Ngày 24 tháng 9 năm 2017, ông Nguyễn Trung, cựu đại sứ Việt Nam tại Thái Lan phổ biến một “thư kiến nghị” mà ông gọi là “kiến nghị tâm huyết” gởi trung ương đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN).
“Tâm huyết” vì trong “kiến nghị” khá dài đó ông đã trình bày một cách chi tiết các lý do lịch sử, các yếu tố khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng đất nước đầy dẫy những thất bại, và kết luận bằng những điểm cần phải làm ngay.
Trong khoa học xã hội, có hai phương pháp để trình bày ra một luận cứ. Phương pháp thứ nhất nhằm chứng minh mình đúng và mọi quan điểm khác sai, và phương pháp thứ hai nhằm phân tích tình trạng bế tắc trước khi đưa ra một giải pháp dung hòa. Ông Nguyễn Trung chọn phương pháp thứ hai khi viết “thư kiến nghị”.
Thất bại lớn nhất của đảng theo ông Nguyễn Trung là thất bại “của 42 năm đầu tiên độc lập thống nhất đất nước phải hứng chịu về nhiều mặt chính là thất bại của việc lấy chủ nghĩa chà đạp trí tuệ và các giá trị của tự do – dân chủ - quyền con người. Là do người nắm quyền giành được một số lợi ích phe nhóm nhưng phải hủy hoại nhiều lợi ích quốc gia và lợi ích của dân tộc. Là thất bại của xây dựng chủ nghĩa xã hội - với kết quả gặt hái được là để mọc lên trên đất nước ta hôm nay một chế độ toàn trị khắc nghiệt, nhưng đối với bên ngoài độc lập 42 năm mà vẫn chưa độc lập! “
Kết luận, ông cựu đại sứ đề nghị thẳng cho Nguyễn Phú Trọng, “với trách nhiệm là người giữ cương vị cao nhất trong đảng” chuyển đổi đảng CSVN thành “đảng của dân tộc”.
Trước hết người viết công nhận ông Nguyễn Trung đã dành hết tâm huyết để viết bản kiến nghị dài. Độc giả có thể đọc “thư kiến nghị” của ông bằng cách google tựa đề “Cùng nhau mở con đường cải cách, đưa đất nước vào thời kỳ phát triển mới.“
Trước khi bàn đến chuyện đúng hay sai, phải thừa nhận ông Nguyễn Trung, 82 tuổi khi viết “thư kiến nghị”, là một người đáng kính trọng. Trong lúc hàng vạn “tiến sĩ”, “trí thức”, “giáo sư”, “nhà văn”, “nhà thơ”, “nhà báo” nằm im như hến trong rổ của mấy bà ngoài chợ, ông Trung đã cất lên tiếng nói bằng tâm huyết của một người ưu tư đến vận nước.
Rất tiếc ông Trung sai về cả lý luận lẫn thực tế.
Về lý luận, sự ra đời của các nhà nước cộng sản trên thế giới không phải là kết quả của một tiến trình chuyển hóa xã hội theo lý luận “năm hình thái sản xuất”.
Theo Mác, cách mạng bùng nổ do các mâu thuẫn đối kháng trong xã hội không còn có thể khoan nhượng mà chỉ còn cách triệt tiêu nhau. Friedrich Engels gọi đó là “quy luật lượng chất” trong triết học duy vật lịch sử. Tuy nhiên, chưa có một nhà nước cộng sản nào, kể cả Nga, ra đời như kết quả của cách mạng vô sản, trong đó giai cấp vô sản tiên tiến chiếm số đông và một nền kinh tế tư sản phát triển đạt đến một mức xã hội hóa cao chín muồi cho cách mạng vô sản.
Chính bản thân ông tổ của chủ nghĩa Lênin, một tháng trước “Cách Mạng Tháng Mười” còn chưa biết “cách mạng” sẽ bùng nổ tại Nga. Milovan Djilas viết trong Giai Cấp Mới trích dẫn từ Lênin Toàn Tập, Lênin nói như trối trước các đảng viên đảng Xã Hội Thụy Sĩ vào tháng Giêng, 1917 như sau: “Những người già cả như tôi sẽ không được nhìn thấy những trận chiến quyết định của cuộc cách mạng tương lai”.
Nhưng sự thất bại của Nga Hoàng trong Thế Chiến Thứ Nhất, khủng hoảng chính trị sau “Cách Mạng Tháng Hai” dựng nên “chính phủ lâm thời” do Aleksandr Kerenskii lãnh đạo, đã giúp Lênin nhiều cơ hội và ông ta chụp lấy cơ hội một cách nhanh chóng để làm nên “Cách Mạng Tháng Mười” theo lịch Julian tức tháng 11, 1917 Dương Lịch.
