Đầu tiên xin điểm tin từ cách đây 4 hôm do một bác băn khoăn về tin của Viện Nghiên cứu Chiến tranh ISW:
• Hôm 22/08 Viện Nghiên cứu Chiến tranh ISW có báo cáo: “Tại Blahodatne giữa Kherson mà Mykolaiv, quân Nga có được một số bước tiến.”
• Theo nguồn tin của Nga thì hôm 22/08 quân Nga đã đánh bật lực lượng Ukraine thuộc hai đơn vị phòng ngự ở đây về bên kia sông Igulets và chiếm được Blahodatne. Cũng nguồn này cho biết trong ngày hôm qua quân Nga đã tiến sâu theo đường cao tốc M14 từ Kherson đi Mykolaiiv. Tuy nhiên có nguồn khác lại cho biết là trước đó quân Nga ở cách Blahodatne từ 3 đến 5 km tùy chỗ, đã tiến sát làng này từ hôm kia nhưng đến hôm qua ở đây vẫn có giao tranh.
• Sáng 24/08 theo giờ Mátxcơva, tức là khoảng 13 giờ chiều giờ Hà Nội kênh Twitter của thằng cha Igor Strelkov đưa tin là làng này được quân Nga “hoàn toàn giải phóng.” Nghe cứ như chiếm Berlin.
Bình loạn: Làng Blahodatne (Благодатне, không nên nhầm với làng cùng tên của tỉnh Mykolaiiv) nằm ở tây bắc thành phố Kherson, cách sân bay Chornobaivka khoảng 17 km đường chim bay. Từ đầu chiến tranh, sau khi Nga chiếm Kherson thì làng này trở thành tiền đồn của họ với những vị trí pháo binh và kho đạn pháo dã chiến. Làng tuy bé nhưng ở vị trí chỉ cách ngoại vi thành phố Mykolaiiv có 20 km nên nếu quân Nga đặt pháo ở đây thì tha hồ bắn vào thành phố.
Ngày 04/08, quân đội Ukraine tiến hành pháo kích 3 điểm dân cư gồm có: Sở chỉ huy Tập đoàn quân 22 thuộc biên chế Hạm đội Biển Đen ở Chernobaevka, ngoài ra còn pháo kích Blagodatne và Pravdino. Kết quả của cuộc pháo kích, quân đội Nga bị tổn thất nặng nề:
- 31 nhân mạng;
- 1 Xe tăng T-72;
- 1 pháo tự hành Gvozdika và 1 pháo tự hành Msta-B;
- Hai súng cối;
- 3 xe bọc thép và ô tô;
- Một máy bay không người lái trinh sát.
Hôm 19/08, quân Ukraine thuộc Mặt trận Nam đã pháo kích phá hủy kho đạn pháo dã chiến này, làm 5 quân nhân Nga thiệt mạng cùng với một tổ hợp trạm liên lạc vệ tinh “Legend-2” và một hệ thống tên lửa chống tăng. Sau đó được biết quân Nga không trụ được ở làng đã phải rút để quân Ukraine từ Posad-Pokrovs'ke chỉ cách có mấy kilômét, cũng nằm trên trục đường M14 lấn được cái làng này.
Báo cáo chiến sự hôm nay thì cho biết hôm qua Nga tấn công theo hai hướng: Posad-Pokrovs'ke và Zasillia. Nghe thì có vẻ như quân Nga tổ chức hai mũi tấn công gọng kìm về phía thành phố Mykolaiiv. Cơ mà từ hồi họ còn mạnh hơn nhiều còn chẳng tấn công được vào thành phố này, nữa là bây giờ khi cả vùng Kherson thuộc hữu ngạn sông Dnipro bị giam lỏng, không hiểu họ định tấn công để làm gì.
Tui nói thật lòng là quen đọc tài liệu quân sự Liên Xô rồi, cứ phải thấy các trận đánh to đùng ít nhất là chiếm… Kharkiv. Hôm trước chiếm Serevodonetsk và Lysychansk to bằng thị xã Bắc Ninh tui đã chán. Nay cố chiếm lại cái làng Blahodatne hình tam giác, đường cao 1,8 km còn cạnh đáy 1,4 km rồi làm inh ỏi lên, nghĩ đến quân đội thứ hai thế giới mà nản.
Còn đây là tin của 1 8h chiều hôm qua 25/08, theo giờ Kyiv:
• Địch cố gắng thực hiện trinh sát chiến đấu trong khu vực định cư Blagodatne, bị tổn thất và rút lui.
