Không ít người bênh giáo sư Thêm đã về hùa với ông ta, nói rằng bỏ lễ là đúng. Họ cũng như ông Thêm, đánh đồng lễ với nho giáo, với phong kiến, với sự kìm hãm bằng tôn ti trật tự để trói buộc con người.
Họ không cần biết người Việt cả nghìn đời nay đã biến lễ vốn từ sự tuân phục, cung kính giáo điều, chấp nhận sự ngoan ngoãn tẻ nhạt, thành đạo đức, văn hóa, lối sống, thái độ sống, hành vi sống tốt đẹp.
Có thể nói không ngoa rằng, người Việt hiện nay còn được người nước khác yêu mến, nể trọng, thì phần rất quan trọng là nhờ thứ “lễ-đạo đức-văn hóa” ấy, chứ không phải do giỏi đánh nhau.
Lại kể chuyện hồi tôi qua Thái Lan, mọi người trong đoàn khách Việt sau cuộc chiêm quan đã có những nhận xét khác biệt về đất Thái, nhưng đều nhất trí với nhau rằng người Thái Lan rất đáng yêu dễ mến. Họ luôn đối xử với nhau và với khách nước ngoài bằng sự nhẹ nhàng, mềm mỏng, ân cần, dịu dàng, gần như chẳng thấy cau có, mặt nặng mày nhẹ, lớn tiếng, cục súc, chửi bới bao giờ. Không có bún quát cháo chửi, không hề thấy vênh mặt lườm nguýt du khách…
Thái Lan không bị ảnh hưởng nho giáo nặng đậm như Việt Nam, nhưng họ có thứ lễ riêng trong mọi mối quan hệ xã hội rất đáng tự hào. Đó chính là thứ tạo nên bản sắc đẹp đẽ cao quý của người Thái, chứ không phải như ai đó là vênh váo về chuyện giỏi đánh nhau, “tự hào đánh thắng ba đế quốc to” này nọ.
Điều rất dễ thấy, ở xứ ta, những tộc họ, gia đình chú trọng đến lễ, nền nếp, lễ giáo để giáo dục con cái luôn được cộng đồng, xã hội kính trọng. Bản thân tộc họ, gia đình ấy cũng rất thành đạt, hạnh phúc. Những gia đình vô lễ, có thể vẫn có con cháu giỏi giang thành đạt, giàu có, nhưng nhận được sự kính trọng của xã hội thì dứt khoát không xảy ra. Ở đâu cũng vậy, chứ không phải riêng xứ này. Lễ là thứ mang đặc trưng người nhất trong ngũ thường “nhân nghĩa lễ trí tín”.
Chắc nhiều người đã đọc và ưa thích cuốn truyện nổi tiếng của nhà văn Ý Edmondo De Amicis. Cụ Hoàng Thiếu Sơn dịch là “Những tấm lòng cao cả”, cụ Hà Mai Anh chuyển ngữ thành “Tâm hồn cao thượng”. Để dạy con có tư cách, lớn lên thành người tử tế, trộm nghĩ tủ sách trong mỗi gia đình chỉ cần cuốn này cũng đủ.
Sách kể về những tấm lòng, tâm hồn, tình cảm, thái độ, cách đối nhân xử thế của con người, dù là ai chăng nữa, vị bá tước, thầy hiệu trưởng, thầy cô giáo, các phụ huynh, người bán than, những đứa trẻ nghèo… đều toát lên vẻ đẹp của cái mà chúng ta gọi là lễ. Nước Ý từ cổ xưa tới giờ không bị nho giáo thâm nhập, không chịu ảnh hưởng của tư tưởng học thuyết phong kiến phương đông nhưng rõ ràng “lễ” đã thấm sâu vào con người, tạo nên thứ đạo đức, giá trị con người tuyệt vời.
Năm 1977 tôi vào miền Nam nhận việc, bắt đầu cuộc mưu sinh của mình. Điều may mắn là được ném vào đời trong một hoàn cảnh, môi trường, đối tượng tiếp xúc hoàn toàn mới, khác rất nhiều so với cuộc sống, xã hội mà chính mình đã trải qua, chứng kiến.
Không mất nhiều thời gian, đám “bên thắng cuộc” chúng tôi nhận ra một sự thật kinh hoàng (tôi dùng chữ kinh hoàng, bởi khi ấy chúng tôi vẫn ngấm ngầm coi mình thuộc phe thắng): người trong này (miền Nam) lễ hơn nhiều so với ngoài mình, dù ở gia đình, nhà trường, nơi làm việc, cộng đồng xã hội. Không thể bảo có được vậy nhờ nho giáo, bởi nho trong Nam nhạt hơn nhiều, trong khi nho xứ Bắc cực đậm.
Ngẫm, thứ giá trị tốt đẹp của con người mà chúng tôi giác ngộ được rõ ràng do chế độ, do nền giáo dục nhân bản. Rất tiếc, nền giáo dục ấy đã bị xóa gần sạch và thay thế bằng thứ mà chúng ta đang chứng kiến hôm nay. Cuộc “Bắc hóa” mà người cộng sản áp đặt ở miền Nam về tư tưởng, lối sống, cách giáo hóa con người đã làm biến mất rất nhiều giá trị tốt đẹp của miền Nam. Đó là sự thực. (Còn tiếp)
NGUYỄNTHÔNG 08.12.2021
Ảnh: Biểu hiện cụ thể về lễ của người Nam Bộ (Nguồn: Internet)
Nguyễn Thông - Văn hóa (2)
Nguyễn Thông - Văn hóa (1)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.