jeudi 25 août 2022

Phúc Lai - Bình luận về bài phỏng vấn thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân của VTC

 

• 1. Hỏi: thưa thiếu tướng, cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đến nay sau 6 tháng giao tranh, Nga được gì và mất gì?

+ Cái được đầu tiên: Nga kích động được Chủ nghĩa Dân tộc lên cao chưa từng thấy để giành sự ủng hộ cho “Chiến dịch quân sự đặc biệt.” Nước Nga hiện nay quản lý xã hội chặt chẽ hơn (phạt tù 7 năm).

 

Bình loạn : Chú Quân nói cho lịch sự, chứ đây mà là “được” – có mà là bước thụt lùi của cả chế độ Putox về phía tăm tối. Thời nào rồi mà còn xây dựng thể chế độc tài.

+ Thứ hai. Về mặt quân sự Nga chiếm được tỉnh Kherson, Zaporizhzhia ở miền Nam, toàn bộ tỉnh Luhansk và hơn 60% tỉnh Donetsk. Đưa được một số phần tử thân Nga đến đứng đầu chính quyền, đưa một số giáo viên đến dạy xuyên tạc lịch sử Ukraine.

Bình loạn : Đây có thể nói là một thắng lợi chiến lược của Nga trong “Chiến dịch quân sự đặc biệt”, kết quả này có được ngay từ những ngày đầu chiến tranh mà tổn thất rất ít, một phần do sự phản bội của một số nhân vật thân Nga trong chính quyền Ukraine ở miền nam và hoạt động của gián điệp Nga ở đây. Hiện nay Ukraine vẫn đang nỗ lực chiến đấu để khắc phục lại tổn thất to lớn này. Từ cách đây khoảng 3 tháng là vụ đầu tiên, SBU (cơ quan an ninh Ukraine) đã bắt được mấy chục người Ukraine trong chính quyền bị quy cho là đã và đang cộng tác với quân Nga xâm lược.

+ Thứ ba. Phá hủy và tiêu hao đáng kể lực lượng vũ trang Ukraine. “Phi quân sự hóa” là như vậy đấy.

Bình loạn : Theo RFI hôm qua cho đến nay Ukraine đã mất tổng cộng 9.000 người. Con số này khá sát với con số tui viết hôm nào theo một nguồn thông tin Ukraine: tổn thất khoảng dưới 1 vạn người. Riêng “phase 1” The Battle of Kyiv quân Ukraine bị tổn thất 1.000 người cả lính và sĩ quan. Sang “phase 2” The Battle of Donbas, trong 20 ngày đầu mỗi ngày tổn thất của quân Ukraine trên mặt trận Donbas là hơn 100 người chủ yếu vì hỏa lực pháo binh của Nga, sau đó tình hình mới dần được cải thiện. Tính trung bình 1 ngày tổn thất của phía Ukraine là dưới 100 người cả quân nhân và dân thường, do đó sau 180 ngày con số 9.000 đến dưới 1 vạn là hợp lý.

Về khí tài, quân đội Ukraine tổn thất những số lượng xe tăng và pháo binh khá lớn. Về xe tăng, cho đến trước chiến tranh người ta đánh giá nước này có khoảng 800 chiếc có thể chạy được ngay. Khi bắt đầu chiến tranh, Ukraine có thường trực 4 lữ đoàn xe tăng, trong đó 3 lữ đoàn trên hướng Donbas: số 4, số 17 và lữ đoàn xe tăng cận vệ số 3. Còn lữ đoàn nào bảo vệ thủ đô Kyiv theo hướng bắc tui quên rồi. Người ta cho rằng phía Ukraine sau 6 tháng có thể bị mất cỡ một nửa số xe tăng trên, nhưng bù lại lại thành lập được 2 lữ đoàn mới từ những xe tăng có nguồn gốc Liên Xô mới nhận được mấy tháng qua. Hiện nay những đơn vị này còn nguyên – chúng ta chưa thấy có bằng chứng nào về hoạt động của chúng trên chiến trường.

Về pháo binh thì trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh, pháo Ukraine đấu không lại được với pháo Nga (số lượng bằng 20%, đạn cũng ít, suy ra hỏa lực so với Nga chỉ bằng 10%). 

+ Thứ tư. Đưa được hơn 1 triệu người tị nạn Ukraine sang đất Nga.

Bình loạn : Con số này tui không nắm được nhưng lượng người tị nạn đi sang phương Tây cũng vài triệu và bây giờ họ đã về phần lớn để xây dựng lại đất nước và tham gia chiến đấu. Còn 1 triệu người sang Nga chắc còn lâu mới được về.

+ Thu hút được 5 vạn người đang sống trên đất Ukraine gia nhập quốc tịch Nga, tạo điều kiện cho trưng cầu dân ý sắp tới, với mục đích sáp nhập đất đai vào Nga như năm 2014.

Bình loạn : Nga có trò vừa phát hộ chiếu vừa khủng bố, nên 5 vạn còn là hơi ít.

+ Cái mất đầu tiên của Nga là về chính trị. Có lẽ chưa bao giờ từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay, Nga lại mất uy tín trên trường quốc tế đến như vậy. Nhất là qua cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc… số phiếu phản đối Nga chiếm phần lớn, ủng hộ vô cùng ít.

Bình loạn : Có một nước tên gọi là Cộng hòa Tây Phi lực lượng ủng hộ Nga Putox vẫn còn đông và hết sức hung hãn. Chỉ cần vào chương trình phỏng vấn này thôi ngoài những ý kiến đồng tình rất hiểu biết, thì những ý kiến của các dư luận viên thô lỗ kinh khủng. Như tui đã kể với các bác, từ sau sự kiện Nga chiếm Crimea của Ukraine năm 2014 tui đã viết nhiều bài báo chủ yếu đăng trên Vietnamnet phân tích về tính bất hợp pháp của hành động này, thời điểm đó số lượng người ủng hộ ý kiến của tui chiềm khoảng 1/3 còn 2/3 là chửi bới hết sức vô học. Tui mà là Nga Putox tui cũng không ham thứ supporter như thế.

+ Thứ hai. Thiệt hại về kinh tế. Cấm vận này không chỉ 1 năm 2 năm, mà còn có thể là 10 năm hoặc dài hơn nữa. (Sau 6 tháng chiến tranh) Nga đã xóa bỏ cơ bản những thành tựu đạt được từ sau khi Liên Xô sụp đổ đến nay. Nga không muốn để Ukraine trở thành thành viên EU, nhưng cuộc chiến này đã đẩy Ukraine về Liên minh Châu Âu nhanh hơn.

Bình loạn : Hồi “phase 1” tui cho rằng các lệnh trừng phạt sẽ được bỏ ngay lập tức nếu Nga rút quân, nhưng đến bây giờ thì rõ ràng là cơ hội đó đã qua cho Putox. Tầm này thì có rút quân cũng còn lâu mới được bỏ. Vấn đề của nước này là thiếu công nghệ lõi, do đó dù có cố gắng đến mấy cũng rất khó khăn. Nền công nghiệp sản xuất không làm được máy cái thì vứt.

+ Thứ ba. Tổn thất về quân sự. Tổn thất sau 6 tháng không hề nhỏ, con số ước tính không thể nhỏ hơn thiệt hại ở cuộc chiến tranh Afghanistan 10 năm. Nga vẫn nói là ngăn chặn NATO tiến về phía đông, nhưng sau khi cuộc chiến bùng nổ có 2 quốc gia láng giềng gần gũi, 1 có biên giới chung, xin gia nhập NATO. 20/30 thành viên NATO hoàn thành lấy ý kiến để kết nạp 2 thành viên này. Viện trợ của NATO được tăng cường cho Ukraine để chống lại Nga. Vũ khí Nga bị mất uy tín nghiêm trọng trên chiến trường Ukraine, chưa nói ngành công nghiệp vũ khí Nga còn bị ảnh hưởng bởi cấm vận sau này nữa.