• Âm mưu tấn công của địch ở quận Tavriysky đã bị bóp nghẹt dưới hỏa lực của bộ đội ta và quân xâm lược phải rút lui.
Bình loạn: Ở Blagodatne thế là vẫn còn lằng nhằng chứ chưa thể nói ai chiếm được của ai.
Có một cuộc tấn công của quân Nga ở khu vực đường P47 nhằm thủ tiêu một mũi của quân Ukraine đã áp sát con đường này, nhưng không thành công. Các thiệt hại của quân Nga để làm rõ ngoài khả năng của chúng ta nhưng theo thông tin tui nắm được thì ở đây quân Ukraine đã đến rất gần sông Dnipro.
• Ở mặt trận Donbas, hôm kia, 24/08 làng Pisky vẫn đang có đánh nhau, hóa ra Nga và ly khai vẫn chưa chiếm được. Đến ngày hôm qua thì các diễn đàn Nga rầm độ đưa tin quân ly khai Donetsk đã chiếm được nó rồi.
Bình loạn: Đầu tháng Tám chúng ta đã nói chuyện về nó (làng Pisky) rồi nhỉ, thế mà bây giờ hết cả tháng đến nơi rồi mới nói chuyện chiếm được làng. Buồn cười nhất là trên video thì thấy làng cũng… bình thường thôi, nhưng truyền thông Nga thì thổi nó lên thành “pháo đài kiên cố bất khả xâm phạm của người Ukraine.”
Xin xem bản đồ kèm theo.
2. Tin đáng chú ý nhất của hôm qua là Nga đưa đến sát biên giới Ukraine 400 máy bay quân sự.
Hôm 15/07 tui có viết: bây giờ Nga muốn diệt được HIMARS thì chỉ có dùng không quân tại đây.
Và hôm qua có tin Nga đưa thêm 400 máy bay chiến đấu các loại đến sát biên giới với Ukraine, trong đó có rất nhiều Tu-22M3 mang theo tên lửa Kh-22. Trong các tài liệu quân sự của toàn thế giới đều ghi nhận tên lửa Kh-22 là một vũ khí khủng khiếp mà gần như không có khả năng chống lại nó. Ngay khi nghe tin này tui vào hóng mấy diễn đàn quân sự thì đọc thấy có một số ý kiến bàn ra tán vào, cũng xoay quanh khá nhiều động thái này của Nga, chứng tỏ đây là một việc rất đáng quan tâm.
Ngược dòng thời gian chút nữa, ngày 10/05 tui viết:
“Đêm qua (09/05) lần đầu tiên không quân Nga dùng máy bay ném bom chiến lược TU-22M3 bắn 6 quả tên lửa Kh-22 vào các mục tiêu ở các thành phố vùng Donetsk.
Bình loạn (Hôm 10/05): Tên lửa hành trình Kh-22 của Liên Xô được sản xuất từ những năm 1960 – 1970, do lỗi thời nên chúng trở nên khó vận hành và nguy hiểm. Do đó, ngay cả trước chiến tranh, theo các nguồn tin công khai, chúng được đưa vào tình trạng niêm cất, mặc dù về mặt chính thức, chúng vẫn trong danh sách phục vụ cho Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga.
Đây là loại tên lửa dùng nhiên liệu lỏng (cụ thể phân tích như thế nào chúng ta sẽ nhờ bạn Phùng bổ sung thêm) được thiết kế chuyên để tiêu diệt tàu sân bay và mặc định xác định mục tiêu tấn công là các tàu sân bay của hải quân Hoa Kỳ. Vì thế, nó có thể đạt tốc độ Mach 4 và mang theo đầu đạn nặng 1 tấn. Nó được phát triển chủ yếu để phóng từ máy bay ném bom TU-22 và Nga còn dùng cả TU-95 cho nhiệm vụ đó.
Việc Nga sử dụng loại tên lửa này được phía Ukraine phân tích: Việc dùng tên lửa chống hạm cỡ lớn như thế này để tiêu diệt các mục tiêu trên bộ, cho thấy Nga đã bắt đầu ngấm các đòn trừng phạt khi không thể bổ sung thêm được các tên lửa Iskander và Kalibr vào kho của mình.”
