jeudi 14 avril 2022

Chiến tranh Ukraina: Vì sao Nga quyết chiếm Mariupol ?


Đăng ngày:

Ngay từ khi khởi đầu cuộc chiến hôm 24/02/2022, quân Nga đã tấn công dồn dập vào Mariupol, khiến thành phố cảng này hầu như biến thành đống gạch vụn. Ngày 12/04, cố vấn tổng thống Ukraina, Mykhailo Podoliak khẳng định cuộc tấn công của Nga đã làm « hàng mấy chục ngàn người chết » và phá hủy « 90 %» căn nhà. Quân Nga liên tục oanh kích vào lực lượng Ukraina đã gần như không còn đạn dược, lương thực, nhưng vẫn từ chối đầu hàng. Vì sao Matxcơva muốn chiếm Mariupol cho bằng được ?

Để bảo đảm « non sông liền một dải »

Ông Alexandra Goujon, đại học Bourgogne nhấn mạnh, khá logic khi Mariupol là ưu tiên hàng đầu, vì thành phố này nằm cách đường tiếp giáp giữa Nga và Ukraina chỉ 15 kilomet.

Mariupol ở cách Crimée, bán đảo bị Nga cưỡng chiếm năm 2014, khoảng 350 km về hướng đông bắc, và cách Donetsk 100 km về phía nam. Donetsk và Luhansk là thủ phủ của hai nước cộng hòa tự xưng thuộc Donbass, nằm gần biên giới Nga. Chiếm được Mariupol, Nga sẽ nối liền Crimée với Donbass. Theo Carole Grimaud-Potter,  giảng viên địa chính trị Nga của trường đại học Monpellier, « đó là chốt cuối cùng cần phá hủy để chiếm được toàn bộ miền nam và miền đông Ukraina ».

Nắm được Mariupol, Matxcơva sẽ kiểm soát khoảng 80 % vùng duyên hải Ukraina ở biển Azov. Nga sẽ ngự trị trên vùng biển mở ra Hắc Hải, và biển này sẽ trở thành nội hải của Nga. Alexeï Malachenko, Viện Đối thoại giữa các nền văn minh nói với AFP : « Nếu thành công, Nga chẳng phải nể nang ai, có thể đưa vào đây tất cả những gì mình muốn, như tàu ngầm nguyên tử chẳng hạn ».

Để cắt đi lá phổi kinh tế của Ukraina

Mariupol là cảng lớn thứ nhì của Ukraina, sau Odessa. Nhà nghiên cứu Jean-Sylvestre Mongrenier của Viện Địa chính trị nhắc lại: «Các cảng lớn Mariupol và Berdiansk chiếm 20 % xuất khẩu của Ukraina ». Từ Mariupol, Ukraina xuất khẩu thép, than đá, bắp sang các nước Bắc Phi.

Alexandra Goujon cho biết : « Cảng này quan trọng đối với Ukraina vì giúp xuất khẩu lúa mì, và có các nhà máy luyện kim lớn ». Một trong những nhà máy quan trọng nhất, Azovstal, đã bị phá hủy hôm 20/03, gây « thiệt hại kinh tế rất lớn » cho đất nước, theo một nữ dân biểu Ukraina. Và từ đó đến nay, những trận đánh vẫn diễn ra tại địa điểm nhà máy luyện kim rộng lớn này.

Chiến tranh đã làm việc du hành trên biển Azov trở nên rất khó khăn. Hôm 01/03, tức sáu ngày sau khi Nga khởi đầu cuộc xâm lăng, gần 170 chiếc tàu đã bị kẹt lại trên biển, trong đó có một số đang chở ngũ cốc, gây tác động lập tức lên giá lúa mì thế giới. Alexandra Goujon nói : «Trước chiến tranh, Nga đã làm mọi cách để hạn chế thương mại từ Mariupol, và ngăn trở hàng hóa đưa đến đây ». Còn theo Carole Grimaud-Potter, Mariupol và vùng phụ cận rất giàu tài nguyên dưới lòng đất, nhất là lithium và vàng, nên vùng này « thực sự quan trọng về nguồn lợi hầm mỏ ».

Để có được một chiến thắng mang tính biểu tượng

Chiếm được Mariupol sẽ là một chiến thắng mang tính biểu tượng cao cho Vladimir Putin, khi quân Nga bị sa lầy và không chiếm nổi Kiev như dự tính, đành phải chuyển mục tiêu sang « giải phóng Donbass ». Đối với điện Kremlin, Mariupol thất thủ sẽ mang lại dấu ấn lớn. Vào lúc tấn công Crimée năm 2014, thành phố này đã bị lực lượng ly khai do Nga chống lưng dòm ngó. Mariupol rơi vào tay phe ly khai một thời gian ngắn, rồi được giải phóng, chủ yếu nhờ tiểu đoàn Azov, đơn vị bị Matxcơva coi là có những thành phần tân quốc xã.

Cho dù là nơi tạm cư của những người di tản sau khi thủ phủ Donetsk mất kiểm soát, Mariupol « được cho là thân Nga, với nhiều công ty buôn bán cả với Ukraina lẫn Nga », theo Tatiana Kastouéva-Jean của IFRI. « Dành số phận tử đạo cho một thành phố thân Nga, nói tiếng Nga quả là đáng chú ý ». Rất có thể Matxcơva muốn dùng Mariupol làm ví dụ để răn đe.

Giờ đây thành phố hầu như hoàn toàn bị hủy diệt, trong khi trước chiến tranh Mariupol « rất năng động, đang trong giai đoạn hiện đại hóa » - theo Alexandra Goujon. Tướng Richard Barrons, cựu tham mưu trưởng Bộ chỉ huy liên quân Anh quốc nhận định : « Nga không thể tiến vào Mariupol bằng những chiếc xe tăng, khi họ đã biến thành phố này thành tro bụi ».

Để phục vụ cho tuyên truyền « phi quốc xã hóa » Ukraina

Một trong những lý lẽ được Vladimir Putin đưa ra để biện minh cho cuộc xâm lăng là mục tiêu « phi quốc xã hóa » Ukraina. Alexandra Goujon cảnh báo : « Từ ngữ "phi quốc xã hóa" được sử dụng với mục đích tìm kiếm một lý do cho cuộc chiến tranh này, và gieo rắc hoài nghi trong công luận quốc tế ». Theo luận điệu của Kremlin, tiểu đoàn Azov là biểu tượng cho phe quốc xã thống trị Ukraina. Trong khi đó lý do chiến đấu của đơn vị này là giải phóng Mariupol, qua đó Azov đã được biết đến nhiều hơn.

Cũng theo Alexandra Goujon, ngày nay tiểu đoàn Azov « được cho là những người bảo vệ thành phố », cho dù « giới lãnh đạo chính trị Mariupol hoàn toàn không phải cực hữu ». Nếu đè bẹp được đơn vị này ở Mariupol, Matxcơva sẽ vận dụng được cái cớ « phi quốc xã hóa » cho việc xâm lược quốc gia láng giềng: « Mariupol, bởi vì ở đó có tiểu đoàn Azov ».

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.