Một tàu của ngư dân Việt Nam đánh bắt ở Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc tấn công, cướp phá. |
Quần đảo Trường Sa hiện có năm bên yêu sách chủ
quyền, là nơi nóng bỏng nhất trên Biển Đông. Chuyên gia Gregory Poling,
giám đốc Asia Maritime Transparency Initiative trong bài viết « Hải quân giấu mặt của Trung Quốc » đăng trên báo Foreign Policy
hôm 25/06/2019 khẳng định, các bằng chứng cho thấy những tàu được cho
là tàu đánh cá Trung Quốc ở quần đảo tranh chấp này là một phần của lực
lượng dân quân biển mở rộng của Bắc Kinh.
Một
số nhà phân tích tiếp tục nghi ngờ về sự hiện diện và các hoạt động của
dân quân biển. Số khác, đặc biệt là có liên hệ với các định chế Trung
Quốc và báo chí Nhà nước, tìm cách trưng ra những hình ảnh vệ tinh đã
được cắt xén một cách nghệ thuật, chỉ sử dụng những dữ liệu có lợi cho
mình, hoặc đơn giản là làm ngơ trước thực tế, tấn công vào những ai đưa
ra bằng chứng về các hoạt động của dân quân biển.
Điều này không
gây ngạc nhiên vì mục đích dùng đến dân quân biển là tấn công ở mức thấp
hơn quân đội chính quy, làm phức tạp thêm sự đối phó của các bên khác -
trong trường hợp này là Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan cũng
như Hoa Kỳ - qua việc giấu mặt sau lớp vỏ dân sự. Nhờ đó Bắc Kinh có thể
chối bỏ mọi bằng chứng của các hành vi hung hăng trên biển. Tuy nhiên
những bằng chứng này tự nó đã nói lên tất cả.