Bình loạn hôm nay:
Việc huy động số lượng máy bay chiến đấu lớn, cho thấy Nga đã trả lời những băn khoăn của chúng ta lâu nay là Nga chưa cho thấy họ có khả năng thay đổi tiến bộ về chất trong cách đánh – nghĩa là (1) Đánh tê liệt hoặc quý hơn là tiêu diệt các trung tâm chỉ huy của đối phương (2) Phá hệ thống thông tin liên lạc (3) Phá hủy hệ thống hậu cần của đối phương và (4) Chế áp pháo binh và phòng không đối phương. Muốn làm như vậy, Nga buộc phải có (1) Vũ khí có độ chính xác cao và khả năng vượt qua rào chắn phòng không và (2) Thông tin tình báo tin cậy và chính xác.
Ngược lại, chính người Ukraine lại đang làm rất tốt những yêu cầu trên đây, vì vậy khi bước vào giai đoạn 2,5 của cuộc chiến, họ đã dùng những vũ khí có độ chính xác cao bắn trúng những mục tiêu trọng yếu của quân Nga trên chiến trường.
Việc Nga huy động một lực lượng máy bay lớn cho phép chúng ta đưa ra những dự đoán như sau:
Thứ nhất: Ngay cả dùng thế mạnh của mình là pháo binh trong giai đoạn 2 của cuộc chiến, Nga dù có một chút kết quả nhưng cũng tỏ ra bế tắc. Những kết quả đó quá nhỏ bé so với thời gian kéo dài của trận chiến và tổn thất nhân mạng của cả hai bên, trong đó tổn thất của họ dù đã cố tình tiến chậm để khắc phục kiểu đánh sơ hở của giai đoạn một, nhưng vẫn rất cao.
Thứ hai: Nếu Nga bước vào giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến – như tui đã báo cáo các bác là Nga luôn ở tình thế không tấn công không được, vì chỉ dừng lại cố thủ là bị đánh lấn tiêu hao. Nhưng khả năng của pháo binh sẽ hạn chế hơn nhiều so với giai đoạn trước do các yếu tố: dự trữ giảm mạnh vì đã bắn hết từ 3 đến 4 triệu đạn pháo các loại, khả năng phục hồi sản xuất chưa chắc đã đáp ứng được, và những vấn đề nghiêm trọng về chất lượng của khí tài pháo phách không thể giải quyết được ngay lập tức.
Chúng ta cùng hình dung Nga dựa nhiều trên lực lượng pháo tự hành, phần lớn trong số chúng là hạng nặng 152 mm do đó khung gầm của xe tăng mà chúng lắp lên, hầu hết không thể chịu được một thời gian chiến đấu kéo dài hơn 2 tháng vận động liên tục trên hạ tầng giao thông bị tàn phá của Donbas. Tình trạng thiếu phụ tùng xe tăng như thế nào thì phụ tùng cho pháo tự hành, cũng y như thế. Sau đó là việc bắn liên tục với tần suất cao thì các vấn đề về nòng pháo của Nga cũng đã trở nên nghiêm trọng.
Thứ ba: Bất chấp những báo cáo liên tục của Bộ Quốc phòng Nga cho rằng đã phá hủy bao nhiêu hệ thống tên lửa phóng loạt HIMARS, nhưng mấy hôm vừa rồi hai cây cầu là Antonovsky và cầu đập thủy điện Nova Kakhovka vẫn bị Ukraine dùng HIMARS bắn hỏng sau những nỗ lực chữa chạy của quân Nga. Như vậy là ở đâu đó HIMARS vẫn hoạt động. Cách sử dụng chúng của quân Ukraine xin đọc lại : “Đến nay Ukraine nhận được bao nhiêu giàn HIMARS và sử dụng chúng như thế nào?”
Như vậy là khả năng rất cao là chẳng diệt được giàn HIMARS nào cả.
Thứ tư. Nga đã phải trông cậy đến thứ vũ khí vượt trội của mình so với đối thủ: hơn hẳn về các loại tên lửa, nhất là tên lửa hành trình và bây giờ là tên lửa chống hạm, sẽ được dùng để chống các mục tiêu mặt đất.
Tên lửa Kh-22 và phiên bản nâng cấp của nó, Kh-32 được trang bị năm 2016, là tên lửa cỡ lớn dẫn đường bằng vệ tinh (GLONAS) có tầm bắn trên 1.000 km và được cho là rất chính xác, với sai số trượt mục tiêu chỉ dưới 10 m. Đặc điểm của nó là đầu đạn nặng 1.000 kg, có sức nổ tương đương 700 kg TNT, khi nó bắn vào tàu chiến riêng động năng của nó đã có sức phá hủy rất lớn, và sau đó mới đến sức nổ. Vì thế nếu xác định được vị trí của đối phương, kể cả giàn HIMARS, họ bắn khoảng 2 – 3 quả vào đó thì dù không trúng nhưng mục tiêu cũng không có khả năng sống sót.
