mercredi 19 octobre 2011

Liệu Hải quân Mỹ sẽ trở lại Cam Ranh ?


Một bản tin của AFP phát đi vào 18 giờ chiều nay 19/10/2011 (giờ Paris), có cái tựa đáng suy nghĩ : « Châu Á – Thái Bình Dương, ưu tiên chiến lược mới của Hải quân Mỹ ».

Trong một cuộc hội nghị qua điện thoại với vài nhà báo hôm  nay, trong đó có phóng viên của hãng tin Pháp, Đô đốc Jonathan Greenert, Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ đã khẳng định : Khu vực châu Á – Thái Bình Dương phải trở thành ưu tiên chiến lược của Hải quân Mỹ. Ông tuyên bố, châu Á rõ ràng phải được ưu tiên, và Hải quân Hoa Kỳ sẽ phải thích ứng với việc cắt giảm ngân sách quân sự.

Theo nhiều nhà quan sát, nếu Hải quân Mỹ vẫn hiện diện thường xuyên ở Thái Bình Dương để đảm bảo tự do hàng hải và đối phó với sức mạnh quân sự đang lên của một số quốc gia như Trung Quốc, thì khu vực này cần phải được đặt vào trung tâm của chiến lược Hoa Kỳ trong những năm tới.

Hiện nay Mỹ có hai hàng không mẫu hạm tại khu vực này, đó là chiếc USS Kitty Hawk, và chiếc USS George Washington cùng với hải đội hộ tống, vẫn thường xuyên « lượn lờ » tại Thái Bình Dương. Trong khi cách đây mười năm, Mỹ chỉ có một chiếc hàng không mẫu hạm tại vùng biển này, và cũng chỉ phục vụ được chừng 70% thời gian.

Đối với người chỉ huy Hải quân Hoa Kỳ, thì cần phải có phương tiện để đáp ứng các nhu cầu chiến lược mới của Mỹ tại châu Á, nhưng bên cạnh đó, còn phải duy trì sự hiện diện tại các khu vực nhạy cảm khác trên thế giới. Vấn đề là hiện nay Hải quân Mỹ có ít tàu chiến hơn so với năm 2001 – chỉ còn 285 chiếc so với trước đây là 316 chiếc. Nhân sự cũng ít hơn : 325.000 người so với trước là 360.000. Trong khi đó, nhịp độ hoạt động trong giai đoạn này lại tăng lên.

Với việc Lầu Năm Góc đang chuẩn bị cắt giảm ngân sách quốc phòng, Hải quân Hoa Kỳ cũng có nguy cơ bị xén bớt ngân sách hoạt động. Nhiều nhà phân tích, như cựu tướng lãnh David Barno, chuyên gia của Trung tâm Vì một nền an ninh mới của Mỹ đặt tại Washington, không loại trừ việc cho ngưng hoạt động một trong số 11 chiếc hàng không mẫu hạm. Nhưng Đô đốc Greenert khẳng định, mọi việc còn chưa ngã ngũ. Ông nói : « Chúng tôi sẽ hoàn chỉnh một kế hoạch quốc phòng sao cho khi nào các quyết định về ngân sách đã được đưa ra, thì sẽ được đưa vào khuôn khổ của chiến lược quân sự tương lai ».

Không khoanh tay ngồi chờ đến khi bị cắt giảm ngân sách, Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ đã nghĩ đến « các phương pháp sáng tạo » nhằm tiết kiệm chi phí. Một trong số các biện pháp đó là đưa các hàng không mẫu hạm đến đậu gần các vùng nhạy cảm, thay vì tại Mỹ. Việc này giúp tiết kiệm được thời gian, nhiên liệu, tàu bè và nhân công.

Hiện có những chiến hạm Mỹ đang đậu ở cảng Yokozuka của Nhật Bản. Vào đầu tháng 10 Hoa Kỳ cũng đạt được một thỏa thuận khác với Tây Ban Nha, để bốn khu trục hạm Mỹ có thể thả neo tại căn cứ quân sự Rota, nằm ở miền nam nước này. Được trang bị hệ thống Aegis – một hệ thống radar điện tử ba chiều cực mạnh, có thể phát hiện và truy diệt cùng lúc 200 hỏa tiễn chống chiến hạm ở cách xa trên 200 hải lý – các chiến hạm này sẽ được triển khai tại căn cứ Rota từ nay đến năm 2013. Các tàu khu trục trên sẽ tham gia vào kế hoạch lá chắn chống tên lửa của NATO, nhằm phòng vệ trước mối đe dọa của hỏa tiễn đạn đạo Iran.

…Trên đây là nội dung bản tin của AFP. Với việc ưu tiên cho châu Á Thái Bình Dương trong chiến lược Hải quân, đồng thời trước ý kiến nên đưa các chiến hạm đến đậu gần các khu vực nhạy cảm, liệu Biển Đông có nằm trong tầm ngắm ? Và như vậy, cảng Cam Ranh vốn được xem là cảng nước sâu tốt nhất Đông Nam Á, có sẽ đón tiếp các tàu chiến Mỹ ?

Theo Le Monde Diplomatique (06/2011), từ năm 2003 đã có hơn một chục chiến hạm Mỹ đã ghé vào cảng của quốc gia cựu thù. Báo chí gần đây cũng tiết lộ, một tàu tiếp liệu của Mỹ ngày 23/08/2011 đã âm thầm rời Cam Ranh sau một tuần lễ được bảo trì tại đây. Bản tin MarineLink.com cho biết, chiếc tàu tiếp liệu đạn dược và hàng khô USNS Richard E.Byrd đã lưu lại Cam Ranh bảy ngày để bảo trì định kỳ và sửa chữa, trong đó có việc làm vệ sinh thân tàu, đánh bóng chân vịt, sửa chữa các đường ống…Thường thì tàu được bảo trì ở Singapore, nhưng việc sử dụng dịch vụ của cảng Cam Ranh giúp Hải quân Mỹ có thêm một chọn lựa, để sửa chữa tàu một cách hiệu quả và tiết giảm chi phí.

Từ đó mà suy ra…và hy vọng.

Tham khảo :

1 commentaire:

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.