RFI Việt ngữ đã đặt câu hỏi với tiến sĩ Lê Trường Tùng xung quanh vấn đề trên.
RFI :
Kính chào tiến sĩ Lê
Trường Tùng. Thưa ông, ông có thể giải thích vì sao gọi là « Bình dân
học vụ 2.0 », và vì sao ông muốn phát động phong trào này?
TS Lê Trường Tùng :
Bởi vì vào năm 1946 đã có một đợt bình dân học vụ được phát động, nhưng
khi đấy mục tiêu của nó chỉ nhằm làm thế nào để tăng tỉ lệ dân biết đọc
biết viết. Tôi dùng từ « Bình dân học vụ 2.0 » vì nghĩ rằng kiến thức
tin học và tiếng Anh bây giờ cần phải là những tri thức mang tính chất
bình dân - những kỹ năng bình dân mà mọi người dân cần phải biết. Còn «
2.0» vì xem như đợt bình dân học vụ trước đây là 1.0, thì bây giờ là
2.0.
Chúng tôi nghĩ rằng đây là những kỹ năng mà các công dân bình thường
cần phải có. Thực ra trước đây khoảng 50 năm thì chỉ cần biết chữ là đã
đủ, và thậm chí có thể nằm trong tầng lớp tinh hoa của xã hội rồi. Trong
bối cảnh phát triển, trong trào lưu toàn cầu hóa hiện nay, thì biết đọc
biết viết chưa đủ.
Nếu chỉ biết đọc biết viết không thôi, thì còn rất nhiều những khía
cạnh khác mà nếu không nắm được sẽ hạn chế rất lớn đến việc tận hưởng
các dịch vụ xã hội, cũng như phát huy vai trò của cá nhân. Thì hai kỹ
năng rất quan trọng ngoài biết đọc biết viết, là công nghệ thông tin –
biết sử dụng các phương tiện máy tính, và một kỹ năng cũng rất quan
trọng nữa là tiếng Anh.
Tiếng Anh là ngôn ngữ hiện nay được sử dụng ở rất nhiều nước trên thế
giới, là ngôn ngữ thông dụng nhất, được dùng ở nhiều nước nhất. Và
những nguồn thông tin, chẳng hạn như trên internet, thì thông tin bằng
tiếng Anh cũng nhiều nhất. Cho nên nếu không biết tiếng Anh là một rào
cản hết sức lớn. Không chỉ đơn thuần là chuyện hội nhập quốc tế ở quy mô
từng cá nhân, quy mô của Việt Nam, mà thực ra nó hạn chế rất lớn đến sự
phát triển của từng người, và bản thân từng cá nhân cũng không tận
hưởng được những dịch vụ xã hội mà hiện tại đang được triển khai trên
nền tiếng Anh.
Chúng tôi nghĩ rằng ở Việt Nam hiện nay thì công nghệ thông tin cũng
được phổ biến tương đối rộng. Tiếng Anh cũng được học, nhưng thực ra
chưa thành một phong trào sôi động. Và cũng không có một cái mốc để đến
thời điểm đấy, việc biết tiếng Anh, biết tin học phải thành một thứ phổ
cập – được hiểu theo cái nghĩa là những công dân trong độ tuổi nhất định
nào đấy, thì cần phải nắm được những kiến thức này.
Tôi nghĩ rằng gọi là phong trào, vì thực ra giải quyết vấn đề này có
nhiều cách thức khác nhau. Giống như trước đây hồi năm 45-46 khi phát
huy phong trào bình dân học vụ, người biết nhiều dạy lại người biết ít,
vân vân và vân vân. Thì chỉ trong thời gian rất ngắn, chưa đến một năm,
tỉ lệ người biết đọc biết viết đã tăng lên đáng kể. Nếu Việt Nam triển
khai cái này một cách nhanh chóng, hiệu quả thì cũng phải dưới dạng như
một phong trào, để huy động tất cả các lực lượng xã hội vào việc này thì
mới đạt được kết quả mong muốn.
RFI :
Như vậy theo ông phải tổ chức phong trào này như thế nào ?
Việc này phải được tổ chức ở quy mô xã hội. Mà biết đọc biết viết thì
dễ rồi. Thực ra Việt Nam vẫn đang là một trong những nước đang có tỉ lệ
biết đọc biết viết lớn : trên 95%. Biết tin học cũng không quá khó.
Hiện nay internet đã được nối đến tất cả các trường phổ thông ở Việt Nam
rồi. Máy tính càng ngày càng rẻ, các thiết bị khác cũng mang tính năng
xử lý thông tin, các điện thoại thông minh giá vài trăm ngàn thì ở Việt
Nam cũng có thể trang bị. Và thực ra thì máy tính có thể tự học được,
hoặc là người nọ dạy người kia, thì cái này cũng có thể triển khai trong
thời gian ngắn.
