Tuần rồi Hoa Kỳ tuyên bố cung cấp Ukraine thêm một gói viện trợ 775 triệu đô la. Trong gói viện trợ này bao gồm nhiều hàng nóng đủ loại. Và lần đầu tiên Ukraine nhận được 15 chiếc “Drone” không người lái tên “Diều hâu “quét” trinh sát” (Scan Eagle surveillance drone).
Mười lăm con diều hâu trinh sát này có khả năng dùng máy ghi hình đêm và ngày rất chi tiết và rõ nét để thẩm định tình hình chiến trường. Nó có thể bay xa 150 km, cao 6 km, và hoạt động lâu 20 tiếng đồng hồ.
“Diều hâu “quét” trinh sát” này do hãng Boeing chế tạo với giá “phải chăng” là 3,2 triệu đô la một con nhỏ nhắn mảnh mai. Con diều hâu này còn được chế tạo riêng cho các công tác dân sự như giúp tìm kiếm cá ngừ ngoài đại dương cho các công ty đánh cá. Nhà nước Việt Cộng có đặt mua 6 em, không biết model và với nhiệm vụ gì.
Ngoài món đồ chơi mới Diều Hâu Trinh Sát, Ukraine nhận 2.000 viên đạn đại bác chống tăng để dùng trong cuộc phản công ở mặt trận miền đông và nam. Song song với loại đạn đại bác nướng cua sắt, Ukraine được tái bổ sung với 1.500 hỏa tiễn chống tăng các loại và thêm 1.000 hỏa tiễn đột nóc huyền thoại Javelin. Chắc sắp sửa dự tính ăn tiệc cua rang hay sao?
Trong gói viện trợ này còn có thêm một số hỏa tiễn diệt ra đa AGM-88 HARM. Đây là một bửu bối của Không Lực Hoa Kỳ có khả năng làm mù mắt đối phương. Hoa Kỳ đã bắt đầu kín đáo viện trợ đồ chơi HARM này cho Ukraine hồi đầu tháng 8 và đạt được nhiều kết quả tốt. Một số mạng xã hội Nga đã lưu truyền hình ảnh những mảnh vỡ của hỏa tiễn AGM-88 HARM cách đây một tuần.
Tiền thân của HARM là AGM-45 và AGM-78 được dùng ở chiến trường Bắc Việt Nam. Phi công Mỹ lái các loại máy bay chiến đấu như A4, F105, F4 v.v... có danh hiệu là “con chồn hoang” (Wild Weasel) có nhiệm vụ mang hỏa tiễn diệt ra đa. Các “con chồn hoang” và xạ thủ các giàn SAM-2 của cộng sản Bắc Việt (CSBV) vờn nhau như mèo và chuột.
Xạ thủ Bắc Việt tắt ra đa để phi công “con chồn hoang” không thấy. Rồi đợi máy bay đi qua khỏi, bật ra đa lên bắn vào đít. Hỏa tiễn SAM-2 có tầm sát hại xa hơn hỏa tiễn diệt ra đa của “con chồn hoang”, và phi công Mỹ có sáng kiến là bay cao 35 ngàn bộ rồi ngóc mũi máy bay lên 45 độ khai hỏa thì lại có tầm sát hại xa hơn SAM-2.
Phi công “con chồn hoang” phải đi trước các phi tuần đánh bom ở Bắc Việt mấy phút, để dọn đường tiêu diệt các giàn SAM-2. Họ đùa giỡn với tử thần vì nếu thấy được SAM đang bay tới thì sẽ sống do hỏa tiễn SAM không bẻ cua gắt được. Nếu không thấy thì sẽ tan xác pháo. Phi công Mỹ cho biết khi SAM-2 khai hỏa rất dễ thấy vì nó thổi tung bụi mù.
SAM-2 không hiệu quả dưới độ cao 3.000 bộ, và nếu “con chồn hoang” xuống thấp dưới 3.000 bộ để tránh SAM-2 thì sẽ làm bia thực tập cho các ổ đại bác liên thanh của CSBV. “Con chồn hoang” có trọng trách mở đường đi đầu và là những chiếc máy bay cảm tử rời mặt trận sau cùng.
