1. Tin hoạt động trên các mặt trận:
• Ngày hôm qua ghi nhận quân Nga tiếp tục bị thiệt hại nặng, theo báo cáo của Bộ Tổng tham mưu Ukraine thì tổn thất nhân mạng của lực lượng vũ trang Nga và ly khai lên đến 200 binh sĩ.
Bình loạn: Có những thông tin khác chẳng hạn, một bác bạn Facebook có kể với tôi là ai đó ở Ukraine gặp các binh sĩ về nghỉ chuẩn bị ra chiến trường thay quân nói rằng pháo binh của Nga vẫn rất kinh khủng và quân Ukraine tiếp tục thiệt hại nặng về quân số.
Việc này tui phải nói thẳng thắn: tui không thích những cách tiếp cận như vậy, dù tất cả các nhìn nhận của tui hết sức khách quan không hề “ta thắng địch thua, miền Bắc được mùa, miền Nam thắng lớn.” Tuy nhiên đã nhìn nhận thì cần tỉnh táo, virus tư tưởng còn nguy hiểm hơn covid rất nhiều.
“Tôi thì tin tưởng vào chiến thắng thôi, nhưng Nga nó cũng kinh lắm, nó bắn như bão đó!” “Tôi cũng tin hoàn toàn vào sự lãnh đạo tài tình của lãnh tụ tối cao Zelensky và Bác Chính phủ, nhưng rất lo cho quân ta vì Nga nó đông quá, kéo quân đi đầy đường toàn xe với pháo.”
Luận điệu này trước hết hay phi ra từ những tay “làm tiền bằng miệng” kiểu Tấn Gánh Tây, nó lây lan nhanh kinh khủng và tác động lên tâm lý tất cả chúng ta. Thật ra tất cả những điều người ta nói là đúng, nhưng cách đưa, cách nói rất quan trọng, nó tác động một cách tế vi chứ không dễ nhận ra. Trong khi đó những điều đúng đắn, thì có khi lại rất khó khăn để thuyết phục được mọi người. Đây là một ví dụ.
Từ đầu chiến tranh tui đã rất cố gắng uốn ba tấc lưỡi thuyết phục các bác: quân đội Nga chỉ “trông to thế thôi” và nó thực sự ghê gớm, nhưng nó có những tử huyệt của nó và nó chắc chắn sẽ thua vì những điều đó. Những tử huyệt như thiếu công nghệ lõi, thiếu xe tải, khả năng đưa nền kinh tế sản xuất công nghiệp vào tình trạng thời chiến… chúng ta đã nói chuyện với nhau nhiều lần. Thú thực là tui không phải chuyên gia quân sự, tui không biết và không bàn được về cách đánh, chiến thuật chiến lược gì sất, nhưng những điểm yếu đó tui có thể nói được.
Tất cả những điều đó nghe có vẻ nhà quê, không oai phong nhưng chắc chắn đó là sự thật và nó quyết định thành bại của cuộc chiến.
Ở đây chúng ta cần chấp nhận một thực tế là nước Nga yêu quý của nhiều bác với sự lãnh đạo của Putox, nó đang bất chấp rất nhiều điều phi logic để tiến hành một cuộc chiến đại phi logic. Trong điều kiện đất nước hoàn toàn bị suy kiệt về nguồn lực, vẫn cố tìm kiếm một chiến thắng cực kỳ mờ ảo mà phải chấp nhận rút rỗng hết tất cả các hướng phòng thủ chiến lược của đất nước.
2. Thực trạng là như thế nào?
Vậy con số là bao nhiêu – thiệt hại nhân mạng của phía Ukraine?
Theo một nguồn tin chắc chắn và đáng tin cậy mà tui không thể tiết lộ, ở thời điểm khó khăn nhất của cả cuộc chiến, thiệt hại nhân mạng của lực lượng vũ trang Ukraine là xấp xỉ 100 người / ngày. Đến đây các bác có thể hình dung là ra công bố thì dưới 100 có thể là dưới 200. Còn từ 04/07 đến nay, con số đã thấp hơn nhiều, chỉ khoảng 1/4 đến 1/3 giai đoạn trước.
