều lượng phù hợp của vaccine.
3. Giai đoạn 3: Vaccine được thử nghiệm trên hàng chục ngàn người để đánh giá độ an toàn, tác dụng và hiệu quả.
Sau khi thử nghiệm Giai đoạn 3, công ty chế tạo phải nộp toàn bộ hồ sơ cho FDA, bao gồm: qui trình chế tạo, mức độ an toàn, tác dụng phụ, hiệu quả thử nghiệm (dựa theo giới tính, tuổi tác, bệnh sử …) trên từng nhóm người được thử nghiệm. FDA sẽ xem xét, đánh giá toàn bộ các dữ liệu nầy để cho phép Vaccine có được đưa ra thị trường hay không.
Nếu Vaccine được FDA chấp nhận và cho phép bán ra thị trường, việc giám sát và đánh giá chất lượng vaccine vẫn tiếp tục được thực hiện để phát hiện các tác dụng phụ không mong muốn của vaccine.
Toàn bộ quy trình trên được công khai, minh bạch, cho phép các nhà khoa học và các công ty cạnh tranh khác có thể tiếp cận, tham khảo vì thế mọi sai sót, tác dụng phụ của vaccine được phát hiện nhanh chóng và công ty chế tạo có thể điều chỉnh hoặc thu hồi kịp thời.
Theo thông tin từ Cơ Quan Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC), trong lịch sử phát triển vaccine tại Hoa Kỳ đã từng xảy ra tai biến do Vaccine Bại Liệt gây ra vào năm 1955. Khi đó, một số lô vaccine có chứa virus bại liệt sống của công ty Cutter Laboratories được phép bán ra thị trường khiến nhiều người bị bệnh bại liệt khi sử dụng. Tuy nhiên, do phát hiện kịp thời, chính phủ Hoa Kỳ kịp thời thay đổi qui trình kiểm định và giám sát vì thế Vaccine Bại Liệt tiếp tục được sử dụng vào mùa thu năm 1955 đến nay.
Nên nhớ: Vaccine Bại Liệt được chế tạo theo kỹ thuật Vaccine Sống Giảm Độc Lực/ Live Attenuated Vaccine (Weakened Vaccine).
THÔNG TIN TỔNG QUÁT VỀ VACCINE COVID 19
CÁC NHÓM VACCINE HIỆN NAY:
Hiện nay, có 3 nhóm Vaccine Covid 19 được sử dụng trên thế giới:
1. Nhóm 1 - chế tạo theo công nghệ Vaccine mã thông tin (mRNA Vaccine): bao gồm vaccine Pfizer và Moderna (Hoa Kỳ).
2. Nhóm 2 - chế tạo theo công nghệ Vaccine Bất Hoạt (Inactivated Vaccine): vaccine Astra Zeneca (Anh Quốc).
3. Nhóm 3 - chế tạo theo công nghệ Vaccine Sửa Đổi Virus/ Vaccine Định Hướng Virus (Viral Vector Vaccine): vaccine Johnson & Johnson (Hoa Kỳ) và vaccine Sputnik (Nga).
LOẠI VACCINE MÀ CÁC QUỐC GIA ĐANG SỬ DỤNG (31/07/2021):
Hoa Kỳ cho phép sử dụng 3 loại vaccine: Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson.
Anh Quốc cho phép sử dụng vaccine Astra Zeneca, Pfizer, Moderna.
Do Thái cho phép sử dụng Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson.
SỐ LIỆU TIÊM CHÍCH VACCINE Ở VÀI QUỐC GIA TIÊU BIỂU:
Theo số liệu thống kê của thế giới (www.worlddometers.info), số liều vaccine Covid 19 đã được tiêm chích (tính đến ngày 03 tháng 08 năm 2021) như sau:
· Hoa Kỳ đã tiêm chích 344 triệu liều vaccine (chiếm 51.3% dân số)
· Anh Quốc đã tiêm chích 84.5 triệu liều vaccine (chiếm 56.7% dân số)
· Do Thái đã tiêm chích11.5 triệu liều vaccine (chiếm 59.5% dân số)
· Canada đã tiêm chích 21.9 triệu liều vaccine (chiếm 58.2% dân số)
Cả thế giới đã có 4.1 tỉ liều vaccine được sử dụng, chiếm 14.4% dân số toàn cầu.
NÊN CHỌN VACCINE NÀO?
Theo kinh nghiệm của những người đã được tiêm chích vaccine, việc lựa chọn vaccine được theo các thứ tự như sau: Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson và Astra Zeneca.
Sự chọn lựa này dựa theo tỉ lệ các tác dụng phụ, tuổi tác, giới tính và tình trạng bệnh nền của người sử dụng (thao khảo từ nguồn www.cdc.gov và www.fda.gov).
