(Tiếp theo)
Khi Nga tấn công vào Ukraine, một làn sóng lo ngại bao trùm châu Âu. Hai nước trung lập Thụy Điển, Phần Lan và hai nước cộng hòa Xô viết cũ Moldavie và Gruzia đều muốn gia nhập NATO.
Chủ nghĩa Đại Nga từng giăng móng vuốt của nó đến các nơi này. Phần Lan đã từng mất lãnh thổ cho Nga trong chiến tranh thế giới 2. Ở nước Moldavie nói tiếng Rumanie quân Nga đang đóng ở Transnitia, hỗ trợ quân ly khai gốc Nga từ 1992. Năm 2008, chỉ sau một tuần đánh nhau, Gruzia thất trận, chịu mất hai vùng ly khai Nam Ossetia và Abkhazia. Đó chính là những kịch bản y như ở Donetzk và Luhanzk mà Nga đã dàn dựng ở Ukraine.
Có nghĩa là Putin có thể tìm cách thôn tính các nước trong vòng ảnh hưởng bất cứ lúc nào, nếu muốn. Những cái cớ "NATO“, "Thân tây“, "Bảo vệ kiều dân“ chỉ lòe bịp được những kẻ nhẹ dạ.
Với một kẻ khổng lồ nguy hiểm như vậy thì các nước nhỏ làm gì cũng sai. Chỉ có 4 lựa chọn mà kiểu gì cũng có cái giá của nó.
A- Chấp nhận làm chư hầu.
B- Ngậm miệng, trung lập.
C- Hiện đại hóa, thoát Nga và theo NATO.
D- Cách C + Vũ trang để quyết chống lại.
Các nước Trung Á đều chọn A, Nga bảo hộ. Tajikistan nhờ Nga canh biên giới với Afghanistan. Khi Kazastan có biến, Nga đưa quân vào dẹp biểu tình hộ. Armenia phải nhờ Nga can thiệp giải quyết vụ Berg-Karabach
Phần Lan chọn cách B, trong khi ba nước Baltic tí hon không có lãnh thổ để thế chấp như Phần Lan thì phải chui vào NATO theo cách C.
Đó có thể là các lựa chọn ít sai nhất để sống bình yên.
Trong các nước cộng hòa của Liên Xô cũ, chỉ có Ukraine có đủ sức mạnh về người và của để thực hiện giải pháp D. Belarus mấp mé khả năng này nên đã chấp nhận làm chư hầu.
Ukraine với 45 triệu dân 600.000 km² không hề là nước nhỏ. Quan trọng hơn cả, đây là lò vũ khí lớn thứ nhì của Liên Xô, có khả năng sản xuất từ AK47 đến xe tăng, đại bác, tên lửa và máy bay cỡ lớn. Công nghiệp nặng Nga phụ thuộc rất nhiều vào nguồn máy móc, cấu kiện của Ukraine. Năm 1998, Ukraine xuất khẩu 732 triệu USD vũ khí, xếp thứ sáu toàn cầu[1]
Khi Liên Xô tan rã năm 1991, Ukraine có thu nhập bình quân theo sức mua (PPP) dưới 10.000 USD. bằng Ba-Lan. Năm 2020, Ba-Lan đạt hơn 34.000 USD, trong khi Ukraine vẫn ở mức 13.000 USD. Thoát Nga, dân chủ hóa và kinh tế thị trường minh bạch đã giúp Ba-Lan tạo ra khoảng cách này. Ukraine theo mô hình Nga, nhưng không có nhiều tài nguyên như Nga nên thành anh học trò kém. Chủ nghĩa tư bản thân hữu của các Oligarch đã làm suy kiệt nền kỹ nghệ. Năm 2020 xuất khẩu vũ khí Ukraine tụt xuống hàng 20, trong khi Nga vẫn đứng thứ nhì.
Một đất nước có tiềm năng kỹ nghệ nhưng suốt bao nhiêu năm chỉ nằm trong cái chăn ấm của Nga nên khi thấy chăn có rận, nhảy ra ngoài là chết cóng. Không chỉ nền kinh tế mà toàn bộ hệ thống chính trị, an ninh, quốc phòng của Ukraine bị Nga thao túng. Gián điệp của Nga cho đến hôm nay vẫn còn nằm sâu nhiều nơi [2]. Tổng thống Yanukovich bị cách mạng Maidan lật đổ tháng 2.2014, phải nhờ biệt kích Nga đến cứu mang về Nga tị nạn.