Như vậy có thể nói, sự thành công của “Cách Mạng Tháng Mười” là kết quả của cơ hội chủ nghĩa, bộ máy tuyên truyền tinh vi và chính sách khủng bố không nhân tính theo sau.
Về mặt thực tế, chưa có một đảng cộng sản nào tự nguyện thay tên đổi họ thành “đảng dân tộc” một cách hòa bình để “cùng với nhân dân mở ra trang sử mới đổi đời này của đất nước” như ông Nguyễn Trung mong muốn.
Cộng sản Đông Đức sụp theo “Bức tường Berlin”, cộng sản Ba Lan sụp nhờ cuộc đấu tranh bền bỉ của Công Đoàn Đoàn Kết, cộng sản ba nước vùng Baltic sụp do phong trào độc lập “thoát Liên Xô”, cộng sản Tiệp sụp nhờ Cách Mạng Nhung, cộng sản Hungary, Bulgary và Albany sụp vì sức đẩy của phe đối lập mạnh hơn khả năng bám vào quyền lực của đảng Cộng sản. Cộng sản Romania sụp sau cái chết của vợ chồng Nicolae Ceaușescu, cộng sản Mông Cổ sụp do các cuộc biểu tình của các bạn trẻ trong phong trào dân chủ, cộng sản Ethiopia sụp sau khi nhà độc tài Haile Mariam Mengistu bị lực lượng của Mặt Trận Dân Chủ Ethiopia đánh bại và phải bỏ trốn khỏi thủ đô Addis Ababa.
Tóm lại, các chế độ cộng sản chỉ có thể bị lật đổ bằng cách này hay cách khác, chứ chưa có một lãnh đạo cộng sản nào tự nguyên bước xuống khi họ đang trong thế mạnh.
Ngay cả Mikhail Gorbachev, một lãnh đạo có đầu óc tiến bộ được cả thế giới ca ngợi nhưng khi còn là tổng bí thư Liên Xô cũng tìm nhiều cách để bảo vệ Liên Xô, chứ không nghĩ đến việc từ chức sớm, thay đổi tên đảng hay giải tán đảng Cộng sản để thành lập một đảng khác. Ông ta chỉ từ chức khi Liên Xô, một liên bang rộng nhất thế giới đã không còn một tấc đất cắm dùi. Ngay cả căn phòng, chiếc bàn, cái ghế nơi ông ngồi tuyên bố từ chức hôm đó cũng đã thuộc vào Cộng Hòa Nga.
Trong buổi phỏng vấn dành cho ký giả Jonathan Steele của báo The Guardian nhân dịp đánh dấu 20 năm sụp đổ của Liên Xô, khi được hỏi điều gì đã làm ông hối tiếc nhất Gorbachev trả lời lẽ ra ông nên rời bỏ đảng Cộng sản sớm hơn.
Cũng theo báo The Guardian “Gorbachev nói, lẽ ra ông nên từ chức vào tháng Tư năm 1991 và thành lập một đảng dân chủ cải cách.”
Sau hai mươi năm suy nghĩ Gorbachev mới biết chọn lựa ông đã nên làm. Trong hồi ký xuất bản năm 1996, Gorbachev không viết về điểm này.
Một lãnh đạo tiến bộ và có tầm nhìn rộng như Gorbachev đã không nghĩ ra lúc đó. Lý do là quyền lực. Con sâu quyền lực đục vào tận xương tủy của các lãnh đạo cộng sản, dù người đó là ai. Gorbachev chỉ là con người, và hơn ai hết ông biết có quyền lực là có tất cả. Trong thời điểm Liên Xô đang dầu sôi lửa bỏng mà Gorbachev vẫn dắt gia đình đi nghỉ mát, để rồi sự nghiệp suýt tan thành mây khói nếu không có Boris Yeltsin cứu vãn. Sau này ông cũng hối hận về chuyến đi nghỉ mát này.
Trong các đảng cộng sản trên toàn thế giới, đảng CSVN là đảng chịu đựng nhiều thiệt hại nhất để chiếm được quyền lực trên phạm vi cả nước Việt Nam ngày 30 tháng 4, 1975.
Con đường của đảng CSVN, bắt đầu từ luận cương của Lênin và luận cương Trần Phú cho đến thời kỳ hưởng thụ như Tô Lâm và giới cộng sản cai trị tại Việt Nam đang làm, đã được tưới bằng máu không chỉ của các thế hệ đảng viên mà cả máu của nhiều triệu người Việt do bùa mê “chống Mỹ cứu nước” gây ra.