Bình loạn : Xin kể một chuyện là trưa nay nói chuyện với một người bạn có vị trí rất quan trọng trong cơ quan cũng rất… quan trọng về chiến lược, anh bạn đồng ý với tui lập tức về việc con số thiệt hại của Nga còn được Ukraine giảm bớt, một số trận thắng của họ với Nga còn chưa được công bố. Vì vậy con số 45.700 binh lính Nga thiệt mạng của ngày 24/08 là vẫn chưa đúng với sự thật… Với đặc thù của cuộc chiến này là Nga rất yếu kém về công tác hỗ trợ lực lượng chiến đấu, trong đó có cả điều kiện y tế, sơ cấp cứu rất kém làm cho số lượng binh lính Nga bị thương có tỉ lệ so với bị chết là… thấp. Như vậy có chuyên gia phương Tây nào đó ước tính số bị thương gấp đôi số thiệt mạng là hợp lý, vào khoảng 90.000 lính. Như vậy tổng số thương vong của quân Nga sau 6 tháng vào khoảng 130.000 đến 140.000 lính.

+ Thứ ba. Về văn hóa. Trước đây Nga sợ Ukraine chịu ảnh hưởng (bởi tư tưởng) phương Tây, nhưng giờ đây Ukraine đã ngả hẳn vào vòng tay của phương Tây. 79% người Ukraine chủ yếu nói tiếng Nga đã nhìn nhận người Nga một cách tiêu cực hơn. 77% người Ukraine phản đối dạy tiếng Nga trong các trường học và đại học (trước đây không có chuyện phản đối này) và 73% phản đối sử dụng tiếng Nga tại tòa án và các cơ quan chính quyền. Điều đó có nghĩa là không ai gây thiệt hại cho tiếng Nga (văn hóa Nga) ở Ukraine bằng lãnh đạo Nga.

Bình loạn : Sau bài viết “Cuộc chiến tranh Nga – Ukraine: 180ngày nhìn lại” của tui, chúng ta đã khẳng định với nhau rằng rất nhiều người Ukraine trước đây còn cấn cá với tiếng Nga hay tiếng Ukraine, thì bây giờ sẽ có quyết định dứt khoát. Dứt khoát đó là sự đoạn tuyệt với cả trăm năm Nga hóa và nô dịch dân tộc khác về tư tưởng.

• 2. Sau 6 tháng dù không đạt được những mục tiêu đã đặt ra, nhưng Nga cũng đã đạt được một số mục tiêu như “chiếm được tỉnh Kherson, Zaporizhzhia ở miền Nam, toàn bộ tỉnh Luhansk và hơn 60% tỉnh Donetsk…” nhưng theo ông cái giá phải trả của Nga là gì?

+ Theo tôi, thứ nhất cái giá phải trả lớn nhất của Nga là gia tăng tính dễ tổn thương về chính trị, sức ép ngày càng tăng trong nước khiến lãnh đạo phải tìm cách nào đó để tuyên bố chiến thắng. Đến nay 6 tháng rồi chưa tuyên bố được chiến thắng. Lúc đầu chúng ta hy vọng là 1 tháng thì tuyên bố, rồi ngày 09/05 cũng sẽ tuyên bố được chiến thắng… đến nay cũng hơn 3 tháng rồi.

Bình loạn : Tình thế chính trị của Putox lúc này lâm vào tình trạng bấp bênh hơn bao giờ hết – dù thể hiện ra bên ngoài là rất vững chắc nhờ con số tỉ lệ dân chúng Nga ủng hộ lão ta rất cao. Thực tế theo một nguồn điều tra mật và không chính thức thì con số này chỉ đạt cỡ 45%. Đã đến lúc dân Nga nhận ra rằng tại sao cả thế giới lại đi ủng hộ một “chế độ phát-xít” như Kyiv – lạ nhỉ, trong khi nước Nga thành trì của hòa bình thế giới lại bị cô lập. Rồi là những lý lẽ kiểu như “Liên Hiệp Quốc là con rối của Mỹ” người ta cũng sẽ không tin nữa.

+ Thứ hai. Sau khi không chiếm được Kyiv và Kharkiv thì Nga đã phải điều chỉnh mục tiêu hạn chế hơn, là chiếm nốt Donbas nhưng Nga đã ở đây từ 2014 cơ. (Sang giai đoạn sau này) Nga càng ngày càng bị mất nhiều lính hơn và chỉ nắm giữ được những vùng đất “phi chiến lược.”

Bình loạn : Như tui đã viết trong bài review tuần trước: Nga trong giai đoạn đầu của chiến tranh với mục tiêu quân sự là cấp tỉnh nhưng chính trị là cấp quốc gia (hạ gục cả chính quyền Kyiv) sang giai đoạn hai là cấp huyện (chiếm được 2 thành phố Serevodonetsk và Lysychansk to bằng thị xã Bắc Ninh cũ, và một số làng khu dân cư xung quanh mà chúng ta gọi là “thành phố” thực ra chúng chỉ là các ngôi làng và bây giờ thì mục tiêu là cấp xã với từng ngôi làng một đang bị họ tấn công.

+ Thứ ba. Quân đội Nga suy yếu về tổ chức và giảm sút về tinh thần chiến đấu. Nhiều đơn vị bị tiêu diệt, xóa sổ phiên hiệu, tinh thần suy giảm gây ra sung đột sắc tộc, những nước cộng hòa theo Phật giáo, Hồi giáo… bất mãn trong gia đình các binh sĩ ngày càng gia tăng gây sức ép cho Chính phủ Nga.

Bình loạn : Chuyện này chúng ta cũng bàn luận rồi: quân Baskiria kèn cựa với ly khai Donbas, ly khai Donbas kèn cựa với quân Nga nói chung… Binh sĩ chiến đấu không có mục đích mà chỉ vì tiền, sẽ đến một lúc nào đó nhận ra rằng tiền chẳng ý nghĩa gì khi còn còn là bộ xương khô.

• 3. Phía Ukraine cũng thiệt hại vô cùng lớn như các thành phố bị tàn phá… nhưng Chính phủ của ông Zelensky vẫn đứng vững. Điều làm thiếu tướng bất ngờ nhất là gì?

+ Điều làm tôi bất ngờ nhất là Ukraine đã chủ động cải cách quân sự, từ rất sớm trước ngày 24/02. Ban hành kế hoạch phòng thủ chiến lược từ tháng 5/2016 để chuẩn bị tinh thần phòng thủ cho người dân. Tháng 1/2022 Chính phủ Ukraine đã phê chuẩn “Chiến lược kháng chiến” trong đó xác định kháng chiến lâu dài, nghĩa là họ không xác định cuộc chiến này sẽ nhanh chóng. Hơn 51.000 phụ nữ Ukraine đã được gọi vào quân đội. Khi chiến tranh xảy ra đất nước nhiều lần tiến hành tổng động viên.

Bình loạn : Từ trước chiến tranh, các bác người Việt ta nay đã là người Ukraine gốc Việt đều kể là quân đội Ukraine chỉ yếu kém thua xa quân Nga vào năm 2014 thôi, còn bây giờ thì đã được cải cách theo chuẩn NATO và nếu có chiến tranh xảy ra, chưa chắc quân đội Nga đã “ăn” được quân Ukraine. Hơn thế nữa người Ukraine trong quân đội Liên Xô cũ luôn là những chiến binh thiện chiến nhất, còn người Nga luôn là những chiến binh nát rượu nhất.

+ Thứ hai. Ukraine luôn luôn kêu gọi thế giới đặc biệt là Mỹ và phương Tây ủng hộ vũ khí, nhưng đồng thời họ cũng vẫn có những vũ khí tự sản xuất được, và có vũ khí bắn chìm chiến hạm Mátxcơva trên Biển Đen.