Mất Yanukovich là mất sân sau nên Nga ra tay chiếm ngay Crimea rồi gây hấn ở Donbas. Quân đội Ukraine bị Nga hóa đến mức án binh bất động. Quân Nga vào Crimea, Luhansk, Donetsk như vào chỗ không người.
Đến lúc đó người Ukraine bừng tỉnh và lo sợ, nhưng quân đội bất lực. Khi quân ly khai thân Nga chiếm cảng Mariupol tháng 4.2014, chính tiểu đoàn Azov, cánh tay trái của phong trào neonazi đã giải phóng thành phố và cứu quân chính quy [3]. Vai trò quan trọng của Azov trong cuộc chiến ở Donbas đã tạo cho Nga lý do “Xóa bỏ chủ nghĩa phát xít ở Ukraine”. Quân đội yếu, phải dựa vào Azov thường khiến Kyiv khó xử trước các chất vấn về nhân quyền.
Từ sau vụ Crimea, những vấn vương cuối cùng với Nga tan biến. Giới tinh hoa Ukraine quyết tâm cải cách hướng tây. Hướng tây ắt phải loại trừ ảnh hưởng của Nga. Nga coi đó là bài Nga, tăng sức ép, kích động người Nga ly khai nổ súng.
Vòng xoắn bạo lực này đã khiến Ukraine phải đi đến lựa chọn nghiệt ngã “Tái vũ trang để tồn tại”.
Ukraine từng yên tâm với “Ghi nhớ Budapest 1994”, trong đó Mỹ, Anh và Nga cam kết công nhận và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, Belarus và Kazakhstan để ba nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân. Nước nhỏ từ bỏ vũ khí hạt nhân vì không nuôi nổi nó là điều dễ hiểu. Nhưng xao nhãng luyện binh đao khi sống bên cạnh một kẻ đầy dã tâm là tự sát.
Giới lãnh đạo sau Maidan lập tức gấp rút canh tân đất nước, trước tiên ở quân đội, cảnh sát và mật vụ. Mỹ đã viện trợ quân sự và huấn luyện cho quân đội Ukraine các phương pháp tác chiến hiện đại nhất. Quân đội và tình báo Ukraine 2022 đã tiến một bước khá xa so với 2014. Nhưng việc mất Crimea với quân cảng Sevastopol, mất khu công nghiệp nặng ở Donbas và cuộc nội chiến kéo dài đã hạn chế đáng kể thành quả của tái vũ trang.
Ukraine có quân đội thường trực 200.000 người. Khi chiến tranh có thể huy động tới nửa triệu quân. Đó không phải là quân đội nhỏ. Tình báo Mỹ cung cấp cho Ukraine mọi thông tin về tập trung và hành quân của Nga, nhưng họ chỉ có cách chờ làn sóng đó tràn đến để tự vệ. Khi đó tổn thất sẽ rất lớn. Yếu điểm chết người của Ukraine là không có vũ khí tấn công.
Một quốc gia lẽ ra có thể là một cường quốc quân sự, nay phải đánh nhau theo kiểu du kích, phải cầu xin phương Tây viện trợ đủ thứ. Đó là một bi kịch.
Ở Phương Tây dân chủ, chính phủ chỉ tồn tại nhờ phiếu bầu của dân. Dù hò hét bảo vệ tự do dân chủ, họ chỉ hành động theo nguyên tắc: Ủng hộ Ukraine đến mức mà an ninh và mức sống của họ không bị ảnh hưởng khiến dân chúng bất bình.
Sự ích kỷ đó thể hiện rõ nét nhất ở Berlin, khi người ta ngần ngại cả việc cung cấp các vũ khí cũ của quân đội CHDC Đức đã tồn kho 32 năm qua. Ngay cả nước tiền tuyến như Ba-Lan cũng không dám cung cấp trực tiếp máy bay MIG-29 cho Ukraine. Hungary nằm sát Ukraine nhưng chính phủ dân cử của Orban vẫn đi đêm vơi Putin. Điều đó sẽ xảy ra ở Pháp nếu Le Pen thắng Macron cuối tháng này.