Tại sao tui vẫn cố gắng nói với các bác: mọi người hãy tin tui, không chỉ vì tui có một nguồn tin nào đó, mà ở đây còn có một xuất phát điểm khác là cách đánh của quân Ukraine. Dù ở giai đoạn nào, Nga tấn công với chiến thuật nào và quy mô nào, thì quân Ukraine vẫn cố gắng đưa về với những trận đánh phi đối xứng.
Chúng ta hoàn toàn có thể hình dung ra được khi bước vào “phase 2” The Battle of Donbas Nga áp dụng chiến thuật gặm nhấm và dựa trên một mật độ pháo binh dày đặc đến mức dữ dội. Một chiến trường mà lúc nhiều nhất họ chỉ tấn công trên một chính diện tổng cộng khoảng 30 km chiều rộng, chiều sâu dưới 5 km (150 km vuông) mà như bài trước tui mạo muội tổng kết: hạ mục tiêu chiến tranh xuống cấp huyện.
Trông con số đạn pháo họ sử dụng một ngày 60.000 quả, tưởng thì ghê gớm nhưng tui đã viết từ hồi tháng Năm và tháng Sáu (bất chấp một số tư tưởng thích tỏ ra khách quan bảo là “nó vẫn bắn ầm ầm”) là Nga sẽ cạn kiệt đạn pháo vì nhìn mức độ sử dụng pháo binh như thế, là họ đã tính toán để tiết kiệm rồi. 60.000 quả đạn pháo trên 150 km vuông, nghĩa là một kilômét vuông chỉ được “phân phối” 400 quả, nó thua xa so với tiêu chuẩn lý thuyết của quân đội Xô-viết.
Lật lại con số thì trước đây tui đã báo cáo với các bác, tiêu chuẩn lý thuyết mà quân đội Xô-viết đưa ra yêu cầu là 1.000 khẩu pháo và súng cối các loại trên một kilômét chính diện mặt trận khi tấn công. Trong khi ở Donbas Nga có thể chỉ đạt con số 100 (3.000 pháo và súng cối cho một chiến tuyến 30 km) và về đạn dược do đó cũng chỉ đạt cỡ 10% so với tiêu chuẩn của quân đội Xô-viết.
Trong chiến dịch Khankhin Gôn, để chuẩn bị cho kế hoạch tấn công quân Nhật ở khu vực hồ Khaxan, Hồng quân đã phải tập trung được một lượng đạn pháo là khoảng 2 triệu quả. Theo G.K.Giukov đưa ra con số là 18.000 tấn đạn pháo, mà hồi đó chủ yếu Hồng quân sử dụng pháo dưới 100 mm. Hồi đó chiến thuật tấn công sử dụng pháo binh làm “thần chiến tranh” để làm mềm trận địa trước khi bộ binh và xe tăng tràn lên tấn công chưa hình thành rõ nét như trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai sau đó vài năm.
Có thể nói rằng ở mặt trận Donbas quy mô sử dụng pháo binh tính trên các con số tiêu chuẩn, chỉ đạt ở mức… Khankhin Gôn.
Ấy vậy mà chỉ sau 70 ngày đánh cật lực, tất cả những vấn đề về kỹ thuật của khí tài Nga đã bộc lộ: xe pháo hỏng, đặc biệt là nòng pháo bắt buộc phải thay. Lại theo những nguồn tin tình báo vỉa hè, tình trạng thiếu thốn phụ tùng không chỉ diễn ra đối với xe tăng pháo binh, mà bắt đầu diễn ra với ô tô.
Mới đây nhất khi quân Nga kéo ùn ùn về bảo vệ Kherson, người ta ghi nhận có những loại ô tô tải quân sự dù mới tinh, nhưng thuộc loại sản xuất đã khá lâu với như một kiểu Ural và thậm chí cả xe Kraz trước đây sản xuất tại Ukraine thuộc Liên Xô cũ. Điều đó cho thấy Nga đã sử dụng khí tài trong kho dự trữ chiến lược của mình. Đó cũng là một trong những lý do mà chiến tranh hạt nhân không thể nổ ra, vì chỉ một động thái tấn công bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật, Nga Putox sẽ đặt đất nước mình vào thế đối đầu với NATO đứng đầu là Hoa Kỳ.