Tuy nhiên tiếng Anh đang là một việc mà tôi muốn nhấn mạnh. Hiện nay
Việt Nam đang trở thành một vùng trũng so với các nước trong khu vực về
tiếng Anh. Tôi nói là vùng trũng vì mặt bằng tiếng Anh của các nước xung
quanh Việt Nam như là Philippines, Singapore, Malaysia, Thái Lan, kể cả
Campuchia vân vân đều hơn Việt Nam một mức. Tức là tiếng Anh ở các nước
đó đã trở thành công cụ, thành ngôn ngữ được sử dụng thường ngày của
dân chúng.
Có nhiều lý do khác nhau, và mỗi nước có một chiến lược khác nhau để
đạt được mục tiêu đấy. Nhưng cũng do cách thức, các bước đi khác nhau,
và hiện nay nhìn lại, Việt Nam thực sự đang là một vùng trũng về tiếng
Anh trong khu vực.
Đây là một rào cản cực kỳ lớn, và để giải quyết chuyện này không dễ
một chút nào cả. Phải có một kế hoạch quy mô lớn, tác động đến tất cả
các trường phổ thông, đến các chương trình đào tạo. Thậm chí là phải
mạnh dạn và nhanh chóng dạy một số môn bằng tiếng Anh, chứ không đơn
thuần chỉ học tiếng Anh như là một môn học nữa. Rồi những phương tiện
thông tin báo chí khác, thì nhiều khi cũng phải xuất bản thêm nhiều tờ
báo bằng tiếng Anh, v.v…Để cuối cùng làm thế nào những người có trình độ
văn hóa phổ thông – hiểu theo nghĩa là hết được bậc phổ thông trung học
– thì đã sử dụng tiếng Anh như là một công cụ.
Vấn đề này sẽ phải cần một chiến dịch lớn và kéo dài. Thời gian tôi
nghĩ nếu rất nhanh cũng phải độ năm, bảy năm. Nhưng nếu không bắt đầu
một cách rốt ráo thì tình trạng này có thể sẽ được cải thiện một chút,
nhưng Việt Nam vẫn là chỗ trũng về tiếng Anh trong khu vực, ảnh hưởng
rất lớn đến sự phát triển của Việt Nam trong tương lai, đặc biệt trong
bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
RFI :
Dạ còn tiếng Pháp thì sao ạ ?
Tiếng Pháp là ngoại ngữ thứ hai. Tiếng Pháp, tiếng Hoa và một số
tiếng khác, chúng tôi nghĩ cũng rất quan trọng. Và đối với sinh viên học
đại học chẳng hạn, thì về nguyên tắc sẽ phải học ngoại ngữ thứ hai.
Nhưng mà tiếng Anh là tiếng mà người nào cũng cần phải biết.
RFI :
Ông nói là phổ cập tin
học thì dễ, nhưng có lẽ trong lớp trẻ thôi, còn lớp người 40, 50 tuổi
thì nhiều người vẫn gặp khó khăn trong việc sử dụng công cụ tin học ?
Thực ra rào cản đó là trở ngại về mặt tâm lý thôi, giống như hiện
tượng dị ứng với những cái mới. Chứ còn về mặt khó khăn thì không khó.
Tức là từ không biết đến biết, chỉ bỏ ra rất ít công sức. Nó khác hẳn so
với học một ngoại ngữ, từ không biết gì cho đến biết, tức là phổ cập
thực sự. Tôi nói không khó là để so sánh với vấn đề phổ cập một ngoại
ngữ, để ngoại ngữ đấy trở thành một công cụ sử dụng quốc gia.
RFI :
Theo tiến sĩ thì mục tiêu giáo dục phổ thông bắt buộc là nên đến cấp lớp nào ?
Hiện nay ở Việt Nam phổ cập bắt buộc là hết lớp 5, tức là hết tiểu
học. Tuy nhiên ở một số địa phương mà có điều kiện kinh tế phát triển
như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thì mục tiêu đang đặt ra là phổ cập
đến hết lớp 9. Còn các tỉnh khác thì tùy theo điều kiện kinh tế xã hội
mà mục tiêu này có thể đặt thời gian muộn hơn. Nhưng đến một lúc nào
đấy, thì mục tiêu trung học trình độ 9 năm phải là một cơ sở văn hóa
chung để phổ cập cho tất cả các đối tượng nằm trong độ tuổi quy định.
RFI :
Nói về giáo dục thì vô cùng, nhưng theo tiến sĩ thì Việt Nam cần phải cải tiến những gì ?
Hiện nay đang có những hội nghị, diễn đàn, bàn về vấn đề rất lớn là
làm thế nào trong những năm tới tiến hành đổi mới cơ bản và toàn diện
nền giáo dục Việt Nam. Cơ bản tức là phải đụng đến cội rễ của vấn đề,
còn toàn diện là tất cả những gì liên quan đến lãnh vực giáo dục đào tạo
đều phải đụng đến hết. Cuối năm nay sẽ có những nghị quyết của Nhà nước
về vấn đề này.