Có lẽ đây là phương án khả thi nhất và đáng sợ nhất của Nga đem ra trong thời điểm này, vì vấn đề của không quân Nga không phải ở chỗ là họ thiếu máy bay, mà ở chỗ họ thiếu vũ khí chính xác và thông minh. Đó là lý do họ thường phải đến gần mục tiêu, sà thấp để bắn và cắt bom cho chính xác và làm mồi cho các loại tên lửa phòng không vác vai.
Có một lý giải khả tín về số lượng máy bay Nga phải huy động đến: số lượng máy bay mới và đáng tin cậy về chất lượng kỹ thuật rất hạn chế, do đó họ phải bù bằng số lượng, cái này không bay được thì có cái khác.
Cho đến lúc này, nếu Nga sử dụng phương án bắn tên lửa từ các loại máy bay bay ngoài lãnh thổ của Ukraine thì cũng được tính tương đương với cách sử dụng HIMARS của Ukraine bây giờ: không cần bắn nhiều nữa mà bắn ít, chính xác, tiêu diệt gọn mục tiêu từ xa. Vấn đề sẽ nằm ở chỗ bên nào nắm được thông tin tình báo và triển khai nhanh kịp thời để khai hỏa.
Mọi thông tin đều có vẻ rất logic: máy bay cảnh báo sớm (AWACS) A-50 Beriev, máy bay tiếp dầu trên không IL-78 đều xuất hiện. Việc máy bay A-50 Beriev với bộ radar “Liana” (surveillance radar) của nó ra chiến trường với chức năng theo dõi cùng lúc được 10 mục tiêu là máy bay chiến đấu của đối phương và cũng có khả năng theo dõi những mục tiêu mặt đất rất tốt, cho phép không quân Nga sẽ có hỗ trợ tốt hơn về khía cạnh chỉ huy tác chiến. Cơ mà máy bay tiếp dầu thì hơi lạ: có vẻ khoảng cách từ các căn cứ không quân của Nga đến chiến tranh cũng không quá lớn, vậy các máy bay chiến đấu Nga đâu có cần tiếp dầu trên không lắm đâu?
Cơ mà việc có mặt trên bầu trời liên tục của AWACS thì rất cần thiết, vì thế nó mới là thằng cần được cho ăn uống ở trên không. Thực tế người ta đã ghi nhận những nguy hiểm đáng kể khi IL-78 tiếp dầu cho A-50 vì lái cái máy bay có cả cái ăng-ten chảo ở trên chắc cũng không dễ dàng gì. Máy bay Nga thì vốn không có chảo đã khó lái rồi á.
Vậy 400 máy bay có nhiều không? Đi hỏi một sĩ quan Ukraine thì anh ấy bảo: chúng ta có 1.400 km chiến tuyến, và 400 máy bay đó có phải tất cả là máy bay chiến đấu cả đâu. “Đó không phải là sức mạnh không quân!”
Tui ngẫm ra, à đúng thật. Nếu tính thô thiển họ có 350 máy bay chiến đấu thì 1 chiếc phải phụ trách mặt trận 4 km chiều rộng và chiều sâu là vài trăm kilômét. Chúng ta cùng hình dung là chiều rộng “đường của máy bay thương mại” trên trời là 20 km, và khi bay trong đó xác suất để máy bay gặp nhau là rất ít, chứ không có nhiều. Vậy muốn bao quát một chiến trường rộng 4 km sâu ví dụ 100 km, là 40 0km vuông với một máy bay chiến đấu là rất vất vả chứ không có đùa.
Một cách tính toán quá thô thiển – thật ra là người ta phải trinh sát mục tiêu rồi đánh điểm chứ ai lại chải chiến trường như lược bí chải chấy như thế. Và đây là kết quả.