Không phải ở phương Tây mọi thứ đều tốt đẹp.
Nhưng dù sao đi nữa thì dân chủ vẫn là dạng nhà nước tiến bộ nhất hiện nay, và người Ukraine đã lựa chọn con đường đó. Dân tộc 45 triệu người không dễ bị lừa bịp. Họ cải cách theo mô hình EU vì đã có kinh nghiệm sống 72 năm trong nền chuyên chế xã hội chủ nghĩa và 30 năm trong một chế độ mà chính trị thì phụ thuộc vào ngoại bang, kinh tế chỉ chộp giật và chia nhau ăn hỏa hồng.
Dù thời gian ngắn, nhưng 8 năm cải cách đã đem đến những thành quả không ngờ: Ukraine đã chặn đứng được cuộc xâm lăng của Nga. Putin đã nhầm khi nghĩ rằng mọi việc sẽ ngon như 2014.
Giá như những cải cách hiện nay được tiến hành sớm hơn, từ những năm 1990, khi Nga còn ngập trong khủng hoảng và được lãnh đạo bởi ông già nát rượu Jelzin thì nay Ukraine đã đủ sức đánh phá tận gốc các căn cứ xuất phát của cuộc xâm lăng. Không quân đã làm chủ không phận, kinh tế có đủ hạ tầng để hỗ trợ chiến tranh. Điều quan trọng hơn nữa là mức sống, nền văn minh và chế độ dân chủ sẽ khiến cộng đồng Nga ở đây không có lý do gì ly khai để chuốc đau khổ.
Putin chọn đánh vào Ukraine vì coi đó là mắt xích yếu nhất trong vành đai các nước dân chủ bao quanh Nga. Nhưng nếu nhìn thấy một quân đội Ukraine trang bị gấp 4-5 lần như hiện nay, mạnh cả về phòng thủ lẫn tấn công thì dù không có NATO, ông ta chưa chắc đã dám.
Nay Ukraine chỉ còn một lựa chọn, tuy nghiệt ngã nhưng sẽ phải đi đến cùng. May mà họ có tiềm lực và tầm cỡ để làm điều đó.
…
Việt Nam với 100 triệu dân cũng không thể nấp dưới cái vỏ “dân tộc nhỏ” để được sống nhược tiểu, luồn cúi. Luôn bị Trung Quốc đè nén mà lại học theo Trung Quốc thì sẽ chỉ là anh học trò tồi.
Cách tốt nhất để Bắc Kinh cụt hứng khi nhìn về phương Nam là hình ảnh một quốc gia có móng vuốt. Móng vuốt ở đây không chỉ là tiềm lực quốc phòng, một thể chế văn minh có sức đề kháng cao, một xã hội dân sự mà Trung Quốc chưa biết đến, mà còn là các đồng minh mạnh.
Đồng minh mạnh, bạn tốt chỉ có thể có khi anh đứng về phía chính nghĩa. Cách bỏ phiếu của Việt Nam về Ukraine trong 3 lần vừa qua chứng tỏ Việt Nam vẫn chưa dám đứng về phía hòa bình và dân chủ.
Đó cũng là một lựa chọn nghiệt ngã.
THỌ NGUYỄN 13.04.2022
[1] https://www.theglobaleconomy.com/rankings/arms_exports
[2] Một gián điệp trong phái đoàn đàm phán với Nga vừa bị cơ quan tình báo Ukraine khử cuối tháng 3 vừa rồi.
[3] Quân đội Azov là nhánh quân sự của phong trào cực hữu thân phát xít Azov. Sau những cáo buộc của Mỹ về các vi phạm nhân quyền, chính phủ Poroschenko đã đưa nó vào biên chế quân đội Ukraine để khống chế. Nhánh thứ hai là lực lượng chính trị thì không có vai trò đáng kể trong xã hội. Bầu cử 2019 chỉ đạt 2% số phiếu.
Thọ Nguyễn - Ukraine, những nhận thức mới
Thọ Nguyễn - Ukraine, hoa hướng dương
Thọ Nguyễn - Ukraine, phát xít và phát xít mới (Fascism – Neonazi)
Thọ Nguyễn - Ukraine, giấc mơ Antonov
Thọ Nguyễn - Ukraina, cuộc chiến của lương tâm
Thọ Nguyễn – Ukraina, tuy xa mà gần
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.