Bình loạn : Khi bước vào “phase 2” The Battle of Donbas chúng ta thấy Ukraine luôn than phiền là thiếu vũ khí, thậm chí có những lúc tình hình làm cho những người ủng hộ họ lo lắng vì có những thông tin cho rằng họ thua kém quá nhiều về pháo binh… do đó gây thiệt hại rất lớn về nhân mạng. Nhưng chỉ sau đó ít lâu khi nhận được các giàn tên lửa phóng loạt HIMARS, thì lại thấy họ dùng pháo binh của mình với mức độ khá phổ biến. Không những thế, họ còn sử dụng hết sức thông minh với chiến thuật phối hợp các loại vũ khí mới nhận được và cũ sẵn có, ví dụ như một phát đạn thông minh đệm thêm vài phát đạn ngu Liên Xô cũ…

Trong điều kiện chiến tranh, chắc chắn việc phục hồi sản xuất quốc phòng là không dễ dàng, nhưng rõ ràng là họ vẫn đang làm việc, bằng chứng là gần đây xuất hiện nhiều thông tin từ một loại tên lửa Kh-35 của Liên Xô cũ, họ có thể đã phát triển ra vài phiên bản ví dụ phiên bản Neptune đất đối hạm, được cho là đã được sử dụng để bắn chìm tuần dương hạm Mátxcơva, và gần đây là các cú tấn công vào căn cứ quân sự Saky (Novofedorivka, Crimea) hay bắn vào kho Veluyki của tỉnh Belgorod, đều được cho rằng họ dùng một phiên bản nào đó cải tiến từ Kh-35 và phóng từ máy bay cường kích Su-24.

Ngay từ khi nổ ra cuộc nổi loạn ở Donbas sau đó là nội chiến, họ đã chuyển tất cả những nhà máy quốc phòng ở đây về phía tây và bây giờ là lúc phục hồi sản xuất trở lại. Theo tin tui vừa nghe hôm kia, các hợp đồng cung cấp vũ khí cho nước ngoài Ukraine đã ký, lại được tiếp tục thực hiện, trong đó có hợp đồng với Tây Phi.

+ Thứ ba. Ukraine sử dụng chiến thuật rất linh hoạt. Ukraine đô thị hóa rất cao, nên họ thi hành chiến thuật phòng thủ trong đô thị rất tốt nên giành thắng lợi. Sử dụng chiến tranh thông tin để tranh thủ sự ủng hộ của người dân để chống lại ngoại bang. Sử dụng máy bay không người lái tấn công rất chính xác và hiệu quả, tiết kiệm xương máu cho quân đội. Tăng cường sử dụng tên lửa phòng không và chống tăng vác vai rất hiệu quả mà đối phương không khống chế được. Khéo léo ngụy trang nghi binh để đối phương tốn rất nhiều tên lửa đạn đạo bắn vào những mục tiêu… trong thời kỳ đầu. Phát triển kỹ năng tác chiến trong lòng đất. Ukraine có rất nhiều hầm hào xây dựng từ thời Liên Xô những năm 50 – 60 của thế kỷ trước đến bây giờ vẫn sử dụng. Phát huy hiệu quả của lực lượng tác chiến đặc biệt, lấy ít thắng nhiều, tấn công cả các căn cứ hậu cần của đối phương ở hậu phương như ở Belgorod, Kursk… Tấn công bằng tên lửa vào Bryansk…

Bình loạn : Đến đoạn sau chú Quân sẽ nói về chiến thuật của quân đội Nga hiện nay là cơ động dựa trên cơ giới hóa cao, còn tui từ trước đã trình bày với các bác là học thuyết quân sự Xô-viết là dựa trên sức tấn công mạnh mẽ và nhanh chóng của các mũi nhọn thọc sâu của binh chủng hợp thành, trong đó lực lượng xe tăng thiết giáp là nòng cốt. Trước các đợt tấn công, bao giờ cũng có những trận pháo bắn chuẩn bị mãnh liệt của số lượng pháo binh đông đảo. Về yếu tố cơ giới hóa cao, thì hiện nay quân đội Nga xây dựng sức mạnh tấn công dựa trên các “Cụm tác chiến cấp tiểu đoàn” (BTG) có cơ cấu giống như kỵ binh hiện đại hay chính xác là bộ binh cơ giới, đòi hỏi phải có một lượng xe bọc thép chở quân lớn.

Nhưng cũng như bạn Phung Ngoc Khoa từ Paris đã có bài phân tích, số lượng xe bọc thép của BTG là không đủ do đó khi có bất cứ sự cố gì, thì lính Nga sẽ phải nhồi nhét trên những chiếc xe còn lại và rất dễ làm mồi cho các chiến binh Ukraine đánh nhau kiểu du kích và dùng vũ khí chống tăng hiện đại.

Về pháo binh tui đã phân tích trong nhiều bài trước rồi, nay xin nhắc lại một vài ý: vì không đủ sức để kham được gánh nặng hậu cần, nên Nga thực sự gấp 10 lần khả năng của Ukraine về pháo binh, nhưng vẫn thua xa tiêu chuẩn của chính họ được đề ra từ thời quân đội Xô-viết. Con số: quân đội Xô-viết sử dụng khoảng 1.000 đến 1.200 khẩu pháo và súng cối trên 1 km chính diện mặt trận trong các chiến dịch tấn công để bắn chuẩn bị, còn Nga ở Donbas bị ước tính là chỉ đạt cỡ 10% như thế. Vì quá phụ thuộc vào pháo binh mà lại còn là pháo ngu, nên quân đội Nga chỉ có thể chiếm được một diện tích đất rất nhỏ sau 70 ngày của giai đoạn 2 cuộc chiến The Battle of Donbas.

+ Thứ tư. Trong cuộc kháng chiến thể hiện được tính đại diện nhân dân, kiên cường, kiên định. Loại bỏ được những thành phần phản bội bị đối phương cài cắm.

Bình loạn : Như bạn Phan Quang đã viết: đây đã là cuộc chiến “căn cước” của người Ukraine. Sau cuộc chiến, nước Ukraine và nhân dân Ukraine đã có vị thế của mình. Nước Nga và Putox không bao giờ có thể lôi luận điệu “dân tộc Ukraine không tồn tại” ra để mà nói được nữa.

• 4. Khi cuộc chiến nổ ra, người ta nhìn nhận đây là một cuộc đấu không cân sức giữa một bên là tổng thống Nga V. Putin, một người lão luyện và bên kia là tổng thống V. Zelensky vốn là một diễn viên hài chưa có kinh nghiệm về chính trị nhất là trong thời chiến. Vậy đâu là nền tảng quan trọng nhất để ông Zelensky vẫn giữ được ghế tổng thống suốt 6 tháng qua?

+ Chúng ta biết là ông Zelensky vốn làm trong lĩnh vực nghệ thuật. Thời thế tạo anh hùng ở chỗ này đây, và với người dân Ukraine thì ông thể hiện đúng là anh hùng: quyết tâm chiến đấu, không bỏ trốn. “Chúng tôi sẽ không hạ bất cứ vũ khí nào, sẽ bảo vệ Nhà nước của mình. Vũ khí của chúng tôi là chân lý của chúng tôi. Đây là đất nước của chúng tôi, con cái của chúng tôi và chúng tôi sẽ bảo vệ tất cả những điều đó.” Đó là quyết tâm của ông ta. Cái đó thể hiện được quyết tâm của 40 triệu người dân Ukraine.

+ Thứ hai. Ông luôn mặc quân phục quân đội Ukraine, trong các cuộc tiếp khách vẫn mặc quân phục ngắn tay. Đó là quân phục dã chiến – làm cho ông luôn gần gũi với người dân và binh lính Ukraine. Điều đó tạo nên sức mạnh tổng hợp cho Ukraine.

+ Thứ ba. Tỏ ra là người cứng rắn, dũng cảm. Ông biết rằng bản thân và gia đình là kẻ thù số một, số hai… của đối phương (Putin). Ông chắc chắn là đối tượng đầu tiên bị cơ quan mật vụ đối phương muốn tổ chức sát hại. Có nhiều lời khuyên là “Đi lánh nạn đi” nhưng ông vẫn ở lại. Ngày nào cũng xuất hiện trên truyền hình, giao lưu quốc tế.