Chắc hẳn các bác đang cho rằng tui lan man lạc đề, không ạ. Đến chúng ta còn biết Nga phải tập trung vào một chỗ bé tí để dập pháo, chẳng nhẽ quân đội Ukraine người ta không biết? Đối mặt với quân đội Nga rất nhiều thành phần dân tộc thiểu số ít học ít chữ, thì bên kia quân Ukraine có cả giáo sư. Loại quân đội như thế quý hơn nhiều so với lũ ô hợp chứ. Thấy nó pháo kích thì phải tránh đi chứ ngồi đó làm gì.
3. Mới đây nhất tui có đọc một bài do bác Cù Tuấn dịch nói về tương quan của lực lượng hai bên tại chiến trường Kherson…
Bài báo dẫn ra con số là Nga tập trung đến 30 BTG ở đây, và cho rằng quân đội Ukraine chỉ toàn là giáo viên, công chức, thợ thủ công chỉ qua vài ngày huấn luyện nên không thể là một lực lượng cân bằng với bên kia được.
Vậy chúng ta cùng hình dung xem trận tuyến của Ukraine như thế nào nhé: áp sát thành phố Kherson về phía bắc, là cả một vùng liền lạc, gần nhất là Mykolaiv sau đó là Kryvyi Rih có mà nối lên tận… Kyiv và các thành phố miền tây. Về quân số, cứ cho là chỉ bổ sung một ít so với trước chiến tranh nghĩa là 3 mặt trận mỗi mặt trận cỡ 100.000 quân thì cũng ít nhất gấp 3 lần quân số của Nga, chẳng rõ ông tây bình luận kiểu gì.
Vậy tại sao họ lại không tấn công? Thời nào rồi mà còn tấn công kiểu điên khùng dùng chiến thuật biển người như Nga – Putox? Đến đây tui thấy thương hại các cháu dư luận viên và anh em cuồng Putox, đặc biệt là chú đại tá Lee Shimuo người viết cả một cuốn sách ca ngợi Putox. Ca ngợi một quân đội vô đạo đức thì đi một nhẽ rồi, đây lại còn chiến đấu với chiến thuật của chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Quân đội thứ hai thế giới đấy!
Nga Putox đánh nhau đã ngu thế chẳng nhẽ mình lại ngu như người ta? Vì thế ngay từ khi Ukraine họ tuyên bố là sẽ phản công ở miền Nam, tui lại nghĩ: nghe vậy mà chẳng chắc đã phải là như vậy. Nga kéo quân ùn ùn về từ khi những cây cầu vẫn còn nguyên, và đến khi tập trung đông đông nện cho vài cú, gãy cầu chuyển mức độ cung cấp hậu cần xuống còn một phần nhỏ so với trước.
Càng đông càng dễ chết đói chứ báu cái gì.
Đùng cái họ (Ukraine) tuyên bố tạm hoãn phản công. Đối phương vừa ngồi thở được vài ngày có khi lại nện cho một trận… cứ thế.
Sáng nay ngồi uống cà phê với Tấn Gánh Tây và giáo sư Mai-cồ Nguyễn, tui kể là họ có đến nửa năm để chuẩn bị cho chiến tranh phá hoại bằng cách ém quân khắp nơi, trong đó đông nhất là mặt trận miền nam, từ đó họ vượt đầm lầy Sivats qua Crimea thì quân Nga có mà chống vào mũi. Thông tin này có nguồn tin nói với tui từ cách đây 2 tháng nhưng cũng dặn là để sau hẵng bình luận chứ đừng chém trước.
Chiến thuật chiến tranh phá hoại cũng phải chờ “tới tầm” mới làm được, chủ yếu là với điều kiện mật độ dân số giảm, những người thực sự theo Nga chống Ukraine người ta sẽ rời khỏi địa bàn. Đồng thời trong thời gian bị chiếm đóng, nhất là khi còn tin tưởng vào chiến thắng rất nhiều tay trong tay ngoài sẽ bị lộ mặt. Còn khi Nga chắc chắn sẽ thua trên chiến trường, việc thi hành chiến tranh phá hoại đồng thời chống gián điệp sẽ dễ dàng hơn.
