lundi 1 juillet 2024

Thái Hạo - Tại sao sư phụ Thích Chân Quang thường chống gậy?

Xem các hình ảnh trên mạng, ta thường hay thấy thầy Thích Chân Quang chống gậy, dù mới hơn 60 tuổi và nom vẫn rất khỏe mạnh, chưa hề có dấu hiệu của già yếu. Chắc nhiều bạn cũng có cùng thắc mắc như tôi, là tại sao thầy Quang lại thích chống gậy đến thế.

Tôi tra Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới (Jean Chevalier và Alain Gheerbrant) để tìm hiểu về ý nghĩa của biểu tượng này và thấy rằng, một cách khái quát: Gậy xuất hiện trong thế giới biểu tượng dưới nhiều dạng vẻ, nhưng chủ yếu như một vũ khí, và trước hết như một vũ khí ma thuật, như là vật chống theo bước đi của người chăn cừu và của người hành hương, và như một trục của thế giới” (trang 349).

Dưới đây là trích một số biểu hiện về nghĩa trong các nền văn hóa khác nhau của cây gậy, nhưng có phần liên hệ hoặc gần gũi với văn hóa Việt Nam cũng như hình ảnh thầy Quang.

Gậy “là vật chống để bước đi, nhưng nó cũng là dấu chỉ của quyền uy”. “Cái khakkhara của nhà sư là gậy chống đi, là vũ khí tự vệ ôn hòa, dấu hiệu của một cá tính rõ nét: nNó trở thành biểu tượng của trạng thái tu hành và vũ khí trừ tà; nó xua đuổi những ảnh hưởng độc hại, giải thoát những âm hồn khỏi địa ngục, thuần hóa những con rồng và làm khơi chảy nguồn nước”. “Trong tôn ti trật tự của các hội kín luôn luôn có những gậy đỏ gia hình”. “Những tiên ông Đạo giáo thường được biểu hình tay cầm gậy đỏ [...]. Khi đắc đạo, cái gậy ấy có thể đưa người ấy lên trời”.

“Là trụ đỡ, vật phòng vệ, vật hướng đạo, gậy trở thành quyền trượng, biểu tượng của vương quyền, của quyền lực và quyền chỉ huy, trong trật tự tinh thần và tôn giáo cũng như trong tôn ti trật tự xã hội”. “Cái gậy thống chế là biểu hiện của quyền chỉ huy tối cao”. “Cũng thế, cái gậy là chỉ hiệu quyền lực hợp pháp được trao cho thủ lĩnh được bầu của hội đoàn”.

Sư phụ Thích Chân Quang, trong một quan sát rộng hơn, khi ta thấy xe sang, bộ sưu tập đồng hồ hàng hiệu, đến việc tự đắp tượng mình cho Phật tử và khách thập phương lễ bái. Việc tự đặt mua khánh vàng “Quốc trung hiền sĩ” và tổ chức cả một buổi lễ cho người khác trao cho chính mình. Việc tự phong (?) “nhân tài đất Việt”, và gần đây nhất là sự kiện “lấy” bằng tiến sĩ một cách thần tốc và chưa ráo mực ở Đại học Luật Hà Nội đã lại đăng ký làm thêm ngay một bằng nữa ở Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn..., Thì đặt cây gậy vào bức tranh chung này sẽ cho thấy một sự khao khát danh tiếng đến cháy bỏng, và lòng muốn thể hiện quyền uy đến tột bậc.

Trong tất cả các nỗ lực tự xây dựng hình tượng rất tốn kém và công phu kia, thì riêng cây gậy lại có vẻ là thứ nhẹ nhàng nhất, ít tiền nhất (?) và khiêm tốn nhất. Tuy nhiên, như đã chỉ ra ở trên, với ý nghĩa biểu tượng của mình, cây gậy trong tay sư phụ Thích Chân Quang lại dường như mới chính là nơi thể hiện mạnh mẽ nhất, sâu sắc nhất và cồn cào nhất cái khát vọng trở thành đấng bậc, không chỉ đối với tín đồ mà còn đối với cả “thế giới khác”.

Một người còn trẻ khỏe, đỏ da thắm thịt, “răng chắc”, đã “sáng tạo ra một môn phái võ thuật” và hiện đang dạy cho nhiều nghìn võ sinh môn võ của mình, nhưng lại bước xuống từ một chiếc xe sang trọng với cây gậy chống trên tay. Hình ảnh ấy không những đẹp một cách kỳ quái mà còn có phần gây nên sự hài hước rất cảm động.

Nó bỗng làm tôi nhớ đến hình ảnh cụ cố Hồng trong trong tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, khi cụ cố Tổ vừa mới chết và cả nhà đang nô nức chuẩn bị đám tang. “Cụ cố Hồng đã nhắm nghiền mắt lại để mơ màng đến cái lúc cụ mặc đồ xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc vừa khóc mếu, để cho thiên hạ phải chỉ trỏ: - Úi kìa, con giai nhớn đã già đến thế kia kìa! Cụ chắc cả mười rằng ai cũng phải ngợi khen một cái đám ma như thế, một cái gậy như thế...”. Lưu ý, lúc ấy cụ cố Hồng cũng mới ngoài 60 tuổi.

Lúc này, cái gậy lại trở thành một biểu tượng khác, rất “đậm đà bản sắc dân tộc”: chứng tỏ rằng mình đã rất già và có phúc lớn. Trong tâm lý và văn hóa Việt Nam, già là một loại quyền uy, “sống lâu lên lão làng”. Dù chưa sống lâu (mới hơn 60) nhưng làm ra một dáng dấp già cả là một cách khác để thể hiện đã “sống lâu”.

Có một từ trong tiếng Việt và tiếng Trung Quốc vừa chỉ cái già này vừa chỉ vị thế và quyền uy “lãnh tụ tinh thần”, đó là từ “trưởng lão”. Có lẽ sư phụ Thích Chân Quang đã thấy (hoặc muốn thấy một cách cháy bỏng, thiêu đốt) rằng mình là một trưởng lão như thế, người chỉ huy toàn bộ giáo phái với “quyền lực mềm” là cây gậy khiêm tốn nhưng đầy tính biểu tượng và ma thuật kia...

THÁI HẠO 01.07.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.