Ngày hôm kia, có tin đồn là không quân Nga cho xuất kích 200 chuyến, bắn nhiều tên lửa và rocket vào các mục tiêu trên đất Ukraine. Đúng như tổng thống Zelensky đã báo trước, Nga có thể làm việc gì đó rất xấu xa, và họ đã bắn tên lửa vào nhà ga Chaplino ở vùng Dnipropetrovsk khiến ít nhất 22 người thiệt mạng. Theo Văn phòng tổng thống Ukraine, Nga đã tấn công vào nhà ga này 2 lần, một tên lửa vào ban ngày và bốn tên lửa vào buổi tối. Trong đó một quả làm hư hỏng phần phụ của đường sắt, ba quả tiếp theo rơi trúng nhà chờ của ga. Cú tấn công khiến 5 toa xe bị cháy. (Ảnh kèm theo)
Đến đây, chúng ta có thể ghi nhận những nỗ lực của quân đội Nga để xoay chuyển tình thế, nhưng cũng tin chắc là với độ bền của động cơ máy bay Nga thì số lượng nhiều khả năng là để bù cho chất lượng là chính thôi.
3. Bộ trưởng Quốc phòng Nga, “nguyên soái ván ép” Shoigu nói với truyền thông và báo chí rằng, họ tấn công chậm lại vì muốn bảo vệ dân thường. Ơ hay, trước đây các ông bắn như vũ bão thì bảo vệ bằng tay à?
Bảo vệ dân thường kiểu gì mà lại bắn vào nhà ga chết 22 hành khách như vậy? Liệu những luận điệu của Nga và bọn dư luận viên pro-Nga vẫn nói rằng Ukraine lấy dân làm lá chắn có đúng không?
Cần phải trả lời ngay rằng chỉ có điên mới làm như vậy, hay khó thế mà Nga cũng nghĩ ra được, cơ mà nó phù hợp với tuyên truyền của Nga là nhà nước Ukraine – một nhà nước phát-xít và đối xử với dân như kẻ thù. Nếu như vậy thì nhẽ ra người ta phải nổi dậy, đem bánh mì và hoa hồng ra đón quân Nga từ 25/02 rồi chứ.
Hôm kia nói chuyện với một người bạn trước học cùng, đã có thời gian công tác cả ở Nga lẫn Ukraine như một chuyên viên quan sát quân sự, anh ấy bảo: trình độ quân sự của Ukraine bây giờ dù có thể vẫn còn nghèo và thiếu thốn, nhưng đã rất giỏi. Chỉ cần đơn cử trình độ ngụy trang đã lên đến mức tuyệt hảo, vì họ xác định là sẽ phải đánh nhau với một quân đội rất mạnh là Nga.
Anh ta có dặn là đừng viết lên mạng, nhưng tui cứ viết, cho hắn chết: trong cuộc chiến tranh này càng về gần đây, Nga càng tỏ ra “thúc thủ” trong lĩnh vực tình báo, nhìn chung là mù kiêm điếc, nhất là khả năng trinh sát chiến trường bằng các phương tiện điện tử rất kém. Tiếp theo đó anh ấy nói một vấn đề cực kỳ quan trọng mà tui chưa bao giờ nghĩ đến, dù trên thực tế đã được đôi lần đưa tin: người ta bắt được sĩ quan Nga sử dụng bản đồ Ukraine in từ thập niên 1980.
Putox hóa ra nói đúng: “Nga chưa thực sự đánh nhau nghiêm túc.” Họ chưa hề chuẩn bị để đánh nhau với Ukraine đến cỡ này, cả về thời gian, quy mô và cường độ. Anh ấy bảo sĩ quan Nga quen còn nói: có bản đồ 1980 mà dùng đã là quá tốt, phần lớn là họ không có bản đồ, và mới chỉ được in ấn bổ sung trong thời gian gần đây và nếu nói đó là những tài liệu tham mưu thì quả là nực cười: chất lượng của chúng quá thấp.
Tui còn nhớ khi cầm trong tay một tấm bản đồ do cơ quan tham mưu quân đội Hoa Kỳ in vùng Ứng Hòa, Hà Tây năm 1971 rất ấn tượng vì nó chi tiết đến từng đống gạch, đống gỗ được xếp tạm… và theo mô tả của người dân thì nó chính xác 100%. Quân đội Hoa Kỳ mà đã như thế, thì quân đội Nga vốn là nhất trong nhiều phương diện, còn phải chi tiết và chính xác hơn.
Theo lời anh bạn thì đầu chiến tranh, quân Nga đã mù điếc về địa hình chiến trường như vậy, thì bây giờ với việc họ giấu biệt đi hết các mục tiêu quân sự, thì càng mù điếc hơn. Đó là lý do giải thích việc bắn hú họa không xác định được mục tiêu cụ thể của họ.
Vì vậy những vụ bắn vào ga tàu giết dân thường, khả năng cao là kết quả của những vụ bắn hú họa.
PHÚC LAI 26.08.2022
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.