Thế mạnh của Ukraine là phòng thủ, trong khi thế mạnh của Nga là tấn công đấm đá túi bụi. Trong cái “phase 2 The Battle of Donbas từ đầu đến cuối, Ukraine đã luôn luôn phải chống đỡ với chiến thuật “túm tóc, tạt tai, tát tới tấp” thậm chí đến khi chịu không nổi phải nhả cho chúng hai thành phố Serevodonetsk và Lysychansk. Nhưng rõ ràng là đã trả một giá quá lớn nhưng kết quả thì chẳng hề tương xứng, Putox không thể dừng lại.
Cứ cho là quẳng vào đó cỡ 20.000 mạng lính cùng 20 – 30.000 chú lính què quặt sau chiến tranh, hàng triệu viên đạn pháo cùng cả nghìn cái xe tăng nữa, mà chiếm được hai thị trấn bằng đúng “thành phố” Bắc Ninh, thú thực tui đến nay sống gần 60 năm cuộc đời chưa thấy quân đội hùng mạnh thứ hai thế giới lại bệ rạc đến vậy.
Đúng như Tư lệnh Lê Hồng Anh đã nói: Nga chiếm xong rồi mới là chết, giữ đất ở xa nhà thì khoai lắm, họ quấy cho thì khổ luôn. Chúng ta có thể nhận thấy một số điểm:
• Tư lệnh nói đúng, Nga không thể dừng ở đó được, vì dừng lại thì họ quấy, điển hình là dùng UAV bé tí thả lựu đạn vào đầu và pháo chụp. Nhìn số lượng đạn 155 mm tiêu hao thì biết là Ukraine hoàn toàn không cho quân Nga nghỉ ngơi một ngày một giờ nào.
• Vì giữ đất xa nhà, hậu cần là tuyệt đối quan trọng, là yếu tố sống còn. Ukraine tăng cường phá hậu cần, thậm chí sâu trong đất Nga dẫn đến đến “phase 2,5” Nga phải thu hẹp mục tiêu từ cấp huyện xuống cấp xã.
Nếu các bác cho phép tui đoán mò thì tui xin hình dung như thế này: Ukraine đã quá thừa kinh nghiệm qua 70 ngày chống đỡ với chiến thuật nện pháo và gặm nhấm của Nga, nên nếu có đánh nữa, chắc chắn họ chống tốt. Trong khi đó, quân tấn công bao giờ cũng phải chuẩn bị lực lượng về quân số và vật chất gấp 3 – 4 lần quân phòng ngự, vậy tội gì mà tấn công?
Trong “phase 2,5” này Nga vẫn đang phải tấn công và gần như chắc chắn là “Phase 3” mà chúng ta còn chưa biết nó sẽ như thế nào. Nhưng có thể là cố tấn công để chiếm nốt 2 thành phố Kramatorsk và Slovyansk; đồng thời cố đẩy quân Ukraine ở Kherson ra càng xa thành phố càng tốt, nếu chiếm được Mykolaiv và Kryvyi Rih thì là quá tốt.
Ở hậu phương do vậy họ đang hết sức tích cực chuẩn bị cho giai đoạn sắp tới mà có thể nó sẽ diễn ra trong chiến cuộc thu đông này thôi. Tuy thế từ ngày 04/07 đến nay đã là 1 tháng rưỡi mà họ chưa tiếp tục tấn công được, điều đó cho thấy họ chưa tập trung đủ được nhân lực và vật chất – kỹ thuật cho chiến dịch mới. Không những thế, họ đang phải kéo quân từ chỗ nọ sang chỗ kia một cách thụ động và không ngừng chịu sự quấy phá của người Ukraine.
Về phía người Ukraine, đã rõ ràng chiến lược của họ trong cuộc chiến tranh này là “địch tiến thì ta tránh, giữ được thì giữ không giữ được thì lùi; địch dừng thì ta quấy.” Là những người quá rõ về đối thủ, tử huyệt của quân đội Nga là hậu cần bị quân Ukraine triệt để lợi dụng trong suốt giai đoạn 2,5 của cuộc chiến.