Tuy nhiên trong lịch sử Việt Nam có một số cuộc cải cách không phải
cái nào cũng mang lại hiệu quả mong muốn. Đây đang là một dịp mà có
nhiều ý kiến khác nhau, cần phải làm thế nào để sự đổi mới là đổi mới
thực sự. Chứ không đơn thuần là những thay đổi mang tính chắp vá của
những cái mà có thể trước đây mình làm tốt trong những thời điểm lịch
sử, nhưng đến nay không còn phù hợp nữa.
RFI :
Đúng là vấn đề giáo dục hết sức quan trọng với tất cả các quốc gia…
Vấn đề giáo dục quan trọng thật, vì tương lai của Việt Nam, chúng tôi
vẫn nghĩ nó phụ thuộc rất lớn vào vấn đề mình phát triển giáo dục như
thế nào. Đã qua cái thời mà sức mạnh quốc gia được quyết định bởi tiềm
năng quân sự. Cũng đã qua cái thời mà sức mạnh quốc gia được quyết định
bởi tài nguyên, sức mạnh kinh tế mà mình có thể gặt hái được từ tự
nhiên. Và khi mà chuyển sang nền kinh tế tri thức, nền kinh tế định
hướng dịch vụ, thì sức mạnh quốc gia, trong một chừng mực nhất định,
được quyết định rất lớn bởi việc mình có một nguồn nhân lực được đào tạo
tốt.
Ở Việt Nam thì có nguồn nhân lực, nhưng vẫn đang ở dạng tiềm năng
nhiều hơn. Cho nên nếu mà chuyển nguồn nhân lực đang có thành nguồn nhân
lực được đào tạo tốt, thì đấy sẽ là động lực, là tiền đề để Việt Nam có
thể phát triển nhanh trong những năm tới.
RFI :
Theo ông thì Việt Nam đã đầu tư đầy đủ vào giáo dục chưa, và đầu tư đó có hiệu quả không?
Chúng tôi nghĩ Việt Nam là một trong những quốc gia mà phần trăm chi
cho giáo dục là lớn. Mà ngay ở Pháp thì đầu tư ngân sách cho giáo dục
chắc cũng chỉ trên 10% trong tổng chi ngân sách của Nhà nước. Thì con số
Việt Nam đầu tư riêng cho giáo dục đã khoảng 20% ngân sách. Những phần
khác đầu tư cho y tế, an ninh quốc phòng, cho các dịch vụ xã hội khác
nữa.
Thực ra mà nói, Việt Nam nếu so với các nước trong khu vực Đông Nam Á
thôi thì chắc chỉ thua mỗi Thái Lan về tỉ lệ ngân sách dành để đầu tư
cho giáo dục. Nhưng chất lượng hệ thống giáo dục nói chung vẫn đang còn
quá nhiều vấn đề không được xã hội hài lòng.
Cái này tôi nghĩ có lẽ có cả hai lý do. Lý do thứ nhất, nhiều khi đầu
tư không hiệu quả. Bởi vì đầu tư bao nhiêu cho giáo dục đại học, bao
nhiêu cho phổ thông, cho nhà trẻ, mẫu giáo ; cái nào dành cho phát triển
sách giáo khoa v.v…ở Việt Nam thì chỗ nào cũng có những vấn đề nhất
định. Cho nên tiền của Nhà nước nhiều khi sử dụng không được hiệu quả
cho lắm. Có những việc cần làm thì chưa chắc đã được đầu tư một cách
thỏa đáng. Có những việc không đáng làm thì có khi tiền lại nằm ở đấy,
hoặc là làm mà không được kết quả như ý muốn.
Nhưng khía cạnh thứ hai nữa, để đầu tư vào hệ thống giáo dục phải là
đầu tư từ nhiều thành phần, chứ không đơn thuần chỉ đầu tư từ ngân sách
Nhà nước. Việc thu hút đầu tư cho giáo dục từ những nguồn ngoài ngân
sách Nhà nước thì hiện nay Việt Nam chỉ mới làm ở một mức độ nhất định.
Chẳng hạn như trong lãnh vực giáo dục đại học, thì tỉ lệ sinh viên
trường tư hiện nay mới chiếm khoảng độ 14%. So với các nước xung quanh,
đây là một tỉ lệ rất thấp.
Trong thời gian tới thực ra cũng rất khó thể tăng phần trăm ngân sách
cho giáo dục. Tuy nhiên vấn đề làm thế nào để thu hút được các thành
phần ngoài Nhà nước, trong đấy có cả các nhà đầu tư nước ngoài, các
thành phần kinh tế khác đầu tư vào giáo dục, thì đó là một trong những
nhiệm vụ hết sức quan trọng.
RFI :
Xin rất cám ơn tiến sĩ
Lê Trường Tùng, hiệu trưởng trường đại học FPT, đã vui lòng dành thì
giờ trả lời phỏng vấn của RFI hôm nay.