Pfizer là sự chọn lựa tốt nhất, tuy nhiên, Pfizer phải bảo quản trong điều kiện nhiệt độ rất thấp (-22 oC), vì thế rất khó để giử được chất lượng tốt đến người tiêu dùng.
TỈ LỆ TAI BIẾN KHI SỬ DỤNG VACCINE COVID 19:
Bất cứ loại thuốc hay vaccine nào cũng có thể gây tại biến hoặc phản ứng phụ khi sử dụng. Những loại thuốc đơn giản, phổ biến mà người ta sử dụng nhiều nhất như Aspirine, Tylenol ... cũng gây nên những phản ứng và tác dụng phụ rất có hại cho cơ thể. Tuy nhiên, người sử dụng phải chấp nhận vì lợi ích mà thuốc đem lại nhiều hơn thiệt hại mà nó gây ra.
Người sử dụng cần phải tỉnh táo, hiểu biết và tham khảo ý kiến của nhiều người có kiến thức chuyên môn; không nên mù quáng nghe theo những người thiếu hiểu biết, những tin đồn hoặc trên các trang mạng xã hội nhảm nhí, ngu dốt.
KHI NÀO NÊN TIÊM CHÍCH VACCINE COVID 19?
Nên nhớ #1: thực tế bệnh dịch Covid 19
· Dịch bệnh là có thật, không phải là tin giả (cả thế giới có 200 triệu người bị nhiễm, trong đó bị chết 4,258,000 - số liệu cập nhật ngày 03/08/2021).
· Dịch bệnh lây lan không biệt biên giới, sắc dân, tuổi tác, giới tính, giàu nghèo…
Nên nhớ #2: tác dụng phụ của vaccine ít hơn lợi ích mà nó đem lại.
· Khi nhiễm bệnh Covid 19, tỉ lệ chết từ 1% đến 6% (tuỳ theo nền y khoa của mỗi quốc gia).
· Khi tiêm vaccine, tỉ lệ bị tai biến 0.4/100 (4/1,000 - Bốn phần ngàn).
· Tỉ lệ bị nhiễm bệnh Covid 19 sau khi tiêm chích vaccine 0.004/100 (4/1,000,000 - Bốn phần triệu)
· Tỉ lệ chết vì nhiễm bệnh Covid 19 sau khi đã tiêm chích vaccine 0.001/100 (1/1,000,000 - Một phần triệu).
Nên nhớ #3: tình trạng lây nhiễm Covid 19 càng ngày càng nhiều.
· Việc lây nhiễm Covid 19 là do cộng đồng, không ai có thể biết trước được.
· Lẫn trốn, cách ly để tránh lây nhiễm là việc làm tạm thời, không thể lẫn trốn mãi.
· Người đã tiêm chích Vaccine Covid 19 cũng có thể mang mần bệnh để gây bẹnh cho người khác.
Vì các lý do trên, việc tiêm chích vaccine Covid 19 là bắt buộc, càng sớm càng tốt, càng có lợi cho cá nhân, cho gia đình và cho cộng đồng.
KHI NÀO NÊN TIÊM CHÍCH VACCINE COVID 19?
Nên tiêm chích vaccine Covid 19 bất cứ khi nào càng sớm càng tốt, hoặc khi có cơ hội thuận tiện.
NÊN TIÊM CHÍCH VACCINE COVID 19 Ở ĐÂU?
Để tránh các tai biến hoặc tác dụng phụ nguy hiểm, nên tiên chích vaccine Covid 19 ở các cơ sở y tế có phương tiện cấp cứu, hồi sức như bệnh viện, các cơ sở y tế có kinh nghiệm.
LÀM GÌ SAU KHI TIÊM CHÍCH VACCINE COVID 19?
· Nên uống nước nhiều trong vòng 2 - 3 ngày sau khi tiêm chích
· Nên nghỉ ngơi từ 4 - 7 ngày sau khi tiêm chích.
· Các triệu chứng sốt nhẹ, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, ớn lạnh, tiêu chảy và đau tại chỗ thường xuất hiện sau khi tiêm, chỉ kéo dài 2 - 3 ngày.
· Nếu các triệu chứng sau khi tiêm vaccine (được đề cập bên trên) kéo dài hơn 3 ngày, cần được tiếp tục theo dõi.
· Cần đến cơ sở y khoa nếu thấy cơ thể đau ngực, khó thở, tím tái, ói mữa.
· Không nên đi xa các cơ sở bệnh viện hoặc nơi có phương tiện cấp cứu sau khi tiêm chích vaccine trong vòng 21 ngày.
ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ CỦA VACCINE THẾ NÀO?