Sau chiến tranh Việt Nam, các hãng Texas Instruments, Raytheon Corporation, và Northrop Grumman, phát minh ra hỏa tiễn diệt ra đa AGM-88 HARM vào năm 1985. Phi công đảm trách các phi vụ tiêu diệt ra đa địch hiện nay không gặp hiểm nguy như những “con chồn hoang” thời chiến tranh Việt Nam nữa.
AGM-88 HARM có thể khóa các giàn ra đa ở khoảng cách 150 km. Động cơ hỏa tiễn không có khói nên rất khó phát hiện và có vận tốc 2 lần tốc độ âm thanh. Trong bộ não tìm kiếm mục tiêu của nó có thể nhận diện được nhiều tần số khác nhau của ra đa địch và các siêu tần số của các trung tâm hành quân.
Ngoài khả năng nhận diện các tần số phát sóng, AGM-88 HARM còn kết hợp với GPS của vệ tinh, ghi tọa độ vào bộ nhớ của nó, và cập nhật tọa độ nếu là mục tiêu di động như chiến hạm, các thiết giáp phòng không bắn bằng ra đa. Cho nên các xạ thủ phòng không Nga bắt chước đệ tử CSBV tắt ra đa để trốn, thì vẫn sẽ bị đi thăm bác Lê Nin kính mến như thường.
Đặc biệt AGM-88G-ER là hỏa tiễn diệt ra đa mới ra lò dành riêng cho máy bay tàng hình F-35 vì nó nhỏ hơn cho vừa vặn bên trong hầm bom. AGM-88G-ER có tầm xa gấp đôi là 300 km và vận tốc 4 lần tốc độ âm thanh. Ghi chú: hỏa tiễn phòng không S-300 của Nga có tầm xa khoảng 100 km tức là AGM-88 HARM đời cũ cũng đã bắn xa hơn S-300 rồi.
Một điều ngạc nhiên là chỉ trong thời gian rất ngắn Không Lực Ukraine đã kết hợp hỏa tiễn AGM-88 HARM vào máy bay MIG-29 của mình. Có nguồn tin cho biết máy bay MIG-29 của Rumani và Slovakia là thành viên của NATO đã được cải tiến theo tiêu chuẩn NATO để mang hỏa tiễn AGM-88 HARM, và hai quốc gia này đã chuyển giao các MIG diệt ra đa này cho Ukraine.
Một nguồn tin khác cho biết các chuyên viên kỹ thuật Mỹ đã giúp thiết kế dã chiến hệ thống phóng AGM-88 HARM bằng cái bảng nhỏ điện toán computer “tablet” trong phòng lái, độc lập với hệ thống điều khiển của máy bay. Vấn đề này rất phổ thông với máy bay Mỹ. Nhiều máy bay chưa kịp tân trang kết hợp các phần mềm điện tử mới phát minh vào phi cụ của máy bay, nên tạm thời sử dụng qua mấy cái “tablet” gắn thêm.
Cuộc chiến ở Ukraine không phải là đất dụng võ của không quân với các loại máy bay tối tân và những phi công thiện chiến có nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Máy bay Nga như đã thấy rồi, không có gì là ghê gớm cả mà nhiều người đã từng hiểu lầm mấy thập kỷ qua. Phi công Nga cũng rất yếu kém và họ sợ bay vào Ukraine sẽ bị bắn rớt. Còn Không Lực Ukraine cũng không có máy bay tối tân và hoạt động của họ rất giới hạn.
Cuộc chiến Ukraine là của pháo binh. Quân đội Nga dùng ra đa để phản pháo và để điều chỉnh đạn đạo của chính pháo binh họ. Ngày hôm nay Không Lực Ukraine có hỏa tiễn AGM-88 HARM để làm các giàn ra đa của Nga đui mù. Nga sẽ bớt đi khả năng bắn trả pháo binh của Ukraine. Sẽ không biết các giàn phóng lưu động M142 và M270 từ đâu bắn đi. Hỏa lực của Ukraine càng ngày càng chính xác và Nga thì quánh gió vì các ra đa của họ tan nát.
Nhiều người tru tréo lên là Mỹ Đế dùng Ukraine để thử đồ chơi mới. Tào lao. “Diều hâu “quét” trinh sát” 20 tuổi. AGM-88 HARM 40 tuổi. M142, M270, M777 v.v... toàn mười mấy tuổi trở lên. Đồ chơi mới hay cũ hỏng quan trọng bằng người lính chiến sáng tạo và anh dũng.
BÔNG LAU 21.08.2022
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.