+ Thứ tư. Ông thi hành rất tốt quan hệ đối ngoại. Ông giao thiệp với các nguyên thủ quốc gia nước khác rất tốt ngay cả trong điều kiện chiến tranh theo quy định của Hiến pháp, là nguyên thủ quốc gia, đặc biệt là các nước phương Tây.

+ Zelensky đại diện cho phẩm chất của người Ukraine trong cuộc chiến tranh hiện nay.  

Bình loạn : Chỉ xin viết một câu: Tui cảm phục con người này. Ông ấy đại diện cho phẩm giá con người. Đứng cạnh Ông, Putox chỉ là tên hèn mạt vô liêm sỉ, đại diện cho thế lực của quỷ xa-tăng.

• 5. Vừa qua Ukraine đã tấn công hàng loạt lỗ hổng trong hậu phương Nga, trong đó những mục tiêu quan trọng ở bán đảo Crimea. Tháng Bảy năm nay D. Medvedev cũng tuyên bố “sẽ là ngày phán xét nếu Crimea bị tấn công.” Vậy thưa thiếu tướng, ông có bình luận gì trước tình hình hàng loạt mục tiêu ở Crimea bị Ukraine tấn công hiện nay?

Qua các cuộc tấn công của Ukraine vào các mục tiêu của Nga ở Crimea vừa qua, chúng ta thấy có mấy ý như thế này:

+ Thứ nhất. Việc căn cứ quân sự Saki ở Crimea bị tàn phá chúng ta thấy cái mà người Nga gọi là “pháo đài, bàn đạp” của Nga nay trở nên không còn an toàn. Một số máy bay của Nga bị phá hủy: công tác bảo vệ, cảnh giới của Nga không đảm bảo, ảnh hưởng sức chiến đấu của Hạm đội Biển Đen.

+ Thứ hai. Cuộc tấn công từ đâu mà ra? Thứ nhất, có thể là bằng tên lửa tầm xa, mà tên lửa tầm xa chỉ có Mỹ cung cấp. Hiện Ukraine chưa lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công này. Thứ hai, có thể tấn công bằng máy bay không người lái vũ trang. Thứ ba, hoạt động du kích. Thứ tư, hoạt động của những người yêu nước Ukraine. Tôi cho rằng không loại trừ khả năng đây là hành động phản chiến của người Nga đang phải tham gia chiến tranh.

+ Thứ ba. Tác động của vụ tấn công thế nào: tác động tinh thần, làm cho người Nga ở Crimea vội vàng chạy về. Họ cảm thấy đây không còn là nhà mình nữa rồi, Crimea không còn an toàn nữa rồi.

+ Thứ tư. Dường như đây chỉ là khởi đầu thôi. Nó báo hiệu cho biết sẽ còn có những vụ tương tự. Từ đầu cuộc chiến chúng ta đã tính đến việc có lúc Ukraine sẽ làm đối phương suy kiệt về tinh thần, đó là bằng những hành động như thế này.  

Bình loạn : Lãnh đạo Nga thì thích dọa nạt thế giới, cái loa to nhất là loa Lavrov, còn loa rè nhất thở ra toàn vodka, là loa Medvedev. Vừa phải thôi thì người ta còn sợ, bây giờ dọa nhiều quá chẳng ai người ta sợ. Anh ta tuyên bố dường như bán đảo Crimea là máu thịt thiêng liêng, đụng vào là chết với chúng tao, ai dè người ta đánh thật, không những thế mà còn đánh nhiều lần, đánh sâu xuống tận Sevastopol, thật chẳng coi quân Nga ra gì. Và từ khi Crimea mấy lần bị tấn công, cũng không thấy Nga Putox có động tác gì mới.

Đến mấy lần dọa vũ khí hạt nhân mà bây giờ thế giới còn nhận ra là trò mèo nữa là. 

• 6. Bằng cách tấn công sau tiền tuyến, người Ukraine đang chứng minh rằng họ thích nghi được với chiến tranh và đang làm giảm nhuệ khí và chậm bước tiến của đối phương ở phía đông và phía nam. Sau Crimea, thiếu tướng có cho rằng nhiều địa phương của Ukraine giáp lãnh thổ Nga sẽ bị Ukraine mở rộng tấn công hay không trong hoàn cảnh hiện nay Ukraine đang được hỗ trợ ngày càng nhiều các vũ khí tấn công tầm xa?

+ Chúng ta thấy rằng Ukraine đã ngăn chặn được cuộc hành quân tấn công của Nga vào Kyiv và Odesa gây ra thương vong khá lớn cho đối phương. Thực tế thì thử thách vẫn đang ở phía trước, vì họ đặt ra quyết tâm giải phóng toàn bộ lãnh thổ của mình.

+ Điểm thứ hai, quân đội Ukraine đang chuẩn bị phản công ở nhiều vùng lãnh thổ trong đó có vùng Kherson ở phía nam. Hiện nay họ đã cắt đứt các cây cầu nối với thành phố này với vùng lãnh thổ khác do Nga nắm giữ, cô lập lực lượng đóng ở phía Tây sông Dnipro. Các kho bãi đạn dược của Nga cũng bị tấn công bằng tên lửa. Nếu Ukraine được hỗ trợ thêm các vũ khí tầm xa, họ sẽ ưu tiến chiếm lại các vùng đang bị Nga chiếm đóng. Đồng thời việc bảo vệ các vùng quân đội Ukraine chiếm được trước khi kết thúc mùa hè năm nay sẽ được an toàn, vì sang thu và đông việc chiếm lại được là rất khó. Không chỉ vậy, Ukraine sẽ tiếp tục gây ra thiệt hại về kho tàng cho đối phương, là cách tác động tinh thần rất mạnh tới nhân dân đối phương. Đây rõ ràng là chiến lược “tiên phát chế nhân” mà thế giới vẫn dùng, xuất phát từ Trung Quốc và Việt Nam chúng ta đã áp dụng từ thế kỷ XI.

Bình loạn : Ở giai đoạn một “phase 1” của cuộc chiến, khi chống cự những đoàn quân Nga lao vào Kyiv thì người Ukraine đã thi hành cuộc chiến tranh du kích “địch lao vào thì ta tránh, dừng thì ta quấy” và tập trung vào triệt phá hậu cần. Đến bây giờ khi bước vào “phase 2” khi đã có những vũ khí tầm xa chính xác, họ nâng chiến thuật này lên một tầm cao mới. Như trong bài “Cuộc chiến tranh Nga – Ukraine: 180 ngày nhìn lại” tui đã viết: không phải là họ đánh kho hậu cần, mà họ đánh tê liệt cả hệ thống, trong đó có vấn đề chỉ huy, tổ chức, hạ tầng giao thông, phương tiện chuyên chở, nhiên liệu và cuối cùng mới là hàng hóa. Kiểu đánh này chỉ duy trì một thời gian đủ lâu thì quân Nga sẽ không có khả năng phục hồi được.

• 7. Cho đến thời điểm này cuộc chiến tranh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trên thực địa các trận đánh lớn không còn diễn ra, hai bên bước vào cuộc chiến tranh tiêu hao, hai bên cố gắng phá hậu cần của nhau. Tuy nhiên các nhà quan sát cho rằng các trận chiến căng thẳng nhất sắp diễn ra. Ông Douglas (Abbott) Macgregor một cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ thời ông Donald Trump nhận xét rằng quân đội Ukraine không thể phản công ở miền nam và quân đội Nga có thể kiểm soát toàn bộ duyên hải biển Đen nam Ukraine.

Ông này cũng cho biết thêm rằng phần lớn quân nhân Nga đã được cho nghỉ ngơi, được tái trang bị, tái tổ chức để tiếp tục tấn công vào những tháng tới. Quân đội Nga rất có thể sẽ chiếm giữ thành phố cảng quan trọng Odesa của Ukraine  biến nước này thành một quốc gia không giáp biển. Ông cũng cho biết thêm rằng người Ukraine (đã?) chưa thể tổ chức được kiểu phản công nào, do đó không có nhiều bằng chứng cho rằng người Ukraine có thể ngăn chặn Nga. Ông Macgregor cũng cho biết thêm rằng các hoạt động của Nga ở phía nam thành phố Kharkiv miền đông Ukraine như là các hoạt động định hình mở đường cho một cuộc tấn công lớn sau này. Vì thế ông cho rằng Nga sẽ mở đầu bằng chiến dịch tấn công ở miền Nam sau đó lan tiếp lên miền đông (Kharkiv) từ khoảng cuối tháng Tám đến đầu tháng Chín.