Khi tiêm chích vaccine (thử nghiệm) vào cơ thể, sau một thời gian - tuỳ theo loại vaccine – các nhà khoa học sẽ thử máu của người được tiêm chích vaccine (thử nghiệm) để xác định tỉ lệ phần trăm số người đã được tiêm chích vaccine (thủ nghiệm) có thể tạo ra được kháng thể hay không (measure immunogenicity).
Bước thứ 2, các nhà khoa học sẽ đánh giá tỉ lệ phần trăm mà số người đã có kháng thể sau khi tiêm chích vaccine (thử nghiệm) có thể miễn nhiễm với loại vi khuẩn hoặc virus đang lây nhiễm trong cộng đồng (neutrolization test/ neutralize antibodies).
Đôi lúc, một số vaccine (thử nghiệm) có tỉ lệ tạo ra được kháng thể rất cao nhưng lại không giúp được cơ thể miễn nhiễm với vi khuẩn hoặc virus hiện diện trong cộng đồng hoặc có tỉ lệ miễn nhiễm rất thấp.
Vì vậy, để đánh giá hiệu quả của một loại vaccine, các nhà khoa học chỉ dựa vào tỉ lệ phần trăm cơ thể có khả năng miễn nhiễm với vi khuẩn hoặc virus đang hiện diện trong cộng đồng mà thôi (neutrolization test/ neutralize antibodies).
Do đó, để lựa chọn một loại vaccine nào đó, người tiêu dùng nên chọn lựa loại vaccine có tỉ lệ phần trăm khả năng tạo ra miễn nhiễm với vi khuẩn hoặc virus càng cao càng tốt (dĩ nhiên, phải cân nhắc các yêu tố khác như tác dụng phụ, giá cả, tình hình dịch bệnh…)
VACCINE COVID 19 GIÚP BẢO VỆ CƠ THỂ ĐƯỢC BAO LÂU?
Hiện nay, có nhiều công trình nghiên cứu về thời gian tác dụng của vaccine, tuy nhiên, còn quá sớm để có được một kết luận chính xác.
Tác dụng của vaccine còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố khác như loại vaccine được sử dụng, liều lượng, độ tuổi, giới tính, các biến thể mới của virus…
Tại Hoa Kỳ, hiện nay, CDC khuyến khích tiêm chích đủ liều thứ 2 cho nhóm đủ điều kiện tiêm chích. Một số ý kiến của các công ty sản xuất vaccine đề nghị CDC nên tiếp tục tiêm chích liều thứ 3, tuy nhiên vì những nguyên nhân chính trị, CDC chưa chấp nhận đề nghị này.
Tại Do Thái, quốc gia có tỉ lệ tiêm chích vaccine Covid 19 cao nhất thế giới (59.5%), đang tiến hành tiêm chích liều thứ 3 cho nhóm đủ điều kiện.
KHOẢNG CÁCH GIỮA 2 LIỀU TIÊM CHÍCH LÀ BAO LÂU?
· Vaccine Moderna: liều 1 cách liều 2 là 4 tuần.
· Vaccine Pfizer: liều 1 cách liều 2 là 3 tuần.
· Vaccine AstraZeneca: liều 1 cách liều 2 từ 4-12 tuần.
· Vaccine Johnson & Johnson: chỉ cần 1 liều.
· Vaccine Nga: Gam-COVID-Vac (tên khác: SPUTNIK V): liều 1 cách liều 2 là 3 tuần
· Vaccine Novavax: chưa được FDA cấp phép lưu hành (31/07/2021)
Riêng 2 loại vaccine của China được công bố rằng được chế tạo theo công nghệ Bất Hoạt/ Inactivated Vaccine, vì có kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 có nhiều sai lệch ở các quốc gia khác nhau, hơn nữa chưa rõ ràng về tai biến, vì thế nhiều quốc gia (Pháp, Hoa Kỳ, Do Thái, Canada…) chưa cho phép lưu hành. Dựa theo công bố của chính phủ China thì khoảng cách giữa 2 liều của 2 loại vaccine China như sau:
o Vaccine Sinopharm Vero Cell (còn có tên nhiều khác là SARSCoV-2 vaccine hoặc Vero Cell): liều 1 cách liều 2 từ 3-4 tuần
o Vaccine Sinovax (tên khác là CoronaVac): liều 1 cách liều 2 từ 3-4 tuần
NHỮNG TIN TỨC NHẢM VỀ VACCINE COVID 19:
Khác với sự ra đời của nhiều loại vaccine khác trong lịch sử, vaccine Covid 19 được chế tạo trong hoàn cảnh dịch bệnh hiểm nghèo, nhu cầu khẩn cấp, tình hình chính trị bị phân hoá, và nhất là trong thời đại thông tin nhanh chóng, đa dạng; Vì thế, các tin tức liên quan đến vaccine được đưa ra với nhiều mục đích khác nhau, tạm thời chia theo các nguồn như sau:
1. Nguồn thông tin do cá nhân hoặc tổ chức đưa ra để gây tin “giật gân”, “tin nóng” để thu hút lượng người truy cập (view), htu hút sự chú ý. Nguồn tin này không dựa vào khoa học, không dựa vào dữ liệu chính xác, chỉ cần nhanh, lạ, theo cảm tính, đôi khi mang yếu tố có vẻ “bí mật” hoặc huyền bí… Nguồn tin này chủ yếu dành cho người cả tin, dễ tiếp nhận, không cần tìm hiểu sâu hoặc chi tiết.