Về chiến lược, điều… khốn nạn nhất của quân đội Nga Putox là… buộc phải tấn công, như hôm trước tui viết là “tấn công để phòng ngự” nhưng rõ ràng là càng ngày càng đuối đi. Nếu quân Ukraine cứ tích cực triệt phá hậu cần như hiện nay, thì giai đoạn chuẩn bị cho đợt tấn công mới càng kéo dài, thậm chí còn chẳng thể tấn công được.
Giả định bằng một cách nào đó họ sẽ tổ chức tấn công được – với điều kiện là phải hội đủ được sức mạnh như bắt đầu “phase 2” (một điều rất rất khó!) thì giỏi lắm cũng chỉ đến được ngoại vi 2 thành phố Kramatorsk và Slovyansk là chấm hết, vì điều kiện phòng ngự của quân Ukraine ở đó tốt hơn nhiều so với Serevodonetsk và Lysychansk. Đến đó thì Nga sẽ đuối hẳn và sẽ bước vào giai đoạn biết là phải tấn công đấy nhưng lực bất tòng tâm, đỗ một chỗ không được thì chỉ có nước phải rút.
Đến tầm này thì cũng có rất nhiều điều đã rõ được trên trường quốc tế: vũ khí dầu mỏ và khí đốt không xi nhê gì, vì ai cũng đã tính ra được cùng lắm là cuộc chiến chỉ kéo được đến… sang năm. Điều đó cũng có nghĩa là chưa thể chết rét trong khi Putox không bán được khí đốt sẽ chết đói trước.
Còn cháu dư luận viên nào tin ở việc các lệnh trừng phạt sẽ không tác dụng gì, thậm chí làm cho Nga Putox còn mạnh hơn, thì cứ về hỏi bố mẹ xem ngày chưa xa, chúng ta bị cấm vận có điêu đứng lắm không, thiếu mỗi nước chết đói chứ bo bo thì ăn rồi. Các cháu đừng bao giờ nghĩ chỉ có trồng được lúa mì mà khỏi chết đói, có bọn còn lo sang Tây Phi mua muối biển vì muối mỏ ăn một thời gian là dân chúng của Putox bướu cổ đần độn hết.
Về khoa học kỹ thuật, chỉ cần nghe con số trực thăng Kamov-52 rụng như sung là biết thiếu công nghệ lõi nó như thế nào rồi.
Vậy đó ạ, Nga Putox chắc chắn sẽ tấn công nữa, nhưng mạnh yếu thì chưa đoán được. Tuy nhiên chắc là vẫn kiểu cũ tức là dập pháo, tràn xe tăng lên và may ra có thêm ít UAV của I-răng, chấm hết. UAV thế chứ UAV nữa cũng chẳng ý nghĩa gì, cũng như Me 262 phản lực của Hitler ra chiến trường cũng có giải quyết được vấn đề gì đâu, đã thua về chiến lược rồi thì có UAV giời.
Trận tấn công này sẽ diễn ra trong trạng thái giống “phase 1” của cuộc chiến hơn, nghĩa là lại có yếu tố cài răng lược hoặc loang lổ da báo, có yếu tố tấn công vào sau lưng, các đơn vị hậu cần đi sau, kho đạn dược và xăng dầu… Ở tiền duyên, sẽ có đấu pháo qua lại của lực lượng pháo binh cùng có gốc Xô-viết cũ, và lại diễn ra các trận đánh tấn công – phòng ngự cho đến khi nó lại dừng lại như ở “phase 2.”
Kết thúc giai đoạn này tùy thuộc khả năng chuẩn bị. Nếu vẫn yếu thì Ukraine sẽ tiếp tục làm giống như ở “phase 2,5” tẩn mạnh ở đằng sau, có thể sâu thêm vào đất Nga để xói mòn tiếp tinh thần của dân chúng. Còn nếu đủ lực, thì có thể tấn công ở một mức độ nào đó ở một số mũi nhất định. Dù thế nào thì tui vẫn tin ở một mũi tấn công theo hướng từ Nova Kakhovka theo đường P47 ra bờ biển Azov.
PHÚC LAI 17.08.2022
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.