Ukraine hiện đang tiến hành phản công ở miền Nam với mục tiêu sẽ lấy lại thành phố Kherson. Giới phân tích quân sự cũng cho rằng Nga đang phải giảm cường độ tấn công ở miền đông Ukraine để đưa quân xuống tăng cường phòng thủ ở miền nam. Trong khi đó người phát ngôn của cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine cho biết: những sự kiện quan trọng quyết định sự thành bại của cuộc xung đột Nga – Ukraine sẽ diễn ra trong tương lai gần, tháng Tám và tháng Chín sẽ là hai tháng cực kỳ quan trọng quyết định cục diện cuộc chiến tranh Nga – Ukraine.

Vậy thưa thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, ông có bình luận gì về những dự báo của các chuyên gia về cục diện chiến tranh và những sự kiện sẽ diễn ra trong cuối tháng Tám và đầu tháng Chín?

+ Từ nay đến đầu tháng Chín chỉ còn một tuần nữa thôi. Nga đang chuẩn bị tổ chức trưng cầu dân ý để sáp nhập các vùng đang chiếm đóng. Việc này Nga không phải bây giờ mới làm, mà đã làm từ năm 2014 khi sáp nhập bán đảo Crimea. Bây giờ họ muốn lặp lại cách làm đó. Tôi cho rằng Ukraine sẽ dồn vũ khí, lực lượng để ngăn chặn kế hoạch đó của Nga. Cuộc chiến Nga – Ukraine tới đây, giữa tháng Chín này sẽ rất quyết liệt và gây nhiều tổn thất cho cả hai bên. Địa bàn có thể diễn ra ở đâu – chúng ta có thể thấy rằng những thành phố của Ukraine đã bị Nga chiếm có Kherson, Zaporizhzhia, còn có Donbas… Tất cả nằm trong kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý và Ukraine sẽ tập trung lực lượng để đối phó.

Nhưng cũng đúng là Ukraine có nhiều hạn chế: quân số, phương tiện, vũ khí… còn có nhiều khó khăn chứ không phải nói là làm được ngay đâu. Bên cạnh đó chắc chắn Ukraine sẽ phải căng mình ra để bảo vệ Kyiv và Kharkiv. Đây là một điều (nhiệm vụ) rất khó khăn trước một đối thủ rất mạnh là Nga.

Bình loạn : Chúng ta cần để ý, là trong bất cứ một trận đấu nào cũng có giai đoạn xung cơ của nó, tức là giai đoạn mà một trong hai đấu thủ ở trạng thái hưng phấn nhất. Đối với bên tấn công, lúc bắt đầu trận chiến là lúc sung sức nhất, và sau khi đánh được một thời gian nhất định họ sẽ đi đến tầm hưng phấn, tức là lúc say máu nhất. Trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô trước đây, người ta nghiên cứu ra khi quân Đức tấn công với các binh đoàn xe tăng lớn, họ sẽ bắt đầu say máu sau khi bị diệt khoảng 10% số xe tăng xung trận. Sau đó khi bị diệt đến cỡ trên 25% số xe tăng, nghĩa là vào khoảng 40% đến 50% số xe tăng bị loại khỏi vòng chiến vì bị bắn cháy và bị thương phải buộc về sửa chữa; đồng thời cũng một con số tỷ lệ tương ứng lính chết và bị thương, họ sẽ rơi vào ức chế.

Quân Nga cũng không phải ngoại lệ, cũng có một tỉ lệ tương đương. Với một quân đội như Ukraine họ đã quá thuộc bài học phòng ngự tích cực của Hồng quân Liên Xô trước đây, và giờ đây quân Nga lại đóng vai trò của của quân Đức phát-xít trước đây.

Hết giai đoạn hai của cuộc chiến tranh, quân Nga do tổn thất nặng và nhất là trận chiến kéo quá dài không được nghỉ sẽ rơi vào giai đoạn ức chế

Kinh nghiệm và cả lý thuyết chiến tranh đều cho thấy để có được sức mạnh tấn công, người ta phải có những lực lượng mới tinh, còn quân được nghỉ ngơi phải là những chiến binh được phục hồi sau những trận thắng hoặc ít nhất là hòa. Quân Đức sau trận Stalingrad đã mất khoảng 1 triệu bộ đội, sau đó bước vào trận vòng cung Kursk là những lực lượng mới cứng, đặc biệt là các chiến binh sư đoàn xe tăng S.S “Đầu lâu” là được lôi từ Bỉ sang, kinh nghiệm trận mạc có và chưa bao giờ thua. Sau khi thua ở Kursk, quân Đức ngoài bắt đầu thua về chiến lược, về tiềm lực quốc phòng quốc gia, còn về vấn đề tinh thần người lính khi phải rút lui liên tục.

Quân Nga sau giai đoạn hai của cuộc chiến tranh như thế sẽ rơi vào ức chế lâu dài không có khả năng phục hồi: không có động lực về lý tưởng, không có hỗ trợ về tinh thần của xã hội, và những thất bại vừa diễn ra trên chiến trường chẳng có gì ủng hộ họ cả.

• 8. Ngày 24/08 tới đây Ukraine sẽ tổ chức kỷ niệm Ngày độc lập (Independent Day). Tổng thống Ukraine Zelensky cũng đã lên tiếng cảnh báo rằng Nga có thể sẽ làm điều gì đó đặc biệt kinh khủng và hung hăng (rất xấu xa và mờ ám) để gieo rắc nỗi thất vọng sợ hãi và xung đột. Đây cũng là thời điểm đánh dấu 6 tháng cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, và có nhiều đồn đoán rằng Nga sẽ đưa những binh sĩ bị bắt ở Mariupol ra xét xử trùng vào dịp Ukraine kỷ niệm Ngày độc lập. Thành phố Kharkiv đông bắc Ukraine chính quyền đã ban bố lệnh giới nghiêm từ tối ngày 23/08 đến sáng ngày 250/8. Vậy thiếu tướng có bình luận gì về ý kiến cho rằng Nga sẽ tấn công vào ngày 24/08?

+ Tổng thống Ukraine Zelensky có cảnh báo rằng Nga sẽ có hành động rất xấu xa, nhưng không nói cụ thể đó là hành động gì. Chúng ta không có cơ sở để xác định hành động đó là gì, nhưng qua phát biểu đó chúng ta có thể thấy rằng người Ukraine đã biết trước và áp dụng các biện pháp đối phó. Hiện nay Kharkiv đã thi hành lệnh giới nghiêm đến hết ngày 240/8 kỷ niệm Ngày độc lập.

+ Thứ hai, tuyên bố việc chiếm đóng của Nga với Crimea chỉ là tạm thời, có nghĩa là biết đâu người ta sẽ tiến hành một hoạt động gì để “kỷ niệm” ở Crimea?

+ Thứ ba. Nga và Ukraine đang tố nhau là pháo kích vào nhà máy điện hạt nhân và có khả năng tái hiện tai nạn hạt nhân Chernobyl năm 1986. Điều này nếu xảy ra thì thiệt hại sẽ rất lớn không chỉ cho Ukraine, không chỉ cho Nga mà toàn châu Âu. Năm 1986 như chúng ta đã biết, phóng xạ của nhà máy Chernobyl nó tai hại như thế nào. Ngay cả Việt Nam chúng ta cũng phải huy động toàn dân ủng hộ đồng bào U… lúc đó là Liên Xô thoát khỏi tình thế khó khăn. Nếu bây giờ xảy ra chuyện này nữa, 40 triệu dân Ukraine và láng giềng, trong đó có cả dân Nga, sẽ như thế nào? Các nước Châu Âu phải chịu bụi phóng xạ kinh khủng ra sao.