2. Nguồn tin cho giới chính trị (Polictician) hoặc những người công chúng (Public figure)tạo ra vì mục đích chính trị. Giới chính trị đưa ra nguồn tin này, cho dù họ biết đó là không thật hoặc giả tạo, nhưng với ý đồ chính trị, bất chấp đạo đức, họ đưa ra những ý kiến, nhận xét về dịch bệnh Covid 19 miễn sao có lợi cho “sự nghiệp chính trị” của họ mà thôi. Nhóm “chính trị” này hiên diện ở nhiều quốc gia, ngay cả tại Hoa Kỳ cũng không thiếu vắng những nhóm hoặc cá nhân này.
3. Nguồn tin do các quốc gia/nhà nước đưa ra. Vì lợi ích quốc gia, đôi khi cũng tiếm danh là “vì lợi ích công đồng”, các quốc gia/nhà nước đưa các thông tin vê Covid 19 một cách lệch lạc, thiếu cơ sở khoa học.
Dưới góc độ người dân, sống trong thời đại tin học mà ai ai cũng có thể tạo và phát hành một bản tin dễ dàng, chúng ta phải thật sự tỉnh táo, so sánh, đối chiếu, xác minh nguồn tin một cách cẩn thận.
Ngay cả trong giớ khoa học, đôi khi vì lợi ích cộng đồng, cũng có thể đưa tin hoặc cho các lời khuyên về Covid 19 không chính xác. Một so sánh đơn giản và dễ hiểu, đó là: trên cùng một loại dịch bệnh, tôi sẽ có hai lời khuyên khác nhau cho bệnh nhân của tôi khi tôi ở vị trí khác nhau, nếu là Bác sĩ gia đình hoặc nếu là Bác sĩ chuyên về dịch tể.
Tóm lại, phổ biến thông tin là quyền của mọi người, tiếp nhận thông tin là quyền của bạn
ĐỀ NGHỊ:Để chống dịch Covid 19 có hiệu quả, chúng ta phải thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh, cập nhật các thông tin khoa học, cập nhật kinh nghiệm chống dịch của nhiều quốc gia khác nhau.
Cơ bản, hiện nay, về biện pháp xã hội, các quốc gia yêu cầu người dân áp dụng 3 phương cách chính: (i) mang khẩu trang; (ii) giữ khoảng cách ít nhất 2 mét; và (iii) sử dụng thuốc khử trùng tay khi tiếp xúc; Về biện pháp y tế, các quốc gia giàu có đã mạnh dạn đầu tư vào các công ty dược phẩm để thúc đẩy nhanh chóng chế tạo vaccine và thuốc đặc trị Covid 19.
Hiện nay, các công ty dược phẩm chế tạo được vaccine, tuy nhiên, vì lệ thuộc vào nguồn tài chính của các quốc gia giàu có tài trợ lúc đầu, giai đoạn này, các công ty chế tạo vaccine chỉ ưu tiên bán sản phẩm của họ cho các quốc gia đã tại trợ trước đây mà thôi.
Tuy nhiên, nếu có chọn lựa đúng hướng và sử dụng đúng cách tiếp cận, chúng ta có thể còn có cơ hội khác, không chỉ là đầu tư về tài chính, nếu như chính phủ hoặc quốc gia đó có chính sách phù hợp cũng có thể thu hút các công ty dược phẩm có tiềm năng về vaccine như Novavax, hoặc có tiềm năng về thuốc điều trị như Merck.
Trong khó khăn, chúng ta phải sử dụng mọi cơ hội trước khi quá trễ.
LÊ CÔNG TRỨ
Tài liệu tham khảo:
https://www.historyofvaccines.org
https://www.cdc.gov/vaccines/covid-19/info-by-product/pfizer/reactogenicity.html
https://www.worldometers.info/coronavirus/
https://www.fda.gov/media/148542/download
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.