dimanche 21 août 2022

Thái Hạo - Nhận diện Phật giáo

 

Khi ma đạo và tà sư hoành hành làm mê muội nhân tâm, không gì cần kíp và chính đáng bằng trả lại chân tủy cốt yếu của giáo pháp để thức tỉnh nhau. Và ở đây, câu hỏi sẽ là “Phật giáo là gì?”.

Có thể bỏ qua tất cả, quên đi tất cả, vứt đi tất cả, nhưng bốn chữ này phải nhớ để nhận biết đâu là Phật giáo, đâu là tà giáo: KHỔ - TẬP - DIỆT - ĐẠO (Sự khổ - Nguyên nhân của sự khổ - Trạng thái hết khổ - Con đường để đạt tới hết khổ). Đây được gọi là “Tứ diệu đế”, tức bốn sự thật căn bản, cao quý.

Bản chất của đời sống là khổ, cái khổ của sinh - già - bệnh - chết là lẽ đương nhiên; nhưng cái khổ do dính mắc vì suy nghĩ sai lầm mới là nguy hiểm nhất, nó đày đọa con người.

“Khi bạn bị đau bệnh, bạn đến bệnh viện, đa số sẽ nghĩ “xin đừng để tôi chết, tôi muốn lành bệnh”. Đây là lối suy nghĩ (...) sẽ dẫn tới sự đau khổ. Bạn phải nghĩ “nếu tôi lành bệnh thì tốt, nếu tôi chết cũng không sao”. Nếu bạn nghĩ như thế thì dù bạn chết hay lành bệnh, bạn không có gì phải lo lắng. Bằng cách này, chúng ta hòa nhịp với sự diễn tiến tự nhiên của mọi việc. Muốn lành bệnh và sợ chết, đó là cái tâm không hiểu luật nhân - duyên (Ajahn Chah).

Phật giáo không chống lại quy luật thiên nhiên, mà ngược lại, dồn toàn bộ nỗ lực vào việc nhận chân bản chất của đời sống;  từ đó mà tự tại trước dòng sinh tử biến dịch vô thường. Bất cứ ở đâu mà chúng ta thấy những nỗ lực chống lại quy luật một cách mù quáng, sợ hãi, cuồng điên… ở đó không phải là Phật giáo.

Những trò cúng sao, giải hạn, cầu nguyện, trục vong, đuổi tà... tuyệt nhiên không dính gì tới Phật giáo. Nơi nào chủ trương dùng phước báu, bệnh tật để mê hoặc và đe dọa, đẩy con người vào một cuộc chiến đui mù như nhiều chùa đang làm bây giờ, thì đó là ma đạo.

Đi tu để làm gì? Không để làm gì cả, không để được gì cả. Đi tu chỉ là “bỏ đi”; giác ngộ chỉ đơn giản là buông xuống, không còn truy cầu, không còn dính mắc, bình thản mà bước đi giữa tất cả những sống - chết, hưng – vong, được - mất... Không ai muốn thành Phật mà có thể thành Phật được cả. Vì Phật nghĩa là không muốn gì nữa. Không chống lại, cũng không buông xuôi, chỉ đơn giản là nhìn thấu bản chất của vạn hữu, từ đó là đạt tới hạnh phúc, bằng an; đạt tới một tư thế uy dũng, không mong cầu, không sợ hãi, không phiền muộn.

Một sự bình an không gì lay chuyển được phải đến từ bên trong do giác ngộ sự thật. Lúc này, sức khỏe, tiền bạc… sẽ đến. Vấn đề là bạn có cần hoặc có quan tâm đến nó nữa hay không mà thôi, khi bạn đã tự đủ đầy? Đó chính là trạng thái của giải thoát.

Tóm lại, “Nước trong bốn biển chỉ có một vị, ấy là vị mặn. Cũng như thế, giáo pháp của ta tuy có muôn ngàn phương tiện pháp môn, nhưng duy nhất chỉ có một vị, đó là hương vị giải thoát”. Đây là tôn chỉ của Phật giáo, ngoài hai chữ "giải thoát" này ra, tất cả đều không phải điều mà Thích Ca tuyên xưng.

THÁI HẠO 20.08.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.