+ Chúng ta thấy rằng Nga có thể tiếp tục pháo kích vào các du dân cư để gây áp lực tinh thần là điều người Nga có thể làm. Tất cả những cái đó có thể xảy ra trong Ngày độc lập của Ukraine vừa đúng tròn 6 tháng cuộc chiến tranh Nga – Ukraine nổ ra.

Bình loạn : Những diễn biến chiến sự được Bộ Tổng tham mưu Ukraine báo cáo sáng sớm hôm nay mới chỉ cho thấy Nga cố gắng phản công chiếm lại cái làng đã bị Ukraine lấn mất mấy hôm trước.

Đến nay sau gần hai tháng kết thúc giai đoạn hai của cuộc chiến – đánh dấu bằng cái mốc quân Ukraine rút khỏi Lysychansk, quân Nga như chúng ta đã biết giảm mục tiêu từ cấp huyện xuống cấp xã và tin tức cho phép chúng ta có một số nhận xét:

 Quân đội Nga và cả nền công nghiệp quốc phòng của mình cần có thời gian hồi phục và chuẩn bị cho giai đoạn mới nếu có. Những gì chúng ta phân tích trước đây cho biết, công nghiệp quốc phòng nước này gặp rất nhiều khó khăn trong cả sản xuất vũ khí hiện đại (ví dụ như tên lửa hành trình vì gặp cấm vận, trừng phạt) và cả sản xuất vũ khí truyền thống, bom đạn ngu vì thiếu máy cái, dây chuyền bỏ lâu ít dùng.

 Quân đội Nga cần bổ sung thêm quân, chính xác là đội ngũ cầm súng trực tiếp nhưng lại kẹt vào câu chuyện là duy trì hình thức các BTG kiểu mới hay quay lại với tổ chức cũ của quân đội kiểu Xô-viết.

 Dù thế nào thì họ cũng kẹt với cách đánh, tức là sẽ lại phụ thuộc vào pháo binh, mà bây giờ nghĩ đến phát triển bom đạn thông minh để phục vụ cho chính cuộc chiến tranh này thì đã quá muộn. Tiếp tục duy trì kiểu cũ thì hệ thống hậu cần không kham nổi, nhất là thời gian qua quân đội nước này đã bị tổn thất một số lượng xe tải lớn và sẽ mất nhiều thời gian để phục hồi được như cũ. Hơn thế nữa hạ tầng giao thông của mặt trận bị tàn phá sẽ gây khó khăn không nhỏ cho nhiệm vụ cung ứng hậu cần.

Nhìn chung nếu tui ủng hộ Nga và lạc quan đến mấy, nhưng nếu có suy nghĩ khách quan một chút thôi, cũng chưa thấy “cửa” nào sáng cho họ cả.

• 9. Nhìn lại thực tế xung đột Nga – Ukraine thì Nga chưa có nhiều tiến triển ở Donetsk. Và vùng Donbas là nơi có nhiều người gốc Nga sinh sống thì Nga lúc này cũng đang phải căng mình để bảo vệ phòng tuyến. Tuy nhiên có nhiều nhà phân tích quân sự lại cho rằng Nga vẫn có thể tấn công Kharkiv và Odesa. Vậy theo thiếu tướng thì những nhận định này có xa rời thực tế hay không?

+ Chúng ta biết rằng Nga phần lớn tập trung vào Donbas với chiến thuật hỏa lực và cơ động, đây là chiến thuật truyền thống của quân đội Nga. Họ dùng pháo binh để tấn công trước mở đường cho bộ binh tiến lên kiểm soát vùng lãnh thổ đó. Hệ thống này của họ có mục tiêu là các tiểu đoàn chiến thuật đều có pháo binh, và bộ binh Nga đều có pháo binh và phòng không che chắn. Do đó họ rất thuận lợi cho chiếm lãnh thổ, mặc dù chậm, nhưng tiến chắc tất nhiên là phải chịu hi sinh nhiều. Thách thức lớn nhất là cung cấp hậu cần: đạn dược, nhiên liệu.

+ Chúng ta cũng thấy Nga tập trung chính cho Donbas nên các chỗ (mặt trận) khác có phần thiếu thốn hơn, để tương lai họ sẽ mở rộng vùng quản lý chiếm đóng ở Donbas.

+ Với  quân đội Ukraine thì dựa vào viện trợ quân sự nước ngoài, cung cấp trong nước hạn chế, các cơ sở quốc phòng bị đánh phá. Quân đội Ukraine đang tập trung ngoài Donbas để giành lại các thành phố thị trấn. Lúc này họ đã giành lại Kharkiv, tiến sát biên giới với Nga. Hiện nay họ tập trung giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ phía Nam, đặc biệt là xung quanh thành phố Kherson. Hạn chế việc quân Nga di chuyển từ Crimea sang Kherson.

+ Có vẻ quân Ukraine đang nhắm vào các căn cứ hậu cần của Nga, đồng thời quân Nga trước đây phải đối phó với máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ, nay thêm máy bay của Mỹ cung cấp nên đó cũng là lợi thế của Ukraine so với Nga. Hơn thế nữa quân đội Ukraine đang được dân ủng hộ, nên họ không thể rút khỏi những vùng đang chiếm giữ được, nếu rút sau này rất khó để vận động nhân dân người ta ở lại để nổi dậy trong tương lai lật đổ sự chiếm đóng của Nga.

+ Tinh thần chiến đấu của quân đội Nga bị suy giảm, nhưng của quân đội Ukraine cũng bị ảnh hưởng chứ không thể lúc nào cũng căng lên như dây đàn được. Không có bên nào quyết liệt để giành chiến thắng trong thời điểm hiện nay cũng như là quân đội Nga cũng như Ukraine đều trông chờ thời gian tới có thể tạo ra một cái gì đó để thay đổi tình hình. Tôi cho rằng không phải Nga sẽ tấn công Odesa hay Kharkiv đâu, mà làm chủ tình hình hiện nay, giữ chắc các vùng đã chiếm để đợi thời cơ mở rộng, như thế có nhiều khả năng hơn.

Bình loạn : Như trên đây chú Quân nói là Nga tập trung vào chiến thuật hỏa lực và cơ động, mà trước đó nữa tui đã viết sơ sơ. Mô hình BTG của Nga – tác phẩm của Gerasimov về lý thuyết nghe có vẻ hoàn hảo, trong đội hình có cả bộ binh cơ giới cơ động cứ là kinh khủng, có xe tăng, có pháo binh, có phòng không… Nhưng hóa ra nguyên tắc chỉ huy tập trung cao độ từ trên xuống dưới vẫn duy trì y như quân đội Xô-viết. Điều đó dẫn đến việc chỉ huy tiểu đoàn hay BTG của Nga nhẽ ra là có trong tay pháo binh của mình nhưng thực tế là pháo binh đó lại là của… cấp trung đoàn nay đã trở thành pháo binh của sư đoàn. Đó là mô hình kiểu Nga “quy về tiểu đoàn.”

Mô hình của Ukraine hiện nay vẫn duy trì kiểu Xô-viết cũ về tổ chức cơ bản nhưng bỏ dần các sư đoàn và thay thế bằng tổ chức lữ đoàn cơ động hơn, nhưng hạt nhân được “quy về tiểu đội.” Như trước đây chúng ta đã nghiên cứu về cơ cấu tổ 3 người của Ukraine, được trang bị 1 thiết bị thông minh, 1 tiểu đội dùng 1 máy tính bảng gọi pháo trực tiếp bằng application trên thiết bị.   

Mời các bác đọc lại bài ở đây.

• 10. Theo nhiều cơ quan tình báo phương Tây cũng cho rằng trong tháng Chín tới Nga sẽ tổ chức trưng cầu dân ý với hai tỉnh Kherson và Zaporizhzhia nhằm sáp nhập vào Nga. Nếu như hai tỉnh này bị sáp nhập vào Nga thì thiếu tướng có cho rằng quân đội Ukraine sẽ làm mọi cách để ngăn chặn hay không, và nếu có thì liệu họ có khả năng giành lại hai tỉnh rộng lớn và vô cùng quan trọng này?