Dù trải qua con đường máu rất dài, từ 1975 giang sơn Việt Nam này đã thuộc vào đảng và dân tộc Việt Nam này đã thuộc vào quyền sinh sát của đảng.
Ngày nay, các thế hệ lãnh đạo CSVN đang sống trong thời kỳ hưởng thụ. Những người như Tô Lâm, 18 tuổi vào năm 1975 và có cha là “anh hùng các lực lượng võ trang nhân dân”, thừa hưởng gia sản của các lớp cộng sản đi trước.
Các lãnh đạo CSVN ngày nay chẳng quan tâm và chưa chắc đã biết gì nhiều về những vấn đề thuộc phạm vi ý thức hệ. Với họ Mác, Lênin, Mao, Hồ đều chết hết chỉ những ông chủ, bà chủ ngân hàng là còn sống.
Trách nhiệm của ban tuyên giáo là để tẩy não các em nhỏ như hoa hậu Đỗ Thị Hà chứ không phải họ. Họ có thể đọc, có thể xem bất cứ sách vở, nguồn tin, báo chí, phim ảnh nào họ muốn. Vợ con họ đi Mỹ, đi Pháp như đi chợ và mua sắm tại những tiệm đắt giá nhất thế giới.
Việc đặt vòng hoa trên mộ Mác của Tô Lâm chỉ là đóng kịch. Cách ăn uống tối hôm sau mới là đời sống thật của giai cấp chủ nô đỏ tại Việt Nam. Do đó, nói chuyện “buông đao thành Phật” với họ chẳng khác chi “nước đổ đầu vịt”.
Một thành phần không nhỏ trong 97 triệu dân Việt ngày nay là nô lệ sống nhờ sự bố thí của đảng. Thời nô lệ ở Mỹ có “Luật Đen” (Black Codes), thời CSVN có “Luật Hình Sự”. Cả hai đều do giới cai trị đặt ra để trừng phạt những người bị trị.
Nhìn cảnh hàng trăm ngàn người Việt thất tha thất thểu trên đường tay ẵm em bé mới sinh, còn đau lòng hơn nhìn những bức ảnh của người nô lệ da đen ở Mỹ 400 năm trước đây. Người nô lệ ở Mỹ mất quê hương và người Việt cũng thế, khác chăng người Việt mất quê hương ngay trên chính quê hương mình.
Trong mùa dịch, trên thế giới có hàng trăm chính khách, nghị sĩ, bộ trưởng, thứ trưởng bị mất chức, bị phê bình hay phải từ chức chỉ vì mắc phải những lỗi lầm rất nhẹ như dắt con cái đi tắm biển vào ngày các con được nghỉ học. Việt Nam thì khác. Tô Lâm ăn “thịt bò dát vàng” với hóa đơn lên đến hàng chục ngàn bảng Anh, xong về lại Việt Nam tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra.
Càng mỉa mai hơn vài hôm sau chính Tô Lâm lại đăng đàn hô hào chống tham nhũng. Một người có thể tự chửi mình một cách công khai như thế chỉ có ở Việt Nam.
Sở dĩ Tô Lâm nói không ngượng miệng bởi vì đám “cán bộ chống tham nhũng” ngồi nghe bên dưới cũng đều là những diễn viên trong các vai phụ trên sấu khấu chính trị đầy chất bi hài, băng hoại và thối nát của Việt Nam thời cộng sản.
Cung đình của tổng bí thư gốc thợ rừng Nông Đức Mạnh, biệt thự của tổng bí thư gốc nông dân Lê Khả Phiêu, khu mộ 55 ngàn mét vuông của Trần Đại Quang là những điều dễ thấy, dễ chứng minh cho tội ác của đảng CS. Rất nhiều thứ khác như bất động sản giấu tên hay những con số trong ngân hàng ở ngoại quốc chỉ có thể được công khai hóa sau khi chế độ cáo chung.
Dù sao người viết cũng cám ơn ông Tô Lâm đã xát muối vào vết thương của những người Việt còn chút lương tâm, còn biết đau cho số phận của đồng bào bất hạnh, còn quan tâm đến tương lai dân tộc. Để hy vọng từ đó họ sẽ có một thái độ dứt khoát, một hướng đi phù hợp với thời đại và nhất là đừng kỳ vọng gì vào sự thay đổi của đảng CSVN.
TRẦNTRUNG ĐẠO 04.12.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.