+ Âm mưu của Nga là không chỉ sáp nhập đất mà cón sáp nhập cả dân của Ukraine. Đây là việc mà Nga đã làm từ năm 2014 đối với bán đảo Crimea. Đây là mưu mô không chỉ chiếm đất, không chỉ chiếm dân của nước khác mà để sau này khi mà Ukraine người ta tấn công vào vùng đất (bị chiếm đóng) thì Nga sẽ nói là Ukraine tấn công vào đất của tôi, vào dân Nga của tôi và vi phạm luật pháp quốc tế. (Hành động) như thế là vi phạm luật pháp quốc tế, không có nước nào công nhận Crimea là của Nga. Tôi cho rằng Ukraine sẽ làm mọi cách ngăn chặn kế hoạch này của Nga. Thời gian chỉ còn hơn một tuần nữa là sang tháng Chín, đây là thời điểm hết sức quyết định với Ukraine để ngăn chặn kế hoạch này của Nga.

Ukraine có cơ hội gì không? Tôi cho rằng là có.

+ Thứ nhất. Dư âm chiến thắng vừa rồi của Ukraine: ở Kherson, sĩ quan Nga bỏ chạy để lại hàng ngàn binh sĩ ở phía sau. Các đường tiếp vận bị phong tỏa, Crimea bị tấn công, phong trào kháng chiến lên mạnh… Đó là những điều kiện rất thuận lợi.

+ Thứ hai. Mỹ vừa bổ sung thêm vũ khí cho Ukraine tới nay hơn 10,6 tỉ đô-la. Có thể kể: thiết giáp chống mìn, tên lửa chống bức xạ tốc độ cao, máy bay không người lái…

+ Thứ ba. Tinh thần quân Nga sa sút nặng. Hiệu quả chiến đấu chỉ đạt 4 – 50%. Hiện nay Nga chưa kịp củng cố lực lượng, vừa điều quân từ Krasnodar về Crimea, để từ Crimea đến Kherson.

+ Một điều nữa không thể không tính đến. Sắp sang thu, mà từ thu sang đông rất nhanh. Đất mùa thu ở Ukraine bị nhão nhoét, xe tăng không đi được, vận chuyển rất khó khăn, bộ binh còn không đi được nữa là thiết giáp. Đây là thách thức lớn đối với cả hai bên, đặc biệt với quân Nga, quân Nga đã vấp phải một lần hồi mùa xuân. Nếu như biết tận dụng cơ hội này, quân Ukraine có thể phản công để giành lại lãnh thổ.

Bình loạn : Không hiểu sao người ta cứ khen “Mùa thu vàng” chứ mùa thu ở bển tui thấy xầm xì và hay mưa, khá khó chịu. Mùa đông tới với những lời ra tiếng vào về “vũ khí khí đốt của Putox” nay đã rõ ràng: có sợ thì cũng phải vượt qua thôi. Vì vậy mùa đông sẽ làm đất cứng lại, xe tăng chạy được nhưng lại gây gánh nặng cho hậu cần, vì chỉ cần thiếu xăng dầu là quân đội chết rét vì chẳng ai chịu được nhiệt độ âm cả, và chỉ cần hai ngày không được ăn nóng là mất sức kinh khủng.

Như hôm trước tui đề nghị, là cứ để Nga tấn công tiếp, vì họ ở thế không tấn công không được, cứ phải tấn công mới khổ chứ. Mà nếu tấn công, phải có quân số gấp mấy lần người ta, bây giờ mới là chết vì xe tải.

• 11. Như vậy cuộc chiến đã chuyển thành cuộc chiến tiêu hao, lúc này yếu tố thời gian lại trở thành yếu tố vô cùng quan trọng. Chỉ khi nào một bên xuất hiện dấu hiệu hụt hơi thì lúc đó cũng chính là cơ hội để bước vào cuộc đàm phán chấm dứt chiến sự đi vào thực chất. Vậy theo thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân giữa Nga và Ukraine được Phương Tây hậu thuẫn, bên nào sẽ hụt hơi trước?

+ Thứ nhất. Nếu như trên chiến trường mới nói được chuyện hụt hơi, nhưng chỉ trên phạm vi chiến trường thôi, nhưng chúng ta cứ xét trên phạm vi chiến trường đi. Chúng ta thấy rằng mặc dù được phương Tây hậu thuẫn nhưng Ukraine không thể trông cậy nhiều hơn. Cuộc chiến càng kéo dài, tình đoàn kết trong NATO càng lỏng lẻo, doãng ra. Ủng hộ của Châu Âu với Ukraine sẽ không còn được như ban đầu nữa đâu. Vì thế nếu nói hụt hơi trên chiến trường, phải là của Ukraine.

+ Thứ hai. Chúng ta thấy trong chiến tranh không chỉ trên chiến trường mà còn ở hậu phương người ta cũng phải huy động. Ở đây là nghệ thuật lãnh đạo chiến tranh. Lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều như thế nào, thu phục lòng dân ra sao… Ukraine hiện nay có quyết tâm chiến đấu cao, có thể nói từ đầu cuộc chiến đến giờ đây là thời điểm lòng dân Ukraine, tinh thần chiến đấu của quân đội Ukraine là cao nhất. Như vậy là thuận lợi chứ không phải là hụt hơi. Gần đây nhất, Ukraine xuất khẩu lương thực trở lại theo “Sáng kiến Biển Đen”, đây là điểm tạo thêm nguồn lực cho Ukraine, đây là điều rất tốt.

+ Thứ ba. Xung đột càng kéo dài, túi đựng tử thi đưa về Nga ngày càng nhiều lên, thương binh về ngày càng nhiều lên, lính giải ngũ ngày càng nhiều sẽ tác động lên tinh thần của xã hội Nga, nhân dân Nga… đặc biệt tác động đến thanh niên Nga những người sắp cầm súng ra chiến trường, không có gì có lợi với Nga cả. Đây có phải là một cú “hụt hơi” với Nga hay không? Tôi cho rằng với Nga nếu có thắng được đợt này cũng chỉ thắng lợi tạm thời thôi, vì chúng ta thấy rằng bài học ở Việt Nam, ở Afghanistan cho thấy “cường quốc mạnh mà không thắng” thì ở Ukraine đang lặp các bài học đó. 

Chúng ta hy vọng cuộc chiến sớm chấm dứt, nhân dân Ukraine và cả nhân dân Nga sẽ được hưởng cuộc sống yên bình hạnh phúc. Nhưng chúng ta không muốn chiến tranh kéo dài nhưng cũng không muốn có nước nào bị xâm phạm chủ quyền, bị chiếm lãnh thổ như đất nước Ukraine. 

Bình loạn : Chú Quân nói như vậy là mang tính đáp ứng yêu cầu nhận định phải khách quan, chứ thực tế thì có mà quan hệ phương Tây nhất là Châu Âu lỏng lẻo ngay từ đầu, chứ chưa bao giờ chặt chẽ. Chúng ta đã chứng kiến những ông kẹ nhưng lại rất õng ẹo, như Pháp hay Đức, và bây giờ cũng không có hơn gì.

Tui đã từng nhận xét: chẳng cần mấy ông kẹ, chỉ cần mình Hoa Kỳ là đủ cân cả cuộc chiến. Từ tháng Chín này đạo luật Lend-Lease của họ cho Ukraine có hiệu lực, nó đem đến sự hỗ trợ về vật chất không hạn chế, yêu cầu cái gì đưa cái ý miễn là không nằm trong danh sách cấm giao, là được và không cần thông qua Quốc hội nữa; và cũng không nằm trong “gói Ngân sách bao nhiêu bao nhiêu” nữa.

Đúng như chú Quân nói: chiến tranh là huy động tiềm lực của toàn quốc gia, Ukraine thì không phải sản xuất, còn Nga thì vừa đánh nhau, vừa sản xuất, hai chuyện nó khác nhau nhiều lắm. Đã có Lend-Lease, dân Ukraine vừa ăn ngũ cốc vừa đánh Nga vài năm, thoải mái.

• 12. Dù bản thân Ukraine mong muốn cuộc chiến sớm chấm dứt, nhưng về phía Mỹ lại đang bị cho là mong muốn cuộc chiến kéo dài để khiến Nga đánh mất vị thế và sụp đổ về kinh tế. Trong hoàn cảnh này thì chúng ta thấy rằng chỉ có các nước châu Âu mới mong mỏi chấm dứt cuộc chiến sớm nhất, vì sức ép lạm phát cũng như sức ép từ sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng Nga, mà hiện nay mùa đông cũng đang tới gần rồi. Ngoại trưởng Ukraine cũng cho biết các nước phương Tây đang chờ và sẵn sàng chấp nhận các điều kiện, cho rằng Kyiv nên đầu hàng và nhượng lại một số vùng lãnh thổ cho Nga, và cho rằng khi đó các vấn đề của họ sẽ được giải quyết ngay lập tức. Thiếu tướng có ý kiến gì về vấn đề này ạ?

+ Tôi cho rằng không cứ người Ukraine, mà tất cả các quốc gia bị chiếm đóng, tước đoạt chủ quyền, chiếm đóng lãnh thổ thì không dễ gì người ta nhượng bộ, và đây là quyết tâm của ban lãnh đạo Ukraine. Về vấn đề này chúng ta là nước bị nhiều lần xâm lược là đã rõ rồi. Ngay từ thế kỷ XIII cha ông chúng ta đã nói: “Lãnh thổ biên cương của Tổ Quốc là thiêng liêng không được để mất. Chúng ta phải giữ được.” Bây giờ cũng thế, biển đảo của chúng ta, là lãnh thổ máu thịt thiêng liêng của Tổ Quốc không ai được đánh mất hay nhượng bộ. Đối với người Ukraine chúng ta cũng hiểu là các bạn cũng phải chiến đấu để bảo vệ lãnh thổ của mình. Chúng ta quay trở lại câu nói của Tổng thống Zelensky: “Đây là đất nước của chúng tôi, con cái của chúng tôi và chúng tôi sẽ bảo vệ tất cả những điều đó.”

+ Tôi tin rằng người Ukraine sẽ không bao giờ nhượng bộ, người ta chỉ đàm phán khi người nước ngoài rút khỏi hết và đàm phán là để chiến tranh không trở lại nữa.

Bình loạn : Lão Putox hóa ra có cái nói cũng đúng, ví dụ “Sự sụp đổ của Liên Xô là thảm họa địa chính trị trong thế kỷ XX.” Bây giờ Nga mà sụp đổ, cũng chưa chắc đã hay ho gì cho an ninh toàn cầu. Trước mắt là một nước Nga bị tấn công bởi chủ nghĩa ly khai rồi nội chiến, kho vũ khí lại bị đem bán lậu lung tung một lần nữa, chủ nghĩa khủng bố lại hoành hành… Putox dù có phản động nhưng lão ta giữ nước Nga của lão yên ổn cũng là cái tốt. Vì vậy, theo ý tui Hoa Kỳ muốn Nga rút quân, không muốn thua bét nhè. Vì thế trận chiến có thể sẽ đến một mức độ nào đó đủ để Nga yếu đến mức không thể tấn công được nữa, và đương nhiên cũng không thể đóng quân mãi trên đất của người ta, và như thế là phải rút.

• 13. Chiến tranh kéo dài, Ukraine nhận được hỗ trợ thì Nga cũng có những sự chuẩn bị. Ủy ban quân sự và công nghiệp Liên bang Nga đang lên kế hoạch là bơm thêm cho công nghiệp quốc phòng nước này khoản ngân sách từ 8 đến 10 tỉ đô-la Mỹ nhằm đặt thêm các đơn hàng cũng như đẩy nhanh tốc độ sản xuất để bù đắp những tổn thất trên chiến trường của quân đội Nga. Tổng thống Putin cũng nói rằng, cuộc chiến mới mới chỉ băt đầu. Và nếu cuộc chiến tranh kéo dài hơn nữa, thì theo thiếu tướng ông đánh giá thế nào về khả năng chịu đựng của quân đội cũng như nền kinh tế nước Nga?

+ Cứ khi nào mang quân đi hoạt động ở bên ngoài thì kéo theo nhiều hệ lụy lớn: tổn hại về vật chất, tinh thần và đặc biệt là về người. Chuyện đó chúng ta thấy những lực lượng nước ngoài đến xâm lược Việt Nam bị thiệt hại như thế nào và chúng ta cũng đã “trải nghiệm” những điều đó trong những cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ Quốc. Vì thế chúng ta hiểu hoàn cảnh bất cứ quân đội nào (đi xâm lược) cũng sẽ gánh kết cục thảm bại. Tôi không tin là nhân dân Nga không nhận ra chuyện này, nhưng làm sao để giới tinh hoa của nước Nga nhận ra vấn đề và từ đó thay đổi chính sách, đó là mong muốn của chúng ta.

Bình loạn : Vấn đề của Nga không phải là thiếu tiền, mà là thiếu công nghệ lõi và lâu nay bỏ bẵng sản xuất, làm cho nền sản xuất bị chết yểu, rất nhiều máy móc cũ kỹ không thể phục hồi được nữa. Cũng như một ví dụ cụ thể, là Nga không chỉ gặp vấn đề về sản xuất đạn pháo, mà còn vấn đề của nòng pháo và cái nòng pháo khương tuyến bị xọc, à nhầm, bị tiện lệch là một minh chứng rõ ràng nhất của sự bế tắc này.

Câu chuyện của họ là phải thi hành chiến tranh hiện đại, mà với tình trạng bị trừng phạt nhất là về công nghệ như hiện nay thì còn lâu. 8 tỉ chứ 80 tỉ cũng bó tay.

• 14. Về phía Ukraine cho đến lúc này nếu không có hỗ trợ nước ngoài thì không thể trụ vững được. Đến nay Mỹ là nước hỗ trợ cho Ukraine nhiều nhất với tổng giá trị gần 10 tỉ đô-la Mỹ, nhưng không ai cho không cái gì cả. Vậy theo thiếu tướng cái giá phải trả của Ukraine cho phương Tây sẽ là gì?

+ Bây giờ có thể nói rằng là cái Ukraine phải mang nợ với Mỹ và phương Tây rất rõ ràng: người ta giúp đỡ về vật chất như thế. Thứ hai là nợ về tinh thần: sự ủng hộ của người ta đối với việc bảo vệ Tổ Quốc của anh.

Bình loạn : Putox tấn công Ukraine là tấn công vào tư tưởng dân chủ được phương Tây xây dựng từ 1789 Đại Cách mạng tư sản Pháp, vì thế có những cái không thể “quy ra thóc” được. Tuy nhiên hiện nay Ukraine đang đánh nhau với Nga bằng tiền của Nga, cũng là một yếu tố chúng ta không nên quên. Ngoài ra, thế giới phương Tây tư bản mấy trăm năm, biết tiêu tiền lắm. Người ta bảo đừng dạy tỉ phú tiêu tiền, cũng như đừng dạy đĩ vén váy. Họ bỏ tiền vào cuộc chiến này, chẳng lỗ đâu. Nếu lỗ, thì đã chẳng có Lend-Lease làm gì. Mà đã Lend-Lease, cũng đồng nghĩa với… cho không, hay viện trợ không hoàn lại.

• Xin cảm ơn Thiếu tướng.      

P/S. 180 ngày chiến tranh, tui đã viết được 1000 trang A4 những bài nhận xét về chiến sự.

PHÚC LAI 24.08.2022

(Tựa gốc: Bình luận về bài phỏng vấn thiếu tướng, giáo sư tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân, nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Quốc phòng của kênh VTC-Now ngày 22/08/2022)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.